"Tốt" và "Đúng" liệu có khác nhau trong marketing?

Trước khi bắt đầu nội dung chính, chúng ta sẽ làm một so sánh đơn giản giữa “tốt” và “đúng” thì điểm giống nhau dễ dàng nhận thấy nhất chính là hai từ này đều là “tính từ” và đều mang nghĩa hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt, “đúng” mang ý nghĩa “phù hợp với cái hoặc điều có thật”, trong khi “tốt” mang ý nghĩa “có phẩm chất, chất lượng cao hơn mức bình thường”.

Còn về sự khác biệt, 2 từ này mang hai trường ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nếu áp dụng chúng trong cuộc sống, thì “đúng” hay “tốt” đôi khi lại giống nhau, quan trọng là ở góc nhìn.

Có thể lấy ví dụ: Khi bạn nhận được một công việc đúng sở thích thì đối với bạn đó là “đúng”, nhưng với người khác đó không phải là một công việc “tốt” vì nó chẳng mang lại mức thu nhập cao. Bạn vẫn cảm thấy bản thân vui vẻ và được sống trọn với nghề đó. Quan điểm của bạn là chỉ khi được sống với đam mê, được làm công việc mà mình yêu thích thì mới có thể trụ lâu với nghề và đạt được thành công như mơ ước. Bạn không phải gượng ép bản thân mỗi ngày để làm công việc mà mình không thích trong tâm trạng chán chường.

Trong khi đó, một số người lại sẵn sàng làm công việc không đúng với sở thích hay đam mê của họ. Họ có thể làm bất cứ nghề gì nếu nó đem lại thu nhập cao như mong đợi, thì đó mới là công việc “tốt”.

Từ đây, có thể thấy, “tốt” hay “đúng” tùy thuộc vào góc nhìn và hoàn cảnh của mỗi người. Mỗi cá nhân đều có những quan điểm riêng và chúng ta không có quyền phán xét những quan điểm ấy. Tuy nhiên, ở góc độ của tôi, “tốt” hay “đúng” trong công việc không quan trọng vì tất cả những trải nghiệm của tôi tại công ty mới là thứ quan trọng nhất, từ những đồng nghiệp, môi trường - văn hóa doanh nghiệp… Đây ít nhiều là những bài học mà tôi có thể mang theo trong suốt quá trình làm việc sau này của chính mình.

Và trong một số trường hợp khách quan nhất định khác, “tốt” và “đúng” chẳng cần phải phân biệt, vì chúng là cặp đôi song hành bổ trợ cho nhau, tạo nên những bước tiến mới vượt bậc vươn tới thành công. Vậy minh chứng cho điều này là gì?

Nếu nhìn vào thực tế ở khía cạnh marketing, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy điều này thông qua câu chuyện trong kinh doanh, điển hình là của các chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ làm đẹp. Để thương hiệu của họ có tên tuổi, đứng vững trên thương trường và đạt mức doanh thu cao như mong đợi, họ sẽ tạo ra cho mình một lối đi riêng.

Một số doanh nghiệp thì bị cuốn vào vòng xoay của những cuộc cạnh tranh giảm giá vô tội vạ, tạo ra đầy rẫy những dịch vụ để chạy theo ý muốn của khách hàng, mặc cho điều đó khiến doanh nghiệp của họ đánh mất đi bản sắc riêng. Và, họ cho rằng điều này là “tốt” vì nó giúp họ đạt được mức doanh thu như mong đợi. Nhưng đối với một số khác, họ chọn cách đầu tư vào chất lượng để mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mang giá trị thực mà mình cung cấp, và họ cho rằng đó điều mới là “tốt”. Tuy nhiên, tất cả có một điểm chung chính là không biết cách truyền thông thương hiệu “đúng”, dẫn đến việc cố gắng nhiều nhưng không đạt được kết quả như mong đợi.

Cho nên, chỉ khi doanh nghiệp đầu tư “tốt” nội lực cho thương hiệu của mình, và áp dụng “đúng” các chiến lược marketing thì mới có thể đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến được gần hơn với khách hàng, mới có thể thu hút họ, đánh trúng vào “nỗi đau” của họ để “cứu rỗi” họ. Như vậy, doanh nghiệp của bạn nhất định sẽ đạt được thành công như kỳ vọng.

Cuộc sống, công việc,... nhiều nút thắt, ai sẽ tháo gỡ cho ta? Chẳng ai khác ngoài bạn! Hãy tự mình tạo cho bản thân một bệ phóng vươn tới thành công bằng sức mạnh của kỹ năng, của nội tại mạnh mẽ, bằng cái “tốt” song hành cùng cái “đúng” thay vì phân định rạch ròi giữa chúng. Khi đó, bạn sẽ thành công!

Julien Nguyễn