Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2023: Công nghệ đảm bảo phát triển bền vững

Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2023 của ClassIn - một trong 50 công ty công nghệ giáo dục hàng đầu thế giới - đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, thu hút hơn 400 lượt tham gia trực tiếp cùng hơn 800 lượt theo dõi trực tuyến.

Các khách mời đang tham quan CTE 2023

Các khách mời đang tham quan CTE 2023. Ảnh: ClassIn

Tại triển lãm, khách tham dự không khỏi bất ngờ trước những bước tiến công nghệ mới được áp dụng trong giáo dục đến từ các đơn hàng đầu như ISA, NOBOOK, VNG Cloud, Zalo Cloud, BenQ, Teky, Cohota, DotB, Flexidata, Bessfu, Prep và KidsEdu.

Trong khi đó ở buổi tọa đàm, các chuyên gia uy tín mang đến cho triển lãm nhiều góc nhìn sâu sắc về bức tranh công nghệ giáo dục và hàng loạt những xu hướng mới.

"Thỏi nam châm" Việt Nam

Tại Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2023, khách tham dự đã có dịp lắng nghe nhiều góc nhìn sâu sắc về công nghệ giáo dục từ các chuyên gia uy tín.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong mảng giáo dục cho riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, ông Sudeep Laad - Giám đốc điều hành tại L.E.K Consulting và thành viên Global Education Practice - đã phân tích bức tranh khái quát về công nghệ giáo dục. Ông cho rằng lĩnh vực công nghệ giáo dục vẫn đang thu hút mạnh nguồn đầu tư mạo hiểm trên thế giới.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2022, công nghệ giáo dục toàn cầu đón nhận tổng cộng 51 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm. Công nghệ giáo dục xếp hạng thứ 4 trong số các lĩnh vực nhận được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất, chỉ sau lĩnh vực sức khỏe, công nghệ tự động và thực phẩm,...

Trong xu hướng đó, Việt Nam vẫn là "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn đầu tư. Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị công nghệ giáo dục Việt Nam gọi được những vòng vốn hàng triệu đến trăm triệu USD. Các chuyên gia đồng ý rằng việc sở hữu lợi thế dân số trẻ, mức độ sẵn sàng chi tiêu cho giáo dục cao, tỉ lệ phủ Internet lớn,… góp phần tạo nên mảnh đất màu mỡ cho công nghệ giáo dục tại Việt Nam.

Trải nghiệm các công nghệ giáo dục mới nhất.

Trải nghiệm các công nghệ giáo dục mới nhất. Ảnh: ClassIn

Ông Sudeep Laad cũng cho rằng sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á cùng nỗ lực chuyển đổi số của các quốc gia tiếp tục đặt ra nhu cầu giải pháp công nghệ giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo nhân lực mới. Mặt khác, ngày càng nhiều người đi làm vẫn có nhu cầu tự học, đã lựa chọn ứng dụng công nghệ giáo dục làm kênh học tập. Tiêu biểu, gần 50% người dùng sử dụng các ứng dụng công nghệ giáo dục để học ngoại ngữ.

Gió có đổi chiều sau đại dịch?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học - nhận định sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở giáo dục quay lại với hình thức dạy truyền thống. Một số đơn vị khá e dè áp dụng công nghệ mới. Một nguyên nhân là vì nhiều đơn vị có thể không thấy rõ ràng rằng các công nghệ này sẽ mang lại lợi ích gì cho dạy và học.

Theo bà Thơ, công nghệ và giáo dục chưa thật sự "nhuyễn" vào nhau, vì thế các đơn vị làm giáo dục đôi khi chưa tin công nghệ sẽ mang lại khác biệt hơn so với cách dạy truyền thống. Do vậy sẽ cần thêm những cách kết hợp để công nghệ và nội dung giáo dục đem lại được những kết quả rõ rệt hơn.

Bà Trương Lê Quỳnh Tương - giám đốc khu vực Đông Nam Á của ClassIn - cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các cơ sở giáo dục còn lưỡng lự trong việc đầu tư sản phẩm công nghệ mới.

Đại diện ClassIn đang chia sẻ tại sự kiện.

Đại diện ClassIn đang chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: ClassIn

Nếu nguồn tài chính có hạn, các đơn vị thường ưu tiên dành tiền cho những nội dung khác dễ mang lại lợi ích trước mắt hơn.

Tuy nhiên, theo bà Tương, nhìn ở một chặng đường dài, đầu tư công nghệ đúng đắn sẽ mở ra cơ hội mới và mang lại lợi thế dẫn đầu cho các đơn vị. Công nghệ sẽ là một phần tất yếu của giáo dục trong tương lai không xa. Công nghệ kết hợp với phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm sẽ giúp học sinh , cá nhân hóa học tập theo năng lực và nâng cao kỹ năng học tập chủ động của mình.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: ClassIn

Từ kinh nghiệm triển khai nhiều sản phẩm giáo dục thực tiễn, ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Galaxy Education - cho rằng Giáo dục là lĩnh vực cần nhiều yếu tố kết hợp để có thể số hóa, đặc biệt khi đem so sánh với thương mại điện tử, vận chuyển hay tài chính. Để chuyển đổi số hiệu quả, chúng ta phải xác định rõ công cụ hay nền tảng công nghệ được sử dụng nhằm giải quyết mục tiêu gì. Ông Linh cũng nhận định, trong tương lai việc thiết kế trải nghiệm học trực tuyến và trực tiếp sẽ tiến đến gần nhau hơn thay vì tồn tại riêng biệt.

 CTE 2023 đã thu hút được rất nhiều người quan tâm.

CTE 2023 đã thu hút được rất nhiều người quan tâm. Ảnh: ClassIn

Tương tự, ông Tú Phạm - sáng lập nền tảng học và luyện thi tiếng Anh Prep.vn - nêu góc nhìn để đảm bảo rằng công nghệ thực sự mang lại hiệu quả trong dạy và học, giáo viên cần thường xuyên đánh giá và theo dõi tiến độ học tập. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ phải đi kèm với việc chuẩn bị dữ liệu và phân tích kết quả để cải thiện quá trình giảng dạy. Nếu không chuẩn bị dữ liệu từ trước, việc áp dụng công nghệ sẽ vô cùng thách thức.

ClassIn đồng hành đổi mới công nghệ trong giáo dục

Triển lãm Công nghệ giáo dục 2023 là minh chứng cho cam kết đồng hành cùng quá trình đổi mới công nghệ cho các đơn vị giáo dục tại Việt Nam của ClassIn. ClassIn cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các nhà giáo dục lẫn các đơn vị công nghệ để đưa ra giải pháp tổng thể cho việc chuyển đổi số giáo dục. Mong muốn của ClassIn là thúc đẩy chất lượng và cơ hội giáo dục bình đẳng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.