Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

AI – Nỗi sợ và kỳ vọng về những điều không chắc chắn

Thông qua kết quả khảo sát của The Verge, có thể thấy AI đã và đang khiến mọi người vừa hào hứng, vừa lo sợ về những điều trí tuệ nhân tạo có thể làm được trong tương lai.

Nội dung bài viết được Việt dịch từ tựa blog “Hope, fear, and AI” của tác giả Jacob KastrenakesJames Vincent, cùng ảnh minh hoạ từ Diana Young, đăng trên The Verge ngày 26/06/2023.

Cho đến thời điểm này, có thể thấy AI (trí tuệ nhân tạo) đã và đang thay đổi cách thức vận hành của thế giới. Tuy nhiên, không ai có thể biết được AI sẽ thay đổi mọi thứ như thế nào. Một số người tin rằng AI có thể loại bỏ những ràng buộc trong quá trình sáng tạo, tự động hóa một số tác vụ mang tính lặp lại, đồng thời mang lại những phương pháp học tập và giảng dạy mới mẻ hơn. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng AI đang tác động tiêu cực đến cuộc sống, chẳng hạn như tạo ra thông tin sai lệch, giành lấy công việc của người lao động và đe dọa đến sự an toàn của con người.

Những người dẫn đầu trong giới công nghệ, nhà lập pháp và nhà nghiên cứu đang chịu trách nhiệm cho việc làm thế nào để ứng dụng AI một cách hiệu quả. Theo ông Sam Altman, CEO của OpenAI (công ty mẹ của cái tên đình đám ChatGPT), AI sẽ là một gã khổng lồ có thể làm chủ cục diện, nhằm đối phó với những mối đe dọa trong tương lai, bao gồm “nguy cơ tuyệt chủng”. Các chính trị gia ở châu Âu đang lo ngại về những nguy cơ hiện tại và phát lệnh cấm đối với những trường hợp thử nghiệm AI gây ra nguy hiểm (kết quả tích cực có thể giữ lại). Trong khi đó, giới nghệ sĩ đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng công việc của họ sẽ không bị thay thế bởi máy móc.

Khi dự đoán về tầm ảnh hưởng của AI đối với xã hội, hầu hết các lựa chọn của đáp viên đều mang sắc thái tiêu cực.

Với mục tiêu hiểu rõ quan điểm và kỳ vọng của số đông về AI, The Verge đã phối hợp với đội ngũ Insights & Research của Vox Media, cùng với công ty tư vấn nghiên cứu The Circus thực hiện khảo sát hơn 2.000 người trưởng thành tại Mỹ về nhận định, cảm xúc và nỗi sợ của họ đối với AI – một công nghệ mới nổi, thú vị và còn nhiều điều chưa chắc chắn. Trong khi một bộ phận vẫn chưa sử dụng các công cụ này, không ít người cảm thấy lo sợ với tiềm năng của AI, số khác lại có kỳ vọng khá lớn về những thứ AI có thể làm được trong tương lai.

Đối tượng nào đang sử dụng AI?

Hiện nay, AI đang có độ phổ biến cao chưa từng thấy. Nhiều startup công nghệ tích hợp các tính năng như tạo hình ảnh tự động (image generators) hoặc mô hình ngôn ngữ lớn (large language models) vào ứng dụng của họ. Đáng chú ý, không chỉ giới công nghệ, AI còn nhận được sự quan tâm của truyền thông và công chúng, chẳng hạn như tình trạng sử dụng ChatGPT để gian lận thi cử; những hình ảnh được tạo bằng công cụ tạo ảnh tự động gây hiểu lầm tai hại cho người xem; vị thế của những nghệ sĩ bị giảm đi và thậm chí là có nguy cơ bị thay thế.

Mặc dù có độ thảo luận cao, song những công cụ AI vẫn còn một số hạn chế và cần nhiều thời gian để phát triển thành sản phẩm chuyên dụng hoàn chỉnh. Ngoài ra, đối tượng sử dụng các công cụ này phần lớn là những người trẻ.

ChatGPT vẫn là công cụ AI chatbot được nhiều người biết đến nhất.
Nguồn: The Verge

Theo kết quả khảo sát, trong 3 người thì chỉ có 1 người đã từng dùng thử các công cụ AI. Hơn nữa, phần đông đáp viên cho biết họ không nhận diện được thương hiệu của một số công ty tạo ra các công cụ này. Mặc dù có nhiều tên tuổi nhỏ dấn thân vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đạt được thành công nhất định như Stability AI và Midjourney, những tập đoàn lớn thuộc Big Tech vẫn là thế lực chính đang làm chủ cuộc chơi. Bên cạnh đó, OpenAI cũng là cái tên gây tranh cãi khá nhiều, trong khi một vài đáp viên cho rằng đây là một thành công ngoại lệ đến từ những công ty nhỏ, một vài ý kiến khác lại cho rằng bởi vì công ty này nhận đầu tư từ Microsoft nên cũng được xem là một phần của Big Tech.

Đối tượng sử dụng AI chủ yếu thuộc thế hệ Millennials và Gen Z.
Nguồn: The Verge

Theo kết quả khảo sát về câu hỏi liên quan đến các dịch vụ AI chuyên dụng như ChatGPT và Midjourney, các đáp viên cho rằng định nghĩa về các công cụ trí tuệ nhân tạo khá phức tạp và khó hiểu. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp đang tích hợp AI vào các phần mềm làm việc phổ biến, ví dụ như công cụ tạo hình ảnh tự động trong Photoshop hoặc gợi ý văn bản trong Gmail và Google Docs. Nói cách khác, nhiều người nhận định AI là tất cả những gì mà máy tính vẫn chưa thể làm được, cũng như là những tính năng bổ sung được mong đợi sẽ xuất hiện trong tương lai.

Dù số lượng sử dụng AI còn hạn chế, phần đông đáp viên có kỳ vọng khá cao về tầm ảnh hưởng của AI đối với thế giới, điều đó không chỉ nằm ở những công nghệ mới mẻ và độc đáo (cùng với một số gây tranh cãi). Được biết, có đến 74% đáp viên cho biết AI có thể tác động ở mức độ lớn và vừa phải đối với xã hội. Đáng chú ý, có 69% chọn xe ô tô điện và chỉ có 34% lựa chọn NFTs, có thể thấy hai loại công nghệ này không còn sức hút như trước, đặc biệt là vào năm 2021.

74% đáp viên cho rằng AI sẽ là công nghệ có tác động lớn nhất đến xã hội.
Nguồn: The Verge

AI đang được sử dụng vào những việc gì?

Cơn sốt gần nhất về trí tuệ nhân tạo chính là Generative AI (AI tạo sinh). Đây là một hệ thống AI có thể tạo văn bản, hình ảnh, audio và video; chỉnh sửa bài viết và hỗ trợ cho quá trình tìm kiếm ý tưởng. Các công cụ này được tích hợp vào phần mềm chuyên dụng phổ biến, chẳng hạn như Photoshop có tính năng tự tái tạo một phần của trong bức ảnh, WordPress có thể tự sản xuất các bài đăng... Tuy nhiên, đối với phần lớn người dùng, các tính năng này vẫn cần sự giám sát thì mới mang lại kết quả hoàn chỉnh.

AI chủ yếu được sử dụng để tìm kiếm, brainstorm và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
Nguồn: The Verge

Đáng chú ý, những người đang sử dụng trí tuệ nhân tạo chủ yếu dùng vào các tác vụ sáng tạo, chẳng hạn như sản phẩm âm nhạc, video, story và chỉnh sửa hình ảnh. Không có nhiều đáp viên sử dụng AI vào các tác vụ phức tạp như coding. Hầu hết vẫn dùng AI vào tác vụ cơ bản nhất là đặt câu hỏi cho các chatbot như ChatGPT, Bing và Bard như một phương tiện thay thế cho các công cụ tìm kiếm, dù chưa rõ hiệu quả mang lại có tốt hơn hay không.

Không chỉ thế, thông qua khảo sát này, có thể thấy AI đang giúp nhiều người tạo ra được nhiều thứ hơn so với khả năng của họ. Đối với câu hỏi sử dụng AI để tạo ra những thứ mà bản thân không thể tự làm, các tác phẩm nghệ thuật là lựa chọn phổ biến nhất thuộc khía cạnh sáng tạo, với 61% đáp viên. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì các công cụ tạo hình ảnh tự động được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn so với các công cụ tạo hình ảnh và video.

Hầu hết đáp viên đều cho rằng AI có thể làm được nhiều thứ tốt hơn là họ tự làm.
Nguồn: The Verge

Tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra dấy lên nhiều tranh cãi

Các công cụ tạo hình ảnh tự động như Midjourney và Stable Diffusion chính là case-study phù hợp nhất cho những lo ngại liên quan đến Generative AI. Các công cụ này hoạt động dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ lấy từ các trang web mà không được sự cho phép của người tạo ra ban đầu. Trong khi vấn đề này đang gây tranh cãi dữ dội về mặt đạo đức, trên thực tế vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng nào để giải quyết, bằng chứng là những vụ kiện đã và đang diễn ra. Những tranh cãi không dừng lại mà còn lan rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như những bài hát được tạo ra bởi AI.

Ngoài ra, kết quả khảo sát của The Verge cho thấy có nhiều cảm xúc lẫn lộn xoay quanh những tranh cãi này. Trong đó, số đông cho rằng nghệ sĩ nên được nhận tiền bồi thường khi có một công cụ AI bắt chước phong cách của họ. Thế nhưng, một số khác lại không muốn giới hạn khả năng của AI. Ngoài ra, gần một nửa đáp viên cho biết họ sẽ kiểm tra hệ thống để biết được chính xác công cụ AI họ định dùng có thể tạo ra những gì.

Không ít người dùng AI để sao chép phong cách của nghệ sĩ khác, đồng thời cũng có nhiều người muốn ngăn cấm tình trạng đó.
Nguồn: The Verge

AI cần có những chuẩn mực cụ thể về mặt pháp lý

Không chỉ những người đứng đầu giới công nghệ mới mong muốn kiểm soát các công cụ AI, có 76% đáp viên đồng ý với quan điểm nên bổ sung thêm quy định và khung pháp lý liên quan đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Được biết, những quy định liên quan đang được phát triển, cụ thể là đạo luật EU AI Act đang thông qua đợt đàm phán cuối cùng. Trong khi đó, Mỹ cũng đang tổ chức các phiên điều trần vào thời gian gần đây để phát triển khung pháp lý phù hợp về AI.

Rõ ràng, AI và mục tiêu sử dụng các công cụ này cần được ra đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn. Được biết, phần lớn đều tán đồng với việc dán nhãn cho các deep fakes được tạo ra bởi AI. Dẫu vậy, có nhiều nguyên tắc dù được số đông ủng hộ nhưng không dễ dàng thực hiện, bao gồm việc huấn luyện các mô hình ngôn ngữ AI để kiểm chứng tính xác thực của dữ liệu, cũng như ngăn chặn tình trạng những tấm ảnh hoặc video deep fakes được tạo ra mà không có sự cho phép của chính chủ.

Phần lớn đáp viên đều đồng tình rằng nên có những quy định và khung pháp liên quan đến sự phát triển của AI.
Nguồn: The Verge

Tiềm năng của AI trong tương lai: Khi sự hào hứng đi cùng nỗi sợ

Khi dự đoán về tầm ảnh hưởng của AI đối với xã hội, hầu hết các lựa chọn của đáp viên đều mang sắc thái tiêu cực. Cụ thể hơn, 68% cho rằng sự riêng tư của người dùng sẽ bị đe dọa và 63% lo sợ bị AI cướp mất công việc. Một số khía cạnh khác bị đánh giá tiêu cực ở mức độ trầm trọng hơn, chẳng hạn như vấn đề điều trị y tế và trao quyền kinh tế được lựa chọn bởi 51% đáp viên. Đối với câu hỏi về cảm xúc đối với những tác động của AI có thể phát sinh đối với công việc và cuộc sống cá nhân nói riêng, cũng như xã hội nói chung, trong khi 21% đáp viên cảm thấy hào hứng, 29% thấy lo lắng và 32% vừa hào hứng vừa lo lắng cùng lúc.

Không ít đáp viên vừa cảm thấy hào hứng và cảm thấy lo lắng về tác động của AI đối với xã hội.
Nguồn: The Verge

Điều khá bất ngờ là có nhiều người khá cởi mở trong việc trải nghiệm những điều mới mẻ với AI. 56% đồng tình với nhận định con người sẽ phát triển mối quan hệ cảm xúc với trí tuệ nhân tạo, trong khi 35% cho biết họ sẽ cân nhắc làm thử điều đó nếu cảm thấy cô đơn.

Rất nhiều người sử dụng trí tuệ nhân tạo được cảnh báo về “rủi ro tồn tại” – khi những AI có trí thông minh siêu việt có thể hủy diệt thế giới loài người – một chủ đề được thảo luận sôi nổi trong thời gian gần đây. Nếu có thể giao tiếp với loài người, AI sẽ làm được nhiều thứ chứ không chỉ đồng thuận một cách đơn giản với con người. Trong đó, 38% đồng tình với nhận định trí tuệ nhân tạo sẽ càn quét nền văn minh của loài người. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người lo lắng về tiềm năng phát triển của AI.

Tương tự, hơn 30% đáp viên cho biết họ vừa hào hứng vừa lo lắng về tác động của AI đối với công việc và cuộc sống cá nhân.
Nguồn: The Verge

Khi đề cập đến những điều không chắc chắn xoay quanh AI, có khá nhiều ý kiến thú vị về những gì sẽ diễn ra tiếp theo. 51% đáp viên kỳ vọng một AI có tri giác sẽ xuất hiện vào một thời điểm nào đó trong tương lai. 64% cho biết họ không phản đối những công ty có kế hoạch tạo nên những công cụ AI như vậy.

64% đáp viên cho biết họ không phản đối những doanh nghiệp có kế hoạch tạo ra AI có tri giác hoặc cảm xúc.
Nguồn: The Verge

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: The Verge