Elvis, thẻ tín dụng và TV – Khởi đầu cho kỷ nguyên vàng của ngành quảng cáo thế giới

Những “quảng cáo” đậm mùi tuyên truyền và hơi hướng của hậu thế chiến 2 là tóm tắt cho ngành quảng cáo Mỹ trong thập niên 50. Nhưng tất cả đã thay đổi trong thập kỷ sau đó. Cùng vén màn những vận động về văn hoá, kinh tế và công nghệ để tạo ra cái được gọi là “Golden Age of Advertising”.

Baby Boomer và chủ nghĩa “Cá nhân là trên hết”

Trở lại sau thế chiến thứ 2 với vị thế là một siêu cường, Mỹ đã nhanh chóng tái thiết đất nước bằng việc đầu tư mạnh mẽ cho ngành giáo dục và nghiên cứu trong nước. 3,6% tổng GDP là mức đầu tư mà Nhà Trắng đã bỏ ra cho các cấp giáo dục vào thập niên 50 (cao hơn nhiều so với xấp xỉ 2% vào các thập kỷ trước). Chính quyền cũng đã liên tục tăng mức này lên trong các năm sau đó và cán mốc 4,7% vào năm 1969.

Sự đầu tư khổng lồ này cũng chính là niềm tin mà các thế hệ đi trước đặt vào những người kế cận – thế hệ Baby Boomer.

Sinh ra trong thái bình thịnh trị và thừa hưởng nền giáo dục đã được cải tiến vượt bậc, những đứa trẻ của thập niên 50 và 60 mang trong mình một cái tôi lớn: Cái tôi khác biệt, cái tôi đi ngược với những giá trị cũ, cái tôi độc nhất.

Biến chuyển trong nhận thức bắt đầu với sự ra đời của dòng nhạc Rock ‘n’ Roll. Những bản jazz du dương hay nhạc đồng quê lãng mạn này đã được phối hợp và tạo ra âm điệu nhanh, dồn dập và bắt tai hơn. Đỉnh cao của dòng nhạc này, cũng là đỉnh cao của nền văn hoá đại chúng thế kỷ 20 chính là nam ca sĩ Elvis “The King” Presley. Elvis có thể coi là đại diện đầu tiên cho một thế hệ khác biệt và có phần “điên loạn”.

Nguồn: Travellive

Chủ nghĩa cá nhân và khát khao được khẳng định mình của Baby Boomer càng được khuếch tán với hàng loạt phong trào văn hoá mang tính độc nhất như phong trào Nữ quyền, phản đối chiến tranh Việt Nam, chống phân biệt chủng tộc, Hippy…

Chính sự phát triển nhanh về cả lượng và chất của các quan niệm mới đã mang lại nhiều chất liệu hơn trong công cuộc sáng tạo cho các công ty quảng cáo. Hàng loạt các chiến dịch nổi tiếng đều lấy nguồn cảm hứng từ các quan niệm này. Có thể kể đến như “I'd Like to Buy the World a Coke” với thông điệp chống chiến tranh, Virginia Slims “You’ve Come a Long Way, Baby” ủng hộ Nữ quyền…

Nguồn: Daily Mail

Thay đổi nhận thức trên quy mô lớn trong một thời gian ngắn là yếu tố quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất cho sự phát triển cực thịnh của ngành quảng cáo Mỹ.

Những “gã điên” trên đại lộ Madison lúc này không chỉ tập trung vào công năng của sản phẩm, họ còn đào sâu hơn về tâm lý và hệ giá trị của con người để làm nên những chiến dịch để đời.

Sự bùng nổ của văn hoá tiêu dùng

Trên đà hưng phấn sau chiến thắng từ cuộc chiến, “Cỗ máy kinh tế” Mỹ tiếp tục hoạt động và đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người dân. Thu nhập trung bình hàng năm của các hộ gia đình Mỹ trong giai đoạn từ 1945-1960 đã tăng gấp đôi từ 3.000 USD lên 7.000 USD.

Những năm 50 cũng là khởi đầu cho thời kỳ hoàng kim của mua sắm tín dụng tại Mỹ. Bank of America tung ra thẻ tín dụng đa năng đầu tiên cho phép người dân mua sắm hàng loạt các sản phẩm mà không cần phải dùng tiền có sẵn.

Từ những chiếc xe cho đến các món đồ gia dụng, từ những căn nhà cho đến các bộ quần áo, gần như không có gì là người Mỹ không thể mua bằng thẻ tín dụng.

Sự gia tăng trong thu nhập và sử dụng hàng loạt của thẻ tín dụng đã kích thích nhu cầu mua sắm lên mức chưa từng có, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và doanh số bán lẻ ở Hoa Kỳ đều thể hiện mức tăng đáng kinh ngạc lần lượt là 90% và 153% từ năm 1945 đến năm 1960.

Nguồn: Manchester Evening News

Và đây cũng là cơ hội không thể tốt hơn cho sự kết hợp giữa doanh nghiệp và các nhà quảng cáo. Nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ đã trở nên hào phóng hơn trong ngân sách quảng cáo.

Ô tô và F&B là hai ngành vượt lên trên tất cả. Chi tiêu quảng cáo của các nhà sản xuất ô tô tăng từ 201 triệu USD năm 1950 lên 558 triệu USD năm 1960, tăng gần gấp 3 lần. Tương tự, chi tiêu quảng cáo của ngành thực phẩm và đồ uống tăng từ 308 triệu USD năm 1950 lên 835 triệu USD năm 1960.

Trong cuốn “Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới”, Niall Ferguson đã giải thích về sự trỗi dậy và thống trị của các nước phương Tây, và Chủ nghĩa tiêu dùng cũng là một trong lý do được ông liệt kê.

Chủ nghĩa tiêu dùng đã thật sự thay đổi cả nền kinh tế Mỹ nói chung và ngành quảng cáo nói riêng. Các khái niệm về Nhân khẩu học, Tâm lý học, tiếp thị dựa trên Data… mà chúng ta được thừa hưởng thời nay chính là kết quả từ hàng giờ nghiên cứu và triển khai của những nhà quảng cáo trong thời kỳ này.

Cải tiến trong công nghệ in ảnh màu và vô tuyến

Những năm 60 đánh dấu sự thống trị toàn diện của Kodak trong công nghệ in ảnh màu trên toàn thế giới (thâu tóm 80% thị trường phim chụp cho máy ảnh và 50% trên toàn cầu).

Công ty đã liên tục phát triển các công nghệ đột phá phải kể đến như Ektachrome – một loại phim màu dạng slide cực kỳ phổ biến được ra mắt vào năm 1959. Ngoài ra, Kodak còn phát triển công nghệ Vericolor, một loại phim màu có tính ổn định và độ sắc nét cao dành cho in ảnh quảng cáo và in ấn tạp chí.

Nguồn: Pinterest

Và không ai khác, chính những “tay quảng cáo” là những người được lợi nhất trong các sự cải tiến này. Những ngày tháng phải chụp ảnh trắng đen và tô màu lên đã không còn nữa, những tưởng tượng trong đầu nay đã được truyền tải một cách sống động qua các bức ảnh màu.

Bên cạnh quảng cáo hình ảnh truyền thống, sự trỗi dậy của TV cũng là thứ không thể không nhắc đến.

Sự ra đời và sử dụng rộng rãi của TV đã đánh dấu một bước chuyển khổng lồ trong cách người Mỹ tiêu thụ truyền thông. Những sự cải tiến liên tục trong khâu thiết kế và sản xuất đã giảm giá thành của TV một cách đáng kể và giúp người dân dễ tiếp cận hơn với loại hình giải trí mới này.

Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số, số hộ gia đình có TV ở Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể trong những năm 1950 và 1960. Từ chỉ 9% vào năm 1950 đã lên đến 90% vào những năm 1960. Những dự đoán của nhà sản xuất phim Darryl F. Zanuck về việc “mọi người sẽ sớm chán việc nhìn chằm chằm vào một chiếc hộp gỗ dán mỗi đêm” có lẽ đã sai.

Nguồn: Pinterest

TV đã mở ra một “địa đàng” mới cho sự sáng tạo của nhà quảng cáo. Hàng loạt hình thức quảng bá sản phẩm mới đã ra đời như Product Placement, Sponsorship và đặc biệt phải kể đến TV Show. Chương trình truyền hình nổi tiếng nhất thập niên 60 là “The Fugitive” đã ghi nhận một kỷ lục chưa từng có trong lịch khi có đến 78 triệu người đã xem trực tiếp tập cuối của show vào năm 1967. Chính sự kiện này mở ra hàng loạt các kỉ lục khác trong tương lai và luôn là một cột mốc mà bất cứ nhà quảng cáo nào cũng muốn nhảy vào và tạo dấu ấn của riêng mình.

Kết

Kết nối lại các sự kiện, ta lại càng thấy rõ hơn lý do tại sao kỷ nguyên vàng của ngành quảng cáo lại diễn ra vào những năm 60. Chính những vận động về văn hoá, kinh tế và công nghệ mới tạo ra cái thời vận hoàn hảo để những Bill Bernbach hay David Ogilvy thoải mái khai triển những thứ tinh hoa nhất của mình.

Thập niên 60 không chỉ đặt nền tảng mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để những người làm sáng tạo có cái cội nguồn để nhớ về, có cái căn bản để mà quay lại.