Mastercard hướng đến việc loại bỏ nhựa PVC khỏi thẻ thanh toán vào năm 2028

Ngày 9/5/2023, Mastercard công bố đẩy mạnh nỗ lực loại bỏ nhựa PVC khỏi thẻ thanh toán thuộc mạng lưới Mastercard vào năm 2028. Sáng kiến này góp phần củng cố các cam kết về bền vững của công ty và mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm thẻ bền vững hơn cho đối tượng người tiêu dùng đang tìm cách giảm tác động của các hoạt động thanh toán của họ đến môi trường.

Trong động thái đầu tiên, từ ngày 1/1/2028, tất cả thẻ thanh toán nhựa mới sản xuất của Mastercard sẽ được làm từ vật liệu bền vững hơn, bao gồm nhựa tái chế hoặc nhựa có nguồn gốc sinh học như rPVC, rPET hoặc PLA(1), và được phê duyệt thông qua một chương trình chứng nhận. Mastercard sẽ hỗ trợ đối tác phát hành thẻ trên toàn cầu trong suốt quá trình chuyển đổi từ nhựa PVC nguyên sinh.

Ông Sandeep Malhotra – Phó Chủ tịch Điều hành của Mastercard phụ trách mảng Sản phẩm & Đổi mới, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – cho biết: “Thế giới đang đối diện với vấn đề về nhựa. Giải quyết vấn đề này sẽ là nhiệm vụ của toàn xã hội, tuy nhiên các nỗ lực thường được triển khai một cách riêng lẻ hoặc không có sự phối hợp.

Với nỗ lực hướng đến thẻ thanh toán bền vững, Mastercard đang kết nối mạng lưới toàn cầu bao gồm các ngân hàng, tổ chức tài chính và người tiêu dùng, những đơn vị đang nắm giữ tổng cộng hơn 3 tỉ thẻ Mastercard, nhằm cùng nhau xây dựng một ngành thanh toán xanh hơn thông qua hoạt động hợp tác và mối quan hệ đối tác”.

Mastercard phát động chương trình “Thẻ bền vững” vào năm 2018. Kể từ đó, hơn 330 tổ chức phát hành thẻ tại 80 quốc gia đã tự nguyện đăng ký tham gia, bao gồm 90 tổ chức phát hành ở 15 thị trường(2) trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sau đó, Mastercard đã hợp tác cùng các nhà sản xuất thẻ lớn để chuyển đổi hơn 168 triệu thẻ trên toàn mạng lưới, bao gồm 31 triệu thẻ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sang sử dụng vật liệu tái chế và vật liệu sinh học. Công bố ngày hôm nay giúp thúc đẩy những nỗ lực này, cũng như các chương trình thẻ ưu tiên phát hành dạng số của công ty, từ đó loại bỏ hoàn toàn nhu cầu sử dụng thẻ vật lý.

Thay đổi quy tắc cũng đồng nghĩa với việc tất cả các thẻ mới sản xuất được Mastercard chứng nhận để đánh giá các tuyên bố về thành phần và tính bền vững của chúng, chứng nhận này sau đó sẽ được xác nhận bởi một đơn vị đánh giá bên thứ ba độc lập. Sau khi đã được xác thực, thẻ có thể được in nhãn “Chứng nhận Sinh thái Thẻ” (CEC).

“Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các đối tác phát hành của Mastercard đã hào hứng tiếp thu sáng kiến này, với hơn 90 khách hàng đã lựa chọn tham gia chương trình thẻ bền vững tại Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, và nhiều thị trường khác nữa. Điều này có nghĩa những chủ thẻ của các tổ chức phát hành này có thể tự hào mang theo thẻ của họ khi biết rằng thẻ được làm từ những loại nhựa bền vững. Tính kết nối mạng lưới tổng thể chính là điều giúp cho nỗ lực này trở nên khác biệt và hiệu quả hơn”, ông Malhotra cho biết thêm.

Vào năm 2018, thông qua Phòng thí nghiệm Bảo mật Kỹ thuật số, Mastercard đã khởi động chương trình “Quan hệ Đối tác Thanh toán xanh” với các nhà sản xuất thẻ Gemalto, Giesecke+Devrient và IDEMIA để giảm việc sử dụng nhựa PVC trong sản xuất thẻ. Sau đó, Mastercard tiếp tục khởi động kế hoạch “Chứng nhận Sinh thái Thẻ” (CEC) vào năm 2021.

“Mastercard cam kết đẩy mạnh hành động chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu chất thải bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh doanh hướng đến mức phát thải ròng bằng không, đồng thời tận dụng mạng lưới và quy mô của chúng tôi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tái tạo, ít carbon” – bà Ellen Jackowski, Giám đốc phụ trách Phát triển Bền vững của Mastercard, chia sẻ.

Thúc đẩy một tương lai bền vững hơn

Mastercard đã thiết lập các nỗ lực phát triển bền vững từ hơn một thập kỷ trước, tập trung vào lĩnh vực tài chính toàn diện, trách nhiệm dữ liệu và môi trường. Thông qua mạng lưới của mình, công ty hợp tác với các đối tác để mang những sáng kiến và cải tiến mới về môi trường như thẻ bền vững đến với thị trường.

Ngoài ra, Liên minh Hành tinh Vô giá (Priceless Planet Coalition) của Mastercard đang nỗ lực khôi phục 100 triệu cây xanh trên toàn cầu vào năm 2025. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hơn 20 đối tác ở Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc Đại lục, Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Đài Loan, Philippines và Campuchia đã tham gia Liên minh, hiện đang triển khai 18 dự án trồng rừng trên toàn thế giới.

Mastercard cũng hợp tác với công ty fintech Doconomy đến từ Thuỵ Điển để phát triển Công cụ Tính toán Lượng Carbon của Mastercard (Mastercard Carbon Calculator). Là API được tích hợp dễ dàng và sẵn có cho tất cả các tổ chức phát hành trên toàn cầu cho bất kỳ thẻ Mastercard nào, công cụ này giúp người tiêu dùng hiểu lượng khí thải carbon ước tính khi mua hàng thông qua ứng dụng ngân hàng của họ.

Giải pháp công nghệ tài chính ESG này đã giành vị trí dẫn đầu giải thưởng “Công nghệ tài chính toàn cầu” tại Lễ hội Công nghệ Tài chính Singapore năm 2022, do Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) trao tặng vào tháng 11 năm ngoái.

Ông Taylan Turan – Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ và Chiến lược, Tài sản và Ngân hàng Cá nhân, HSBC – cho biết: “Công bố ngày hôm nay của Mastercard là một bước tiến lớn đối với các dịch vụ tài chính. Các vật liệu bền vững mới, chẳng hạn như rPVC, mang lại một định hướng rõ ràng để ngành tài chính tăng tốc nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Là một phần trong chiến lược phát thải ròng bằng không tại HSBC, chúng tôi đã triển khai thẻ thanh toán bằng nhựa tái chế trên 28 thị trường toàn cầu và đưa yêu cầu sử dụng vật liệu bền vững cho tất cả thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ thương mại vào quá trình quản trị sản phẩm của chúng tôi; từ đó loại bỏ 85 tấn nhựa mà nếu không có sáng kiến này đã bị thải ra bãi chôn lấp. Mức độ tác động này không thể đạt được nếu không có mối quan hệ đối tác bền chặt. Tôi vô cùng tự hào khi HSBC được là một phần của phong trào đang ngày một tăng tốc trên toàn thế giới”.

(1) rPVC, rPET, hoặc PLA là một vài ví dụ về các loại nhựa thay thế thường được sử dụng nhất trong đóng gói bao bì, vật liệu xây dựng, và chai lọ tái chế.

(2) Úc, Campuchia, Brunei, Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam