Tiktoker review: Đừng để một nghề trở thành nỗi sợ của kinh doanh!

Sau khi khai trương không lâu, một Tiktoker đã ghé đến cơm tấm Sà Bì Chưởng của Độ Mixi và nhận xét rằng “quán chỉ toàn trẻ trâu" đã gây ngỡ ngàng cho chính nam streamer. Trước sự bất lực của các reviewer “trên trời rơi xuống" như vậy, Tộc trưởng bày tỏ nỗi sợ trước sự nổi tiếng nhờ drama của giới trẻ, còn các hộ kinh doanh quán ăn lại sợ tiếp đón những vị khách có nghề nghiệp đặc thù này.

Cùng với danh tiếng của ba streamer nổi tiếng Độ Mixi, Xemesis, PewPew, tiệm cơm tấm Sà Bì Chưởng trở thành cái tên được yêu thích của người hâm mộ. Sau chi nhánh tại Tp.HCM, Đà Lạt thì cơ sở tại Hà Nội được giới trẻ tìm đến trải nghiệm nhiều với mức giá không có sự thay đổi so với hai cơ sở đầu.

Đương nhiên là một sự kiện cùng với lượng người quan tâm lớn từ Bộ Tộc Mixigaming, các reviewer đồ ăn từ khắp các nền tảng đổ về làm content như một miếng bánh được mọi người cùng tranh giành. Từ những tiktoker lớn nhỏ đến những chuyên gia ẩm thực dựa theo “đánh giá cá nhân”, mọi người tập hợp đông đủ như Đại Hội Võ Lâm trong những ngày vừa rồi để được trải nghiệm Sà Bì Chưởng Hà Nội.

Sẽ chẳng có điều gì đáng để nói nếu không có sự xuất hiện của một tiktoker khi mới mở đầu video đã bắt đầu với những câu nói “chưa ăn đã khó chịu rồi đấy”, “chỉ trả 80 nghìn cho suất này thôi” và gây sốc hơn là “đây có lẽ là cái quán mình ngại review nhất vì nhiều trẻ trâu lắm các bạn ợ, nhưng mà mình sợ cái đầu ****” khiến Tộc Trưởng thực sự “bất lực”.

Trước thái độ của reviewer, Độ Mixi tỏ thái độ bất ngờ: "Tôi bị sợ các bạn ạ, không biết nói gì cả. Tôi thấy TikTok có nhiều mặt tốt, đẩy các bạn nổi tiếng rất nhanh nhưng khi các bạn nổi tiếng quá thì có nhiều cái hơi quá.

Thời chúng tôi lên từ từ, rất chậm nhưng rất chắc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và học được cách tôn trọng người khác, không bao giờ gây chú ý bằng chửi bới. Chúng tôi hơn các bạn 4-5 năm nhưng cách xử lý truyền thông hay nói chuyện, tương tác, giao lưu, kết nối với cộng đồng mạng khác hẳn.

Video này ngay từ đoạn đầu tôi đã thấy người ta muốn làm như thế để gây chú ý, tạo ý kiến trái chiều. Chắc hẳn đây là công thức chung nhưng ngày càng bị làm quá", anh tâm sự.

Đồng thời nam streamer cũng thẳng thắn thừa nhận: "Chúng tôi kinh doanh quán ăn, nếu hỏi có sợ bị review đồ ăn không, tôi xin trả lời là có, sợ lắm. Là chủ quán ăn vẫn muốn các bạn đến review vì nó giúp cửa hàng được biết đến nhanh, nhưng review cũng có nhiều kiểu người nên nhiều khi sợ hơn là muốn. Xem xong video này choáng luôn, sợ".

Ăn uống tuỳ vào khẩu vị, đừng dùng mác “reviewer" mà gây ảnh hưởng đến bát cơm của người khác!

Trong ẩm thực, nếu không ở mức quá tệ thì chúng ta sẽ không đánh giá độ ngon hay dở mà là phù hợp hay không phù hợp. Đó là khẩu vị của tuỳ từng người. Việc nhận xét một món ăn ngon hoàn toàn có thể dựa trên nhiều yếu tố như: trang trí đẹp, hương vị hấp dẫn, phù hợp không gian, thời gian, tâm lý, cảm xúc, ký ức của người ăn…. Chẳng hạn, một món ăn đồng quê được đưa vào bar thì không phù hợp và ngược lại. Món ăn ngon hay không ngon phụ thuộc phần lớn vào tâm trạng của thực khách. Các chuyên gia về ẩm thực cũng cho rằng việc khen chê một món ăn cần người có chuyên môn, được đào tạo bài bản. Các đầu bếp chuyên nghiệp sẽ biết được thực phẩm trôi nổi, không đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, quy trình chế biến ra sao trong các reviewer sẽ khó cảm nhận được điều đó, bởi đó hoàn toàn là những cảm quan cá nhân chứ không phải là những hiểu biết uyên thâm về đồ ăn thức uống.

Việc đan xen lẫn lộn nhiều reviewer trong giới ẩm thực như hiện nay không khỏi khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Vai trò của reviewer là gì? Liệu hiện tượng "lạm phát" reviewer như hiện nay sẽ đem đến cơ hội hay thách thức cho những người kinh doanh, buôn bán đồ ăn, thức uống? Dưới góc nhìn của những người kinh doanh, reviewer đã giúp nhiều quán tiếp cận được với nhiều khách hàng, đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Song, cũng có những trường như một số những đánh giá tiêu cực về quán ăn có thể khiến người xem trở nên nghi ngờ về chất lượng của quán và gây thiệt hại không ít cho những người kinh doanh. Ngoài ra, một số reviewer xem nhẹ tác động của mình đến khán giả, không tôn trọng người xem, đưa ra những đánh giá “ảo", khiến nhiều khán giả của họ gặp phải tình trạng "xem trên review một đằng, ra ngoài một nẻo", "đi ăn theo review hết mình, đến nơi hết hồn", để lại ấn tượng xấu về nghề reviewer cho nhiều người.

Có thể nói, việc xuất hiện nhiều kênh review nên được định hướng cho khán giả biết đến nhiều địa điểm ăn uống hơn, có được nhiều góc nhìn về một quán ăn hay quán cà phê, từ đó có thể lựa chọn được địa điểm phù hợp với sở thích cá nhân của mình. Đừng dùng danh phận là một reviewer, ăn uống theo cảm quan cá nhân mà vô tình buông những lời lẽ nhận định cực đoan khiến cho thực khách cảm thấy ái ngại mỗi trong mỗi lần lựa chọn quán ăn, mà chủ kinh doanh lại càng sợ hãi hơn nữa mỗi khi có thông tin về các reviewer ghé đến. Cộng đồng những người làm nghề review đồ ăn nói riêng hay đại đa số thực khách chúng ta nói chung phải hiểu rõ một điều rằng: Quán ngon với người này chưa chắc đã hợp với người khác, quán bị người này chê có khi lại được người khác yêu thích. Khẩu vị của con người chúng ta rất vô vàn, vậy nên chúng ta nên tôn trọng khẩu vị của từng địa điểm ăn uống, tôn trọng chủ quán và tôn trọng chính cái nghề reviewer mà bản thân đang theo đuổi.