Marketer Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Former Growth Marketing Lead @ PHIBIOUS Group

Lập kế hoạch xây dựng kênh TikTok cho nhà sáng tạo nội dung mới

Trong nội dung bài viết dưới đây, tôi muốn chia sẻ đến bạn các nội dung cơ bản trong bản kế hoạch, giúp các nhà sáng tạo mới xây dựng kênh TikTok có định hướng đúng khi bắt đầu.

Chọn định hướng nội dung (concept) và lĩnh vực (category) cho kênh TikTok

Bản kế hoạch xây dựng kênh TikTok thông thường sẽ gồm những yếu tố chính là đối tượng mục tiêu, kênh đối thủ, concept, category, hashtag, talent, công thức.

1. Đối tượng mục tiêu

Trước hết, bạn cần chọn đối tượng mục tiêu cho kênh (channel). Ví dụ như kênh Lớp Toán Cô Hạnh mà tôi đang xây dựng, đối tượng mục tiêu là các em học sinh tuổi từ 13 đến 18 đang sinh sống tại Việt Nam.

Bạn cần xác định nhóm đối tượng mục tiêu thường xem những hashtag nào, và theo dõi những channel nào. Việc này sẽ cần bạn và đội ngũ nghiên cứu kỹ lưỡng về nhóm đối tượng của mình bằng cách dành nhiều thời gian lướt TikTok, tham khảo các profile user đặc trưng, hoặc phỏng vấn một số người dùng tương ứng…

Ví dụ trong trường hợp của Lớp Toán Cô Hạnh, nhóm đối tượng mục tiêu thường xem các hashtag như: #lophocvuinhon, #truongnguoita, #learnontiktok, #toanhoc, #backtoschool, #thihocky... Có thể thấy, hashtag #learnontiktok và #toanhoc là phù hợp với định hướng của kênh Lớp Toán Cô Hạnh nhất. Trong đó, #learnontiktok là hashtag chung thể hiện category giáo dục, còn #toanhoc là hashtag thể hiện chi tiết môn học hơn.

2. Kênh đối thủ

Sau đó là nghiên cứu các kênh đối thủ. Cụ thể là theo dõi những nội dung họ triển khai, hashtag họ sử dụng, lượt xem họ đạt được trên các nhóm nội dung... Dựa vào đấy, bạn có thể phân tích và rút ra bài học cho kênh của mình, từ đó tránh làm những nội dung kênh đối thủ đã làm nhưng không thành công, hoặc bạn có thể lên ý tưởng làm nội dung hay hơn…

Bạn cũng nên lưu ý ngoài việc theo dõi video của đối thủ, hãy chú ý lịch livestream và tăng trưởng sau livestream. Vì đôi khi nguồn tăng trưởng view, like và follower của họ đến từ livestream là chính chứ không phải các video được đăng tải gần đây.

3. Concept

Dựa vào những đúc kết từ bước nghiên cứu đối tượng mục tiêu và kênh đối thủ, bạn chọn ra concept cho kênh (Informational – cung cấp thông tin, Vlog, Step by Step – hướng dẫn cách làm, và Trend – nắm bắt xu hướng…). Và bạn đừng quên đính kèm những phân tích, đánh giá để sếp và đồng đội có thể hiểu lý do đằng sau đề xuất của bạn.

4. Category và Hashtag

Đối với category, bạn cần chọn ra 1 hashtag của category, và hashtag này sẽ được đề cập trong tất cả các video trên kênh của bạn. Lưu ý, bạn nên chọn hashtag điển hình cho từng category và có khoảng vài trăm tỷ view. Bạn hãy dành thời gian lướt TikTok để khám phá các hashtag phù hợp.

Như vậy, bạn có thể chọn tối thiểu 3 hashtag theo cấp độ từ bao quát đến chi tiết, và tránh dùng các hashtag có tên đối thủ của bạn như sau:

  • Hashtag thứ nhất là hashtag điển hình cho category. Ví dụ: #learnontiktok
  • Hashtag thứ hai là hashtag chi tiết hơn về lĩnh vực bạn lựa chọn. Ví dụ: #toanhoc
  • Hashtag thứ ba là hashtag riêng của kênh bạn. Ví dụ: #loptoancohanh

5. Talent

Chưa dừng lại ở đấy, bạn sẽ tiếp tục chuyển sang bước tuyển chọn một người hoặc một nhóm talent sẽ xuất hiện trong các video của kênh. Trước hết, bạn cần xác định được chân dung của talent như vẻ ngoài của họ khi lên video (kiểu tóc, trang điểm, quần áo…), phong cách nói chuyện, giọng nói, tốc độ nói…

Tôi gợi ý bạn có thể tiến hành quay mẫu khoảng 5 video với kịch bản dựa theo 1 video đã thành công bất kỳ. Mục tiêu là đánh giá mức độ phù hợp của talent với định hướng của kênh. Còn trong trường hợp bạn chính là talent, bạn có thể tự quay bản thân và xem xét những điểm cần cải thiện.

6. Công thức làm video

Tiếp theo, đến phần công thức video, hãy chọn ra một số công thức phù hợp cho kênh của bạn. Tương tự với concept và category, bạn hãy kèm theo phần giải thích từng công thức và lý do bạn chọn công thức đó cho sếp và đồng nghiệp. Ở đây, tôi tổng hợp 6 công thức làm video phổ biến trên TikTok mà nhiều creator đã áp dụng và thành công, đó là:

  • Đưa ra tình huống rất kịch tính
  • Đưa ra vấn đề và cách giải quyết cho vấn đề đó
  • Đưa ra các tính năng, ứng dụng độc đáo của một đồ vật, sản phẩm
  • Hướng dẫn, biểu diễn, làm thử demo
  • Ghi lại các khoảnh khắc đặc biệt
  • Tỏ ra hết sức dễ thương

Sau khi hoàn thành những đầu mục trên, bạn hãy tìm một video mẫu, hoặc tự làm một video mẫu thể hiện đúng những lựa chọn để sếp và đồng đội có thể dễ hình dung và đánh giá.

Phân chia các phase và mục tiêu tương ứng

Thông thường, có 3 giai đoạn thiết lập và xây dựng kênh TikTok là thử nghiệm (Test), thương mại hoá (Commercial), và kết nối (Connect).

Ví dụ trong giai đoạn đầu tiên, tôi đặt KPI sẽ là 10 nghìn người theo dõi. Lúc này, để tiết kiệm nguồn lực và làm video nhanh hơn, tôi chọn cách làm các video chỉ có giọng đọc, với kịch bản dựa trên các bài viết trên blog của mình. Trong giai đoạn này, tôi chỉ đặt mục tiêu đơn giản là thử nghiệm và rút kinh nghiệm.

Đến giai đoạn thứ 2, mục tiêu của tôi sẽ là đa dạng hóa nội dung và thử nghiệm các dạng nội dung thương mại hoá. Giả sử KPI trong giai đoạn này là 50 nghìn người theo dõi. Theo đó, tôi sẽ sản xuất các video chuyên nghiệp hơn; tôi cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong video, đồng thời lồng ghép sản phẩm vào một số video phù hợp. Cuối cùng là thử nghiệm livestream với những kịch bản đơn giản.

Giai đoạn cuối cùng, KPI sẽ là tìm kiếm nhà tài trợ cho kênh. Mục tiêu của giai đoạn này là liên kết các sản phẩm của mình lại với nhau và kiếm tiền từ kênh. Tôi sẽ sản xuất các phiên livestream chuyên nghiệp, đưa vào các sản phẩm của nhà tài trợ, và tích hợp TikTok Shop. Từ đó tạo nền tảng để kêu gọi thêm tài trợ và tìm kiếm thêm hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ TikTok.

Launching

Để chuẩn bị cho việc launching một cách hiệu quả, bạn cần liệt kê các đầu việc cần hoàn thành và những nguồn lực cần có (phân công nhân sự, phân bổ thời gian…). Bạn có thể lên một danh sách đơn giản như hình minh hoạ dưới đây, hoặc thiết kế một content calendar chi tiết, sử dụng sơ đồ Gantt…

Tôi hy vọng với bản kế hoạch tổng quát như trên, bạn có thể giúp sếp, đội ngũ và chính mình hình dung đầy đủ về những việc bạn sẽ làm sắp tới để xây dựng kênh TikTok. Chúc các bạn tạo được nhiều video chất lượng, và phát triển bền vững trên TikTok. Hẹn gặp bạn tại khoá học “TikTok Strategies & Growth Tips: Chiến lược tăng trưởng kênh TikTok” trên Brand Camp.