Mô phỏng sản phẩm 3D hay chụp ảnh sản phẩm?!

Người mua sắm trực tuyến ngày nay tràn ngập trong vô vàn lựa chọn, muốn giữ chân họ và vượt lên so với đối thủ cạnh tranh, hình ảnh sản phẩm hấp dẫn và chất lượng thôi là chưa đủ, mà nó còn cần phải tạo ra sự tương tác của người dùng. Vậy giữa chụp ảnh và mô phỏng sản phẩm 3D đâu là lựa chọn tối ưu cho website của bạn? Cùng Rubyk tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Một thế hệ người mua sắm mới

Sự phát triển của thương mại điện tử đang làm thay đổi cách chúng ta mua sắm. Thay vì đến trực tiếp cửa hàng, mọi người mua sắm ngay trên điện thoại hoặc laptop của họ. Khi hành trình khách hàng chuyển dần sang trực tuyến, chất lượng trải nghiệm mà khách hàng nhận được sẽ tác động đến quyết định liệu họ có mua hàng hay không.

Mặc dù các cửa hàng thật đang phải đối mặt với nhiều bất lợi hơn so với cửa hàng trực tuyến, nhưng có một yếu tố khiến những cửa hàng thật này luôn giành chiến thắng trước các cửa hàng trực tuyến, đó là sản phẩm thật, trải nghiệm thật!

Hình ảnh là công cụ marketing mạnh mẽ tác động trực tiếp đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bộ não con người xử lý hình ảnh nhanh gấp 60.000 lần so với văn bản và 90% thông tin truyền đến não là hình ảnh.

Người mua sắm hiện nay, đặc biệt là gen Z - thế hệ tiêu dùng chính của thế giới - những người sinh ra và lớn lên cùng với công nghệ, ngày càng kỳ vọng cao đối với nội dung hình ảnh và video trên trang bán hàng trực tuyến. Việc thiếu những nội dung này là yếu tố phá vỡ sự thỏa mãn của người tiêu dùng.

Tạo trải nghiệm tương tác là giải pháp tối ưu nhất để chinh phục nhóm người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đại

Theo một cuộc khảo sát của Adobe, khoảng một phần ba người tiêu dùng sẽ tìm đến trang web của thương hiệu để nghiên cứu sản phẩm trước khi mua, và những người mua sắm này mong đợi được thấy nhiều nội dung phong phú.

Một cuộc khảo sát từ nền tảng quản lý trải nghiệm sản phẩm Salsify cũng cho thấy, những người mua sắm online mong đợi được xem tối thiểu sáu hình ảnh và tối đa ba video khi xem một sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Có thể thấy, hình ảnh có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp:

  • 32% marketer cho biết hình ảnh trực quan là định dạng nội dung quan trọng nhất đối với doanh nghiệp của họ (Hubspot)
  • Hơn 67% người tiêu dùng được phỏng vấn nói rằng chất lượng của hình ảnh sản phẩm ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ (Jeff Bullas)
  • 91% người được hỏi thích nội dung trực quan hơn nội dung bằng văn bản (Forbes)
  • Hình ảnh làm tăng ham muốn đọc nội dung lên 80% (Venngage)

Tuy nhiên, hình ảnh đẹp và chất lượng thôi là chưa đủ, mà nó cần phải tạo ra được tương tác với người dùng, khuyến khích họ trải nghiệm nó, khám phá nó. Hơn nữa để có được hình ảnh hấp dẫn, chất lượng cao là cả một quá trình tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Hiện nay, để sản xuất hình ảnh, doanh nghiệp có thể lựa chọn cách: chụp ảnh hoặc mô phỏng sản phẩm 3D. Vậy đâu là lựa chọn phù hợp nhất với doanh nghiệp?

Ảnh chụp sản phẩm có đáp ứng được nhu cầu tương tác của người dùng?

Chụp ảnh là một trong những cách thức phổ biến và quen thuộc nhất để sản xuất hình ảnh sản phẩm. Sản phẩm cần chụp sẽ được đặt trong một không gian được setup đầy đủ background, bối cảnh, ánh sáng, phụ kiện... với nhiều góc độ, sau đó những hình ảnh này sẽ được chỉnh sửa hậu kỳ để tạo ra hình ảnh cuối cùng. Những hình ảnh này sau khi được tải lên website có thể mang đến cho người xem cái nhìn khái quát nhất về sản phẩm.

Tuy nhiên, những hình ảnh tĩnh này không tạo ra được trải nghiệm người dùng tương tác (xoay, zoom cận chi tiết, thay đổi màu sắc...) - một yếu tố cần để đáp ứng nhu cầu muốn tương tác của khách hàng. Ngoài ra, nếu sau này có nhu cầu thay đổi chi tiết về sản phẩm, chẳng hạn như màu sắc, chất liệu… thì bạn sẽ cần setup lịch quay chụp thêm một lần nữa. Điều này có thể làm tiêu tốn thêm nhiều chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Mô phỏng sản phẩm 3D mang lại trải nghiệm tương tác trên website như thế nào?

Với khả năng tạo ra hình ảnh sống động như thật, mô phỏng sản phẩm 3D cho phép khách hàng nhìn thấy sản phẩm từ mọi góc độ, tương tác cơ bản với sản phẩm ngay trên website như xoay sản phẩm, zoom từng chi tiết, chất liệu... giúp khách hàng hiểu rõ hơn về kích thước, tỷ lệ và chi tiết sản phẩm.

Hơn nữa, với mô phỏng sản phẩm 3D, bạn có thể dễ dàng tùy biến một số chi tiết trên sản phẩm: màu sắc, chất liệu, ánh sáng… giúp tiết kiệm thời gian, công sức so với việc phải chụp lại sản phẩm đó với màu sắc khác, chất liệu khác.

Máy đánh trứng được Rubyk dựng hoàn toàn bằng công nghệ mô phỏng 3D, với cách này bạn có thể dễ dàng tùy biến màu sắc sản phẩm, thay đổi background...

Bằng cách cung cấp cho người xem cái nhìn tổng quan về sản phẩm, mô phỏng 3D cho phép họ tương tác, trải nghiệm sản phẩm ngay trên website, từ đó tạo cho khách hàng niềm tin về sản phẩm. Điều này vừa giúp tăng tỷ lệ mua hàng, đồng thời giảm tỷ lệ trả lại sản phẩm. Theo một nghiên cứu, 27% người tiêu dùng trả lại hàng vì sản phẩm không giống như mô tả.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa mô phỏng 3D và công nghệ AR đã và đang trở thành giải pháp hữu hiệu nhất cho thương hiệu trong hành trình chinh phục khách hàng hiện đại. Cặp bài trùng này giúp tăng mức độ tương tác của người dùng và làm cho trải nghiệm mua sắm trực tuyến trở nên tương tác và thật hơn. Nghiên cứu của Shopify cho thấy tỷ lệ chuyển đổi của sản phẩm có nội dung 3D và AR cao hơn 94% so với sản phẩm không có các tính năng này.

Thực tế, đã có rất nhiều thương hiệu gặt hái được trái ngọt khi ứng dụng công nghệ này. Thương hiệu thời trang và phụ kiện dành cho phụ nữ nổi tiếng toàn cầu Rebecca Minkoff bắt đầu sử dụng hình ảnh 3D và các tính năng AR kể từ cuối năm 2019. Thông qua đó, thương hiệu cho phép khách hàng trải nghiệm sản phẩm trông như thế nào trong đời thực trước khi mua.

Đưa hình ảnh từ website ra ngoài đời thực, bạn không tin? Quét mã QR để thử ngay!

Bằng cách sử dụng tính năng AR và mô hình 3D của Shopify để tiếp thị và bán sản phẩm, Rebecca Minkoff đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng:

  • Khách truy cập website sử dụng 3D có xu hướng thêm sản phẩm vào giỏ hàng nhiều hơn 44% so với những khách truy cập không sử dụng;
  • Tỷ lệ đặt hàng của khách sử dụng tính năng 3D cao hơn 27% ;
  • 65% khách truy cập xem sản phẩm qua tính năng AR có khả năng mua sản phẩm cao hơn.

Chụp ảnh sản phẩm hay mô phỏng 3D: Đâu là lựa chọn phù hợp với website bán hàng của bạn?

Để giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn chụp ảnh sản phẩm hay mô phỏng 3D, dưới đây là một số khía cạnh mà bạn có thể xem xét:

Mô phỏng 3D hay chụp ảnh sản phẩm?!

Chất lượng và tính thực tế

Một trong những mối quan tâm lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi lựa chọn giữa chụp ảnh sản phẩm và hình ảnh 3D là hình ảnh thực tế sẽ trông như thế nào. Ở giai đoạn đầu, khi công nghệ 3D vẫn còn mới, mức độ thật của ảnh chưa cao. Tuy nhiên, ngày nay hầu như người dùng không thể phân biệt được ảnh thật và ảnh được tạo bởi CGI. Bạn có biết, có đến 75% hình ảnh trong danh mục của IKEA là CGI?

Nhờ công nghệ tiên tiến, kết xuất 3D thường đúng màu hơn so với chụp ảnh. Hơn nữa, kết xuất 3D có thể làm những việc mà ảnh chụp thông thường không thể làm được: quay 360 độ, thay đổi chi tiết sản phẩm... Hiện nay, các kết xuất 3D không chỉ mang lại chất lượng hình ảnh sống động như thật mà còn đi kèm với các tính năng hỗ trợ trải nghiệm mua sắm hấp dẫn. Vì vậy, khi nói đến chất lượng và tính thực của sản phẩm - 2 cách này có thể gọi là một chín một mười.

Khả năng tùy biến sản phẩm

Khách hàng khao khát những trải nghiệm được cá nhân hóa, đó là lý do tại sao việc tùy biến sản phẩm lại quan trọng. Kết quả khảo sát do Deloitte thực hiện cho thấy, có tới 71% khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm có khả năng tùy biến.

Nếu bạn muốn giới thiệu sản phẩm với nhiều tùy chọn, thì nên cân nhắc sử dụng hình ảnh 3D, bởi việc thực hiện chụp ảnh với nhiều chi tiết nhỏ khác nhau của cùng một sản phẩm có thể gây tốn kém và mất thời gian. Xét về khía cạnh này chụp ảnh sản phẩm không thể tùy biến sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng như mô phỏng sản phẩm 3D.

Kiểm soát môi trường

Một trong những pain-point của việc chụp ảnh (đặc biệt khi chụp ngoài trời) đó là bạn không thể kiểm soát được điều kiện về thời tiết, ánh sáng. Những điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch và thời gian hoàn thành công việc của bạn. Với hình ảnh 3D, mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều: ánh sáng, phụ kiện, đổ bóng, phản chiếu - mọi thứ đều có thể được điều chỉnh theo cách bạn muốn. Đây là một điểm cộng cho mô phỏng sản phẩm 3D so với chụp ảnh thông thường.

Mức độ tương tác của người dùng

Người mua sắm trực tuyến ngày nay bị bao quanh bởi quá nhiều thông tin, muốn giữ chân và thu hút họ, bạn phải đưa ra những trải nghiệm thực sự hấp dẫn. Khi nói về mức độ tương tác của khách truy cập, hình ảnh 3D chắc chắn giành chiến thắng trước ảnh chụp thông thường.

Có thể là hình ảnh về 1 người, màn hình, điện thoại và văn bản cho biết 'Hô biến WEBSITE ĐƠN ĐIỆU thành CỬA HÀNG TRẢI NGHIỆM NHƯNGOÀI ĐỜI THẬT! 3J8UO S'

Mô phỏng 3D giúp biến khách hàng của bạn từ người xem thụ động thành người tham gia tích cực, do đó, tăng thời gian time-on-site trang web và cuối cùng là tăng doanh số bán hàng. Khách hàng muốn biết chính xác những gì họ đang mua. Cho họ cơ hội xem sản phẩm từ mọi góc độ và thay đổi màu sắc cũng như chất liệu, kích thước... sẽ thúc đẩy họ đến gần hơn với nút “thêm vào giỏ hàng”.

Hậu cần

Những ai đã từng tổ chức chụp ảnh cho một chiến dịch đều biết sự khó khăn để có được hình ảnh hấp dẫn, từ việc vận chuyển thiết bị, setup quay chụp, tìm kiếm địa điểm... Nếu chúng ta đang nói về một buổi chụp hình cho ít sản phẩm, trên phông nền cơ bản hoặc địa điểm gần, thì chụp ảnh có thể là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu bạn muốn giới thiệu nhiều loại sản phẩm, màu sắc, ở nhiều không gian khác nhau thì 3D là lựa chọn tốt hơn nhiều.

Kết

Chụp ảnh và mô phỏng sản phẩm 3D đều có những ưu và nhược điểm riêng, lựa chọn cách nào sẽ phụ thuộc vào mục tiêu, sản phẩm và khả năng tài chính của bạn.

Nguồn: Rubyk Agency