Cuộc đua chuyển đổi số ngành y tế

Xu hướng mới của nhiều doanh nghiệp trong ngành y tế là thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, rút ngắn thời gian giữa người bệnh và bệnh viện…

Tiềm năng thị trường

Theo e-Conomy SEA, nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam (được đo bằng tổng giá trị thị trường – GMV) ước tính đạt 23 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ) vào năm 2022, trong đó GMV thương mại điện tử là 14 tỷ USD (tăng 26% so với cùng kỳ). Thương mại điện tử tiếp tục thu hút khách hàng sau đại dịch nhờ sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh. Doanh thu trực tuyến tại Thế Giới Di Động (TGDĐ) và FPT Retail tăng lần lượt 52% và 39% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Cần phải lưu ý, TGDĐ và FPT Retail được xem là những cái tên "đáng gờm" trên thị trường bán lẻ nói chung và dược phẩm y tế nó riêng với thương hiệu Nhà thuốc An Khang (thuộc TGDĐ) và Nhà thuốc Long Châu (thuộc FPT Retail). Thị trường này còn xuất hiện một cái tên cần lưu ý là Pharmacity.

Tuy nhiên, việc mở mới của chuỗi nhà thuốc An Khang và Pharmacity đã chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm 2022, do nhu cầu về thực phẩm bổ sung và nhu cầu tự mua thuốc đã giảm bớt. Trong khi đó, Long Châu tiếp tục ráo riết mở các cửa hàng mới, do chuỗi nhà thuốc này tập trung nhiều hơn vào thuốc kê đơn và thuốc điều trị các bệnh mãn tính hơn là thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị các triệu chứng nhẹ.

Nhà thuốc Long Châu được FPT Retail mua lại vào tháng 1/2017. Đến năm 2020, Long Châu đạt doanh thu 1.191 tỷ đồng, tăng trưởng 133% nhưng lợi nhuận vẫn âm do dồn lực đầu tư cho quá trình mở rộng.

Phải đến nửa cuối năm 2021, Long Châu mới bắt đầu có lãi. Đây cũng là thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhu cầu dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng cao.

Báo cáo mới nhất của FPT Retail cho biết Long Châu đạt doanh thu đến hết quý III/2022 của đơn vị này đạt 6.562 tỉ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu online đạt 3.958 tỷ đồng, tăng trưởng 39% và chiếm 18% tổng doanh thu hợp nhất. Đơn vị này cũng mở rộng quy mô với 1.000 nhà thuốc trên toàn quốc trong năm qua.

Còn với Pharmacity, dù đặt mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ USD vào năm 2025 với 5.000 cửa hàng hiện hữu, nhưng thời gian gần đây, hãng dược phẩm này liên tục báo lỗ.

Năm 2019, Pharmacity báo lỗ sau thuế 265,7 tỉ đồng. Trong nửa đầu năm 2020, mức lỗ sau thuế của đơn vị này là 194,2 tỉ đồng. Năm 2021, doanh thu Pharmacity đạt 3.567 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020. Pharmacity tiết lộ bắt đầu có lãi từ tháng 7/2021, theo chỉ số EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao).

Ông lớn trên thị trường thuốc đã "phình to" chỉ trong thời gian ngắn với khoảng 2.000 cửa hàng trên khắp toàn quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thương hiệu này liên tục đóng cửa hàng trăm nhà thuốc hoạt động không hiệu quả để tái cơ cấu và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Theo nhận định của các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu ngành y tế và dược phẩm theo nhiều cách khác nhau. Cùng với đó, khi xã hội ngày càng phát triển, ứng dụng của công nghệ len lỏi vào mọi ngóc ngách và ngành nghề xã hội. Hành vi và thói quen của cộng đồng cũng được thay đổi theo những cải tiến công nghệ. Ngành y tế cũng không đứng ngoài xu hướng.

Trong báo cáo "Nhìn lại ngành bán lẻ năm 2022 và dự báo tăng trưởng năm 2023", SSI Research cho biết, ngành y tế đang chuyển dịch theo hướng hiện đại với các chuỗi dược phẩm thương mại hiện đại đã và đang mở rộng nhanh chóng. Để tăng cường sức khỏe, bệnh nhân có xu hướng mua thực phẩm chức năng chủ yếu được bán qua các nhà thuốc thương mại hiện đại hơn là các nhà thuốc truyền thống.

Theo SSI Research, vấn đề thiếu thuốc cũng là một trong những lý do giúp các hiệu thuốc thương mại hiện đại giành được khách hàng từ các hiệu thuốc truyền thống, vì các hiệu thuốc truyền thống thường không có đủ khả năng thương lượng để đảm bảo đủ hàng tồn kho.

Mặt khác, Bộ Y tế đã đưa ra thời hạn thực hiện kê đơn điện tử, theo đó các nhà thuốc cần trang bị đầy đủ hệ thống để kết nối với hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Điều này khiến các nhà thuốc truyền thống gặp khó khăn trong việc tuân thủ, trong khi các nhà thuốc thương mại hiện đại nhanh chóng thích nghi với các quy định mới.

Trong khi đó, báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá thuê mặt bằng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM liên tục tăng cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều nhà thuốc vật lý liên tục đóng cửa và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Nở rộ ứng dụng chăm sóc sức khoẻ từ xa

Việc áp dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng di động vào lĩnh vực y khoa đã mở ra xu hướng chữa bệnh mới. Theo đó, từ các nền tảng, ứng dụng mua thuốc, khám chữa bệnh trực tuyến được rất nhiều người ưa dùng. Đây là một nền tảng kết nối giữa bên cung và bên cầu.

Kỳ thực, những ứng dụng công nghệ này là giải pháp "rút ngắn" thời gian ở bệnh viện của bệnh nhân và giảm thiểu quá tải bệnh viện. Đối với thị trường dược, rất nhiều những đơn vị phân phối, kể cả những cái tên quen thuộc như Long Châu, Pharmacity, An Khang cũng không nằm ngoài cuộc chơi thương mại điện tử...

Tuy nhiên, trong một ngành đặc thù, những thương hiệu dược phẩm chỉ sử dụng công nghệ để tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng, hỗ trợ kênh bán hàng truyền thống là các cửa hàng hiện hữu. Còn với các ứng dụng công nghệ y tế, tư vấn và đặt lịch khám chữa bệnh là điều mà nhiều ứng dụng như Medigo, Medpro, Hellobacsi, Youmed... đang hướng tới.

Đơn cử như Medigo, ứng dụng của Công ty TNHH Medigo Software này được đông đảo người dùng ưa chuộng nhờ tính năng "bác sĩ nhanh", giúp rút ngắn thời gian ở bệnh viện của người bệnh với sự tư vấn trực tuyến của các bác sĩ ngay trên nền tảng số.

Người sử dụng có thể thực hiện cuộc gọi có hình ảnh (video call) với bác sĩ ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào để thực hiện tư vấn ban đầu. Đặc biệt, những ứng dụng này được đánh là "cứu tinh" của đông đảo bệnh nhân trước tình trạng nhiều bệnh viện quá tải, người dân phải xếp hàng từ sáng sớm lấy số và chờ đợi rất lâu để khám bệnh cũng như nhận kết quả, đặt thuốc theo đơn chẩn đoán của bác sĩ.

"Thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, hầu hết các ngành đã và đang chuyển đổi số vào trong hoạt động kinh doanh, đây được xem là xu hướng thời đại.

Sau đại dịch Covid và sự phát triển mạnh mẽ của ngành dược, đồng thời nhu cầu chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe theo hướng cá nhân hóa nên việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành dược chính là mục tiêu mà các đơn vị, tổ chức hướng đến. Đây chính là giải pháp mà rất nhiều khách hàng mong muốn nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ xa", ông Lê Hữu Hà, Giám đốc Công ty Medigo Software cho biết.

Nguồn: Tạp chí Nhà Đầu Tư