Marketer SR Fashion Business School
SR Fashion Business School

Style Republik Fashion Media and Education Company

Chúng ta nên ứng xử thế nào với thời trang lông thú?

Nếu thời trang lông thú thật đang “góp phần” giết chết động vật và các sản phẩm lông thú giả đang gây hại cho hành tinh này, chúng ta nên làm gì đây?

Lông thú được xem là chất liệu gây chia rẽ nhất trong ngành thời trang. Không ít người đã từng thề rằng, thà khỏa thân chứ không mặc trang phục làm bằng lông thú. Nhưng giải pháp thay thế không dùng lông động vật cũng không mang lại kết quả tốt hơn nhiều trong các cuộc tranh cãi. Bởi vì lông thú giả cũng không phải là lựa chọn giúp cải thiện tình hình ngay lập tức.

Lông thú được xem là chất liệu gây chia rẽ nhất trong ngành thời trang.

Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra với tất cả các cuộc tranh luận khác trong ngành thời trang, liên quan đến vấn đề đạo đức. Ví dụ, trong khi việc sản xuất tơ tằm khiến tằm bị giết, và da thật khiến gia súc và bê bị giết, thì các chất liệu như polyester và PVC nhân tạo cũng hoàn toàn không phải là giải pháp và trên thực tế chúng đang là vấn đề vô cùng nan giải về tính bền vững.

Điều này đặt ra một thách thức thực sự đối với người mua sắm, đặc biệt là những người yêu mến động vật và coi trọng việc bảo vệ môi trường. Họ phát hiện ra rằng gần như mọi “giải pháp” thay thế cho các vấn đề đạo đức trong thời trang vẫn không thể đáp ứng được, chúng chỉ là những giải pháp không bền vững.

Đối với lông thú giả, tất nhiên, mặc dù không có loài động vật nào bị giết để làm ra chiếc mũ bông, chiếc áo để bạn mặc, nhưng tác động môi trường của lông thú giả gần như tương đương với lông thú thật, chưa kể đến những điều kiện làm việc kinh khủng và bóc lột sức lao động của nhân công làm ra chúng.

Nếu bạn là một người tiêu dùng coi trọng đạo đức và bảo vệ môi trường, bạn có thể sẽ thấy mình bị mắc kẹt giữa 2 mối quan tâm: Sự sống của động vật và quyền con người với những vấn đề mang tính bền vững của sản phẩm đối với môi trường.

Tác động môi trường của lông thú giả gần như tương đương với lông thú thật.

Đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu những gì thực sự cần để tạo ra chiếc áo khoác giả lông thú đó. Thông thường, nó được làm từ polyester, vật liệu thường được làm từ sợi polyme, có chứa acrylic. Bạn nghĩ thật tuyệt, polyester không đến từ một chú thỏ bông hay một con chồn không có khả năng tự vệ, bị tàn phá trong một trang trại lông thú. Đúng, nhưng nó được làm từ nhựa kéo thành sợi, có thể mất tới khoảng 1.000 năm để phân hủy sinh học sau khi được chôn lấp.

Mina Jugovic từ Trung tâm Thời trang Bền vững giải thích: “Acrylic có tác động môi trường tồi tệ nhất trong số 9 loại sợi được nghiên cứu trong báo cáo năm 2014 của Ủy ban Châu Âu. Nó đứng cuối ở bốn trong số sáu hạng mục bao gồm tác động đối với biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và sự cạn kiệt tài nguyên”.

Ngoài ra còn có tác động môi trường rất lớn của vi sợi – đây là những hạt nhựa nhỏ mà sợi tổng hợp rơi ra trong quá trình giặt có thể cực kỳ bất lợi cho môi trường. Các thương hiệu như Patagonia đã đủ hiểu biết để bán túi giặt giúp giữ lại các sợi này khi giặt, nhưng họ là một trong số ít các nhà sản xuất quý giá hành động về vấn đề này.

Lông thú giả là “một cơn ác mộng thực sự đối với môi trường”.

Meg Pirie, một nhà tạo mẫu thuần chay, cho biết: “Bây giờ chúng tôi biết những sợi nhân tạo này là một cơn ác mộng thực sự đối với môi trường. Chúng không chỉ được làm từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và thường được nhuộm bằng hóa chất độc hại, mà những sợi này còn mất hàng trăm năm để phân hủy sinh học và là nguyên nhân lớn tạo ra các sợi nhỏ trong đại dương và đường thủy của chúng ta”.

Mặc dù kiên quyết phản đối thời trang lông thú, nhưng cô ấy cho rằng mọi người cũng không nên áp đặt một cách thái quá rằng tất cả lông thú giả đều là không tốt. Bạn vẫn nên nhìn nhận thời trang thuần chay một cách tương đối, trong bức tranh toàn cảnh hơn về tính bền vững.

Thời trang cao cấp đã có những bước tiến lớn trong việc loại bỏ lông thú. Điển hình như Gucci, Versace, Burberry, Coach, Maison Margiela và Jean Paul Gaultier đều đã cam kết cấm lông thú trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong số các hãng thời trang cao cấp không sử dụng lông thú, Stella McCartney vẫn là thương hiệu duy nhất tránh hoàn toàn da động vật. Và trong khi có vẻ như thời trang đang quay lưng lại với lông thú, thì ngành công nghiệp lông thú toàn cầu được định giá ở mức khổng lồ là 40 tỷ USD chỉ vài năm trước.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp lông thú không chỉ tệ đối với những con vật dễ thương và mịn màng, nó cũng rất tệ cho hành tinh chúng ta.

Ngành công nghiệp lông thú toàn cầu được định giá ở mức khổng lồ là 40 tỷ USD vài năm trước.

Yvonne Taylor, Giám đốc các Dự án Doanh nghiệp tại PETA, cho biết: “Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy áo khoác lông chồn có tác động môi trường gấp 5 lần so với áo khoác lông thú giả. Trên thực tế, việc sản xuất một kg lông chồn dẫn đến hệ số phát thải là 110kg carbon dioxide. Điều đó tương đương với việc lái một chiếc ô tô 775 dặm”.

Cô giải thích: “Lông thật cũng được xử lý bằng nhiều loại hóa chất, trong đó có nhiều loại độc hại và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Mina Jugovic cũng đồng ý về quan điểm này và cho rằng, nếu tính bền vững là quan trọng đối với bạn, thì một vật liệu được coi là “tự nhiên” như lông thú (bất chấp bạn nghĩ nó được sản xuất như thế nào) thực sự không tự nhiên như bạn nghĩ.

“Lượng khí thải C02 liên quan đến việc nuôi và cho hàng chục nghìn con chồn ăn trong một trang trại, phân của chảy thải ra có thể ảnh hưởng đến nguồn nước, các hóa chất độc hại được sử dụng… tất cả đều là những tác nhân lớn gây ra các mối nguy hại cho môi trường”, cô cho biết.

Nếu lông thú đang giết chết động vật và lông thú giả đang giết chết hành tinh, vậy bạn sẽ làm gì?

Nếu lông thú đang giết chết động vật và lông thú giả đang giết chết hành tinh, vậy bạn sẽ làm gì? Xét cho cùng, không có thứ gì chúng ta mua có thể bền vững 100%, mọi thứ đều có mức độ phát thải carbon khác nhau, tất cả đều bắt nguồn từ việc đặt câu hỏi đúng.

Bạn hãy tìm kiếm những thương hiệu coi trọng danh tiếng hoặc thậm chí giải thưởng về thời trang bền vững, không sát hại động vật và chú trọng tính bền vững trong sản xuất. Stella, Shrimps và Dries Van Noten đều sản xuất lông thú giả chất lượng cao và đặc biệt bền vững. Thương hiệu Ecopel sản xuất lông thú giả từ chai nhựa tái chế và Komodo sản xuất áo khoác không len làm từ polyester tái chế.

Nhiều nhà mốt như Maison Atia và Unreal Fur đang nỗ lực phối hợp để sản xuất lông thú giả một cách bền vững, tốt cho môi trường hơn. Các nhà thiết kế mới đầy sáng tạo như cựu sinh viên LCF Tara Mooney cũng góp phần đáng kể, bằng cách làm ra các loại lông thú giả từ vật liệu có nguồn gốc thực vật; như cổ áo rêu và da thú. Một sinh viên LCF gần đây, Ashleigh Chambers, đang nghiên cứu tạo ra lông thú giả có thể phân hủy sinh học, từ một loại sợi cellulose mới thân thiện với môi trường.

Cách tốt nhất là chấp nhận sử dụng các sản phẩm thời trang mang tính bền vững tương đối.

Như vậy, cho đến khi các loại vải hay lông thú giả làm từ thực vật trên trở nên phát triển và phổ biến hơn, có lẽ cách tốt nhất là bạn nên chấp nhận một giải pháp đơn giản đó là sử dụng các sản phẩm thời trang mang tính bền vững tương đối. Nền văn hóa dùng một lần của chúng ta là nhân tố lớn nhất dẫn đến sự hủy diệt hành tinh. Nếu chúng ta cam kết mua sắm đồ cũ, đồ đã qua sử dụng hoặc giảm thiểu rác thải may mặc... sẽ góp phần hạn chế hàng đống thứ đang dần hủy hoại môi trường hoặc làm ô nhiễm nguồn nước trên hành tinh.

Vì vậy, hãy tiêu dùng thông minh hơn, mua ít hơn; và nếu bạn đang lỡ tiêu thụ các sản phẩm thời trang không bền vững, vi phạm đạo đức, hãy đảm bảo rằng bạn biết điều đó và hạn chế chúng.

* Nguồn: Style-Republik