Hà Linh và Hoa Linh – Màn livestream “chấn động” Đông Nam Á dưới góc nhìn social listening

Đêm 4/4, buổi livestream của Võ Hà Linh đạt kỷ lục với 5 phút cán mốc hơn 303 nghìn lượt xem. Tại buổi livestream, Hà Linh bán các sản phẩm thuộc 5 thương hiệu: Nguyên Xuân, BNBG, Laneige, Tsubaki, Hella Beauty.

* Bài viết đưa các thông tin từ các dữ liệu thu thập được trên các nền tảng mạng xã hội liên quan đến từ khoá của sự việc, nhằm cung cấp thêm góc nhìn khác từ các số liệu thực tế.

Ngày 5/4, hơn 210 nghìn thảo luận được ghi nhận xung quanh việc Hà Linh “bán phá giá”, cụ thể là dầu gội Nguyên Xuân đỏ, xanh được bán với giá lần lượt là 18 nghìn và 11 nghìn đồng. Hàng loạt bài viết, bình luận và phân tích từ các micro influencers, chuyên gia truyền thông đều bày tỏ sự bất bình khi giá trong livestream quá rẻ so với giá được bán tại cửa hàng đại lý, gây “channel conflict”.

Sự thật hay “là hành động quay xe”?

Sự việc ghi nhận tương tác khủng với hơn 90 triệu tương tác và hơn 80 triệu lượt xem, lần lượt trên các nền tảng chủ yếu là TikTok, Facebook và các trang đưa tin.

Giá bán trên livestream của Hà Linh được cô và Hoa Linh thống nhất là chương trình “khuyến mãi nhằm tăng nhận diện thương hiệu” cho sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân.

Theo dõi toàn bộ livestream, người xem và mua hàng sẽ hiểu rằng đây là chương trình săn sale điển hình, mua combo (tuýp kem đánh răng + dầu xả) được deal dầu gội 18 nghìn và 11 nghìn đồng với số lượng có hạn. Tương tự như các chương trình “Giá trải nghiệm sản phẩm” trên sàn thương mại điện tử, người dùng theo dõi lịch săn voucher khuyến mãi “khủng” từ 50-80% giá của của sản phẩm hoặc “deal 1K”. Nhưng sự việc vẫn ghi nhận tỉ lệ tiêu cực đạt 18,2%.

Vậy phải chăng đây chỉ là “sự cố vạ miệng”, đưa thông tin chưa rõ ràng như Hà Linh đã giải thích và xin lỗi người xem, đại lý, nhà phân phối của Hoa Linh cuối buổi livestream?

“Ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu?”, “Hoa Linh bị tẩy chay?”

Đây là tất cả các “tít” của những bài báo, bài phân tích từ các chuyên gia/ chuyên trang về Marketing. Kèm theo đó, làn sóng tẩy chay thương hiệu chiếm 9,7% chủ yếu đến từ các groups của nhà phân phối, nhà thuốc.

Tuy nhiên, vẫn có:

  • Hơn 19,2% ủng hộ Hà Linh: Có thể đây là cộng đồng người hâm mộ đông đảo mà cô đã gầy dựng cho mình trong khoảng 4 năm.
  • Hơn 4,2% nói về sản phẩm: Con số này đến từ khách hàng của Hoa Linh lên tiếng “khẳng định chất lượng sản phẩm tốt”, góp phần tạo hiệu ứng lan truyền tích cực về thương hiệu đến với các khách hàng tiềm năng.

Nguyên Xuân là sản phẩm dầu gội dược liệu được nhiều người đánh giá có chất lượng tốt, nhưng rất ít được biết đến, và chủ yếu được phân phối trong các hiệu thuốc. Nhưng sau vụ việc, sản phẩm được nhắc tên ở khắp mọi nơi. Đây chính là mục tiêu thương hiệu cần bên cạnh doanh số bán ra của sản phẩm.

Vậy Nguyên Xuân liệu có đạt được “sự nhận diện thương hiệu” ngoài mong đợi? Và liệu các kênh phân phối có tiếp tục tẩy chay một thương hiệu đã nhận lỗi và sửa sai?

Tại sao sự việc này lại “hot” đến vậy?

Vì sao livestream của Hà Linh và sự việc theo sau lại thu hút hơn 90 triệu tương tác, cùng nhiều sự quan tâm từ cộng đồng?

  • Nổi tiếng là “Chiến thần review sự thật”, các thương hiệu “bị review” sẽ khá e dè vì “có thể nổi tiếng hoặc nhận về rất nhiều gạch đá” chỉ với một clip của Hà Linh.
  • Cô vừa nhận một loạt các giải thưởng cùng danh hiệu có thể nâng tầm tên tuổi không lâu trước buổi livestream như “KOL có sức ảnh hưởng nhất”, “Chiến thần doanh số”, “Chuyên gia review mỹ phẩm làm đẹp”. Do vậy, sức nóng của sự việc càng được đẩy lên cao trào với các “bài tiên đoán” về một “thương hiệu sẽ biến mất” do sự cố của Hà Linh.
  • Doanh số bán ra “phá kỉ lục” trên nền tảng TikTok Shop và các slogan rất tự tin “Hà Linh đến kho, không lo rổ giá”, “dọn sạch kho”, “chưa từng có”...

Với sức ảnh hưởng về doanh số đã được chứng minh qua đợt livestream 15/3 – “dọn sạch hàng” của 3 nhà máy – cùng với sự nổi tiếng vốn có, thì cô hiển nhiên trở thành tâm điểm của dư luận trong sự cố lần này, và trở thành case-study phân tích của các chuyên gia, lẫn các influencers trên khắp các nền tảng.

Nguồn: Zing News

Đúc kết được gì từ sự việc Hà Linh và Hoa Linh cho các nhãn hàng khác?

1. Về phía thương hiệu

Livestream trên các nền tảng mạng xã hội đã và đang dần trở thành một hình thức (kênh) bán hàng chiếm ưu thế. Đây là một trong những hình thức social commerce được cho là “vượt mặt” thương mại điện tử. Để tránh các hiểu lầm không đáng có, đối với các đối tác đại lý và nhà phân phối, thương hiệu có thể chủ động đưa ra thông báo rõ ràng về mục tiêu, thời gian và hình thức cũng như các chương trình khuyến mãi diễn ra trên livestream. Song song, để tạo hiệu ứng lan truyền tổng thể, thương hiệu có thể đệm thêm chương trình khuyến mãi đi kèm cho các đại lý/ nhà phân phối sau chương trình livestream để chính đại lý/ nhà phân phối tiếp tục quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh doanh thu về lâu dài cho nhãn hàng.

Thương hiệu cần thống nhất nội dung với các KOLs, thông báo rõ chương trình trên các kênh truyền thông của nhãn hàng. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng cần nắm bắt nhanh tình hình thảo luận mạng xã hội về mình, kết hợp xem xét các kênh đang tạo ra thảo luận tiêu cực/ nội dung tiêu cực nhằm thiết lập các kịch bản ứng phó nhanh các phản hồi từ cộng đồng và truyền thông đại chúng.

2. Về phía KOLs/ influencers

Case-study của Hà Linh cho thấy để một livestream bán hàng đạt kỷ lục về hiệu ứng lan truyền và doanh số, KOLs/ influencer cần có một lộ trình xây dựng giá trị bản thân bền vững, trau dồi kiến thức và trải nghiệm đủ sâu trong một lĩnh vực nhất định, kết hợp làm việc dựa trên kế hoạch và chiến lược. Hà Linh từ lâu đã là một YouTuber review mỹ phẩm có hơn 1,9 triệu người theo dõi. Và với tính cách thẳng thắn, cô có một lượng người ủng hộ hùng hậu nhưng cũng không ít anti-fan.

Mỗi KOLs/ influencers cần chú ý hơn về phát ngôn của bản thân, nhất là khi hợp tác cùng các nhãn hàng vì KOLs/ influencers là người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, là sự đại diện cho một thương hiệu cũng như được cả cộng đồng lẫn thương hiệu đặt niềm tin.

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần giống trò chơi “Tam sao Thất bản”. Vì vậy, việc chủ động nắm bắt và lắng nghe nguồn gốc thông tin sẽ giúp thương hiệu chủ động phản hồi xử lý nhiều tình huống thảo luận tiêu cực và tích cực. Người đọc sau khi nắm rõ thông tin cũng sẽ có những góc nhìn khách quan hơn về vụ việc.