Z-Gens #1: Thấu hiểu Gen Z và chiến lược marketing phù hợp

Tại Việt Nam, Gen Z đang là nhóm khách hàng tiềm năng quan trọng đối với các thương hiệu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Z có các hành vi, xu hướng và sở thích khác biệt so với các thế hệ trước. Vì vậy, làm sao để các marketer và doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các hoạt động marketing để thu hút nhóm khách hàng này? Cùng Chin Media tìm hiểu ngay!

Đặc trưng của Gen Z

Thế hệ Z, còn được gọi là Gen Z (generation Z), đề cập đến nhóm người sinh vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012. Thế hệ này có những đặc điểm đáng chú ý sau đây:

“Mê” thiết bị di động

Báo cáo năm 2019 của Global Web Index về thế hệ Z, cho biết rằng nhóm tuổi này ưa thích sự tiện lợi của việc sử dụng thiết bị di động hơn là máy tính để bàn hoặc laptop. Thế hệ này có thể truy cập mạng xã hội, trò chuyện, xem video và xem bản đồ một cách dễ dàng trên thiết bị di động của họ.

Thế hệ Z ưa thích sự tiện lợi trong việc sử dụng thiết bị di động.

Đề cao sự thể hiện cá nhân

Khi nhắc đến thế hệ Z, chúng ta nghĩ ngay đến thế hệ có khẩu hiệu "hãy là chính mình". Thế hệ này thường mua sắm những sản phẩm hoặc dịch vụ mà có thể không cần thiết, miễn là phù hợp với cá tính của họ, được coi là "trendy" và "cool ngầu".

Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ công ty tư vấn toàn cầu McKinsey and Company đã chỉ ra rằng: "Thế hệ Z không chỉ hào hứng với những sản phẩm được cá nhân hoá, mà còn sẵn lòng chi trả một số tiền lớn cho những sản phẩm giúp thể hiện tính cá nhân của họ. Thực tế, 58% trong số những người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ có khả năng tạo nên điểm nhấn riêng cho cá nhân của mình".

Thích sự riêng tư

Gen Z thường ưa thích các hoạt động trải nghiệm cá nhân trên mạng xã hội, nhưng đồng thời cũng quan tâm đến quyền riêng tư của mình. Do đó, họ thường thích che webcam trên máy tính nhiều hơn so với các thế hệ khác. Khi tiếp cận với thế hệ này, các marketer cần tuân thủ đúng các quy định về quyền riêng tư để tránh làm họ cảm thấy bất tiện hoặc xâm phạm.

Thế hệ nhạy bén

Thế hệ Z - thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời đại số, với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Điều này giúp họ sở hữu khả năng sử dụng Internet tốt hơn bất kỳ thế hệ nào khác.

Nhờ hiểu biết về kỹ thuật số và Internet, thế hệ Z thường có cái nhìn sáng suốt hơn. Trước khi mua bất cứ thứ gì, họ thường tìm hiểu thông tin, đọc nhận xét và đánh giá sơ bộ thay vì bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những gợi ý của người nổi tiếng.

Sử dụng nhiều công cụ tìm kiếm trong hành trình mua hàng

Các nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng 85% Gen Z thích tìm hiểu về các sản phẩm mới thông qua mạng xã hội. Hơn nữa, họ có khả năng kết nối với các thương hiệu trên mạng xã hội cao hơn 59% so với thế hệ trước.

Thế hệ Z có khả năng kết nối với các thương hiệu trên mạng xã hội cao hơn 59% so với các thế hệ trước

Instagram được xác định là ứng dụng phổ biến nhất để khám phá các thương hiệu, với 45% thanh thiếu niên sử dụng nó để tìm kiếm những sản phẩm mới và thú vị, tiếp theo là Facebook với 40% và gần đây nhất là TikTok.

Khi chuẩn bị mua sắm, thế hệ này có xu hướng chuyển sang xem YouTube nhiều hơn gấp đôi so với thế hệ Millennials. YouTube cũng là nền tảng được ưa thích để tìm kiếm gợi ý mua sắm với 24% thế hệ Z sử dụng nó, tiếp theo là Instagram với 17%, và Facebook với 16%.

Coi trọng sự bình đẳng

Khi thảo luận về bình đẳng giới, có 77% thế hệ Z cho biết họ có cảm giác tích cực hơn đối với một thương đẩy mạnh bình đẳng trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải luôn đưa ra các chủ đề như da màu hoặc cặp đôi LGBTQ+ trong mỗi bài đăng trên Instagram hay quảng cáo trên Facebook. Hãy điều chính nó ở mức tương đối và phối hợp song song với các loại thông điệp khác.

Marketing cho Gen Z như thế nào?

Nội dung thân thiện trên smartphone

Để tiếp cận thế hệ Z một cách hiệu quả, thương hiệu nào cũng cần đảm bảo sự thân thiện với smartphone trong chiến lược marketing của mình. Vì hầu hết thế hệ này sử dụng thiết bị di động để thực hiện giao dịch và tham gia các hoạt động giải trí. Việc phát triển nội dung mà có thể dễ dàng tiếp cận và tiêu thụ thông qua smartphone là một yếu tố không thể thiếu.

Video ngắn

Sự ưa thích của Gen Z đối với video ngắn trên nền tảng như Reels, Snapchat và TikTok cho thấy họ đang dần mất đi sự kiên nhẫn khi tiêu thụ thông tin trực tuyến. Do đó, những video truyền tải thông điệp súc tích sẽ được đánh giá cao. Đồng thời, để thu hút người xem, các video cũng cần có âm nhạc, hiệu ứng đặc biệt hoặc những thử thách thú vị mà người dùng có thể tham gia.

VTV cũng không nằm ngoài xu hướng tạo video ngắn để tiếp cận gần hơn với thế hệ Z.

Đa dạng nội dung trên nhiều nền tảng truyền thông

Thế hệ Z dành hàng giờ lướt mạng xã hội và điều quan trọng là họ không chỉ sử dụng duy nhất một mạng xã hội.

Mục đích sử dụng mỗi mạng xã hội cũng có thể khác nhau. Trong khi Instagram là nơi để họ chia sẻ hình ảnh cá nhân, Facebook thường được sử dụng để đọc tin tức,... Do đó, chiến lược marketing cho thế hệ này không thể đơn giản là "copy & paste" từ một mạng xã hội sang mạng xã hội khác. Hãy tối ưu hóa chiến lược trên từng nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Tích cực xây dựng hình ảnh thương hiệu

Gần đây, chúng ta thường nghe về xu hướng tẩy chay một nhãn hàng nếu họ vi phạm chuẩn mực đạo đức hoặc tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội.

Điều này không xảy ra ngẫu nhiên, mà nó phản ánh sự nhạy bén về đạo đức xã hội của thế hệ Z. Hãy xây dựng một thương hiệu mà các nhóm tiêu dùng chủ chốt trong tương lai sẽ tôn trọng và tin tưởng.

Đẩy mạnh nội dung do người dùng tạo (UGC)

Đã đi qua thời kỳ một câu quảng cáo duy nhất của người nổi tiếng có thể thuyết phục khách hàng đặt hàng. Đặc biệt đối với khách hàng trẻ tuổi ngày nay, họ tin tưởng vào phản hồi và đánh giá từ bạn bè hoặc người tiêu dùng khác nhiều hơn.

Vì vậy, thương hiệu cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Khuyến khích khách hàng chia sẻ câu chuyện và hình ảnh về việc sử dụng sản phẩm, đồng thời gắn thẻ thương hiệu trong các bài đăng trên mạng xã hội hoặc để lại bình luận trên trang web của bạn.

  • Recap và đăng lại nội dung do người đã sử dụng sản phẩm cung cấp lên kênh truyền thông của doanh nghiệp và tạo các chiến dịch để quảng bá.

Cá nhân hóa sản phẩm/dịch vụ

Như đã đề cập ở trên, 58% trong số những gen Z tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ có khả năng tạo nên điểm nhấn riêng cho cá nhân. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn các chiến lược cá nhân hóa sản phẩm/dịch vụ phù hợp với đặc điểm tính cách và hành vi của nhóm đối tượng này.

YSL đã thành công trong chiến dịch khắc tên lên son.

Tổng kết

Gen Z đang thay đổi bộ mặt của thị trường marketing bằng cái nhìn độc đáo của mình. Để truyền đạt thông điệp của bạn đến thế hệ Z, hãy hiểu và đáp ứng những mong đợi của họ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn “chinh phục” nhóm khách hàng đầy tiềm năng này. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin thú vị về marketing và thương hiệu, hay chuỗi bài viết về Z-Gens từ góc nhìn của những gen Z chính hiệu. Theo dõi ngay Chin Media để cập nhật nhanh nhất những thông tin bổ ích.