Trục bản quyền số quốc gia: Nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ bản quyền số

Nền tảng hỗ trợ cá nhân/ tổ chức về bảo vệ bản quyền số – Trục bản quyền số – vừa được ra mắt vào chiều ngày 24/4 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn “Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số”. Nền tảng được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu của cá nhân/ tổ chức tham gia, bao gồm hỗ trợ đăng ký bản quyền, phát hiện và cảnh báo vi phạm bản quyền.

Sáng tạo nội dung số đã và đang trở thành mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số. “Tuy nhiên, trong dòng chảy phát triển này, các hoạt động trong lĩnh vực nội dung dung số thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thậm chí trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là việc bảo vệ bản quyền nội dung số và kinh doanh quảng cáo số”, ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam – chia sẻ tại diễn đàn.

Diễn đàn “Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số” diễn ra ngày 24/4.
Nguồn: VietNamNet

Hiện nay, với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ, một cá nhân/ tổ chức có thể cho ra đời hàng chục, thậm chí hàng trăm nội dung số mỗi tháng. Thực tế này đặt ra thách thức về việc phải làm thế nào để chứng minh nội dung của một cá nhân/ tổ chức không vi phạm bản quyền, hay rà quét ra sao để phát hiện các trường hợp vi phạm.

Theo Zing News, Hội Truyền thông số Việt Nam từng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền. Ước tính, số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Đến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Ông Hoàng Đình Chung – Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam – nhận xét: “Đây là thách thức không chỉ cho các chủ sở hữu nội dung, mà còn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lẫn các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian”.

Dựa trên thực tiễn này, Hội Truyền thông số Việt Nam – trực tiếp là Trung tâm bản quyền số – đã xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng Trục bản quyền số. Đây được xem là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ, khai thác và phân phối bản quyền nội dung số; đồng thời kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà công nghệ, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số.

Hội Truyền thông số Việt Nam ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD.
Nguồn: Zing News

Theo VietNamNet, hệ thống Trục bản quyền số bao gồm 8 nhóm giải pháp dịch vụ hỗ trợ, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và các dịch vụ nâng cao dành cho các nhu cầu công nghệ chuyên sâu. Cụ thể là đăng ký bản quyền, kiểm duyệt nội dung tự động, phân phối nội dung tự động, truyền thông nội dung số, công nghệ bản quyền, lưu trữ, pháp lý bản quyền số và báo cáo vi phạm bản quyền.

Đại diện Trung tâm bản quyền số cho biết: “Khi trở thành thành viên của Trục bản quyền số, chủ sở hữu nội dung sẽ được tiếp cận các công nghệ hiện đại nhất về bản quyền bảo vệ nội dung số trước và sau khi đăng ký bản quyền. Bên cạnh đó là gia tăng khả năng truyền thông và phân phối kinh doanh đa nền tảng nội dung số qua các kênh mạng xã hội, báo chí, truyền hình, đồng thời được tư vấn từ đội ngũ chuyên gia về bản quyền nhằm nâng cao kiến thức, ý thức và các phương pháp tự bảo vệ bản quyền nội dung số”.

Trục bản quyền số quốc gia là một địa chỉ mà chủ sở hữu nội dung có thể tham gia để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bản quyền.
Nguồn: VietNamNet

Theo hướng dẫn của Trung tâm bản quyền số, để được hỗ trợ về đăng ký bản quyền, chủ sở hữu nội dung cần đăng nhập vào hệ thống và chọn chức năng “Đăng ký bản quyền”. Tiếp đó là nhập thông tin đăng ký, thông tin tác giả, thông tin chủ sở hữu; tải lên các nội dung cần đăng ký bản quyền; đồng thời tải lên hồ sơ, văn bản đăng ký bản quyền. Đơn đăng ký sẽ được gửi cho đội ngũ chuyên gia Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá và tư vấn trước khi gửi tới các đơn vị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Riêng trường hợp phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, chủ sở hữu nội dung có thể sử dụng chức năng “Báo cáo vi phạm” để gửi báo cáo tới hệ thống. Chủ sở hữu nội dung cũng có thể xem lại các danh sách báo cáo vi phạm đã gửi cùng trạng thái và thời gian xử lý của báo cáo vi phạm tương ứng.

Ông Hoàng Đình Chung cho biết Trục bản quyền số quốc gia là một địa chỉ mà chủ sở hữu nội dung có thể tham gia để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bản quyền. Tuy nhiên, để tăng cường công tác bảo vệ bản quyền số, ông cũng khuyến nghị chủ sở hữu nội dung phải xem việc bảo vệ bản quyền số giống như bảo vệ tài sản vật lý hàng ngày, đồng thời phải trang bị đủ công cụ, kiến thức để bảo vệ quyền lợi của mình.

* Nguồn: Tổng hợp