Làm marketing web3 trong chiến lược kinh doanh thời đại số

Marketing web3 là điều nhiều nhà tiếp thị quan tâm trong thời đại số. Nếu hiểu rõ và biết cách khai thác triệt để, đây sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các chiến lược marketing.

Thuật ngữ web 3.0 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006 bởi nhà báo John Markoff của The New York Times. Ông đã nhấn mạnh đây là cuộc cách mạng trong lịch sử web mới. Thực chất, web 3 được đánh giá là sự kết hợp giữa web 1 và web 2 trước đó.

Web 1 là giai đoạn phát triển đầu tiên của Internet, khởi đầu vào đầu những năm 1990. Đơn giản đây là cổng cung cấp thông tin và người dùng sẽ tiếp nhận một cách thụ động mà không có sự tương tác như nhận xét, chia sẻ,...

Ngược lại, web 2.0 (hay còn được gọi là Web Social Web) thì chủ yếu nhấn mạnh đến khả năng tương tác giữa người dùng và nền tảng. Mọi người đều có thể sáng tạo, sở hữu, tìm kiếm và chia sẻ thông tin và ngược lại các trang mạng sẽ thu thập chúng thông qua thuật toán.

Trong thực tế khi web 2 trở nên phổ biến, tình trạng các nền tảng mạng xã hội bán thông tin cho đại lý quảng cáo nhằm thu lợi nhuận đã trở thành vấn đề nhiều người lên án. Mối quan tâm về quyền riêng tư được đặt lên hàng đầu khi các vụ bê bối và vi phạm dữ liệu cá nhân ngày càng nhiều. Từ cuối năm 2022, những lo ngại về thông tin người dùng đã khiến các cơ quan liên bang và tiểu bang của Hoa Kỳ cấm nhân viên sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu. Hay vào tháng 7/2022, Twitter đã bị tấn công và 200 triệu địa chỉ email của người dùng đã bị đưa lên trang web tối.

Và web 3.0 ra đời hoạt động dựa trên công nghệ mở đường blockchain đã tối ưu những vấn đề trên. Web 3.0 ban đầu được gọi là Semantic Web bởi nhà phát minh World Wide Web Tim Berners-Lee hoạt động như một mạng internet mở, thông minh và tự chủ.

Đây là loại hình công nghệ giúp xử lý, sắp xếp, quản lý dữ liệu trên mạng lưới internet một cách phi tập trung. Blockchain dựa trên mạng ngang hàng, mỗi một thiết bị trên hệ thống tựa như một “nút thắt” độc lập. Qua đó, các thiết bị chia sẻ thông tin trực tiếp với nhau mà không phải chịu kiểm soát từ bất kỳ máy chủ hay công ty nào. Điều này đồng nghĩa với việc không có thiết bị đơn lẻ có thể đặt quyền kiểm soát đối với dữ liệu người dùng. Các chuyên gia gọi đây là “nền dân chủ kỹ thuật số”.

Web 3.0 là loại hình công nghệ giúp xử lý, sắp xếp, quản lý dữ liệu trên mạng lưới internet một cách phi tập trung

Web 3.0 là loại hình công nghệ giúp xử lý, sắp xếp, quản lý dữ liệu trên mạng lưới internet một cách phi tập trung

Như vậy có thể thấy, nếu với web 2 thì người dùng sẽ bị các “ông lớn” công nghệ kiểm soát về thông tin cá nhân, nội dung sáng tạo thì với 3.0 hứa hẹn người dùng chính là chủ sở hữu dữ liệu của họ.

Một ví dụ tiêu biểu cho điều này chính là khi Facebook đổi tên thành Metaverse đã tiến hành loại bỏ các tài khoản người dùng có tên metaverse. Bởi nền tảng xem đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của họ nên không cần xin phép và hỏi ý kiến người dùng.

Hay nói một cách đơn giản, trên Youtube, các youtuber sẽ phụ thuộc vào nền tảng để phân phối nội dung và nhận “hoa hồng” từ lượt view. Song doanh thu đó lại được phân bổ nhỏ lẻ cho nhiều bên trung gian. Sau cùng nhà sáng tạo nội dung chỉ nhận được một phần doanh thu mà đáng lẽ họ phải được hưởng. Còn với web 3, bạn chỉ cần đăng tải sản phẩm lên nền tảng mạng qua blockchain, số hoá và kiếm lợi nhuận trực tiếp từ việc bán sản phẩm và loại bỏ bên thứ 3. Hoặc nếu có sẽ chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ doanh thu của họ.

Qua đó đủ để thấy quyền lợi người dùng ở web 2 là rất mong manh. Và với các lợi ích vốn có, vài năm trở lại đây, web 3.0 ngày càng khẳng định giá trị của mình khi Google và nhiều hãng công nghệ khác như Amazon, Facebook,... cũng dần cải tiến cho các nền tảng mạng xã hội theo xu hướng này.

“Chúng tôi đang tìm hiểu và tiến hành xây dựng một hệ sinh thái của web 3.0, đồng thời tăng giá trị cho chúng. Ví dụ như nhóm Cloud đang phát triển cách thức hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch trên nền tảng blockchain” - CEO Google cho biết.

Ngoài ra, ứng dụng web 3.0 phổ biến hiện nay có thể kể tới Alexa, Siri, Filecoin, Steemit, Wolfram Alpha,...

Tại Việt Nam, web3 cũng được thể hiện ở nhiều startup bắt tay vào xây dựng các dự án. Trong đó nổi bật là Ancients 8 đã hoàn thành hai vòng gọi vốn với tổng đầu tư 10 triệu USD. Ngoài ra còn phải kể đến một số cái tên tiêu biểu khác như Orochi Network (cơ sở hạ tầng), Spinel Labs (cơ sở hạ tầng DAO),...

Như vậy có thể thấy, trong tương lai web 3 sẽ là công cụ quan trọng để các nhà tiếp thị và thương hiệu cần nắm rõ để khai thác và tận dụng. Đặc biệt khi chúng có nhiều tác động lớn đến doanh nghiệp.

Cùng với sự bùng nổ của web 3 đã kéo theo sự phát triển mới theo chiều thuận của marketing kỹ thuật số bởi những tác động mạnh mẽ.

Marketing web 3 là hình thức sử dụng công nghệ blockchain phi tập trung, cho phép doanh nghiệp kết nối với khách hàng một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Việc sử dụng tiếp thị trên web 3 cung cấp các yếu tố cần thiết để doanh nghiệp và marketer kết nối thương hiệu với người tiêu dùng hiệu quả. Công nghệ Blockchain sẽ giúp tăng tính minh bạch dữ liệu, ngăn chặn những xâm phạm trái phép của hình thức thu thập tập trung. Trong web 3, trọng tâm tiếp thị sẽ chuyển từ chú trọng lượt xem sang thông điệp và trải nghiệm tối ưu với người dùng. Vì vậy, đây sẽ là công cụ tuyệt vời để các nhà tiếp thị, quảng cáo nâng cao lòng tin, mức độ uy tín và kết nối gần hơn với người tiêu dùng thông qua trao quyền kiểm soát và sở hữu dữ liệu của họ cho chính họ. Đó là giá trị thực tế mà người dùng luôn quan tâm.

Sử dụng tiếp thị trên web 3 cung cấp các yếu tố cần thiết để doanh nghiệp và marketer kết nối thương hiệu với người tiêu dùng hiệu quả

Sử dụng tiếp thị trên web 3 cung cấp các yếu tố cần thiết để doanh nghiệp và marketer kết nối thương hiệu với người tiêu dùng hiệu quả

Ngoài ra, công nghệ này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp và các nhà tiếp thị dễ dàng hơn trong theo sát mức độ tương tác, phân tích hành vi, sở thích khách hàng, từ đó hiểu rõ hơn nhu cầu và tiến đến cá nhân hoá trải nghiệm người dùng. Đó là điều mà bất kỳ chiến lược quảng cáo nào cũng hướng tới để tăng mức độ uy tín và doanh thu bán hàng.

Tựu trung, marketing Web3 dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến doanh nghiệp, cung cấp khả năng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu an toàn với mục tiêu cá nhân hoá tốt hơn. Tất cả đều là tiền đề để thương hiệu tăng doanh thu, củng cố lòng tin với khách hàng hiệu quả.

Vậy doanh nghiệp và các nhà quảng cáo cần làm gì để nắm bắt các thay đổi trên và kịp thời có những điều chỉnh phù hợp trong tương lai? Theo Analytics Insight có những chiến lược quan trọng mà các nhà hoạch định cần chú ý như chú trọng ứng dụng phi tập trung, trải nghiệm ảo, NFT,…

Thứ nhất, chú trọng vào Dapps. Dapps hay còn gọi là ứng dụng phi tập trung, là các ứng dụng kỹ thuật số hoạt động dựa trên blockchain phi tập trung thay vì chỉ có một máy chủ duy nhất. Dapps ra đời giúp bảo vệ quyền riêng tư người dùng, nâng cao tính sở hữu và linh hoạt trong phát triển. Vì vậy, đây sẽ là công cụ quan trọng trong một chiến lược tiếp thị web 3.0 mà doanh nghiệp cần cân nhắc đầu tư.

Thứ hai, đẩy mạnh bán hàng ảo. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi mua sắm của người dùng. Vào năm 2022, doanh số bán lẻ thương mại điện tử ước tính đạt 5.7 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới (Theo Statista - 2023). Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của thương mại điện tử trong kinh doanh. Và Metaverse với sự kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến chính là lựa chọn lý tưởng để doanh nghiệp và nhà tiếp thị tận dụng, hỗ trợ đột phá doanh thu bán hàng.

Marketing Metaverse cung cấp một trải nghiệm với công nghệ AR và VR. Qua đó, người dùng có thể tận hưởng quá trình mua sắm hoàn toàn mới mẻ, chân thực như thực tế. Đây được coi như một “thế giới song song” và là bước tiến để doanh nghiệp tận dụng “chinh phục” người dùng.

Thứ ba, ứng dụng hợp đồng thông minh giúp đơn giản hoá hoạt động kinh doanh giữa các bên mà không cần thành phần trung gian. Ngoài ra, chúng sẽ giúp bạn tối ưu hình thức và các chi phí không liên quan. Đây là một trong những yếu tố cần áp dụng trong các chiến lược tiếp thị web 3.0 để doanh nghiệp tăng tính xác thực và độ tin cậy của mình.

Thứ tư, sử dụng xu từ người sáng tạo để thưởng cho khách hàng và nhà sáng tạo - một điều có lợi cho cả hai bên để thu hút đông đảo khách hàng và các nhà làm nội dung hơn.

Thứ năm, làm nội dung có tính giới hạn. Hiểu một cách đơn giản, thay vì bạn làm một cuốn ebook ai cũng có thể sở hữu thì hãy tạo phiên bản NFT giới hạn của nội dung đó kèm theo các tính năng bổ sung như video, phỏng vấn, podcast,... Khi đó người dùng sẽ thu thập chúng, tiến hành giao dịch.

Thứ sáu, sử dụng NFT làm thông báo cho các truy cập VIP. Thay vì một vé tham dự sự kiện, NFT cho phép người dùng truy cập vào các sự kiện với quyền và nội dung, tư vấn trực tuyến.

Thứ bảy, sử dụng quyền sở hữu NFT đảm bảo người mua được an toàn trước những lo ngại về NFT giả.

Thứ tám, trả tiền cho người dùng để xem nội dung, thường phần thưởng sẽ có thể sử dụng Bitcoin, altcoin hoặc stablecoin,… Đây là một trong những chiến lược tiếp thị bạn nên thử để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ chín, tổ chức sự kiện trong metaverse với không gian ảo 3D tăng tính liên kết thông qua các công cụ trực tuyến và được coi như một cuộc “cách mạng” cho việc tổ chức sự kiện, hội nghị, triển lãm,... để thu hút đối tác/khách hàng.

Như vậy có thể thấy, web 3.0 nói chung và tiếp thị web3 nói riêng đã và đang mở ra những thay đổi lớn cho doanh nghiệp và marketer. Nắm vững những giá trị này sẽ là tiền đề quan trọng để thương hiệu bứt phá vươn xa theo xu hướng phát triển của thời đại.

Nguồn: VietProducer.com