Top 10 xu hướng thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp B2B năm 2023

Thương mại điện tử quan trọng tới mức nào với doanh nghiệp B2B? Theo báo cáo từ McKinsey, có tới 65% doanh nghiệp B2B trên thế giới hiện nay đang chỉ bán sản phẩm của mình qua các kênh trực tuyến. Dù bạn đang triển khai hay mới chân ướt chân ráo “chuyển kênh” thì việc liên tục cập nhật các xu thế mới trong ngành luôn là điều kiện tiên quyết để “sinh tồn” trong thương trường ngày một khốc liệt hiện nay.

Và như thường lệ, Ori Agency sẽ đóng vai MC để mang tới cho các bạn 10 xu hướng thương mại điện tử dành riêng cho doanh nghiệp B2B năm 2023 trong bản tin ngắn dưới đây. Cùng bắt đầu nhé!

1. Tối ưu hóa nội dung trên các thiết bị di động

Đâu là phương tiện mà người dùng sử dụng nhiều nhất để truy cập các sàn thương mại điện tử hiện nay? Câu trả lời đã quá rõ ràng – điện thoại thông minh. Chẳng có điều gì gây thích thú hơn việc săn sale vào lúc nửa đêm khi đang trên giường đâu, bạn nhỉ!

Theo HubSpot, giá trị của ngành thương mại di động – Mobile Commerce – dự kiến sẽ đạt 620,97 tỷ USD vào năm 2024, nghĩa là 42,9% tổng số giao dịch mua hàng thương mại điện tử sẽ được thực hiện trên thiết bị di động.

Việc tối ưu trang web của bạn để nâng cao trải nghiệm sử dụng trên thiết bị di động sẽ giúp tỷ lệ thoát trang thấp hơn, đồng nghĩa với việc sẽ có ít giỏ hàng bị “bỏ rơi” hay “lãng quên” hơn.

Nguồn: HubSpot

2. Đem lại trải nghiệm mua sắm mới cho khách hàng với social commerce

Bằng cách liên kết người dùng sử dụng mạng xã hội với các trang thương mại điện tử, ta có một khái niệm mới mang tên thương mại xã hội hay social commerce. Một đoạn video về một sản phẩm hấp dẫn luôn được đính kèm link dẫn tới sản phẩm đó ngay ở dưới phần bình luận. Điều này trở nên phổ biến đến nỗi bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, như Instagram, TikTok và Facebook, người dùng đều có thể bắt gặp cách tiếp thị này.

Theo Insider Intelligence, gần 36% người dùng Internet ở Hoa Kỳ là người mua trên mạng xã hội, tương đương khoảng 90,2 triệu người. Trong một nghiên cứu tương tự của HubSpot, hơn 50% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ đã mua sản phẩm trực tiếp từ các nền tảng mạng xã hội. Dưới đây là danh sách các nền tảng họ đã sử dụng để thực hiện các giao dịch mua đó:

Nguồn: HubSpot

Do đó, để trở thành người dẫn đầu xu hướng, doanh nghiệp nên chắc chắn rằng chiến lược phát triển kênh thương mại điện tử của mình đã bao gồm mục tối ưu hóa thương mại xã hội.

3. Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến

Chẳng ai muốn mua hàng khi phải nghe đi nghe lại một đoạn quảng cáo rập khuôn được lặp đi lặp lại cả. Điều này nhàm chán, chung chung và không còn là động lực khiến khách hàng đưa ra quyết định.

Một cuộc khảo sát của McKinsey với gần 3.500 người cho thấy khách hàng muốn có trải nghiệm cá nhân hóa hơn khi xem quảng cáo. Một khảo sát khác của Moengage cũng đã tiết lộ rằng 27% số người được hỏi cho biết họ “thất vọng nhất khi nhận được thông điệp về sản phẩm hoặc nội dung không liên quan”.

Vậy những con số này nói lên điều gì? Đó là trải nghiệm mua sắm cũng nên được cá nhân hóa giống như quảng cáo. Trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa sẽ hoạt động gần giống như cách Spotify – tương tự việc gợi ý cho khách hàng những bài hát có cùng chủ đề, bạn sẽ cần gợi ý cho họ những sản phẩm có liên quan tới sản phẩm mà họ vừa mua. Ví dụ như một bộ lót nồi khi họ vừa bỏ một chiếc chảo chống dính vào giỏ hàng chẳng hạn.

Không chỉ giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, việc tạo ra một trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa cũng giúp khách hàng cảm thấy thích thú và vui vẻ hơn, qua đó tăng tỷ lệ quay lại mua hàng của họ.

Nguồn: HubSpot

4. Bán hàng đa kênh (Omnichannel) sẽ giúp tăng trưởng doanh số

Bán hàng đa kênh (Omnichannel) có nghĩa là cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm mua sắm “liền mạch”. Cùng mang khái niệm là “đa kênh” tuy nhiên Omnichannel lại khác hoàn toàn so với Multichannel. Trong khi người “đồng hương” mang hàm nghĩa bán hàng ở nhiều kênh thì Omnichannel sử dụng rất nhiều kênh chỉ để tiếp cận một khách hàng nhằm gia tăng trải nghiệm mua sắm.

Nếu Omnichannel có khả năng xác định điểm tiếp xúc giữa người tiêu dùng và thương hiệu, qua đó tăng cường khả năng kết nối với khách hàng; thì Multichannel lại nỗ lực mang sản phẩm đến với nhiều khách hàng bằng sự hiện diện trực tuyến chứ không chú trọng trải nghiệm.

Nguồn: HubSpot

Ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng Omnichannel trong hoạt động marketing B2B là VIP.com – một trong những thị trường thương mại điện tử hàng đầu hoạt động tại Trung Quốc. Công ty là một trang web B2B tính phí các nhà bán lẻ bán hàng hóa trên nền tảng của mình.

VIP.com mang đến trải nghiệm đa kênh thông qua cách giúp các nhà bán lẻ kết nối với các khách hàng tiềm năng. Khi các nhà bán lẻ đăng sản phẩm mới trên VIP.com, các công cụ định vị của trang web sẽ gửi thông báo đẩy đến những khách hàng sống trong khu vực của nhà bán lẻ. Sau đó, những khách hàng tiềm năng này có thể đến trực tiếp cửa hàng hoặc nhờ VIP.com giao hàng cho họ.

Thông qua sự liền mạch trong việc trải nghiệm dịch vụ, khách hàng sẽ có một cảm giác liền mạch và dễ dàng, mang tới sự hài lòng tối đa; đồng thời thúc đẩy lòng trung thành của họ, từ đó gia tăng doanh số.

5. Tích hợp công cụ giúp tự động hóa hoạt động bán hàng

Nếu muốn thực sự vượt trội trong việc triển khai thương mại điện tử B2B, doanh nghiệp cần có các công cụ thương mại điện tử (E-commerce tools) phù hợp, ví dụ như công cụ xây dựng trang web toàn diện hay phần mềm tạo giỏ hàng.

Việc đầu tư vào các công cụ không chỉ giúp quá trình điều hành và quản lý cửa hàng trực tuyến trở nên dễ dàng hơn mà còn đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhờ khả năng tự động hóa các tác vụ tốn thời gian, qua đó giải phóng thời gian của doanh nghiệp để tập trung vào chiến lược khác.

Nguồn: HubSpot

Các công cụ thương mại điện tử bao gồm:

  • Mẫu cửa hàng trực tuyến (Online store hosting): Dễ dàng tạo ra một gian hàng chỉ với một thao tác click chuột thông qua hàng ngàn mẫu template có sẵn thuộc đủ các ngành nghề.
  • Công cụ phân tích: Từ công cụ theo dõi lưu lượng truy cập đến công cụ phân tích SEO, những chỉ số này sẽ giúp cung cấp thông tin để doanh nghiệp phân tích và đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng.
  • Công cụ vận hành các hoạt động hàng ngày: Điều hành một cửa hàng trực tuyến không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng với sự trợ giúp của các công cụ, cửa hàng sẽ tự động vận hành hàng ngày mà không cần tốn quá nhiều nhân lực kiểm soát, từ đó giải phóng quỹ thời gian của doanh nghiệp và nhân viên.
  • Công cụ tiếp thị: Các chiến dịch tiếp thị và công cụ tạo nội dung giúp đưa doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng mục tiêu.
  • Các công cụ hỗ trợ dịch vụ khách hàng: Các công cụ này đảm bảo rằng khách hàng của bạn cảm thấy nhu cầu và mong muốn của họ được đáp ứng trong mọi giai đoạn của quy trình mua hàng.

6. Dữ liệu khám phá sản phẩm (Product Discovery) sẽ có vai trò quan trọng hơn

Đối với khách hàng B2B, việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp không phải lúc nào cũng đơn giản. Bởi giữa một “biển” thông tin về sản phẩm/ dịch vụ, sẽ là rất khó để họ có thể thu thập đủ lượng thông tin cần thiết để đưa ra quyết định mua hàng trong thời gian ngắn. Hơn nữa, việc nhập “một biển thông tin sản phẩm” theo cách thủ công có thể khó khăn và tốn thời gian, đặc biệt là trên các kênh mà khách hàng tiềm năng thậm chí sẽ không truy cập.

Với phần mềm quản lý thông tin sản phẩm (PIM), bạn có thể dễ dàng thu thập, quản lý và phân phối thông tin sản phẩm trên nhiều kênh. Bằng cách này, bạn có thể phục vụ các chiến lược bán hàng và tiếp thị thương mại điện tử của mình cho đúng đối tượng, trên đúng kênh, vào đúng thời điểm.

Nguồn: Wpromote

7. Nội dung dạng video vẫn giữ “ngôi vương”

Video đang thực sự trở thành “ông vua không ngai” của xứ sở nội dung. Trên các nền tảng xã hội như TikTok và Instagram, video thống trị news feed của bạn. Thế nhưng trái với những nhận định thường thấy, xu hướng này không chỉ dành cho các thương hiệu B2C mà nó cũng có thể áp dụng cho thương mại điện tử B2B.

Bằng cách kết hợp chiến lược video, bạn sẽ có thể thu hút sự chú ý của khán giả và cung cấp thông tin quan trọng trong các video có thời gian vừa phải. Từ năm 2020 đến nay, HubSpot Research liên tục chỉ ra rằng nội dung video (đặc biệt là video dạng ngắn) mang lại ROI cao cho hầu hết các nhà tiếp thị tận dụng nó.

8. Thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế

Từ những chiếc ống hút bằng gạo cho tới việc bỏ phần ni lông bảo vệ ở phần nắp chai nước khoáng, tính bền vững hay thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng được rất nhiều khách hàng quan tâm và ủng hộ. Chính vì thế, việc sở hữu những sản phẩm/ dịch vụ có tính bền vững sẽ là ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu B2B.

Các sáng kiến như sử dụng bao bì xanh, vật liệu thân thiện với môi trường và giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất đều là những cách để cải thiện tính bền vững.

Ví dụ, tại Janji, phong bì thư có thể phân hủy sinh học và được làm từ 100% nội dung tái chế đã sử dụng. Họ cũng đã loại bỏ các túi poly riêng lẻ trong hầu hết các sản phẩm của mình, qua đó giảm thiểu tới 86% nhựa trong bao bì.

Nguồn: HubSpot

9. Headless Commerce sẽ được nhiều nhãn hàng ưu tiên sử dụng

Về cơ bản, cấu trúc một website sẽ bao gồm:

  • Frontend: Giao diện, hình ảnh, nội dung… mà người dùng nhìn thấy và tương tác mỗi khi truy cập vào website. Phần này được tiếp nhận từ backend.
  • Backend: Những phần hoạt động của website hay app mà người dùng không thể nhìn thấy được. Ví dụ như hệ thống cơ sở dữ liệu, các chức năng tùy biến, code…

Trước đây, phần lớn doanh nghiệp thường sử dụng mô hình truyền thống có tên “monolithic model”, tạm dịch là mô hình nguyên khối. Mô hình phức tạp này yêu cầu doanh nghiệp phải liên tục cập nhật, bảo trì website của mình đồng thời nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi trong mô hình này, frontend và backend kết nối chặt chẽ với nhau. Do đó, mỗi sự thay đổi về frontend tức giao diện người dùng đều kéo theo sự thay đổi trong cấu trúc backend và ngược lại.

Trong khi đó, mô hình Headless Commerce là cấu trúc thương mại điện tử mới mà trong đó frontend được tách biệt khỏi backend và được liên kết với nhau bằng API. Do đó mô hình này giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng thay đổi và cập nhật chức năng mới mà không cần can thiệp vào giao diện người dùng hoặc các trang CMS. Từ đó nó giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi những mẫu website rập khuôn và thể hiện khả năng sáng tạo vô hạn để tăng trải nghiệm người dùng.

Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp doanh nghiệp:

  • Dễ dàng tùy biến và sử dụng mà không cần bỏ chi phí nâng cấp hệ thống
  • Phần nào đó tối ưu SEO Onpage khi có khả năng tăng tốc độ tải trang, giảm chỉ số thoát ngay lập tức (bounce rate)…
  • Hỗ trợ bán hàng đa kênh bằng việc tích hợp nhiều kênh bán hàng vào website, bao gồm sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử, app thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc các kênh mới trong tương lai, từ đó tạo ra một trải nghiệm liền mạch đa kênh (Omnichannel) một cách dễ dàng.

Nguồn: Shopify

10. Tăng khả năng tiếp cận của sản phẩm thông qua tìm kiếm giọng nói

Theo Google, có tới 27% người dùng trực tuyến toàn cầu đang sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói trên thiết bị di động. Đặc biệt hơn, những người sử dụng phương pháp này đều vô cùng trung thành với nó khi có tới 72% người sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói hàng ngày.

Không chỉ giới hạn ở Alexa và Siri, tìm kiếm bằng giọng nói cũng có thể được sử dụng cho thương mại điện tử B2B. Với ưu điểm là thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc gõ bàn phím, đặc biệt còn được tích hợp sẵn cho thiết bị di động, thì tìm kiếm giọng nói sẽ sớm trở thành một “tiêu chuẩn mới” cho thương mại điện tử nói chung và B2B nói riêng trong tương lai gần.

Bạn nghĩ sao về 10 xu hướng trên? Bạn có thực sự cho rằng chúng có khả năng xảy ra hay sẽ sớm lụi tàn như hàng loạt các xu hướng công nghệ khác? Hãy chia sẻ bài viết và để lại bình luận của mình nhé! Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng quên để lại một lượt theo dõi cho Fanpage của Ori Agency và theo dõi các bài viết mới nhất của chúng tôi.