Sáng tạo ý tưởng, ranh giới mong manh giữa “học hỏi”, “tham khảo” và “sao chép”

Những câu chuyện liên quan đến ý tưởng vốn xưa như trái đất, và có vẻ như đây là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà chưa có hồi kết. Và ranh giới giữa“học hỏi”; ‘tham khảo’ và ‘sao chép’ mong manh tựa như là sự khác biệt giữa một thiên tài và một kẻ đạo văn.

Có một sự thật rằng, ở bất cứ ngành nghề nào có liên quan tới sự sáng tạo, ta đều cần đến “học hỏi”, “tham khảo”, từ thiết kế, hội họa, âm nhạc, văn học,... Bởi vốn dĩ, chúng ta luôn cần đến sự học để cùng phát triển, sự đọc để tiếp cận đến các nghiên cứu, tư tưởng,… của người khác. Đó là tiền đề cho sự phát triển văn minh, sáng tạo đột phá.

Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ kỹ năng để hô biến những thứ học hỏi thành của cá nhân mình, mang cái tôi của mình vào. Ta phải rất rõ ràng trong việc nhận đâu là phần vay mượn và đâu là đóng góp của mình.

Trăm nghề, trăm câu chuyện, trăm bài học - một vấn đề

Khoảng cách từ việc “học hỏi” đến “sao chép” là vô cùng mong manh, hơn hết những vụ việc không chỉ xảy ra ở những thương hiệu nhỏ lấy từ thương hiệu lớn, mà ngay cả thương hiệu lớn cũng sẵn sàng biến tấu trở thành sản phẩm của mình.

Thời trang với câu chuyện “sao chép” hay “lấy cảm hứng”

Vào năm 2020, thương hiệu Balenciaga vướng nghi án lấy ý tưởng thiết kế của du học sinh người Việt. Cụ thể, du học sinh Trà My theo học tại Berlin, Đức đã thể hiện sự phẫn nộ khi thấy tác phẩm tốt nghiệp Thạc sĩ từ năm 2019 được thay đổi và xuất hiện trên Instagram của Balenciaga. Trà My cho biết ý tưởng làm đồ án được lấy cảm hứng từ những người phụ nữ Việt lái trong bộ quần áo chống nắng với biệt danh "Street Ninja". Khi để hai bức ảnh lên bàn cân, người xem có thể thấy nhiều điểm tương đồng về ý tưởng, background. Và khi đăng tải, Balenciaga không ghi chú về nguồn cảm hứng hay câu chuyện nào đằng sau tác phẩm của mình.

Hình ảnh của Balenciaga (bên phải) có nhiều điểm giống tác phẩm của Trà My thực hiện năm 2019. Ảnh: @balenciaga, @tra.my1.

Ngỡ ngàng khi ý tưởng của mình xuất hiện trên MXH của thương hiệu lớn

Vào năm 2021 Hứa Như Xuân - một nghệ sĩ Việt Nam học tại Paris, Pháp từ nhỏ và hiện đang sống, làm việc ở London, Anh đăng tải trên Instagram tố tài khoản Gucci Beauty đã sử dụng ý tưởng của cô.

Xuân Như không ngần ngại "tag" hẳn Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele và @guccibeauty vào bài đăng, với vài dòng chú thích: "Lao động vất vả được trả công bằng việc các thương hiệu ăn cắp tác phẩm của bạn mà không biết xấu hổ".

Xuân Như không ngần ngại "tag" hẳn Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele và @guccibeauty vào bài đăng

Theo những gì được đăng tải trước đó, hình ảnh ý tưởng của Như Xuân được thực hiện vào 2016. Đây cũng là hình ảnh được sử dụng làm ảnh bìa album Love Me/Love Me Not của nhóm nhạc HONNE. Mà tận đến cuối năm 2020, bộ ảnh tương tự của Gucci mới được đăng tải làm hình ảnh quảng cáo cho dòng kem nền mới của hãng.

Ý tưởng của Xuân Như làm bìa album Love Me/Love Me Not của nhóm nhạc HONNE

Hình ảnh của Gucci Beauty đăng tải

Khi đứng trên bàn cân, cư dân mạng toàn thế giới không khỏi ngỡ ngàng trước độ ý tưởng sao mà trùng hợp đến thế. Không những vậy nhiều người còn để lại bình luận khi Gucci quá "phèn" khi lộ rõ dấu vết photoshop.

Sửng sốt Cầu Vàng Việt phiên bản Trung Quốc

Cư dân mạng Việt Nam có một phen “sửng sốt” trước loạt hình ảnh ở cây cầu Thái Hồng Tiên Thủ thuộc khu du lịch Cổ Khê Tinh Hà thuộc huyện Vưu Khê, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến. Hình ảnh cây cầu xuất hiện mà ngỡ đâu đây là Cầu Vàng nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện tại Trung Quốc. Bởi vì từ các đường cong đến hình ảnh đôi bàn tay Phật khổng lồ cũng giống hệt ý tưởng từ Cầu Vàng nổi tiếng tại Đà Nẵng

Cầu vàng của Việt Nam được khánh thành năm 2018, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách

Loạt công trình đình đám ở Trung Quốc từng bị tố “đạo nhái” ý tưởng trắng trợn, có nơi cố “làm lố” hơn bản gốc nhưng vẫn bị chê tơi tả - Ảnh 2.

Hình ảnh cây cầu từng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì độ giống hệt với cây cầu biểu tượng tại Đà Nẵng công trình kiến trúc nổi tiếng được truyền thông quốc tế nhiều lần ca ngợi

Đa số mọi người đều để lại bình luận "cà khịa" cây cầu bản sao kia rằng đã "copy" ý tưởng nhưng làm chưa tới và trông có phần xấu hơn phiên bản gốc của Việt Nam. Dù đã copy ý tưởng và cố gắng thay đổi trong lối thiết kế, tuy nhiên cây cầu vẫn vấp phải nhiều lời chê bai là... làm chưa tới như Cầu Vàng của Việt Nam.

Đừng bình thường hoá việc “sao chép” ý tưởng

Từ những ồn ào sao chép, đạo nhái thời gian qua, đã đến lúc cần một cái nhìn rõ ràng hơn, minh bạch hơn về những sản phẩm đạo nhái, sao chép mà không có sự xin phép của tác giả.

Đặc biệt trong một thế giới phẳng như hiện nay, không thể phủ nhận, sự có mặt của các trang web như Facebook, Instagram, Google và Pinterest đã khiến cuộc sống và việc sáng tạo thoải mái và dễ dàng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, Steven Heller là một giám đốc nghệ thuật, nhà báo, nhà phê bình, tác giả và biên tập viên người Mỹ cho rằng sự bắt chước là không thể tránh khỏi. "Nếu có cái gì đó tốt, nó sẽ bị đạo nhái. Hãy nhìn vào Coke và Pepsi. Hãy nhìn vào những phiên bản nhái lại Starbucks."

Ở Việt Nam, một lĩnh vực mới là thiết kế đồ nội thất cho thấy tiềm năng về mảnh đất màu sắc của sự sáng tạo. Nên đôi khi việc “học hỏi”, “sao chép”, lấy cảm hứng là không có ranh rới. Song làm sao để các thiết kế đó, khi khách hàng nhìn vào, họ thấy được cái tôi, cái câu chuyện của tác giả. Câu chuyện về sự sao chép ý tưởng gần đây trong cộng đồng VietBuild đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều.

Một thương hiệu nội thất bức xúc lên tiếng bị khi bị đạo nhái bởi các xưởng, đã vậy còn công khai và thách thức khi chạy quảng cáo

Được biết đây là một thương hiệu thiết kế & sản xuất đồ nội thất của người Việt, do người Việt tự làm chủ, tự thiết kế và sản xuất. Họ bức xúc lên tiếng khi thấy các thiết kế của mình bị đạo nhái nhiều. Có ý kiến cho rằng là “Do khách hàng có nhu cầu như thế nào, xưởng chúng tôi sẽ phục vụ như thế. Chúng tôi chỉ cần có mẫu, và chúng tôi sao chép”. Song ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng cần dành sự tôn trọng tới các NTK. Bởi, chúng ta phải thừa nhận là việc sáng tạo ra một ý tưởng hoàn toàn mới là điều không hề dễ dàng.

Theo những gì được bàn luận, sau khi thiết kế và công khai thiết kế, thương hiệu này đã đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm. Song các thiết kế của thương hiệu thường xuyên bị sao chép công khai và phân phối trên thị trường. Đặc biệt, thương hiệu cũng bị chính thị trường Trung Quốc tỷ dân đạo nhái. Ấy vậy mà, dưới bình luận ngay cả người Việt cũng không tin là chính chất xám của người Việt mình đang bị ăn cắp.

Bài viết được bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến

Với một ý tưởng thiết kế nội thất mới, các NTK đã mất hàng năm để nghiên cứu, sáng tạo. Vì vậy việc nhiều đơn vị xuất hiện và công khai hành vi sao chép, sử dụng giống hệt hoàn toàn một thiết kế, ý tưởng đối với “cha đẻ” của sản phẩm là sự thể hiện không tôn trọng và coi thường chất xám. Chính việc sao chép ý tưởng dẫn đến hiện tượng suy yếu chất xám trên diện rộng, làm chùn bước rất nhiều tài năng.

Kinh doanh không khó nếu có một hướng đi rõ ràng và có cái tâm trong việc làm ra sản phẩm/dịch vụ. Lấy cảm hứng từ bên đối thủ hoặc thương hiệu khác không phải xấu. Nhưng việc đem toàn bộ ý tưởng vào trong sản phẩm và tự nhận là của mình, hay dùng nó để thương mại là một điều sai trái. Mong rằng trong tương lai ngành sáng tạo nói chung sẽ có một sự phát triển vượt bậc. Vào lúc đó những câu chuyên đạo nhái, ăn cắp ý tưởng sẽ không còn tồn tại nữa.

Bài viết được tham khảo hình ảnh & ý tưởng từ các nguồn thông tin: Báo Zingnew, Baomoi, Instagram, Cộng đồng VietBuild,...