Gợi ý chiến lược Truyền thông – Marketing cho các nhãn hàng mùa Trung Thu năm 2023

Trung Thu được coi là “thời điểm vàng” với nhiều thương hiệu. Chiến dịch Truyền thông – Marketing dành riêng cho Trung Thu thường được coi là chiến dịch cho mùa vụ chủ chốt của nhiều ngành hàng.

Năm 2023 có những hình thức tiếp cận thú vị, mới mẻ nào giúp truyền tải thông điệp mùa Trăng độc đáo? Cùng Novaon Digital khai phá những cách thức triển khai digital marketing triển vọng cho một mùa Trăng 2023 tròn vẹn tại bài viết này.

Điểm danh những chiến dịch của các “ông lớn” những mùa Trăng cũ & key learnings

1. The Coffee House: Trung Thu phong cách mới

Trong năm 2020, The Coffee House đã chứng minh được mình là một thương hiệu sáng tạo khi tung sản phẩm bánh Trung Thu đầu tiên của hãng ra thị trường. Chủ đề “The tale of Cuội” đã được khai thác nhằm tạo nên một chiến dịch Marketing rầm rộ. Điều gây ấn tượng là tất cả các mẫu bao bì này đều được tích hợp AR giúp khách hàng có thể xem hình động, đọc truyện 3D và nhận thông tin khuyến mãi thông qua ứng dụng do thương hiệu phát hành.

Thấu hiểu hành vi sử dụng điện thoại smartphone như một vật bất ly thân của giới trẻ, thương hiệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm vỏ bánh, tạo nên trải nghiệm thú vị và hấp dẫn. Sản phẩm không chỉ thu hút được khách hàng cũ mà còn “rinh” được một lượng lớn khách hàng mới. “Về nhà đón trăng cùng The Tale of Cuội 2020” đã khéo léo lồng ghép những giá trị Việt thân thuộc như lồng đèn ông sao, chú cuội…; đồng thời “khoe” được phần công nghệ tương tác ưu việt trong bối cảnh thời bấy giờ.

2. Kinh Đô ứng dụng công nghệ AR: Trung Thu mãi diệu kỳ – Cùng Cuội vui mê ly

Trung Thu năm 2022, “ông lớn” Kinh Đô quyết định làm mới hình ảnh chú Cuội. Nhân vật này sẽ bước xuống từ “cung trăng”, cùng bé và gia đình tham gia những hoạt động đặc trưng của Trung Thu như: đánh trống, múa lân, rước đèn... Điểm đặc biệt của chiến dịch là các bạn nhỏ khắp cả nước có thể xem và “hóa thân” vào những khoảnh khắc vui nhộn, đầy sắc màu này nhờ vào công nghệ “Hoán đổi khuôn mặt” tại website.

Dấu ấn công nghệ cũng chính là hướng tiếp cận sáng tạo (creative approach) được đánh giá cao xuyên suốt chiến dịch, đó chính là việc thương hiệu sử dụng AR filter game, với cơ chế ghép mặt người chơi vào video có sẵn.

Chiến dịch cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Kinh Đô, bằng việc tính đến 2022 là năm thứ ba thương hiệu tiếp tục sử dụng định hướng “Sáng mãi chuyện đêm trăng”, tiếp cận người dùng bằng giá trị đoàn viên, lưu giữ những khoảnh khắc ấm áp và cá nhân hoá người dùng trong Trung Thu.

3. Đại Phát cá nhân hóa người dùng: Tổ chức workshop “Tự tay tạo nên món quà từ tâm”

Đại Phát là thương hiệu bánh Trung Thu với nguồn gốc 100% Đài Loan. Bài toán truyền thông của Đại Phát nằm ở việc cạnh tranh và tìm cách khác biệt hoá với các thương hiệu lớn khác đang có trên thị trường.

Mùa Trung Thu năm 2022, Đại Phát sử dụng sự kiện workshop làm bánh là hoạt động chủ chốt cho chiến dịch truyền thông của mình. Workshop là hoạt động độc đáo nhằm tôn vinh giá trị nguồn gốc Đài Loan của bánh Trung thu Đại Phát, cũng chính là điểm khác biệt về hương vị bánh của thương hiệu này so với các ông lớn khác.

Đại Phát cũng mời các đầu bếp tới từ Đài Loan tham gia trình diễn các kĩ thuật làm bánh ngay trong sự kiện, để truyền tải giá trị của ẩm thực nước nhà qua sản phẩm và thương hiệu.

4. Cộng Cà Phê gìn giữ văn hóa Việt với “Phỗng đất làng Hồ”

Cộng Cà Phê là một thương hiệu có DNA gắn với văn hoá thưởng thức cà phê truyền thống của người Việt. Mùa Trăng năm 2021, Cộng Cà Phê đã thể hiện sự thấu hiểu đối tượng mục tiêu của họ trong việc khai thác giá trị truyền thống ở bộ sưu tập bánh Trung Thu “Phỗng đất làng Hồ”. Tại đây, trải nghiệm của người tiêu dùng được nâng lên một tầm cao mới khi vừa có thể thưởng bánh, vừa trải nghiệm tô màu mặt nạ phỗng đất và nhận những câu chuyện về văn hoá thú vị đi kèm.

Bộ sưu tập bánh Trung Thu Phỗng đất làng Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho một bộ phận lớn người mua năm 2021, thể hiện tính am hiểu thị trường, văn hoá và khả năng sáng tạo của thương hiệu Cộng Cà Phê.

Trung Thu 2023 mở ra nhiều tín hiệu tiêu dùng mới

1. Ưa chuộng sự sáng tạo, sự biến tấu bánh trung thu với các hương vị lạ

Sự phát triển không ngừng nghỉ của các xu hướng ẩm thực mới đã mở ra con đường biến tấu bất tận cho “menu” vị bánh Trung Thu. Hễ có sự kết hợp làm nên món tráng miệng nào “hot”, chính hương vị ấy lại được tận dụng ý tưởng để truyền tải vào những chiếc bánh Trung Thu tiềm năng, ra lò trong tháng 8 Âm lịch của năm đó.

Nhãn hàng thường rất nhanh chóng trong việc nắm bắt lấy các xu hướng ẩm thực. Hàng loạt vị bánh độc lạ ra đời hứa hẹn sẽ “khuynh đảo” mùa Trăng 2023, phải kể đến: Cà phê trứng muối, trà sữa trân châu đường đen, trứng muối hoa đậu biếc, sữa chua nam việt quất...

Việc nắm được xu hướng hương vị này sẽ giúp nhãn hàng tiên phong trong chiến dịch của mình: Sản phẩm mùa Trăng 2023 hướng tới nhóm đối tượng nào? Đẩy tiếp cận bằng bộ sưu tập/ sản phẩm chính yếu nào? Concept truyền thông và thông điệp truyền thông ra sao?...

Cơ hội cho nhãn hàng từ trào lưu “Thu hội nhập” hương vị là đổi mới hình ảnh, phong cách và định hướng truyền thông dựa trên nguồn nguyên liệu sản phẩm nhằm gây ấn tượng và gia tăng nhận diện thương hiệu.

2. Người trẻ là "kênh thông tin" Trung thu cho cả nhà

Góc tiếp cận sản phẩm bánh Trung Thu ngày càng có nhiều điểm thú vị, đáng lưu ý. Độ tuổi đối tượng tiếp cận sản phẩm này ngày càng trẻ. Trong gia đình, các bạn trẻ trở thành những thành viên mong ngóng nhất việc thưởng thức vị bánh Trung Thu trong dịp Tết đoàn viên.

Thế hệ Y và Z tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là Millennial có xu hướng sống cùng gia đình gia đình 2 hay nhiều thế hệ. Từ đó, những góc nhìn hay thông điệp kết nối giữa sự lựa chọn của “người trẻ” với sự hài lòng, vui vẻ của những thế hệ lớn tuổi đặt trong bối cảnh gia đình sẽ là chiếc chìa khoá kích hoạt truyền thông hiệu quả.

Cơ hội cho nhãn hàng từ phân tích này: Đổi mới hơn, khai thác sâu hơn về những giá trị của đoàn viên vì đây là một trong những ý tưởng then chốt liên quan mật thiết tới ý nghĩa của Tết Trung Thu. Hơn hết, ý tưởng này chưa bao giờ là cũ.

3. Không ngần ngại những trải nghiệm lễ hội thật mới, thật khác biệt

Trải qua 2 năm bối cảnh xã hội tương đối nhiều biến động, người tiêu dùng thật tâm hướng tới những trải nghiệm mới mẻ, sống động và hướng tới những niềm vui hơn trong các mùa lễ hội tiếp theo. Thấu hiểu được những mong muốn này, nhiều nhãn hàng bánh Trung Thu đã đưa vào chủ ý: Tạo ra những trải nghiệm vui vẻ, giàu tính giải trí trong quá trình trải nghiệm mua sắm dành cho khách hàng.

Trung Thu 2023 được hứa hẹn sẽ là một mùa đoàn viên giàu trải nghiệm mới, là dịp mọi người cởi mở hơn với những văn hoá, những cái mới và tận hưởng những khoảnh khắc thu một cách thú vị hơn bao giờ hết.

4. Người tiêu dùng ngày càng bộc lộ sở thích đa dạng, phong phú

Theo báo cáo Year in Search 2022, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn và ủng hộ những thương hiệu có hệ thống sản phẩm đa dạng và tối ưu theo các mục đích cụ thể.

Người tiêu dùng thường sẽ có ấn tượng với những thương hiệu tôn vinh cá tính và bản sắc riêng của họ. Do đó, cơ hội cho các thương hiệu bánh Trung Thu là tận dụng hệ thống sản phẩm đa dạng để ghi dấu ấn tôn vinh từng gu về hương vị, màu sắc, tính cách khác nhau của người tiêu dùng.

5. Yêu thích mua sắm đa kênh và chú trọng mua sắm tiện lợi

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, bánh Trung Thu cũng như muôn vàn mặt hàng khác cần phải có độ phổ biến và tiện lợi nhất định khi xuất hiện trong hành trình mua sắm của khách hàng. Sự kết hợp giữa mua sắm online và offline là chìa khoá giúp mang đến những trải nghiệm tiện dụng hơn cho người dùng ở bất cứ đâu, để đảm bảo rằng dù “trong nhà hay ngoài ngõ”, người tiêu dùng đều có thể mua sắm bánh Trung Thu một cách dễ dàng.

6. Học hỏi, tìm kiếm thông tin hữu ích mọi lúc mọi nơi

Xu hướng Kiến thức kết hợp giải trí – “Edutainment” đã đi sâu vào cuộc sống của người tiêu dùng. Thay vì xem các nội dung giải trí đơn thuần, họ dần chuyển sang yêu thích các nội dung mang giá trị kiến thức hay thông tin giáo dục bổ ích.

Ứng dụng Edutainment, cơ hội cho các thương hiệu bánh Trung Thu nằm ở việc tạo ra các chủ đề nội dung kiến thức chất lượng trên cơ sở kết hợp những hình thức nội dung sáng tạo (creative format). Kênh triển khai cũng rất quan trọng đối với mục đích này.

Các khía cạnh chủ đề về kiến thức có thể kể tới:

  • Vui Trung Thu, không lo cân nặng
  • Cùng “bóc tách” giá trị dinh dưỡng trong một chiếc bánh Trung Thu
  • Vị bánh nào là lành mạnh đối với sức khoẻ của ông bà, bố mẹ mình?...

Mách thương hiệu công thức truyền thông logic – cụ thể – thiết thực

Novaon Digital đã tập hợp những phân tích theo 3 khía cạnh: Chiến lược, Sáng tạo và Công nghệ (S-T-C) để biên soạn nên tài liệu “Ý tưởng cho giải pháp mùa Trung Thu 2023”. Đây sẽ là cuốn cẩm nang điện tử tham khảo ý tưởng truyền thông cho thương hiệu vận dụng ngay trong mùa sum họp 2023.

Để lại email đăng ký nhận tài liệu tại đây và Novaon Digital sẽ gửi tài liệu cho Quý thương hiệu sớm nhất có thể.

Novaon Digital là một trong những đơn vị tư vấn chiến lược truyền thông số (digital communication) tổng thể, đồng hành cùng nhiều nhãn hàng trong những mùa Trăng gần đây. Lợi thế của Novaon Digital trong việc triển khai chiến dịch Trung Thu 2023 cho thương hiệu nằm ở các khía cạnh:

  • Ý tưởng đội ngũ đưa ra dựa trên chiến lược tổng thể, giải quyết bài toán dài hạn cho doanh nghiệp
  • Phương pháp khoa học, giải pháp toàn diện
  • Sở hữu hệ thống công nghệ marketing bài bản
  • Đội ngũ tư vấn, sản xuất giàu kinh nghiệm & mạng lưới đối tác rộng
  • Hồ sơ đa dạng chiến dịch truyền thông cho hàng nghìn khách hàng doanh nghiệp

Với những ưu điểm về phương pháp và nguồn lực, Novaon Digital đã triển khai 20+ chiến dịch Trung Thu cho khách hàng trong năm 2022. Chỉ còn ít lâu nữa là đã đến mùa Trăng 2023, ắt hẳn các thương hiệu đã bắt đầu “rục rịch” trở lại đường đua này. Thương hiệu hãy nhanh chóng đi tắt đón đầu bằng việc nhắm chọn các ý tưởng và chuẩn bị kĩ càng cho kế hoạch triển khai nhằm đạt được hiệu quả đột phá.

Tìm hiểu về các giải pháp của Novaon Digital tại: https://novaondigital.com/