Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

3 cách giúp doanh nghiệp kinh doanh thời trang hiệu quả

Khi thị trường kinh doanh thời trang ngày càng đậm tính cạnh tranh cao, một doanh nghiệp chỉ tạo ra sản phẩm thời thượng là chưa đủ. Làm sao để định vị trong tâm trí khách hàng giữa hàng ngàn tên tuổi khác? Đó là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp cũng như nhà thiết kế không ngừng nỗ lực đi tìm lời giải.

Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả.

Tận dụng nguồn lực truyền thông

Khác với các nhà thiết kế trên thế giới, chỉ tập trung vào chuyên môn hóa trong lĩnh vực thiết kế, công việc marketing sẽ được các công ty bán lẻ, hoặc agency quản lý chịu trách nhiệm, các nhà thiết kế, doanh nghiệp thời trang Việt còn tham gia vào việc vận hành việc kinh doanh cùng các chiến lược quảng bá. Chính vì vậy, lợi thế của nhà thiết kế Việt hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, những cách tiếp cận khách hàng và chăm sóc tương tác với họ.

Kênh Tik Tok của nhà Dear Jose với lượt follow đáng kể

Nếu như trước đây, đa số nhà thiết kế, nhà mốt chỉ tập trung vào 2 kênh chủ lực là facebook và instagram; được cho là kênh tiếp cận khách hàng nhanh và hiệu quả, hiện nay, các thương hiệu đã mở rộng thêm nhiều kênh truyền thông quảng bá. Bên cạnh việc đầu tư vào trang website thương mại điện tử chuyên nghiệp, hỗ trợ khách hàng mua sắm online nhanh chóng, nhiều công ty còn biết tận dụng tối đa lợi thế tiếp cận khách hàng Gen Z bằng hàng loạt video ngắn trên Tiktok. Bởi Gen Z là thế hệ người dùng nhanh, họ có phong cách thời trang và cá tính riêng, không bị trùng lặp với thế hệ trước. Ví dụ điển hình về những kênh Tiktok hàng chục nghìn Follow của những thương hiệu cao cấp như: Eva de Eva, Neva Fashion, Dear Jose…

Ca sỹ Hồ Ngọc Hà đại sứ thương hiệu Neva

Bên cạnh đó, các nhãn hiệu mới nổi cũng có thể “lọt vào mắt xanh” của đông đảo khách hàng thông qua cách quảng cáo thông minh, đó là tận dụng mối quan hệ của người hâm mộ với người nổi tiếng mà họ yêu thích. Với các câu chuyện thương hiệu được sáng tạo thú vị, KOLs phù hợp, chắc chắn thương hiệu Việt có thể thu hút sự chú ý của khách hàng.

Đầu tư vào chất liệu bền vững

Khi thế giới ngày càng đề cao chất liệu bền vững, mỗi doanh nghiệp phải đảm bảo mục tiêu phát triển bắt kịp xu thế của ngành thời trang. Trên thế giới, nhiều hội thảo đã tiến hành và báo cáo cách các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất thời trang giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan về lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội. Mục tiêu của các chương trình này nhằm giúp thúc đẩy và tạo ra sản xuất thời trang bền vững, để giảm thiểu tác động đến ngành thời trang trong những năm tới.

Tại Việt Nam, xu hướng thời trang bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến những thương hiệu thời trang Local Brands đang tiên phong theo đuổi một loạt các sáng kiến ​​áp dụng hàng dệt may tái chế, bông tái tạo, da làm từ nấm, vải từ nhựa tái chế, cây tre hay bã cafe… Tuy nhiên, để tạo ra sự thay đổi bền vững hoàn toàn cho các vật liệu trong ngành thời trang, vẫn đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp thời trang cùng tham gia đầu tư lâu dài hơn và các cam kết sâu hơn, để mở rộng quy mô.

NTK Adrian Anh Tuấn sử dụng chất liệu tái chế của Faslink cho BST Hẹn Em

Một tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều thương hiệu, nhà thiết kế Việt chú trọng đến việc đưa chất liệu tự nhiên vào trong thiết kế. Từ sàn diễn thời trang quốc tế đến tuần lễ thời trang Việt Nam, show thời trang cá nhân…ngày càng nhiều nhà thiết kế đề cao thời trang bền vững. Có thể kể đến những doanh nghiệp cung ứng chất liệu tự nhiên uy tín cho các nhà mốt và nhà thiết kế tại Việt Nam như: Cotton USA (Bông Mỹ), Faslink, Text Hong…Tất cả cho thấy chất liệu xanh bền vững đang từng bước thống trị ngành thời trang Việt Nam.

Đổi mới chiến lược kinh doanh

Trải qua 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp thời trang đã đóng cửa bớt cửa hàng trưng bày trong đại dịch và số còn lại hiện đang vật lộn với suy thoái kinh tế tiềm ẩn. Trong khi giá thuê mặt bằng thương mại và chi phí kinh doanh tăng cao, thì người tiêu dùng ngày lại cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu. Do đó, các công ty thời trang đã cố gắng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi để thúc đẩy việc bán hàng như: đặc quyền như giao hàng trong ngày và trả lại hàng miễn phí, ưu đãi cho khách hàng thân thiết,..

Bên cạnh đó, các thương hiệu có thể giảm tải chi phí mặt bằng kinh doanh bằng cách dịch chuyển showroom đến những khu vực có giá thuê hợp lý hơn nhưng vẫn đảm bảo độ nhộn nhịp. Hoặc chọn thuê không gian ở tầng 2,3 trung tâm sẽ không đắt đỏ như mặt bằng tầng 1. Một biện pháp hiệu quả khác mà thương hiệu nước ngoài áp dụng là sự kết hợp đầy sáng tạo giữa không gian quán cafe cùng trưng bày thời trang. Với cách làm này, nhà mốt có thể giữ chân khách hàng lâu hơn và tự nhiên hơn, khách hàng thoải mái, không có tâm lý ngại khi bắt buộc đến hãng để mua sản phẩm, mà nhãn hàng cũng có thêm nguồn kinh phí từ việc kinh doanh.

Mô hình kinh doanh thời trang và cafe của Maison Kitsuné Paris

Đối với nhà thiết kế, local brand, việc quảng bá cho những bộ sưu tập mới đến với khách hàng đang được đầu tư nhiều hơn. Nếu trước đây, đa số nhà thiết kế đưa bộ sưu tập đến các tuần lễ thời trang để tiếp cận khách hàng, thì hiện nay tổ chức show thời trang cá nhân được ưa chuộng hơn. Bởi mỗi show diễn là sự khẳng định tuyên ngôn thời trang, màu sắc riêng của nhà thiết kế, của nhà mốt và bộ sưu tập. Đặc biệt, những show diễn cá nhân còn giúp gắn kết mối quan hệ thân thiết với khách hàng trung thành của hãng.

Kinh doanh thời trang luôn là một bài toán khó và cần quá trình xây dựng thương hiệu lâu dài. Chắc chắn với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đủ khiến các brands thời trang phải không ngừng đổi mới cách tiếp cận khách hàng. Hy vọng với 3 gợi ý trên, sẽ giúp các nhà kinh doanh thời trang có những ý tưởng độc đáo.

Nguồn: Như Hạnh - MOT Magazine