Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Áp dụng AI tạo sinh trong doanh nghiệp

Sự trỗi dậy của AI tạo sinh (Generative AI) hứa hẹn sẽ là yếu tố “xoay chuyển” doanh nghiệp. Giáo sư Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Đại học RMIT, đã chỉ ra cách doanh nghiệp có thể nắm bắt xu hướng này tại sự kiện “AI tạo sinh (Generative AI): Ý nghĩa và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Sự kiện “AI tạo sinh (Generative AI): Ý nghĩa và cơ hội cho doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 13/4/2023 tại TP.HCM. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi “Doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai” của Phân viện Kinh doanh và Luật (Đại học RMIT Australia), đồng tổ chức với Khoa Kinh doanh (Đại học RMIT Việt Nam), RMIT Digital3 và Global Victoria .

Các sự kiện tiếp theo sẽ diễn ra ở Singapore và Ấn Độ. Chuỗi sự kiện tạo cơ hội để Đại học RMIT giao lưu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về nền kinh tế số, các xu hướng công nghệ mới cũng như tác động của chúng đối với hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Chuỗi sự kiện “Doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai” tạo cơ hội để RMIT giao lưu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về nền kinh tế số.

AI tạo sinh là gì?

AI tạo sinh là một nhánh của trí tuệ nhân tạo (AI) để mô tả một lớp thuật toán có khả năng tạo ra nội dung mới bao gồm văn bản, hình ảnh, video và âm thanh. AI tạo sinh được phát triển từ những tiến bộ trong học sâu (deep learning) để cho ra kết quả tương tự như khi được tạo ra bởi con người. ChatGPT là sự phát triển mới nhất trong thế giới AI tạo sinh.

AI tạo sinh đã bùng nổ trong việc sử dụng và ứng dụng ở giai đoạn đầu. Công nghệ đột phá mạnh mẽ này sẽ được sử dụng trong các doanh nghiệp hiện tại và doanh nghiệp mới trong tương lai rất gần để giảm chi phí, cung cấp dịch vụ mới tốt hơn, nhanh hơn cũng như tạo ra năng lực sản xuất mới.

AI tạo sinh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy lĩnh vực số ở Việt Nam đã tăng trưởng 10% mỗi năm và có thể đạt hơn 200 tỉ USD vào năm 2045.

Chính phủ đã có chiến lược đầu tư rõ ràng để phát triển kinh tế số, bao gồm cả mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Australia. Theo dự thảo chương trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo rằng nền kinh tế số chiếm 30% GDP đất nước vào năm 2030. Với việc tập trung vào kinh tế số nhiều hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội.

Giáo sư Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Đại học RMIT.

Giáo sư Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Đại học RMIT cho biết: “Một điều thuận lợi về AI tạo sinh là công nghệ này hiện khá dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Không giống như những ngày đầu phát triển AI, vốn đòi hỏi sự đầu tư nội bộ đáng kể, lần này chúng ta sử dụng AI như một dịch vụ. Vì vậy, các doanh nghiệp hoặc bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng khai thác các khả năng và tùy chỉnh AI cho mục đích riêng”.

Ông chia sẻ một ví dụ: “Nếu bạn là một công ty du lịch nhỏ, bạn có thể kết nối ChatGPT để cung cấp phản hồi cho các câu hỏi trên khắp thế giới, chẳng hạn như đề xuất các chuyến tham quan được cá nhân hóa cho khách hàng. Nếu do con người thực hiện, việc này có thể tốn thời gian và chi phí. ChatGPT có thể thay thế và giảm số nhân lực cần thiết trong quá trình này. Cuối cùng, khi khách hàng tiềm năng cảm thấy hài lòng, con người có thể tham gia vào quá trình để đặt vé máy bay, các tour du lịch và khách sạn”.

Giáo sư Kok-Leong Ong cũng chỉ ra một số thách thức có thể xảy ra khi sử dụng AI. Cụ thể, các doanh nghiệp vẫn cần đầu tư và hiểu rõ khả năng của công nghệ. Vấn đề khó khăn nhất nằm ở khâu tích hợp chính sách kinh doanh và yêu cầu pháp lý từ chính quyền địa phương vào AI như một phần của quy trình kinh doanh của doanh nghiệp.

“Vì đang sử dụng một dịch vụ khác, các công ty cũng phải đối phó với những trở ngại thông thường, chẳng hạn như thỏa thuận cấp độ dịch vụ, bảo trì và cập nhật. Do đó, việc sử dụng những công cụ như ChatGPT không phải là khoản đầu tư một lần mà phải liên tục duy trì giống như bất kỳ hệ thống số nào”, ông cho biết.

Tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh với AI tạo sinh

Tại Việt Nam, kỳ vọng từ người tiêu dùng và người dùng cuối ngày càng tăng. Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, khi người Việt Nam đi du lịch nhiều hơn, họ sẽ mong đợi được thấy mức độ hiệu quả tương đương với những gì mà họ đã trải nghiệm ở các quốc gia khác. Do đó, doanh nghiệp cần phải tận dụng AI vào một thời điểm thích hợp.

Các tham luận viên trao đổi về cách doanh nghiệp hưởng lợi từ những tiến bộ AI mới nhất.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng câu hỏi về thời điểm, mức độ, cách làm... xoay quanh AI sẽ khác nhau tuỳ từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thể phát triển chiến lược dựa trên những nắm bắt về AI sẽ có khả năng là người chiến thắng trong lĩnh vực của họ, sau khi đã xem xét các rủi ro và phát triển các kế hoạch quản lý rủi ro.

Giáo sư Kok-Leong Ong khẳng định: “Nhìn từ quá khứ, những công ty nắm bắt và tìm cách tận dụng công nghệ mới thường rất thành công và được hưởng lợi từ đối thủ vốn không chịu thay đổi”.

Theo ông, AI không chỉ mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp mà còn thúc đẩy năng suất thông qua tăng hiệu quả và tăng trải nghiệm trên quy mô lớn.

Điều này ngày càng trở nên quan trọng khi người Việt Nam dần cải thiện chất lượng cuộc sống từ sự tăng trưởng của nền kinh tế. Người tiêu dùng Việt Nam mong muốn được hưởng trải nghiệm thông minh và được cá nhân hóa nhiều hơn trong quá trình tương tác với doanh nghiệp trên môi trường số.