Snapshot – MBA Meetup 05/2023: “Leader” tốt trước hết phải là “Follower” tuyệt vời

Trong buổi MBA Meetup do Viện ISB tổ chức vào 05/2023, hai nhà quản lý tài năng đến từ các tập đoàn đa quốc gia - đồng thời là học viên MBA tại Đại học Western Sydney đã có nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề Leadership, cụ thể là về mối tương quan giữa “Leader” và “Follower”.

Khách mời đầu tiên là chị Phạm Huỳnh Phương Trang, Senior Digital Marketing Manager tại Suntory PepsiCo Việt Nam. Chị Trang đã có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Digital Marketing, trước đây chị từng là Associate Digital Director tại MediaCom và Account Manager tại VNG.

Khách mời tiếp theo là anh Lê Hoàng Long, Senior Manager khối Retailer Vertical, NielsenIQ Việt Nam. Sau khi ra trường, anh Long gia nhập NielsenIQ đến nay đã được hơn 10 năm. Trong thời gian đó, anh Long cũng từng có giai đoạn làm việc tại NielsenIQ Dubai, phụ trách thị trường Trung Đông và Bắc Phi.

Định nghĩa về Leader và Follower

Một nhận định phổ biến cho rằng trong doanh nghiệp sẽ có hai thành phần: sếp và nhân viên (leader và follower). Thế nhưng, chị Phương Trang lại có một góc nhìn hoàn toàn khác về vấn đề: “Đây là tính cách của hai kiểu lãnh đạo”.

"Leader" sẵn sàng chỉ huy và dẫn dắt một đội nhóm, đưa ra chiến lược và giúp đội ngũ đạt được mục tiêu chung. Ngược lại, "Follower" là những người sẽ ở hậu phương và lắng nghe, truyền cảm hứng và thúc đẩy mọi người.

Yếu tố để trở thành người leader thành công bao gồm sự dung hòa giữa "Leader" và "Follower". Anh Long nói: “Chuyên môn xuất sắc chỉ dừng lại ở việc quản lý giỏi, nhưng để trở thành một leader tốt trước tiên phải là follower tuyệt vời”.

Như thế nào là một follower tuyệt vời?

Dựa trên 7 Thói quen Hiệu quả được viết bởi tác giả Stephen R. Covey, chị Trang cho rằng thói quen thứ 5 vô cùng quan trọng đối với một "Follower" - đó là thấu hiểu để cảm thông.

Thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên

Trong câu chuyện lãnh đạo, người leader không nên chỉ quan tâm đến kết quả mà bỏ qua quá trình. Bước đầu tiên để chinh phục mục tiêu thành công là người lãnh đạo cần thấu hiểu kinh nghiệm, chuyên môn và tính cách của các thành viên.

“Mỗi nhân viên có một nền tảng chuyên môn riêng. Vì vậy, mỗi quyết định của nhân viên đều có lý do. Lãnh đạo cần lắng nghe và thấu hiểu mọi câu chuyện đằng sau quyết định trước khi đưa ra nhận định” - anh Long chia sẻ.

Chị Trang cũng đồng tình về độ quan trọng của việc hiểu tính cách nhân viên. “Mỗi bạn sẽ sở hữu những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau và sẽ được trao quyền quản lý những dự án khác nhau để mang đến kết quả tốt nhất”.

Cảm thông để hỗ trợ nhân viên lúc cần thiết

Sau khi trao quyền, "Follower" cần tiếp tục theo dõi đội ngũ cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng. "Follower" sẽ sẵn sàng giúp đỡ nhân viên khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra thay vì bỏ mặc.

“Khi có vấn đề xảy ra, tôi sẽ tổ chức một cuộc họp để tìm hiểu rõ nguồn gốc câu chuyện và hỏi các bạn về giải pháp” chị Trang chia sẻ. “Từ đó, tôi sẽ phân tích và chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng giải pháp và đưa ra cách xử lý cuối cùng.”

Anh Long nhấn mạnh: “Việc leader hỏi nhiều hơn sẽ giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng và kích thích khả năng sáng tạo của tập thể”.

Tham gia MBA Meetup số tháng 5, chị Phạm Huỳnh Phương Trang, Senior Digital Marketing Manager tại Suntory PepsiCo Việt Nam và anh Lê Hoàng Long, Senior Manager khối Retailer Vertical, NielsenIQ Việt Nam đã có những quan điểm thú vị xoay quanh chủ đề leadership.

Một người leader tốt là như thế nào?

Vẽ ra một chân dung của một người "Leader" tốt, anh Long và chị Trang cho rằng có 3 yếu tố quan trọng:

Tầm nhìn bao quát

Ở vai trò "Leader", người lãnh đạo thường dẫn dắt, ra quyết định hướng và lèo lái con tàu để đưa cả đội đến được “bến bờ thành công”. “Người lãnh đạo sẽ cho cả nhóm thấy được bức tranh toàn cảnh, hướng đi và làm sao để tất cả mọi người cùng cống hiến cho mục tiêu chung” - Anh Long nói.

“Khi bạn làm lãnh đạo, bạn có thể ra quyết định nhiều hơn và đưa ra định hướng chiến lược để tổ chức đạt được kết quả cuối cùng” - chị Trang chia sẻ. Thế nhưng theo chị, đôi lúc người lãnh đạo cũng cần trong vai "Follower" để trao cho nhân viên sự tự do và cơ hội phát triển tối đa năng lực.

Chuyên môn xuất chúng

“Trước hết, người lãnh đạo cần tạo ra một chỗ dựa vững chắc cho nhân viên của mình” - Anh Long chia sẻ, “Để làm được điều đó, người leader cần sở hữu chuyên môn xuất sắc trong môn lĩnh vực nhất định”.

Tuy nhiên, theo anh Long thì sở hữu những kỹ năng chuyên môn xuất chúng chỉ nằm ở mức lãnh đạo tốt. “Để trở nên xuất chúng thì nhiệm vụ của người lãnh đạo là làm sao phát huy được chuyên môn tối đa của từng cá nhân trong trong bộ phận” - anh Long nói.

Nhận trách nhiệm về bản thân

Khi có bất kỳ sự kiện bất ngờ nào xảy ra, chẳng hạn như khách hàng không hài lòng hoặc giận dữ, leader nên là người nhận trách nhiệm. Một yếu tố quan trọng đó là người leader sẽ bảo vệ thành viên của mình bằng mọi giá, tiếp thu những phản hồi của khách hàng và giải quyết vấn đề cho ổn thỏa.

“Thậm chí đôi lúc người leader còn phải dĩ hòa vi quý cho cả hai bên khách hàng lẫn nhân viên của mình” - Anh Long nói. “Quan trọng là làm sao để chúng ta đạt được mục tiêu chung, đem lại chiến thắng cuối cùng cho cả khách hàng lẫn cho cả team mình”.

Theo chị Trang, đôi lúc người lãnh đạo cũng cần trong vai "Follower" để trao cho nhân viên sự tự do và cơ hội phát triển tối đa năng lực.

Vậy Leader hay Follower - vai trò nào phù hợp hơn cho nhà lãnh đạo?

Trong câu chuyện "Leader" hay "Follower" - vai trò nào phù hợp hơn với nhà lãnh đạo, Anh Long và chị Trang đều cho rằng trở thành "Follower" sẽ khó hơn làm một người "Leader".

“Theo Expressive Style, tôi giống như một “con công” – luôn thích nói, thích màu sắc và hình ảnh hơn. Đây là một dạng tính cách sáng tạo, nhanh nhạy, chủ động, có óc quan sát, thẳng thắn, thân thiện và là người kết nối.” – chị Trang nói. “Vì như con công luôn muốn thể hiện màu sắc riêng, luôn muốn lãnh đạo mọi người nên đôi khi trở thành follower rất khó”.

Tuy nhiên, chị Trang luôn giữ cho mình sự linh hoạt nhất định trong cách quản trị nhân sự. Đôi lúc chị cũng phải kìm lại để lắng nghe và góp ý vào một buổi họp chính thức. Với chị, nếu mỗi bước các bạn làm, chị đều can thiệp thì sẽ rất khó khăn để đạt được kết quả mong muốn cũng như đào tạo một nhân sự thành công.

“Ở bất kỳ vai trò nào, vị trí nào, kể cả chức vụ nào, tôi nghĩ một người đều phải đóng cả hai vai trò cùng lúc, đó là follower và leader” - anh Long bày tỏ quan điểm. Anh cho rằng người lãnh đạo không cần quá cứng nhắc và gắn nhãn bản thân là "Leader" hay "Follower", bởi vì tùy từng hoàn cảnh sẽ có cách chuyển đổi linh hoạt khác nhau.

Lấy ví dụ khi bắt đầu làm tại NielsenIQ, anh Long cần trở thành một "Follower" để lắng nghe mục tiêu chung và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của người quản lý. Ngoài thấu hiểu ra, anh sẽ cần làm chủ bản thân - kỷ luật bản thân và quản lý thời gian làm việc như thế nào để thật hiệu quả. Đây là hai ví dụ cần dung hòa giữa hai vai trò mà anh Long đã trải nghiệm.

Trong suốt nhiều năm làm quản lý, chị Trang luôn giữ cho mình sự linh hoạt nhất định, thay đổi lần lượt từ follower - leader và ngược lại.

MBA - Khóa học giúp dung hòa cả hai yếu tố

“Một người bao giờ cũng có những điểm mù của chính mình” - Anh Long nói. Đối với anh, chương trình MBA giúp anh trải nghiệm qua rất nhiều môn học và gặp gỡ các thầy cô, bạn bè. Từ việc gặp gỡ những mối quan hệ mới, anh Long nhận ra rất nhiều góc nhìn đa chiều và vô cùng giá trị.

Tham gia chương trình MBA tại Đại học Western Sydney, anh Long đã có môi trường để thực hành chuyển đổi trạng thái follower - leader linh hoạt. “Trong lớp có một văn hóa rất hay, đó là bên cạnh dìu dắt nhau vượt qua những “cơn sóng", mọi người còn thúc đẩy nhau cùng tiến lên” - anh nói. “Khi có việc cần thì mỗi thành viên đều có thể xung phong lãnh đạo và dẫn dắt đội nhóm, đó là cách chuyển đổi rất nhanh!”

Nếu như anh Long trân trọng những giá trị kết nối mà chương trình mang lại, chị Trang lại ví von việc học MBA như “làm đế tứ phương”. “Các bạn chuyên viên với chuyên môn xuất sắc như là “vua một cõi”, nhưng muốn lên vị trí cao hơn thì như làm “đế tứ phương” - cần sở hữu tầm nhìn bao quát” - chị nói. Khi lên một vị trí cao hơn, điều đó yêu cầu người lãnh đạo cần có tầm nhìn bao quát cả một tổ chức và thấu hiểu được cách vận hành của mỗi phòng ban.

Tại chương trình MBA của Đại học Western Sydney, chị học được kỹ năng thấu hiểu lần lượt qua các môn học. Chị chia sẻ, nếu như trước đây, chị luôn gấp rút trong việc yêu cầu các phòng ban khác gửi tài liệu thì giờ đây chị đã đồng cảm hơn rất nhiều đối với workload của mỗi phòng ban khác.

Tham gia chương trình MBA tại Đại học Western Sydney, anh Long đã có môi trường để thực hành chuyển đổi trạng thái follower - leader linh hoạt.

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.

Về PSO MBA:

PSO MBA là chương trình thạc sĩ kinh doanh chuẩn quốc tế, được thiết kế bởi Đại học Western Sydney, Australia thuộc Top 1% Đại học xuất sắc nhất thế giới

Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney

Xem thêm: Các câu chuyện học MBA khác