10 mạng xã hội sở hữu lượng người dùng hàng tháng cao nhất toàn cầu
Dù bạn là một bậc “lão làng” social media marketing, một fresher muốn tham gia vào lĩnh vực mới, hay một chủ doanh nghiệp, thì việc biết về các trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay vẫn là điều hữu ích. Hiểu biết này sẽ giúp bạn tối đa hóa tầm với của thương hiệu trên mạng xã hội, tương tác với những đối tượng phù hợp và đạt được mục tiêu tiếp thị mạng xã hội.
Hãy cùng Brands Vietnam tìm hiểu về hướng tiếp cận phù hợp với 10 mạng xã hội hiện sở hữu lượng người dùng hàng tháng cao nhất toàn cầu (Monthly Active Users – MAUs).
1. Facebook: 2,67 tỷ MAUs
Tính đến hiện tại, Facebook là trang mạng xã hội với gần 3 tỷ người sử dụng hàng tháng, chiếm khoảng 37% dân số thế giới.
Hơn 200 triệu doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ) và 7 triệu nhà quảng cáo sử dụng công cụ này để đẩy mạnh quảng bá doanh nghiệp. Điều này khiến Facebook trở thành một lựa chọn lý tưởng nếu thương hiệu muốn góp mặt trên mạng xã hội.
Hầu hết những định dạng nội dung như văn bản, hình ảnh, video, Stories đều hoạt động hiệu quả trên Facebook. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuật toán Facebook ưu tiên nội dung mang tính thảo luận và tương tác ý nghĩa giữa người dùng, đặc biệt là những chia sẻ về gia đình và bạn bè. Do đó, nền tảng này rất thích hợp với những doanh nghiệp mới muốn “tập tành” quảng bá và tạo độ nhận diện, thảo luận trong thời gian đầu thành lập.
2. YouTube: 2,3 tỷ MAUs
YouTube là một nền tảng chia sẻ video, nơi người dùng dành hàng tỷ giờ mỗi ngày để xem video. Ngoài việc là trang mạng xã hội lớn thứ hai, YouTube còn thường được gọi là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai sau Google (công ty mẹ của YouTube).
Vì vậy, nếu chiến lược quảng bá của doanh nghiệp tập trung sử dụng video, marketer nên bổ sung YouTube vào chiến lược tiếp thị của mình. Hơn thế, để video tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, doanh nghiệp có thể cân nhắc tối ưu YouTube SEO và công cụ quảng cáo YouTube.
3. WhatsApp: 2 tỷ MAUs
WhatsApp là ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi trên 180 quốc gia. Ban đầu, ứng dụng này chỉ được dùng để gửi tin nhắn cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, ứng dụng dần trở thành công cụ liên lạc quan trọng giữa khách hàng và doanh nghiệp.
WhatsApp Business cho phép các doanh nghiệp thuận tiện tương tác với khách hàng, từ chăm sóc, hỗ trợ đến cập nhật thông tin về giao dịch mua hàng. Các doanh nghiệp nhỏ có thể bắt đầu với ứng dụng WhatsApp Business. Trong khi đó những công ty với quy mô lớn hơn có thể cân nhắc sử dụng WhatsApp Business API.
4. Instagram: 2 tỷ MAUS
Instagram, một nền tảng mạng xã hội trực quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình qua hình ảnh hoặc video. Với ứng dụng này, bạn có thể chia sẻ nhiều loại nội dung mạnh về mặt hình ảnh như hình ảnh, video, Stories, Reels, video trực tiếp. Điểm nổi bật là tính năng IGTV cho phép doanh nghiệp đăng tải video dài, tạo thêm không gian để đặc tả sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng.
Để khai thác tối đa tiềm năng tiếp cận người dùng trên Instagram, marketer có thể tạo hồ sơ doanh nghiệp (Instagram business profile) để nhận được phân tích chi tiết về tài khoản cũng như độ hiệu quả của các bài đăng trên nền tảng. Instagram cũng là nơi lý tưởng để tận dụng nội dung do người dùng tạo ra cho các hoạt động quảng bá, tăng độ nhận diện. Bởi người dùng thường xuyên chia sẻ và gắn thẻ thương hiệu trong bài đăng của họ.
5. TikTok: 1 triệu MAUs
TikTok (hay còn gọi là Douyin ở Trung Quốc) là một ứng dụng chia sẻ video ngắn. Mặc dù chỉ mới ra mắt vào năm 2017 nhưng đây là một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Gần đây, TikTok đã vượt qua Google trở thành trang web được truy cập nhiều nhất trên Internet.
TikTok cho phép người dùng tạo và chia sẻ video hấp dẫn từ 15 giây đến 10 phút. Ứng dụng sở hữu nguồn hiệu ứng âm thanh, đoạn nhạc, và bộ lọc (filter) khổng lồ để giúp video của người dùng trở nên thú vị, ấn tượng hơn. Bạn có thể tìm thấy những video đa dạng từ nội dung đến hình thức.
Với tính chất hướng đến giá trị giải trí, chia sẻ và sáng tạo nội dung cùng với tệp người dùng ngày càng được mở rộng, TikTok hiện là nền tảng phù hợp với đa dạng thương hiệu cùng sự hỗ trợ từ TikTok for Business.
6. Telegram: 550 triệu MAUs
Telegram là một ứng dụng nhắn tin miễn phí, tương thích với nhiều thiết bị với tính năng lưu trữ không giới hạn.
Ngoài ra, tính năng độc đáo của Telegram là khả năng mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption) cho tất cả các hoạt động, bao gồm những đoạn chat, thông tin các nhóm chat và tệp phương tiện chia sẻ giữa các thành viên. Tập trung vào khía cạnh bảo mật chính là bí quyết giúp Telegram thu hút thêm nhiều khách hàng trong những năm qua. Việc bảo mật càng được Telegram nghiêm túc thực hiện khi WhatsApp xác nhận dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ không được chia sẻ cho công ty mẹ là Meta.
Thương hiệu có thể sử dụng Telegram cho nhiều mục đích khác nhau ngoài những tác vụ hỗ trợ khách hàng một-một. Ví dụ, các thương hiệu có thể tạo chatbot cho nền tảng Telegram hoặc sử dụng tính năng kênh của Telegram để phát tin nhắn đến tới 200.000 người.
7. Snapchat: 557 triệu MAUs
Khác với những nền tảng mạng xã hội khác, Snapchat tập trung phát triển tính năng chụp hình, quay video ngắn (snaps) và chia sẻ với cộng đồng bạn bè. Có thể nói tính năng Snap của Snapchat đã tạo cảm hứng cho Stories (Instagram) và video ngắn khổ dọc (TikTok).
Tuy nhiên, sự nổi lên của Instagram Stories dường như đã cản trở sự phát triển của Snapchat cũng như tiềm năng quảng bá thương hiệu thông qua tính năng này.
8. Pinterest: 444 triệu MAUs
Pinterest được mệnh danh là nơi truyền cảm hứng, giúp người dùng tìm thấy những nguồn cảm hứng hoặc sản phẩm, mẫu tham khảo. Trên Pinterest, người dùng thường “ghim” các hình ảnh kèm đường link dẫn đến đến các trang web, bài đăng blog và các nội dung khác trên Internet. Đây là một nền tảng phù hợp với mục tiêu thu hút lượng truy cập đến trang web của thương hiệu. Bởi người dùng Pinterest có tỷ lệ mua sản phẩm mà họ đã ghim cao hơn 7 lần.
Các chủ đề và xu hướng phổ biến trên nền tảng xã hội này bao gồm thời trang, làm đẹp, nhà cửa, làm vườn và DIY. Vì vậy, nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động trong những ngành này thì có thể xem xét việc sử dụng Pinterest marketing để tăng lượt tiếp cận thương hiệu.
9. Twitter: 238 triệu MAUs
Twitter hiện sở hữu khoảng 238 triệu người dùng hàng tháng (tính đến quý II/2023). Hành vi chủ yếu của người dùng trên nền tảng này là đăng tin tức, tin giải trí, thể thao và chính trị. Twitter khác biệt so với hầu hết các trang mạng xã hội khác nhờ vào việc nhấn mạnh thông tin mang tính thời sự và giới hạn độ dài bài đăng trong 280 ký tự (140 cho tiếng Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc).
Nhiều thương hiệu sử dụng Twitter như một kênh thay thế để chăm sóc khách hàng. Theo các nhà quảng cáo trên Twitter, hơn 80% các yêu cầu chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội diễn ra trên Twitter. Salesforce còn ví von Twitter là “Tổng đài chăm sóc khách hàng kiểu mới”.
10. LinkedIn: 424 triệu MAUs
Với khoảng 424 triệu người dùng hàng tháng, LinkedIn đã phát triển từ một công cụ tìm kiếm việc làm đơn giản thành một nền tảng kết nối mối quan hệ chuyên nghiệp – nơi các chuyên gia trong ngành chia sẻ nội dung, những mối quan hệ và xây dựng thương hiệu cá nhân của họ. Hơn thế, nhiều doanh nghiệp cũng thể hiện quan điểm, góc nhìn về ngành để thu hút ứng viên tài năng qua LinkedIn.
Tìm hiểu thêm về danh sách đầy đủ của 21 nền tảng mạng xã hội tại đây.
Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Buffer