Làm chủ nghệ thuật kể chuyện, hình ảnh và social media trong brand marketing

Làm thế nào để bạn thu hút sự chú ý của khách hàng trong một thị trường đông đúc như hiện tại? Cùng Rubyk Agency tìm hiểu về cách làm brand marketing mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong bài viết dưới đây.

Brand marketing là gì?

Brand marketing là việc quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về thương hiệu, xây dựng giá trị, tạo dựng mối quan hệ lâu dài với đối tượng mục tiêu thay vì tập trung vào các sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Đồng thời, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Brand marketing là gì? Ảnh: Freepik

Không giống như marketing “thông thường”, brand marketing không coi doanh số bán hàng là mục tiêu chính. Thay vào đó, mục tiêu chính của chiến lược này là nâng cao nhận diện, xây dựng sự công nhận, nuôi dưỡng lòng trung thành và sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là brand marketing không ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Brand marketing tốt giúp tăng mức độ tương tác của người tiêu dùng, tăng chuyển đổi và ngược lại; doanh số bán hàng của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu thương hiệu không được kết nối với khách hàng.

Sự khác biệt giữa Brand marketing và Product marketing

Brand marketing và Product marketing đều là những chiến lược cần thiết cho mục tiêu marketing tổng thể và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng hai chiến lược có sự khác nhau rõ rệt về mục tiêu cách chúng hoạt động.

Brand marketing và Product marketing có gì khác nhau?

Product marketing là một cách tiếp cận khá hẹp bởi nó chỉ tập trung vào việc tung ra và quảng cáo một sản phẩm hoặc một nhóm sản phẩm nào đó. Chiến lược này nhắm mục tiêu tạo ra nhu cầu và truyền đạt lợi ích cho một sản phẩm cụ thể, chứ không phải toàn bộ thương hiệu.

Trong khi đó, brand marketing tập trung vào việc nâng cao nhận diện về toàn bộ thương hiệu chứ không chỉ một sản phẩm. Chiến lược này sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ product marketing để mang lại trải nghiệm tốt nhất giúp xây dựng lòng trung thành của khách hàng và nuôi dưỡng mối quan hệ giữa họ với thương hiệu.

Các yếu tố tạo nên một chiến lược brand marketing hiệu quả

Vai trò của Storytelling trong brand marketing

Storytelling - Nghệ thuật kể chuyện là cốt lõi của nhiều chiến lược thương hiệu thành công. Storytelling là việc kể một câu chuyện về thương hiệu nhằm tạo ra kết nối cảm xúc với khách hàng để truyền tải thông điệp của thương hiệu một cách tự nhiên nhất.

Chiến dịch truyền thông của các thương hiệu lớn như: câu chuyện về dòng sữa sạch của TH True Milk, "Đi để trở về" của Biti's Hunter, "Real Beauty" của Dove hay “Just Do It” của Nike... là minh chứng cho sự thành công trong việc chạm đến cảm xúc của người xem thông qua những câu chuyện khơi gợi sự đồng cảm, thấu hiểu và truyền cảm hứng hành động cho người xem. Các chiến dịch này cộng hưởng với cảm xúc của từng cá nhân, giúp khách hàng hiểu được thông điệp và giá trị mà thương hiệu muốn truyền tải.

Biti’s và câu chuyện Đi để trở về đầy ý nghĩa. Ảnh: BitisVN

Vậy làm thế nào để phát triển câu chuyện thương hiệu hấp dẫn thu hút khách hàng? Cùng Rubyk tham khảo một số bước thực hiện sau:

Đầu tiên, cần xác định rõ tiếng nói (brand voice) và thông điệp (message) của thương hiệu. Những yếu tố này sẽ trở thành nền tảng để định hình cách kể chuyện của bạn và đảm bảo tính nhất quán trong suốt quá trình triển khai chiến dịch.

Tiếp theo, hãy đào sâu để khám phá các giá trị và trải nghiệm cốt lõi giúp thương hiệu trở nên nổi bật.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù câu chuyện có cảm xúc và hấp dẫn đến mấy mà không chân thực thì cũng khó có thể thuyết phục khách hàng tin tưởng và yêu mến thương hiệu. Authentic (tính chân thật) là chìa khóa để câu chuyện thương hiệu được kể một cách nổi bật, tỏa sáng trong tâm trí khách hàng.

Cách tiếp cận này giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu của bạn một cách sâu sắc và dễ dàng hơn, bởi khách hàng được nhìn thấy hình ảnh của chính họ trong những câu chuyện mà bạn chia sẻ. Hãy tiếp tục kể những câu chuyện khơi gợi cảm xúc, đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hành động và lòng trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa tác động cảm xúc và giữ đúng bản sắc của thương hiệu.

Cuối cùng, storytelling là một quá trình liên tục. Vì vậy, cần thường xuyên làm mới, sáng tạo câu chuyện và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và sở thích ngày càng tăng của khách hàng. Thông qua storytelling bạn có thể xây dựng các mối quan hệ lâu dài với khách hàng và đảm bảo thương hiệu của bạn luôn phù hợp và thu hút.

Sức mạnh của Visual trong brand marketing

Các yếu tố Visual (hình ảnh, màu sắc, âm thanh...) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một bản sắc thương hiệu đáng nhớ, "đánh cắp" ánh nhìn và tâm trí của đối tượng mục tiêu. Thông qua các yếu tố visual bạn có thể truyền tải những ý tưởng phức tạp một cách độc đáo, nhanh chóng và hiệu quả.

Logo là bộ mặt của thương hiệu, vì vậy tạo một thiết kế dễ nhận biết và đáng nhớ là rất quan trọng. Lấy ví dụ, hình quả táo cắn dở của Apple hay biểu tượng swoosh của Nike đều là những biểu trưng mà chỉ cần nhìn thấy, khách hàng sẽ lập tức liên tưởng đến thương hiệu đó.

Ngoài ra, bảng màu bạn chọn cũng tác động đáng kể đến cảm xúc mà thương hiệu của bạn muốn truyền tải. Chẳng hạn như tông màu xanh dịu của Facebook hay màu đỏ tràn đầy năng lượng của Coca-Cola. Việc sử dụng nhất quán bảng màu trên các nền tảng khác nhau sẽ giúp củng cố bản sắc thương hiệu của bạn.

Kiểu chữ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách thương hiệu. Việc lựa chọn phông chữ phải bổ sung cho phong cách và tone of voice của thương hiệu. Hình ảnh, bao gồm ảnh chụp và hình minh họa đều phải nhất quán với câu chuyện và thông điệp thương hiệu đã xây dựng.

Sử dụng nhất quán các yếu tố visual trong brand marketing là điều tối quan trọng. Ảnh: Rubyk Agency x Visual Station

VMRC (Vietnam Motor Racing Championship) là giải đua mô tô chuyên nghiệp theo hình thức mùa giải duy nhất tại Việt Nam. Tổ chức lần đầu tiên năm 2018, nhưng VMRC chưa có bộ nhận diện nhằm định vị thương hiệu trên thị trường. Mùa giải 2020, VMRC quyết định tạo dấu ấn riêng.

Các thiết kế trong logo như màu sắc, hình ảnh, font chữ… được Rubyk lựa chọn kỹ càng để thể hiện nổi bật tốc độ, mạnh mẽ và sự chuyên nghiệp của giải đấu, góp phần mạnh mẽ cho sự thành công, tiếng vang của VMRC trong lòng những người đam mê tốc độ tại Việt Nam.

Sử dụng cẩn thận các yếu tố visual trong brand marketing là điều tối quan trọng để thiết lập một bản sắc thương hiệu mạnh mẽ và đáng nhớ. Sử dụng tốt các yếu tố logo, bảng màu, kiểu chữ và hình ảnh, bạn có thể tạo trải nghiệm hình ảnh gắn kết với đối tượng mục tiêu và giúp thương hiệu trở nên khác biệt hơn so với đối thủ.

Tận dụng Social Media để làm brand marketing hiệu quả

Social media là phương tiện không thể thiếu trong hoạt động brand marketing của doanh nghiệp hiện nay. Thông qua các nền tảng social media, thương hiệu có cơ hội tiếp cận và tương tác dễ dàng hơn với đối tượng mục tiêu của mình, từ đó xây dựng nhận thức về thương hiệu và thúc đẩy các kết nối có ý nghĩa với khách hàng tiềm năng.

Để tận dụng tối đa sức mạnh của social media cho thương hiệu, đừng bỏ qua việc xem xét và đánh giá xem đâu là nền tảng mà khách hàng mục tiêu của bạn dành thời gian trực tuyến nhiều nhất, sau đó tập trung đầu tư vào kênh đó.

Ví dụ: nếu bạn đang nhắm mục tiêu đến nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi như gen Z, các nền tảng như TikTok hoặc Instagram sẽ phù hợp hơn so với LinkedIn.

Sự bùng nổ của TikTok là cơ hội mới để thương hiệu chinh phục nhóm khách hàng gen Z. Ảnh: The Verge

Dưới đây là một số tips hữu ích mà bạn nên ghi nhớ:

  • Thể hiện cá tính thương hiệu bằng cách chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm chân thực đến với khách hàng
  • Phát triển một chiến lược nội dung nhất quán để thu hút và cung cấp thông tin cho khách hàng
  • Sử dụng định dạng trực quan như hình ảnh, video và infographic để truyền tải thông điệp hiệu quả và dễ hiểu hơn
  • Khuyến khích khách hàng tạo nội dung UGC để tạo cảm giác tin cậy và thân thiện hơn cho thương hiệu
  • Thường xuyên theo dõi số liệu tương tác để hiểu rõ hơn sở thích của khách hàng và điều chỉnh chiến lược nội dung của bạn cho phù hợp.
  • Bằng cách tận dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội để quảng cáo thương hiệu, bạn có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả,

Bắt tay influencer để tạo nên "cú hích" truyền thông cho thương hiệu

Với sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội, influencer đã và đang trở thành một trong những lực lượng có tiếng nói mạnh mẽ đến sự phát triển của thương hiệu. Do đó, tìm kiếm và lựa chọn những cá nhân có giá trị tương đồng với thương hiệu, có mối liên hệ chặt chẽ với follower đóng vai trò quan trọng đến sự thành công của chiến lược brand marketing.

Một trong những lợi ích chính của việc hợp tác với influencer là tính xác thực/chân thực mà họ có thể mang lại thương hiệu. Influencer đã xây dựng cho riêng mình một lượng người theo dõi trung thành bằng cách nuôi dưỡng lòng tin và mối quan hệ chân chính với họ, thông qua hợp tác với influencer này, niềm tin của thương hiệu có thể được đảm bảo tốt hơn.

Một lợi thế khác khi làm việc với influencer là khả năng mở rộng phạm vi tiếp cận mà thương hiệu có thể đạt được. Bằng cách khai thác đối tượng người theo dõi của influencer, bạn có thể mở rộng khả năng hiển thị của thương hiệu, biến họ từ khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng mục tiêu.

Có thể thấy, influencer là một công cụ mạnh mẽ trong brand marketing, mang lại tính xác thực, tăng phạm vi tiếp cận và thu hút đối tượng mục tiêu. Lựa chọn cẩn thận influencer phù hợp và tận dụng ảnh hưởng của họ, bạn có thể nâng cao khả năng hiển thị của thương hiệu và tạo kết nối lâu dài với đối tượng mục tiêu của mình.

Quy trình 5 bước xây dựng chiến lược brand marketing cho doanh nghiệp

Brand marketing là một phần quan trọng trong brand strategy (chiến lược thương hiệu) tổng thể của doanh nghiệp, nhằm tạo mối quan hệ lâu dài với khách hàng và trở thành một thương hiệu mà họ có thể tin tưởng.

Cùng Rubyk tìm hiểu quy trình 5 bước đơn giản để xây dựng chiến lược brand marketing hiệu quả trong nội dung dưới đây nhé.

1. Xác định mục tiêu thương hiệu

Trước khi bắt tay vào xây dựng và triển khai hoạt động brand marketing, bạn cần xác định mục tiêu thương hiệu càng cụ thể càng tốt để từ đó đưa ra chiến thuật và cách tiếp cận tốt nhất.

2. Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh

Để thông điệp của thương hiệu đến đúng đối tượng, bạn cần xác định được nhóm khách hàng mục tiêu mà mình muốn hướng đến thông qua việc xây dựng chân dung khách hàng (persona). Chân dung khách hàng là một bức tranh toàn diện về người mua lý tưởng của doanh nghiệp với đầy đủ đặc điểm tích cách, độ tuổi, nghề nghiệp, thói quen mua sắm, nhu cầu, mong muốn...

Một cái nhìn rõ ràng về chân dung khách hàng lý tưởng sẽ tạo nên định hướng rõ ràng về mọi yếu tố từ tên doanh nghiệp, logo, màu sắc đến tính cách, định vị thương hiệu...

Tương tự như như việc tìm hiểu đối tượng mục tiêu, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh cũng quan trọng không kém. Tìm hiểu xem họ là ai, họ đang làm gì, họ có gì khác biệt... để từ đó đưa ra cách "đối đầu" hiệu quả nhất.

3. Xây dựng thông điệp và câu chuyện thương hiệu

Tạo kết nối cảm xúc với khách hàng thông qua thông điệp và câu chuyện thương hiệu phù hợp. Một câu chuyện tốt sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng và biến họ trở thành một phần của câu chuyện đó.

4. Xác định và triển khai chiến lược brand marketing

Sau khi đã xác định được mục tiêu, nghiên cứu thị trường/đối thủ và câu chuyện thương hiệu, bước tiếp theo cần làm là đưa ra các chiến thuật cụ thể để triển khai brand marketing nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra:

  • Sử dụng những kênh tiếp thị nào?
  • Định dạng nội dung nào sẽ được triển khai?
  • Lựa chọn influencer nào cho chiến dịch?
  • Chương trình thu hút khách hàng mới
  • Mở rộng phạm vi tiếp cận với quảng cáo

5. Triển khai và đánh giá chiến lược brand marketing

Sau khi đã có đầy đủ “nguyên liệu”, hãy bắt đầu triển khai chiến lược brand marketing và đừng quên thường xuyên theo dõi các chỉ số quan trọng như: chỉ số tương tác trên mạng xã hội, chỉ số truy cập website, đánh giá của khách hàng, độ phủ của doanh nghiệp… để kịp thời điều chỉnh chiến lược để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Chiến lược brand marketing sẽ hiệu quả nhất khi thương hiệu được thể hiện một cách thống nhất, xuyên suốt trên mọi mặt trận triển khai. Do đó, các nhà thiết kế, marketer hay bất kể ai sử dụng các yếu tố liên quan đến thương hiệu đều phải sử dụng chúng đúng quy cách được quy định trong brand guideline của doanh nghiệp.

Brand guideline quy định rõ các trường hợp được và không được sử dụng các yếu tố nhận diện. Ảnh: Brand guideline Rubyk Agency

Kết

Brand marketing là chiến lược không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp nhằm xây dựng và duy trì một thương hiệu mạnh mẽ để thu hút khách hàng và tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Hi vọng nội dung trong bài viết trên có thể mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho bạn.

Nguồn bài viết: Rubyk Agency