Trào lưu Fake OOH trong ngành quảng cáo ngoài trời

Fake OOH là một trào lưu mới xuất hiện gần đây trên thế giới và đã mang lại một số thành công nhất định trong một số hoạt động truyền thông trên phạm vi thế giới, gần đây cũng có một số nhãn hàng ở Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm hiểu và triển khai thực tế.

Khái niệm: Fake OOH là hình thức triển khai campaign quảng cáo ngoài trời (OOH) mà không thực hiện việc On air thực tế các vị trí ở bên ngoài, mà thông qua việc sử dụng các công cụ xử lý hình ảnh và video (đặc biệt là CGI).

A/ Ví dụ

1/ Campaign Fake OOH ở trên thế giới

Nhãn hàng Maybelline New York với fake production bàn chải lông mi khổng lồ xuất hiện trong tàu điện ngầm và đường phố. Video về Fake OOH của nhãn hàng trên Instagram của tác giả Ian Padgram đã thu hút hơn 507,000 lượt xem và 27,500 lượt yêu thích.Nguồn: Ian Padgham

Nhãn hàng Adidas với hình ảnh ăn mừng của Messi trên Dubai Frame đã thu hút được trên 250,000,000 lượt xem. Nguồn: The Drum

2/ Campaign ở Việt Nam

Vietnamobile làm Fake OOH về pháo hoa kết hợp đèn laser trên đỉnh toà nhà Landmark 81. Nguồn: Vietnamobile

B/ Ưu điểm và nhược điểm

1/ Ưu điểm

Giúp nhãn hàng có thể tạo ra cách tương tác mới với người xem và khách hàng mục tiêu, tạo nên sự bất ngờ.

Chi phí triển khai thấp hơn (do không phải tốn tiền booking vị trí). Thời gian triển khai có thể nhanh hơn so với việc thực thi bằng chiến dịch OOH thực. Trong trường hợp ví dụ về campaign của Adidas, thời gian On air nhanh, mang tính tức thời về thông tin giúp lượt view có thể gia tăng đột biến.

Vượt qua một số rào cản về mặt vật lý và kĩ thuật, pháp lý để thực hiện những quảng cáo OOH thông thường. Từ đó tạo nên cảm giác thích thú và tính giải trí đối với người xem, đồng thời truyền tải được đặc tính sản phẩm/ message muốn truyền tải một cách mới lạ, tiên tiến hơn, hiện đại hơn. Campaign của Maybelline New York ở trên là ví dụ điển hình. Vì về mặt an toàn kĩ thuật giao thông, thông thường những dự án như vậy gần như không có cơ hội để được áp dụng ở bên ngoài thế giới thực.

Có khả năng lôi kéo người xem, bởi vì cùng một hình ảnh quảng cáo, người xem có khuynh hướng nhớ tốt hơn nếu nó đi kèm cùng với hình ảnh thân thuộc với cuộc sống ngày thường của họ. Ví dụ nếu một ai đó làm việc ở bên trong toà nhà Landmark 81, người đó sẽ có khuynh hướng đọc/ xem các thông tin từ bên ngoài có liên quan đến toà nhà Landmark 81.

2/ Nhược điểm

Tốn nhiều chi phí về production cho hình ảnh/video cho fake OOH.

Có thể gây ra hiểu nhầm, thông tin không đúng đối với người xem, trong một số trường hợp là cả về phía chính quyền.

Tạo ra phản ứng trái chiều, phản ứng tiêu cực từ phía đối tác là chủ sở hữu vị trí quảng cáo (trong trường hợp thực hiện Fake OOH trên vị trí hiện hữu). Ví dụ vừa qua, một nhãn hàng sữa đã đăng tải một số hình ảnh Fake OOH tại một số bảng quảng ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vì phản ứng không tốt nên nhãn hàng đã nhanh chóng xoá bài đăng và thay bằng Fake OOH ở một số vị trí khác.

C/ Một số lưu ý khi triển khai Fake OOH

1/ Xác định mục tiêu rõ ràng

Đầu tiên nhãn hàng cần xác định rõ mục tiêu khi sử dụng Fake OOH trong campaign truyền thông của mình. Việc xác định rõ mục tiêu sẽ giúp cho nhãn hàng biết rõ các công việc cần thực hiện trước/trong/sau chiến dịch, đồng thời giảm được các rủi ro sẽ gặp phải.

2/ Bối cảnh/ địa điểm thực hiện

Fake OOH thường hướng tới việc sử dụng bối cảnh ở các khu vực/ địa điểm mang tính biểu tượng. Ví dụ ở Việt Nam đó có thể là chợ Bến Thành, toà nhà Bitexco, nhà thờ Đức Bà. Cần lưu ý để không tạo ra hình ảnh phản cảm. Ví dụ như thực hiện quảng cáo cho nhãn hàng nhạy cảm (bao cao su/ băng vệ sinh) ở những địa điểm có liên quan đến tôn giáo, chính trị.

3/ Kĩ thuật:

Vì Fake OOH muốn tạo ra được cảm giác đánh lừa nhất định đối với người xem, do đó về mặt kĩ thuật sản xuất hình ảnh cần đủ cao để tạo đủ hiệu ứng thị giác, cảm giác chân thật.

4/ Pháp lý:

Hiện tại số lượng campaign về Fake OOH còn chưa có nhiều, hành lang pháp lý về việc triển khai cũng như xử lý tranh chấp vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên nếu cần nhãn hàng có thể trao đổi trước về việc xin phép sử dụng Fake OOH đối với các vị trí quảng cáo hiện hữu. Khi đưa thông tin lên những kênh truyền thông khác cần cân nhắc để tránh trường hợp bị xử phạt vì việc đưa thông tin giả.

5/ Tiên phong

Vì nhận thực của người xem sẽ nhanh chóng thay đổi. Do đó những nhãn hàng áp dụng sớm Fake OOH sẽ là người được hưởng lợi ích nhiều nhất vì khả năng tạo bất ngờ cho người xem. Một campaign khác bắt chước cùng vị trí và cách triển khai production so với một dự án trước đó sẽ rất khó có khả năng đánh lừa được người xem, tạo nên sự bất ngờ.

6/ Kết hợp cùng với các kênh truyền thông khác

Campaign OOH không thể hoạt động riêng lẻ một mình. Nó chỉ thực hiện khi được truyền thông tin đi thông qua các kênh truyền thông khác. Ví dụ như báo chí, TV, mạng xã hội (Facbook/ Instagram/ Tiktok,etc). Vì vậy kênh truyền tải cho chiến dịch và publisher là những nhân tố góp phần quan trọng để cấu thành nên campaign Fake OOH.

Lời cuối: Fake OOH dù phát triển như thế nào đi nữa thì cũng khó có thể một kênh truyền thông chủ đạo và mang tính dài hạn cho nhãn hàng vì nó không thể liên kết trực tiếp chặt chẽ với thế giới thực. Tuy nhiên nếu áp dụng một cách tốt thì nó sẽ trở thành một công cụ tốt để truyền tải thông điệp một cách sáng tạo và vượt qua những giới hạn vật lý thông thường. Đồng thời không chừng nó có thể là ý tưởng để ngành quảng cáo phát triển công nghệ, kĩ thuật để biến những dự án Fake OOH trở thành Real OOH, mang vào trong cuộc sống.

Trân trọng

Đặng Vinh Quang