Doanh nghiệp và hiệp hội đồng loạt kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất “đưa đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vì nhiều yếu tố chưa phù hợp.

Ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính gửi văn bản lấy ý kiến về việc xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất đối với rượu, bia. Lý do là vì những thức uống này có khả năng gây bệnh thừa cân, béo phì và việc đánh thuế là để điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

Theo VnExpress, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế TTĐB với nước ngọt. Năm 2014, đề xuất này đã được đưa ra với mức thuế cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận.

Sau đó, vào ngày 15/3, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo tại Đà Nẵng để đóng góp ý kiến về dự án sửa đổi. Theo đó, các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội có mặt tại hội thảo đã bày tỏ nhiều quan ngại đối với đề xuất này.

Hội thảo “Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.
Nguồn: Báo Đầu tư

Đại diện Tiểu ban Nước giải khát cho rằng chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ làm giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường.

“Nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt”, đại diện Tiểu ban Nước giải khát phát biểu. Chưa kể, chính sách này có khả năng gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì...

Theo Tạp chí Nhà Đầu tư, cho đến nay, các quốc gia đã áp dụng chính sách thuế tương tự như Thái Lan, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan... vẫn có tỷ lệ thừa cân béo phì tăng cao. Điển hình là Đan Mạch – một trong số quốc gia đánh thuế cho đồ uống có đường từ năm 1930 – nhưng tới 2014 đã phải bãi bỏ vì không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Các doanh nghiệp tham dự hội thảo đồng loạt đề nghị chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB lúc này.
Nguồn: Báo Chính phủ

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng, dẫn số liệu cho thấy bệnh thừa cân béo phì xuất phát từ việc mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Theo bà, sự mất cân bằng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như ít vận động; sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường trên đường phố...

“Chất béo trong đồ ăn gây thừa cân béo phì nhiều hơn nước ngọt. Đồng thời, không có mối liên quan trực tiếp giữa đồ uống có đường với bệnh thừa cân béo phì”, bà Lâm nói.

Trong khi đó, ông Chris Vanloon – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Đà Nẵng – lại bày tỏ quan ngại về việc không có định nghĩa cụ thể cho “đồ uống có đường”. Điều này khiến đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra có thể đánh thuế sang các sản phẩm dinh dưỡng khác cũng chứa đường như sữa, sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ, hay nước uống điện giải bổ sung đề kháng...

Việc thiếu định nghĩa chính thức về “đồ uống có đường” có thể khiến việc đánh thuế TTĐB ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng khác.
Nguồn: Báo Pháp luật

Ngoài ý định đánh thuế với đồ uống có đường, văn bản của Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế TTĐB với bia, rượu. Hiện mức thuế với bia là 65%, rượu 35-65% (tuỳ độ cồn dưới hay trên 20 độ). Bộ cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng rượu, bia đang tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR), cho rằng việc tăng thuế TTĐB trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay sẽ đẩy giá sản phẩm tăng cao, khiến người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp tiếp tục chịu thêm gánh nặng về mặt chi phí. Theo ông, các chính sách thuế giai đoạn này nên được duy trì để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng trong nước.

Với những băn khoăn trên, các doanh nghiệp tham dự hội thảo đồng loạt đề nghị chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB lúc này. Riêng đề xuất tăng thuế TTĐB với bia, rượu nên được hoãn lại, ít nhất là đến năm 2025. Việc này là để cơ quan quản lý có thêm thời gian phân tích, đánh giá toàn diện và xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp hơn, tránh tác động tiêu cực tới người tiêu dùng và doanh nghiệp.

* Nguồn: Tổng hợp