Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

ChatGPT và 8 bài học đắt giá cho người làm nghề viết (Phần 1)

Sự xuất hiện của ChatGPT và các công cụ generative AI đã giúp quá trình viết lách trở nên nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, AI có khả năng sản xuất một bài viết chất lượng hay không?

* Nội dung bài viết được lược dịch và biên tập từ bài viết gốc “What AI Teaches Us About Good Writing” của bà Laura Hartenberger, Nhà văn kiêm Giảng viên Writing Programs tại trường Đại học California.

Viết lách đôi khi có thể là công việc rất khó khăn, đến nỗi không ít nhà văn đã đặt ra thuật ngữ writer’s block, nhằm miêu tả về giai đoạn thử thách và bế tắc khi không biết phải viết gì. Bên cạnh đó, không ít người làm nghề viết thường tranh cãi rằng liệu khả năng viết tốt thuộc về thiên phú bẩm sinh, hay là có thể luyện tập được. Công việc viết lách đòi hỏi sự tập trung cao độ trong thời gian dài và nếu muốn làm tốt, người viết phải mất nhiều công sức vào giai đoạn chỉnh sửa. Đối với nhiều người, viết lách có thể là một trong số những công việc nặng nề và phiền toái nhất.

Sự xuất hiện của những công cụ như ChatGPT giúp những người làm nghề viết có thể tiết kiệm thời gian và công sức hơn.
Nguồn: Pexels

Sự xuất hiện của những công cụ generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) như ChatGPT giúp những người làm nghề viết có thể tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, ChatGPT lại không đảm bảo về mặt chất lượng. Bởi vì sở hữu lượng cơ sở dữ liệu khổng lồ, bao gồm văn bản của con người, sách báo và các nội dung khác trên internet, ChatGPT hoặc những công cụ khác như Bard, Bing có khả năng dự đoán và tự động điền các từ khóa rất nhanh chóng và tinh vi. Do vậy, các kết quả đầu ra của những công cụ generative AI này có phần dễ đoán.

Dẫu vậy, liệu sự dễ đoán có đồng nghĩa với việc đó là bài viết tệ không? Khi đề cập đến khả năng viết tốt, đâu là những yếu tố thể hiện điều đó? Những người làm nghề viết nên biết cách tận dụng các mô hình ngôn ngữ lớn, đồng thời xem xét tác động của chúng đối việc tối ưu khả năng sử dụng ngôn ngữ. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của AI đã mang đến thách thức cho những người làm nghề viết. Đó là làm thế nào để đo lường chất lượng của một bài viết, cũng như AI có thể viết tốt đến mức nào?

Tại trường học, học sinh được dạy rằng viết tốt có nghĩa là rõ ràng, ngắn gọn và đúng ngữ pháp. Dĩ nhiên, còn nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như sự đổi mới về hình thức và nội dung, khả năng khơi gợi cảm xúc của độc giả, hoặc một giọng văn mang đậm cá tính và màu sắc cá nhân. Vậy thì đâu là yếu tố làm nên một giọng văn mang đậm cá tính, và vì sao ChatGPT lại không có được điều đó?

Giá trị của việc tuân theo hoặc phá vỡ những quy ước

Theo ông William Strunk Jr. và ông E.B. White – tác giả của quyển sách quy ước chính tả kinh điển “The Elements of Style”, để viết tốt thì người viết nên tuân thủ một số quy ước nhất định, chẳng hạn như sắp xếp câu từ và đoạn văn một cách hợp lý. Đối với người làm nghề viết, đôi khi việc bỏ sót một vài dấu câu, sử dụng nhiều từ hơn cần thiết là điều không thể tránh khỏi. Ngược lại, đối với tiếng Anh, ChatGPT đưa ra câu trả lời nhanh chóng với cấu trúc ngữ pháp rất đúng với quy ước trong quyển sách “The Elements of Style”.

Thế nhưng, việc tuân thủ theo các quy ước chính tả và ngữ pháp không tạo nên một bài viết xuất sắc. Đó chỉ là một bài viết thường gặp trong các báo cáo kinh doanh, bài báo nghiên cứu và bản ghi chú. Ông Dwight Garner, Biên tập viên kỳ cựu của The New York Times đã nhận xét “Death of an Author” – một tác phẩm do AI tạo ra – giống như một phần của trang Wikipedia. Ngay cả khi người dùng nhắc ChatGPT đưa các lỗi ngữ pháp giống như con người, cách viết của công cụ này vẫn thiếu tự nhiên và không có chiều sâu nhất định.

“Death of an Author” là một tác phẩm do AI tạo ra.
Nguồn: The New York Times

Điều đó không có nghĩa là những tác phẩm tuân thủ chặt chẽ các quy ước thì không có chiều sâu và cá tính. Trên thực tế, các bài viết hay nhất đều tuân thủ các quy ước chính tả và ngữ pháp. Hiếm khi có một tác phẩm được hoan nghênh khi đi ngược lại các chuẩn mực về ngữ pháp, văn phong và cấu trúc.

Việc AI được huấn luyện để nhận biết và sao chép cấu trúc cách viết trong các bài viết của con người, từ đó đưa ra những câu trả lời hoàn hảo về mặt ngữ pháp cho thấy tầm quan trọng của các quy ước, ở cấp độ câu và cấu trúc.

“Septology” – bộ tiểu thuyết được viết với cấu trúc một câu của ông Jon Fosse.
Nguồn: Fitzcarraldo Editions

Trong quá khứ, một số tác phẩm đã sử dụng cách diễn đạt khác, đi ngược lại với quy ước truyền thông có thể được giới phê bình đón nhận, song lại không được lòng độc giả đại chúng. Ví dụ, tác phẩm “Septology” – bộ tiểu thuyết được viết với cấu trúc một câu của ông Jon Fosse đã giành được nhiều giải thưởng, song đến nay chỉ có một vài nhận xét trên Amazon. Dù người đọc luôn ngưỡng mộ những tác phẩm theo chủ nghĩa thực nghiệm, tính dễ đọc cũng là một yếu tố quan trọng. Như vậy, nếu không có nhiều người đọc hoặc hiếm ai đọc hết, đó có phải là bài viết hoặc tác phẩm hay?

Dẫu vậy, việc bám sát những công thức, quy ước không đồng nghĩa với việc tạo nên một văn bản nhàm chán và rập khuôn. Trên thực tế, đó là công cụ sáng tạo hữu ích cho không ít nhà thơ và nhà văn, chẳng như các nhà thơ Oulipo. Dĩ nhiên, không có gì ngạc nhiên khi ChatGPT không tạo ra được những văn bản theo các quy tắc làm thơ.

Do đó, một bài viết tốt cần có sự cân bằng giữa việc tuân thủ các quy ước và sự sáng tạo. Những nhà văn giỏi nhận ra quy tắc ngữ pháp không phải là thước đo về sự đúng đắn. Họ đánh giá cao về bối cảnh câu chuyện, từ đó đưa ra quyết định khi nào cần tuân theo quy ước và khi nào không. Điều đó cho thấy một tiêu chí quan trọng của một bài viết tốt, đó là sự kết hợp giữa cấu trúc ngữ pháp và câu chuyện một cách có chủ đích.

Như vậy, những người viết sử dụng AI để làm công cụ soạn thảo cũng đang muốn kết hợp giữa câu chuyện và cấu trúc ngữ pháp, nhằm tạo ra một bài viết tốt. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn chưa thật sự làm tốt điều đó.

Lựa chọn biện pháp tu từ có chủ ý

Ngoài việc đưa ra lựa chọn có nên tuân thủ những quy ước hay không, những nhà văn tốt còn quan tâm đến biện pháp tu từ. Những lựa chọn đó ít nhiều thường mang tính chủ quan.

Việc đo lường một bài viết tốt phụ thuộc vào những gì người viết đang muốn truyền đạt, cũng như khả năng linh hoạt với các tình huống khác nhau. Thông thường, người viết lựa chọn phong cách tu từ dựa trên ba yếu tố chính là đối tượng độc giả, thông điệp truyền tải và bối cảnh câu chuyện. Dựa vào đó, họ sẽ lựa chọn sử dụng một từ cụ thể thay vì một từ đồng nghĩa khác.

Với những thể loại đòi hỏi sự sáng tạo, cảm xúc hoặc tính khám phá cao, người viết nên tự thực hiện thay vì đặt ra câu lệnh cho ChatGPT.

Thực chất, rất khó để đánh giá chất lượng của một văn bản mà không xem xét đến bối cảnh. Một bài viết hay không phải là tập hợp của những câu có cấu trúc hoặc ý tưởng phức tạp, mà là tổng thể các yếu tố trong bài phải có sự mạch lạc và nhất quán. Ví dụ, một bài viết thông báo thời tiết không nên sử dụng những tính từ hoa mỹ hoặc sến súa để miêu tả về cơn mưa.

Đối với ChatGPT, nếu người dùng không cung cấp thông tin cụ thể về đối tượng mục tiêu, thông điệp truyền tải và bối cảnh thì công cụ này không thể đưa ra những phản hồi tốt và phù hợp. Tuy nhiên, ngay cả khi những thông tin được cung cấp đầy đủ và chi tiết, rất khó để yêu cầu ChatGPT đưa ra phản hồi thật sự phù hợp với mong đợi của người dùng.

Những công cụ như ChatGPT có thể tạo một số bài luận đơn giản cho những bài kiểm tra tiêu chuẩn. Bởi vì mục tiêu và bối cảnh của những đợt kiểm tra đó không quá cụ thể, đồng thời cần con người tạo ra văn bản để so sánh và xếp hạng một cách công bằng.

Dẫu vậy, đối với những thể loại đòi hỏi bối cảnh cụ thể như tiểu thuyết hoặc một bức thư, ChatGPT không thể tạo ra những văn bản có đầy đủ sắc thái. Vì lẽ đó, với những thể loại viết đòi hỏi sự sáng tạo, cảm xúc hoặc tính khám phá cao, người viết nên tự thực hiện thay vì đặt ra câu lệnh cho ChatGPT để tiết kiệm thời gian và công sức.

Điều gì tạo nên một giọng văn mang đậm cá tính và bản sắc cá nhân?

Như đã đề cập ở trên, một bài viết tốt cần có giọng văn mang đậm cá tính và màu sắc cá nhân. Giọng nói của mỗi cá nhân có thể nhận diện được từ cao độ và giọng điệu của họ, nhưng làm thế nào để xác định điều đó đối với văn bản?

Với cương vị là một giảng viên, bà Laura Hartenberger – tác giả bài viết chia sẻ về những trường hợp khi bà yêu cầu sinh viên gạch dưới những đoạn văn mang tính đại diện cho phong cách cá nhân. Đó có thể là một cụm từ lặp đi lặp lại, một cấu trúc câu cụ thể, một đoạn văn thể hiện quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ, thậm chí là cả bài viết. Một số khác lại không xác định được vì họ không dùng giọng văn cá nhân cho các bài tập trên lớp. Vài bạn lại cảm thấy thiếu tự tin vì một số lỗi ngữ pháp trong bài tập. Điều đó cho thấy việc xác định điều gì tạo nên một giọng văn mang đậm cá tính và màu sắc cá nhân là không hề đơn giản.

Việc xác định điều gì tạo nên một giọng văn mang đậm cá tính và màu sắc cá nhân là không hề đơn giản.
Nguồn: Getty Images

Như thế, liệu ChatGPT có thể giúp người làm nghề viết tạo ra một văn bản mang tính cá nhân hay không? Đây là một công cụ nổi tiếng về khả năng mô phỏng phong cách văn bản của người khác, dựa vào lượng dữ liệu đồ sộ thu thập được trên khắp internet. Khả năng đó của ChatGPT khiến nhiều người nhận ra cách sử dụng ngôn ngữ tiết lộ khá nhiều điều về một cá nhân. Điều đó dẫn đến một vấn đề khác là khả năng mô phỏng giọng văn của người khác có thể liên quan đến việc vi phạm bản quyền. Vậy nên, đâu là những phong cách tu từ có thể xem là giọng văn độc quyền của một cá nhân nào đó?

Khi AI sao chép cách viết của một nhà văn, giọng văn ban đầu của người viết trở nên thiếu chiều sâu và màu sắc cá nhân.

Một số nhà văn không yên tâm khi đối diện với tình trạng AI sao chép phong cách hành văn của họ. Ông Douglas Hofstadter, tác giả quyển sách “Gödel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid” chia sẻ, các công cụ AI chỉ tạo ra những đoạn văn với những cụm từ lặp đi lặp lại trong quyển sách của ông, chứ không mô phỏng lại một cách chân thực về giọng văn của ông.

Dù thế, khả năng mô phỏng của công nghệ có thể ngày càng được cải thiện. Ông Kyle Chayka – một cây viết của trang The New Yorker cho biết, hiện tại thì ChatGPT không làm tốt trong việc mô phỏng giọng văn cá nhân của ông. Thế nhưng, một startup về AI là Writer lại có thể tạo ra được một chatbot mô phỏng được giọng văn của ông ấy. Dù vẫn chưa hoàn hảo, chatbot này đã khiến ông Chayka cảm thấy kinh ngạc. Ông nói thêm, điều đó mang lại nhiều cảm xúc lẫn lộn, khả năng đó của AI khiến ông nhận thức rõ hơn về bản thân. Việc nhận thấy có thể tồn tại một bản sao AI của mình khiến ông không thật sự thích thú về nó.

Như thế, khi một người sao chép cách viết của một nhà văn, đó có thể xem là một cách tâng bốc, tôn vinh và bày tỏ sự kính trọng đối với tác giả gốc. Khi AI làm điều đó, giọng văn ban đầu của người viết lại trở nên thiếu chiều sâu và màu sắc cá nhân.

(Còn tiếp)

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Noema