Senior Manager tại Suntory PepsiCo Vietnam Beverage: Quản lý có “tâm” – Team xứng “tầm”

“Tôi nghĩ để trở thành một Leader tốt thì từ khóa ở đây chính là ‘thấu hiểu’. Từ thấu hiểu, người Leader tốt sẽ cảm nhận được thế mạnh của mỗi cá nhân và giúp họ phát triển hơn trên con đường thăng tiến sự nghiệp”.

Đó là chia sẻ của chị Phương Trang, Senior Digital Marketing Manager tại Suntory PepsiCo Vietnam Beverage (SPVB), trong sự kiện MBA Meetup tháng 6/2023 do Viện ISB tổ chức. Được biết chị Trang đã làm việc trong ngành Digital Marketing gần 17 năm, trong đó, chị gắn bó với SPVB 5 năm. Trước đây, chị từng là Associate Digital Director tại MediaCom và Account Manager tại VNG.

* Trong gần 17 năm làm việc của chị Trang, có lẽ chị đã từng trải qua cả hai vai trò Leader và Follower. Chị Trang thấy mình phù hợp với vai trò nào hơn?

Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn làm rõ định nghĩa của hai khái niệm trên. Một nhận định phổ biến cho rằng trong doanh nghiệp sẽ có hai nhóm: sếp và nhân viên (tương ứng là Leader và Follower). Còn tôi cho rằng đó là hai tính cách khác nhau của một người lãnh đạo. Với tính cách Leader, người lãnh đạo là sẵn sàng chỉ huy, “lèo lái” đội ngũ, đưa ra chiến lược để đạt được mục tiêu chung. Còn với tính cách Follower, người lãnh đạo trong vai trò “hậu phương”, lắng nghe, truyền cảm hứng và thúc đẩy mọi người.

Với tôi, trở thành Follower sẽ khó hơn làm một người Leader. Theo Expressive Style, tôi giống như một “con công”. Đây là một dạng tính cách sáng tạo, nhanh nhạy, chủ động, có óc quan sát, thẳng thắn, thân thiện và là người kết nối. Vì con công luôn muốn thể hiện màu sắc riêng, luôn muốn lãnh đạo mọi người nên đôi khi trở thành Follower tương đối khó. Tuy nhiên, tôi luôn giữ cho mình sự linh hoạt nhất định trong cách quản trị nhân sự. Đôi lúc tôi phải kìm lại để lắng nghe và góp ý bởi nếu tôi can thiệp từng chuyện nhỏ thì sẽ rất khó để có thể đào tạo một nhân sự thành công.

Chị Phương Trang, Senior Digital Marketing Manager tại Suntory PepsiCo Vietnam Beverage (SPVB), hiện đang là học viên MBA tại Đại học Western Sydney, Cơ sở Việt Nam.

* Vậy theo chị Trang, điều gì giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo?

Tôi nghĩ để trở thành một Leader tốt thì từ khóa ở đây chính là “thấu hiểu”. Từ thấu hiểu, người Leader tốt sẽ cảm nhận được thế mạnh của mỗi cá nhân và giúp họ phát triển hơn trên con đường thăng tiến sự nghiệp.

Chẳng hạn như trong quá trình làm quản lý của tôi, khi nhân viên gặp phải vấn đề với khách hàng, những bộ phận liên quan, tôi sẽ nhận lỗi sai về mình với vai trò Leader. Sau đó, tôi sẽ họp và hỏi lại các bạn về giải pháp. Cuối cùng, tôi sẽ phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của vấn đề và chỉ ra những lỗi các bạn không nên mắc phải sau này.

Tôi khá yêu thích cuốn sách “7 Thói quen Hiệu quả” được viết bởi tác giả Stephen R. Covey. Trong đó, thói quen thứ 5 vô cùng quan trọng đối với một “Follower” – đó là thấu hiểu để cảm thông. Cũng như trong lớp MBA tại Western Sydney Việt Nam, tôi có cơ hội làm việc với nhiều bạn từ các lĩnh vực khác nhau, chương trình MBA cũng luân chuyển tôi lần lượt qua các phòng ban khác nhau, nhờ quá trình học tập và làm việc cùng giáo sư, các bạn học từ những lĩnh vực khác, tôi đã thấu hiểu và thông cảm hơn với các phòng ban.

Theo chị Trang, để trở thành một Leader tốt thì từ khóa ở đây chính là “thấu hiểu”

* Như vậy, đâu là những yếu tố các bạn trẻ có thể lưu tâm để trở thành một Leader tốt?

Với tôi thì điều đầu tiên tôi nghĩ để một Follower trở thành một Leader tốt thì hãy xác định rõ mục tiêu của bạn. Chẳng hạn khi các bạn ra trường, bắt đầu ở vị trí thực tập thì bao lâu sẽ lên chuyên viên, quản lý; và để lên vai trò mới, các bạn cần phải đạt được điều gì. Theo quan điểm của tôi, nếu không có mục tiêu thì hành trình của bạn sẽ như một con thuyền đi trên biển mà không nhìn thấy ngọn hải đăng.

Thứ hai, các bạn cần chủ động trong công việc. Chẳng hạn bạn có thể hoàn thành công việc của mình trong ngày hôm đấy nhưng vẫn tiếp tục làm thêm những đầu việc khác để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề cũng như tăng khả năng quản lý dự án. Tôi tin đến một thời điểm chín muồi, bạn có quyền chủ động đề xuất lên vị trí cao hơn với quản lý của mình vì mình xứng đáng.

Cuối cùng, các bạn hãy cố gắng vượt ra khỏi “comfort zone” (vùng an toàn). Khi đã đặt mục tiêu trở thành một Leader thì hãy làm sao dám bước ra khỏi vùng an toàn, hãy tập trung vào câu chuyện trở thành “think-er” thay vì “do-er”. Đến thời điểm thích hợp, các bạn cần nghĩ về câu chuyện chiến lược, tầm nhìn thì tổ chức, công ty sẽ tự động trao cơ hội cho các bạn.

Bởi vì trong các tập đoàn, việc lên được những vị trí lãnh đạo ngày càng cao là một chuyện cực kỳ khó. Lúc này câu chuyện sẽ quay về bước đầu – đặt mục tiêu. Nếu ví chuyện thăng tiến như “leo núi” thì có thể tùy mục tiêu của các bạn sẽ đi được đến đâu. Ví dụ, một vài bạn sẽ quyết tâm để đến đỉnh núi, một vài bạn sẽ thích tận hưởng cảnh đẹp trên đường đi và đi thong thả quanh khu vực chân núi. Khi chọn con đường cho bản thân, điều tiên quyết là vẫn phải bước ra khỏi vùng an toàn.

“Điều đầu tiên khi các bạn muốn trở thành một Leader tốt, hãy nghĩ đến việc đặt mục tiêu, bởi vì nếu không có mục tiêu thì hành trình của bạn sẽ như một con thuyền đi trên biển mà không nhìn thấy ngọn hải đăng”, chị Trang chia sẻ.

* Vậy chị Trang có gợi ý nào cho những bạn trẻ để có thể tận dụng khoá học MBA như một đòn bẩy trong sự nghiệp?

Ở đây, tôi sẽ đưa ra lời khuyên bằng chính kinh nghiệm làm việc của mình cho những bạn đang là chuyên viên theo đuổi chương trình MBA.

Để trả lời cho câu hỏi trên, cần hình dung các bạn chuyên viên như “vua một cõi” – một người đã rất giỏi trong chuyên môn công việc của mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn lên một vị trí cao hơn như trưởng phòng, giám đốc thì các bạn sẽ như “đế tứ phương”. Và mỗi phòng ban như một đất nước, ở vị trí Leader, các bạn sẽ cần thấu hiểu “nền văn hóa” riêng, sở hữu khả năng lãnh đạo và một tầm nhìn chiến lược.

Như vậy, chương trình MBA sẽ đóng vai trò như một đòn bẩy. Tại đây, các bạn được lần lượt luân chuyển nhiều vị trí trong các phòng ban khác nhau. Cụ thể hơn, có những môn rất hay giúp các bạn đóng vai trò là CEO, CFO, hoặc Founder của một startup và đề bài là hoạch định kế hoạch kinh doanh của công ty trong vòng 2 năm hoặc làm sao để công ty được định giá 1 triệu USD. Trong suốt quá trình học như vậy, kiến thức, chuyên môn của các giáo sư sẽ giúp ích rất nhiều.

Ngoài ra, các kỹ năng như suy nghĩ logic (logical thinking), decision making cũng được rèn luyện rất nhiều trong chương trình MBA. Đây cũng là một khả năng tư duy rất thú vị khi bắt tay vào bất kỳ dự án nào. Bởi vì các bạn sẽ định hình lại được chiến lược làm việc của mình để đạt được mục tiêu chung.

Cuối cùng không thể bỏ qua giá trị kết nối của chương trình MBA – mạng lưới tài năng. Nhờ quá trình học chung, làm việc nhóm chung mà các bạn sẽ biết được thế mạnh của mỗi người. Sau này, mối quan hệ với những người bạn tài năng – đồng thời là chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực sẽ giúp cho các bạn rất nhiều trong tương lai.

“Giá trị kết nối của chương trình MBA là điều các bạn không thể bỏ qua khi tham gia học MBA vì các bạn sẽ được gặp gỡ các bạn học tài năng – đồng thời là chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực”, chị Trang đúc kết.

* Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ chị Trang. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney tại đây.