Young Agencies #18: Rare Reversee – Studio Production nhưng không giới hạn mình trong khâu sản xuất hậu kỳ

Rare Reversee là một production studio chuyên về CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Tuy nhiên, studio không đơn thuần chỉ làm CGI mà còn “lấn sân” mảng Creative. Tính đến nay, Rare Reversee thực hiện hơn 50 dự án sáng tạo cho nhiều tổ chức, thương hiệu từ đa dạng lĩnh vực, ngành hàng như Unilever, Samsung, Garena…

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu câu chuyện thành lập của Rare Reversee qua chia sẻ của anh Lê Doãn Đăng Khoa – Founder của production studio này.

Young Agencies là chuyên mục do Brands Vietnam sản xuất nhằm giới thiệu những agency trẻ, triển vọng trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông và quảng cáo của Việt Nam hiện nay.

* Cảm ơn anh đã đến tham gia chia sẻ tại series Young Agencies. Đầu tiên, anh có thể chia sẻ về cơ duyên thành lập Rare Reversee?

Khởi đầu của tôi là một 3D artist trong lĩnh vực game. Sau đó, tôi muốn “đổi vị” và thách thức bản thân trong môi trường mới là truyền thông, quảng cáo. Tôi tìm thấy niềm vui trong môi trường năng động này khi có nhiều cơ hội “va chạm” hơn, giúp cải thiện khả năng giao tiếp cũng như mở rộng vòng tròn mối quan hệ của bản thân.

Sau đó 4 năm, tôi quyết định rẽ hướng sang làm việc tự do và cùng “hội anh em thân thiết” thành lập một nhóm freelance. Trong quãng thời gian này, tôi có cái nhìn rộng mở và rõ ràng hơn về thị trường. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của khách hàng với những sản phẩm 3D chất lượng nhưng nguồn cung lại khan hiếm. Ý nghĩ khởi nghiệp cũng bắt đầu nhen nhóm từ đấy.

Anh Lê Doãn Đăng Khoa – Founder của Rare Reversee.

Tiếp thêm động lực mở công ty của tôi là nguồn khách hàng ổn định của nhóm freelance, cùng mong muốn một “bến đỗ” của các thành viên. Và Rare Reversee chính thức ra đời vào năm 2019 chỉ với 5 thành viên. Sau 4 năm, hiện tại công ty đã phát triển với 30 nhân sự.

* Tại sao đội ngũ lựa chọn tên agency là “Rare Reversee”?

“Rare” nghĩa là hiếm, còn “reverse” là ngược. Khi ghép hai nghĩa lại và nói lái đi, chúng ta có từ “hướng nghiệp”. Đấy là ý nghĩa của tên “Rare Reversee”.

Còn câu chuyện đằng sau đó xuất phát từ trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết kế và ở nhiều môi trường khác nhau. Chúng tôi nhận thấy nhiều hạn chế của ngành nghề mà mình đang làm việc có thể giải quyết thông qua giáo dục, bắt đầu từ tư tưởng đến những kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành. Và việc đi ngược lại bước “hướng nghiệp” đó là cần thiết để làm nền tảng phát triển vững chắc cho người làm nghề và toàn ngành. Theo đó, tên gọi Rare Reversee thể hiện mong muốn tham gia vào lĩnh vực giáo dục trong tương lai, đóng góp những giá trị tích cực cho ngành thiết kế 3D tại Việt Nam.

* Vậy những khó khăn ban đầu mà Rare Reversee gặp phải là gì? Làm cách nào để studio vượt qua chúng, thưa anh?

Vì là công ty mới thành lập nên bàn đến khó khăn thì nhiều vô kể (cười). Nhưng nhìn chung, có 3 khó khăn chính sau. Một là mindset quản lý đội ngũ của tôi chưa vững vàng vào khoảng thời gian đầu. Hai là sự thiếu hụt và thay đổi nhân lực ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng mô hình kinh doanh và đội ngũ nhân sự hoàn chỉnh. Ba là mở rộng tệp khách hàng.

Tôi đặc biệt chú ý đến việc tìm kiếm và mở rộng tệp khách hàng. Cái khó đặt ra cho các agency trẻ như Rare Reversee là chứng minh năng lực để thuyết phục khách hàng chọn mình. Đối với trường hợp của Rare Reversee, tôi cố gắng xây dựng thương hiệu cá nhân (Personal Branding) bằng cách đăng tải những sản phẩm, chuyện làm nghề của bản thân trên trang cá nhân, hay tích cực chia sẻ về công việc, công ty khi có cơ hội… Điều này phần nào giúp khách hàng nhớ đến tôi và Rare Reversee khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để thu hút khách hàng cho studio. Có như vậy, danh tiếng mới được lan toả và biết đến nhiều hơn.

Quá trình xây dựng mô hình kinh doanh và đội ngũ nhân sự của Rare Reversee dần suôn sẻ hơn nhờ sự đồng hành và mức độ cam kết cao của các thành viên cộm cán.

Nhìn chung để vượt qua những thách thức kể trên, tôi phải cật lực học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng đội nhóm trong thời gian đầu. Học không thôi sẽ không đủ, quá trình xây dựng mô hình kinh doanh và đội ngũ nhân sự dần suôn sẻ hơn là nhờ có sự đồng hành và mức độ cam kết cao của các thành viên cộm cán.

* Thế hiện nay, những dịch vụ mà Rare Reverse đang cung cấp là gì và quy trình làm việc của studio diễn ra như thế nào?

Tên gọi “Rare Reversee” thể hiện mong muốn tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đóng góp những giá trị tích cực cho ngành thiết kế 3D tại Việt Nam.

Hiện tại, Rare Reversee cung cấp 4 dịch vụ chính là Production, Creative, Media và Sound.

Trong số đó, Production là thế mạnh của Rare Reversee. Như đã đề cập, chúng tôi có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực game nên các thành viên đã có thể thực hiện các bước trong quy trình thiết kế với tiêu chuẩn đồ hoạ chất lượng cao. Cộng thêm tư duy sáng tạo trong ngành truyền thông, quảng cáo đã được rèn giũa qua những dự án freelance trước đó, thành phẩm của Rare Reversee có thể vừa đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ vừa mang tính thuyết phục cao về mặt quảng cáo, thương mại.

Có thể nói may mắn của tôi là tập hợp được những Senior Artist và Project Manager có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ. Chúng tôi nhận thấy các mảng có sự liên quan mật thiết với nhau và muốn mở rộng khả năng của Rare Reversee chứ không chỉ giới hạn ở việc thực thi (execute) theo ý tưởng sẵn có.

Theo thời gian, Rare Reversee mở thêm các mảng Creative (concept art, storyboard, visual design), Media (commercials, music video, game cinematics, cartoon series) và Sound (brand jingle, music/ audio, sound effect). Từ đó, chúng tôi có thể đảm nhiệm từ đầu đến cuối quy trình sáng tạo từ lúc nhận brief, lên ý tưởng, lập kế hoạch đến ra thành phẩm. Hệ thống này giúp tối ưu nguồn lực và thời gian triển khai cho khách hàng và chính studio.

Rare Reversee cung cấp 4 dịch vụ chính là Production, Creative, Media và Sound.

Nói chi tiết hơn về quy trình làm việc tại Rarereverse, có thể tóm gọn trong 3 khâu chính là tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ.

Sau khi nhận brief, chúng tôi sẽ nghiên cứu và tìm kiếm một câu chuyện thể hiện được ý tưởng mà khách hàng mong muốn. Câu chuyện ít nhất cần thoả hai yếu tố là “trendy” và sự khác biệt so với những mẫu truyện mà thương hiệu đã triển khai trước đó.

Tiếp đến, để các bên hình dung dễ dàng hơn, chúng tôi hình tượng hoá câu chuyện bằng storyboard và đưa ra concept thiết kế. Hai bước thuộc khâu tiền kỳ này là những yếu tố nền tảng hỗ trợ quá trình ra quyết định ở các giai đoạn sau như phần mềm nên dùng, thứ tự các bước triển khai...

Đến khâu sản xuất (CGI, 3D, tạo hình) và hậu kỳ (kỹ xảo hình ảnh, thiết kế âm thanh và nghệ thuật). Chúng tôi thường gọi 2 giai đoạn này là quá trình “thổi hồn” vào nhân vật và những yếu tố khác thông qua các phần mềm chuyên dụng. Các hiệu ứng đặc biệt, âm thanh được thêm vào khung hình để hoàn thành toàn bộ quy trình. Đây là bước cuối cùng của quy trình sản xuất, đòi hỏi tất cả các bộ phận tham gia phải ngồi lại và xem xét sản phẩm trước khi xuất bản.

Cả quá trình trên có thể kéo dài gần 2 tháng để hoàn thành đối với một video có độ dài 1 phút và từ 2-3 nhân vật.

* Anh có thể chia sẻ vài dự án nổi bật Rare Reversee từng triển khai mà bản thân ấn tượng?

Rare Reversee từng có cơ hội tham gia thực hiện TVC cho thương hiệu nước giặt OMO Matic trong khuôn khổ chiến dịch “Sạch siêu bẩn, sáng chuyện hay”. Có hai thách thức lớn đặt ra cho chúng tôi trong dự án này. Thứ nhất là giải quyết mối quan ngại của đạo diễn về chất lượng CGI. Đây là điều dễ hiểu bởi chất lượng CGI chưa đạt chuẩn là vấn đề nhức nhối trong ngành tại thị trường Việt Nam. Đội ngũ Rare Reversee cũng nỗ lực “làm nhiều hơn nói” và lấy chất lượng sản phẩm làm minh chứng rõ nhất. Thật may mắn là sau khi trình bày một ý tưởng không “bay” quá xa cũng như đưa ra thành quả của các dự án trước đó đã tạo được sự tin tưởng nhất định cho khách hàng, đạo diễn để họ giao dự án này cho chúng tôi.

TVC “Sạch siêu bẩn, sáng chuyện hay” – một sản phẩm của Rare Reversee.
Nguồn: OMO Việt Nam

Trong khâu sản xuất, chúng tôi gặp thách thức thứ hai là tạo ra hiệu ứng vết bẩn bằng hiệu ứng CGI sao cho chân thật nhất có thể, bởi trước đó đã sử dụng người thật, vải thật trong toàn bộ quá trình shooting.

Mồ hôi, bụi bẩn, đất cát… chồng lên nhau và hình thành vết bẩn trên áo ra sao? Vết bẩn sau khi phai đi trên áo sẽ trông như thế nào? Đội ngũ cần phải tính toán kỹ lưỡng và thử nghiệm liên tục để hiệu ứng vết bẩn giống thật nhất mà vẫn đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra.

Bên cạnh dự án ở thị trường Việt Nam, gần đây, Rare Reversee cũng có cơ hội làm việc với Cơ quan Phát triển Trẻ em (ECDA) – một tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore. Đây là một trong những dự án mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất bởi sự tương đồng với tinh thần hướng nghiệp mà Rare Reversee hướng đến.

Trong bối cảnh ngành giáo dục Singapore đang đối diện với thách thức là hạn chế về nguồn nhân lực trong phân khúc giáo dục mầm non, ECDA mong muốn thực hiện một chiến dịch khích lệ những đối tượng có quan tâm đến lĩnh vực giáo dục cùng nuôi dưỡng thế hệ mầm non của đất nước.

Đội ngũ Rare Reversee tham gia từ khâu lên kịch bản, xác định mood & tone của content video, đến thiết kế nhân vật. Video dài gần một phút, trong đó, đứa trẻ được ví von như một tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm ấy có thành hình và trở nên đẹp đẽ là nhờ công “nhào nặn” của những giáo viên. Video khơi gợi nhiệt huyết đào tạo thế hệ tương lai của đất nước; từ đó dẫn dắt đến CTA là kêu gọi người xem đến dự hội chợ nghề nghiệp do ECDA tổ chức.

Sản phẩm của Rare Reversee khi hợp tác cùng EDCA (Singapore).
Nguồn: ECDA Singapore / YouTube

* Thế văn hoá doanh nghiệp mà Rare Reversee xây dựng là gì?

Chúng tôi chia quá trình phát triển công ty thành 3 giai đoạn chính là 2 năm đầu start-up, 3 năm chuẩn hoá và 5 năm khai thác. Thú thật trong một năm đầu phát triển, chúng tôi không suy nghĩ quá nhiều về việc xây dựng văn hoá công ty. Thời gian đó thật sự chỉ xoay quanh vấn đề “cơm áo gạo tiền” để “nuôi” Rare Reversee qua được cột mốc 1 năm.

Sau đó trong quá trình 1 năm tiếp theo, chúng tôi định hướng văn hoá công ty với 4 giá trị cốt lõi: Minh bạch – Quy trình – Phối hợp – Thích nghi.

Về minh bạch, mọi thứ ở Rare Reversee đều phải rõ ràng từ tài chính công ty, đến những quy định trong nội bộ công ty. Chúng tôi nói vui là “Luật chơi và luật chia”.

Về quy trình, công ty phải đảm bảo đủ các bước: Ý tưởng, lên kế hoạch, thực thi, báo cáo và sửa chữa.

Về phối hợp, các thành viên trong công ty phải giao tiếp và hợp tác, hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc. Chúng tôi có cùng chung mục tiêu là đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu.

Và cuối cùng là thích nghi. Việc hoạt động trong một ngành mà sự thay đổi diễn ra quá nhanh, về cả thị trường, cơ hội, kiến thức chuyên môn… buộc công ty cũng phải thay đổi và đáp ứng nhanh. Thế nên, thích nghi là yếu tố không thể thiếu đối với các nhân lực của công ty.

Rare Reversee định hướng văn hoá công ty với 4 giá trị cốt lõi: Minh bạch – Quy trình – Phối hợp – Thích nghi.

* Sau cùng, định hướng phát triển của Rare Reversee trong tương lai gần là gì, thưa anh?

Tôi xin chia sẻ 3 dự định sắp tới của Rare Reversee.

Trong tương lai gần, đầu tiên, chúng tôi tập trung đào tạo lứa nhân viên mới. Cụ thể, chúng tôi sẽ đào tạo để các bạn nắm vững kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành. Sau đó là tạo cơ hội cho các bạn thực hành qua các dự án outsourcing, không yêu cầu quá nhiều về kĩ năng planning, creative để rèn luyện thái độ, tác phong làm việc kỹ lưỡng. Một khi đã thuần thục, các bạn sẽ được tham gia vào những mảng công việc thuộc thế mạnh của bản thân (production, TVC, quảng cáo, gaming…). Ban lãnh đạo của Rare Reversee cũng đặt mục tiêu là có thể phát triển đa dạng phòng ban để thu hút những nhân sự tài năng trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang trong quá trình mở thêm mảng game của riêng công ty và sẽ chia sẻ thêm cho bạn đọc của Brands Vietnam khi mảng này chính thức được ra mắt.

Bàn đến tương lai xa hơn, như đã nói khi giải nghĩa về tên gọi Rare Reversee, chúng tôi mong muốn tham gia vào lĩnh vực giáo dục để đóng góp những giá trị tích cực cho ngành thiết kế nói chung trong hành trình ươm mầm tài năng trẻ tại thị trường Việt Nam.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam