20 lỗi phổ biến khi viết CTA khiến nội dung kém hấp dẫn

Là một doanh nghiệp, mục đích cuối cùng khi sản xuất nội dung luôn là chuyển đổi, chuyển đổi và chuyển đổi. Xuyên suốt những nội dung đó, bên cạnh những thông tin liên quan tới “nỗi đau” khách hàng, giải pháp, sản phẩm hay bảo chứng thương hiệu... thì CTA chính là một trong những chiếc "đèn xanh" đầy quyền lực để thúc đẩy khách hàng hành động.

Không đơn giản chỉ là một phần của bài viết, lời kêu gọi hành động (CTA) còn là một công cụ quan trọng trong tiếp thị nhằm liên kết các yếu tố khác của thương hiệu với nhau. Từ đó, nó giúp gia tăng khả năng chuyển đổi từ “leads” sang khách hàng.

Vậy thì làm thế nào để tạo ra một CTA mạnh mẽ thay cho những câu kêu gọi truyền thống đầy nhàm chán chẳng hẳn như để lại số điện thoại hay inbox để biết thêm chi tiết... Câu trả lời sẽ tự động hiện lên trong đầu bạn sau khi sửa xong 20 lỗi sai mà ai ai cũng mắc phải ngay dưới đây.

1. CTA “treo đầu dê bán thịt chó"

Thông thường, khi sản xuất các nội dung trên các kênh trực tuyến khác nhau, doanh nghiệp thường máy móc sử dụng một CTA cố định hoặc chỉ thay đổi một chút mà không quá quan tâm tới việc liệu nó có truyền tải đúng giá trị của mình tới khách hàng hay không.

Ví dụ như Ori luôn kêu gọi mọi người theo dõi fanpage để nhận được những thông tin mới nhất về Marketing. Tuy nhiên nếu một ngày chúng tôi dừng lại và chỉ nói về thương hiệu, cũng như đưa ra các bài viết có chủ đề khác, ví dụ như về kinh doanh chẳng hạn. Điều này sẽ khiến khách hàng cảm thấy CTA đang không thực hiện đúng cam kết như lời kêu gọi trước đó. Khách hàng sau đó sẽ thấy mình đang bị lừa dối, tức giận và rời đi ngay lập tức.

Vì thế, hãy hứa gì làm nấy!

2. Ngôn ngữ không có sự nhất quán giữa CTA và trang đích

Bạn nghĩ việc bị lừa ở mục 1 là tệ nhất ư? Không hẳn. Có một dạng CTA còn tệ hơn rất nhiều, đó chính là khiến khách hàng tin tưởng rằng bạn sẽ cho họ một cái gì đó bạn không hề có ý định cho.

Lấy ví dụ như một bài viết bạn sử dụng để thu hút khách hàng click vào liên kết dẫn tới trang đích (landing page) để nhận ebook về marketing. Tuy nhiên, sau đó họ lại phải tiếp tục điền email vào biểu mẫu đăng ký, đồng thời phải tham gia một hội nhóm trước khi nhận được tài liệu. Điều này khiến khách hàng có cảm giác “bị phản bội” do CTA không thực hiện đúng với "lời hứa" trước đó là chỉ cần click vào trang đích để nhận tài liệu.

Lúc này, hướng đi chính xác sẽ là sử dụng nội dung ở trang đích gần như tương tự với nội dung kể trên với phần CTA yêu cầu để lại email, sau đó trong phần cuối của tài liệu hãy cài cắm thêm CTA khác để kêu gọi họ tham gia hội nhóm để tiếp tục nhận tài liệu miễn phí. Bằng cách này, khách hàng sẽ có cảm giác thoải mái hơn, đồng thời lời kêu gọi của bạn cũng không khiến họ phản cảm.

3. Thiết kế nút CTA chưa nổi bật

Khác với các nội dung chia sẻ trên mạng xã hội, CTA tại trang đích và Website cần nổi bật hơn cả về nội dung lẫn hình ảnh để kích thích nhu cầu của khách hàng. Trong đó, một thiết kế giỏi là người biết cách khiến CTA trông thực sự tự nhiên trong tổng thể màu sắc của một bài viết, chứ không phải liên tục nhấp nháy rồi đột ngột hiện lên giữa màn hình. Hay nói một cách chính xác hơn, đó khiến chúng là “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Vậy nếu hòa tan thì sao? Một số thiết kế giỏi tức mức khiến CTA trông không khác gì một phần bình thường của bài viết. Tuy điều này là tốt về mặt hình ảnh nhưng một phần nào đó nó lại không đủ nổi bật để khiến khách hàng bị thuyết phục.

Để giải quyết điều này, hãy sử dụng những màu sắc hơi tương phản một chút so với tổng thể màu sắc của cả trang. Lấy ví dụ gam màu tổng thể của bạn sử dụng màu trắng và xanh dương, vậy CTA của bạn nên là màu đỏ hoặc cam với sắc độ nhẹ (pastel chẳng hạn) để khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy những ưu đãi, khuyến mãi mà họ đang được giới thiệu.

4. CTA chưa đủ lớn hoặc đặt sai chỗ

“Ơ! Nút đăng ký ở đâu nhỉ? Mình có nhận được khuyến mãi gì khi đăng ký không nhỉ? Chương trình này kéo dài tới bao giờ nhỉ?”

Đây không phải là dấu hiệu của một nội dung tệ bởi đôi khi khách hàng không thể nhớ hết được họ vừa đọc điều gì. Do đó, CTA phải có nhiệm vụ gợi nhớ và làm nổi bật những điều đó cho khách hàng! Tình huống này xảy ra có thể là do hệ quả của việc CTA chưa đủ lớn hoặc được đặt sai chỗ.

Do đó, trước khi xuất bản một trang đích hoặc một trang con về nội dung khuyến mãi, hãy đảm bảo CTA được đặt ở vị trí tốt nhất, thường là ngay ở đầu trang và ngay trước footer.

5. Ngôn ngữ không thân thiện với khách hàng

Thế nào là không thân thiện với khách hàng? Lấy một ví dụ, chẳng hạn bạn muốn tiếp thị một dòng cà phê mới cho những khách hàng trung thành cà phê vỉa hè hay cà phê sữa đá truyền thống. Bạn tiếp cận đối tượng mục tiêu rồi say mê nói về những hạt robusta được mix cùng arabica ra sao, ngon hơn khi thưởng thức theo cold brew... Những thuật ngữ về cafe như Robusta, Arabica hay Cold brew, nghe thì có vẻ sẽ khiến nội dung nghe thú vị và đậm tính chuyên môn hơn, nhưng những khách hàng chính của bạn lại chẳng hiểu bạn đang nói gì.

Chính vì thế, để đảm bảo CTA của mình thân thiện với khách hàng, hãy sử dụng những từ ngữ đơn giản nhất để thuyết phục họ đưa ra hành động.

Ví dụ thay vì nói rằng: “Cafe của chúng tôi sẽ khiến vị giác của bạn thăng hoa khi được pha theo phương pháp cold brew” thì hãy nói “Đây chính là loại cafe sẽ khiến vị giác của bạn chỉ còn uống được cafe ủ lạnh”.

6. Không truyền tải được giá trị

Nhiều khi, trong một bài viết, bạn mặc định coi rằng khuyến mãi của bạn chính là chiếc "đèn xanh" tuyệt vời giữa một ngã tư giờ tan tầm, nơi mọi người chỉ đợi để rồ ga tới nhận, thì bạn hoàn toàn sai. Nếu như bạn không làm rõ được rằng sản phẩm ấy mang lại giá trị gì cho khách hàng, họ sẽ chẳng buồn ngó ngàng tới nó.

Ví dụ: bạn đang quảng cáo ebook về SEO, bộ công cụ về tiếp thị trên thiết bị di động hoặc bản dùng thử miễn phí phần mềm, thay vì “Click vào đây để nhận mã ưu đãi và dùng thử sản phẩm”, bạn lại nói rằng "Click vào đây để nghe chuyên gia trên thị trường nhận định về sản phẩm của chúng tôi". Ủa? Ai quan tâm đâu?

7. Quá dài dòng

Như chúng ta đã cùng nói với nhau ở trên, người đọc rất dễ bị phân tâm và không nhớ được những gì họ vừa đọc nếu phải xem một bài viết quá dài. Và lời kêu gọi hành động cũng thế.

Theo nghiên cứu của chuyên gia truyền thông xã hội Dan Zarrella, tiêu đề nên có độ dài tối đa là từ 90-150 từ. Điều này cũng đúng với trường hợp của CTA. Do đó, hãy xóa bỏ các từ không liên quan và chỉ tập trung vào mục tiêu quan trọng.

Ví dụ:

- Bạn không nên viết: Hãy để lại email của bạn, vì chỉ khi sử dụng email, chúng tôi mới có thể lên danh sách và đảm bảo bạn không bị bỏ sót khi trở thành người may mắn nhận được giải thưởng là 01 năm sử dụng phần mềm miễn phí này.

- Bạn nên viết: Để lại email để "chắc chắn" nhận được 01 năm sử dụng phần mềm miễn phí nếu bạn may mắn!

8. Không sử dụng số

Một cách cực kỳ tốt để giảm thiểu sự "dài dòng" là sử dụng những con số. Bên cạnh việc giúp cảm giác đọc tốt hơn, giống như việc bạn có thể dễ dàng phát hiện một số 5 giữa cả ngàn chữ a trong một bảng câu đố, thì các con số cũng khiến CTA có vẻ chân thực và đáng tin cậy hơn.

Ví dụ:

- CTA thông thường: Có cả ngàn người khác từng tham gia vào chương trình hiến máu nhân đạo này, và tôi tin rằng bạn, cũng sẽ mang tấm lòng nhân ái như cả ngàn người đó.

- CTA sử dụng số: Có hơn 57.825 người đã tham gia, liệu bạn sẽ là nhà hảo tâm tiếp theo chứ?

9. Đặt CTA không phù hợp với hành trình mua sắm của khách hàng

Giống như ở ví dụ bên trên, thay vì đưa ra ưu đãi để khách hàng tiến hành mua hàng hoặc dùng thử, nhãn hàng lại đưa ra lời mời xem thêm về độ uy tín của sản phẩm sau khi cố gắng "nhồi nhét” vào đầu khách hàng vô số thông tin trước đó vậy. Đây chính là điển hình của việc sử dụng CTA không phù hợp với hành trình mua sắm của khách hàng.

Hãy phân tích theo từng giai đoạn. Chẳng hạn khi khách hàng đang tìm hiểu về sản phẩm thì họ sẽ có nhu cầu tìm hiểu thêm, khi đang đắn đo thì họ sẽ cần một điểm chạm để đưa ra quyết định ví dụ như một mã giảm giá trong ngày... Một CTA chính xác lúc này sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn gấp 10 lần một CTA bị đặt sai chỗ.

10. Lạm dụng CTA

Giống như việc yêu cầu khách hàng đánh giá 5 sao trước khi chuyến Grab bắt đầu, việc đặt CTA trước khi bạn mang lại giá trị cho người đọc sẽ khiến họ không mấy thiện cảm với chính nội dung họ đang chuẩn bị tìm hiểu.

CTA của bạn sẽ phát huy hiệu quả lớn nhất khi nó truyền tải được những giá trị mà bạn có thể mang lại cho khách hàng và tại sao họ lại nên hành động ngay vào thời điểm đó. Hãy tuân thủ đúng theo hành trình khách hàng và bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả mà nó mang lại, thay vì nhồi nhét hàng tá lời kêu gọi một cách sáo rỗng.

Tất nhiên, việc lạm dụng CTA cũng sẽ mang lại tác dụng trong một số trường hợp cụ thể, nơi mà bạn chuẩn bị tung ra một ưu đãi gây sốc hoặc một lời đề nghị miễn phí chẳng hạn.

11. Chỉ sử dụng duy nhất một CTA

Một CTA duy nhất có thể sẽ phát huy tác dụng tốt trong những nội dung ngắn hoặc những sản phẩm/dịch vụ giá rẻ với thời gian đưa ra quyết định nhanh. Nhưng với những nội dung dài cùng một hành trình khách hàng phức tạp, việc chỉ có một CTA duy nhất sẽ không thực sự mang lại tác dụng.

Ví dụ như Ori đang kêu gọi bạn thích và theo dõi fanpage của mình trên facebook, nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn bạn đăng ký Email để nhận được những thông tin mới nhất về lĩnh vực tiếp thị, hay thậm chí là nhận tư vấn về dịch vụ phòng marketing thuê ngoài chẳng hạn. Do đó, nếu bạn có nhiều hơn một mục đích, hãy đặt thêm nhiều CTA vào trong các phần liên quan của bài viết để khuyến khích người đọc hành động.

12. Quên đặt CTA khi triển khai các hoạt động tiếp thị đơn lẻ

Bên cạnh việc thêm lời kêu gọi hành động vào mọi Email tiếp thị, bài viết trên mạng xã hội hay trang sản phẩm trên Website thì vẫn còn rất nhiều vị trí tuyệt vời khác mà mọi người thường hay bỏ quên không đặt CTA. Ví dụ như trong cover facebook của thương hiệu, trong câu trả lời của Linkedin, trong các Ebook miễn phí hay trong những video hay bài viết chia sẻ kiến thức chẳng hạn.

13. Không có hoạt động thử nghiệm chạy thử CTA

Các con số thì không bao giờ biết nói dối. Vì thế khi đánh giá độ hiệu quả của một dạng CTA nào đó, hãy triển khai và thử nghiệm nhiều dạng khác nhau để tìm xem đâu mới là CTA hiệu quả nhất.

Nói một cách đơn giản, bằng cách thỉnh thoảng thử một CTA mới mẻ hơn vào trong những bài quảng cáo theo phương pháp A/B testing (thử nghiệm A/B) để kiểm tra phản ứng của người xem đối với các dạng CTA khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn biết được dạng CTA phù hợp nhất với từng dạng nội dung, qua đó mang lại khả năng chuyển đổi ưu việt hơn so với các công thức "rập khuôn" ban đầu.

14. CTA không thân thiện với các thiết bị cầm tay

Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mọi thứ diễn ra trên một màn hình nằm gọn trên tay. Bên cạnh một Website hay một trang đích thực sự ấn tượng trên máy tính, bạn cũng cần đảm bảo sản phẩm của mình được thiết kế thân thiện với điện thoại. Theo số liệu thống kê thì có tới 70% lưu lượng truy cập vào các website ngày nay là tới từ các thiết bị cầm tay (điện thoại, máy tính bảng...). Thêm vào đó, theo báo cáo từ VWO.COM thì một nút CTA được thiết kế ấn tượng trên điện thoại có khả năng tăng tỷ lệ chuyển đổi lên tới 62%.

Vì thế, việc tạo ra một nút kêu gọi hành động hoàn hảo cho các thiết bị cầm tay chính là chìa khóa để tối ưu khả năng chuyển đổi.

15. CTA không cụ thể

CTA cụ thể có nghĩa là CTA làm đúng những gì mà nó đang đưa ra cho người đọc. Lấy ví dụ bạn đang gửi lời đề nghị tới khách hàng để thử sản phẩm "miễn phí" thì ít nhất họ nên được điều hướng tới trang về mức giá hay trang về ưu đãi, thay vì tới đường link săn ưu đãi miễn phí bằng cách gia nhập group khách hàng.

Việc đưa ra một CTA cụ thể và "điều đúng hướng" sẽ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời khiến họ cảm thấy hài lòng và tăng tỷ lệ quay lại.

16. CTA bán hàng “trắng trợn”

Thế nào gọi là trắng trợn, đó là bạn hứa rằng sản phẩm của mình sẽ giải quyết một vấn đề nào đó của khách hàng bằng cách làm theo lời kêu gọi hành động, nhưng kết quả là họ phải sử dụng phiên bản "vip pro limited" và thêm thông tin thẻ của mình vào để đăng ký thì mới được sử dụng. Cũng giống như dội một gáo nước lạnh vào một ngọn lửa vừa nhen nhóm vậy, việc quá chú trọng vào bán hàng sẽ khiến CTA của bạn phản tác dụng và rước lấy sự thù ghét của khách hàng.

Do đó, giống như những điều mà Ori Agency đã đề cập ở trên, hãy đảm bảo rằng mình đã mang lại giá trị đủ lớn cho khách hàng trước khi thuyết phục họ mua sản phẩm thông qua lời kêu gọi hành động.

17. Sử dụng các từ ngữ chung chung

Giống như giá trị của một thỏi son với một đôi môi nhợt nhạt, một CTA hấp dẫn sẽ phủ lên sản phẩm/dịch vụ một sức lôi cuốn mãnh liệt và khiến họ dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định. Chính vì thế hãy cố gắng tránh sử dụng những từ ngữ chung chung mà khách hàng gặp hàng ngày chẳng hạn như inbox ngay, đăng ký ngay, click vào đây để nhận ưu đãi… Thay vào đó hãy sử dụng những từ mang tính chuyên môn hơn tùy thuộc vào ngữ cảnh.

Ví dụ

- Với một khóa học Tiếng Anh thì sẽ là Hãy cảm nhận sự dễ dàng mà Tiếng Anh mang lại cho sự nghiệp chỉ sau một buổi trải nghiệm.

- Với dịch vụ Spa: Bạn của năm 40-50-60 sẽ kể lại cho bạn về cách mà làn da trở nên tươi trẻ tới cả thập kỷ sau cú click này

18. Không tối ưu hóa SEO cho CTA

Bên cạnh việc giúp tối ưu hóa bài viết cho công cụ tìm kiếm thì việc tối ưu lời kêu gọi hành động theo SEO cũng là một cách tuyệt vời để gia tăng lưu lượng truy cập vào bài viết, cũng như thêm các từ khóa liên quan vào trang Web của bạn để tối ưu SEO.

Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp CTA trở nên cụ thể, giúp khách hàng biết được họ đang tìm kiếm điều gì và sẽ nhận được lợi ích gì trong bài viết.

19. Sử dụng lặp lại một nút CTA

Như đã đề cập ở trên, việc “copy & paste” một CTA duy nhất cho tất cả một nội dung sẽ tạo ra những hiểu lầm không đáng có trong hành trình khách hàng. Và việc chỉ sử dụng lặp đi lặp lại một lời kêu gọi hành động cũng vậy.

Tốt hơn hết là bạn nên có các CTA khác nhau để phục vụ cho các đối tượng khác nhau. Bởi mỗi đối tượng lại bị thu hút bởi một ưu đãi / khuyến mãi khác nhau.

Lấy ví dụ câu đăng ký ngay để tận hưởng ưu đãi mua rẻ hơn tới 50% so với giá gốc sẽ hấp dẫn hơn với người cao tuổi, trong khi "Dùng thử miễn phí 1 tháng" sẽ trông có vẻ hấp dẫn hơn với độ tuổi Gen Y và Gen Z.

20. CTA không tạo ra cảm giác khẩn cấp

"Livestream tối nay sẽ bị xóa ngay khi lên kết thúc và bạn sẽ không thể xem lại" là một trong những CTA tiêu biểu cho việc tạo ra cảm giác khẩn cấp cho người dùng. Con người luôn mong muốn trì hoãn nếu có thể, do đó việc tìm cách thêm mức độ khẩn cấp / hay giới hạn thời gian vào trong nội dung sẽ khiến họ ngay lập tức tìm cách hành động.

Tính khẩn cấp trong lời kêu gọi hành động của bạn sẽ thúc đẩy tương tác và mang đến cho bạn cơ hội tốt hơn để chuyển đổi khách hàng tiềm năng khả thi (leads) thành khách hàng (customers).

Trên đây là 20 sai lầm mà nhà tiếp thị nào cũng từng trải qua. Bởi ít ai ngờ chỉ một câu kêu gọi đơn giản lại mang lại hiệu ứng lớn đến thế trong quá trình tối ưu và gia tăng chuyển đổi.Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy nó hữu ích và đừng quên theo dõi Ori Agency trên Facebook để theo dõi các bài viết mới nhất của chúng tôi nhé!

Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency

Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe....

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y