Bookaholic #23: Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng – Bóc tách những “sao chép” hợp lệ trong sáng tạo

“Nghệ thuật ‘đánh cắp’ ý tưởng” – tựa sách có phần kỳ lạ và khiến nhiều bạn đọc hoang mang, vì việc đánh cắp hay đạo nhái vốn là vấn đề nhạy cảm trong giới làm sáng tạo. Nhưng khi “bước” vào từng trang sách, nhiều độc giả sẽ bất ngờ khi nhận thấy “chân tướng” của sáng tạo thật gần gũi: Từ sự thật rằng “không có gì là nguyên bản” cho đến việc “sao chép nhưng vẫn là chính mình”.

Cuốn sách dành cho những ai đang đi tìm nguồn cảm hứng mới mẻ cho công việc và cả những người đang ấp ủ giấc mơ bước chân vào thế giới sáng tạo. Bài viết sẽ tóm tắt một vài quan điểm nổi bật của tác giả Austin Kleon về bản chất của sáng tạo.

“Sao chép” thần tượng để tìm được nét riêng

Theo ông Austin Kleon, nghệ thuật nguyên bản không tồn tại. Ngay cả những danh nhân vĩ đại như Picasso, Dali hay W. B. Yeats cũng từng được truyền cảm hứng bởi những trường phái nghệ thuật khác, hoặc cá nhân cụ thể. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể thản nhiên sao chép tác phẩm của người khác và biến nó thành của mình.

Tác giả Austin Kleon.
Nguồn: BackerKit

Việc “sao chép” tác giả đề cập trong cuốn sách khác hoàn toàn với việc đạo nhái. Vì khi mới bắt đầu, bạn có thể sẽ không biết chính xác bạn muốn gì. Ở giai đoạn này, bắt chước thần tượng lại là một phương án hay.

Vậy nên, hãy tìm một người mà bạn mến mộ trong lĩnh vực bạn đang yêu thích và phấn đấu để được như họ. Bạn cũng không chỉ dừng lại ở việc “làm theo mẫu” từ các tác phẩm của thần tượng mà còn có thể tìm hiểu về lối sống và những nguồn truyền cảm hứng sáng tạo của họ.

Sau thời gian “theo đuổi”, bạn sẽ dần nhận ra nhiều điểm khác biệt giữa bạn và thần tượng của mình. Ở một vài khía cạnh, ta sẽ không thể thực hiện chuẩn xác những gì mà họ đã làm. Chính những điểm không thể sao chép được sẽ có thể là những điểm độc đáo của riêng bạn, đang chờ được khám phá và phát triển.

Diễn viên hài Conan O’Brien đã bắt đầu sự nghiệp của mình theo cách này. Ban đầu, ông muốn trở thành “bản sao” của David Letterman. Nhưng có nhiều điểm ông không thể sao chép “y khuôn” thần tượng của mình. Theo lời O’Brien: “Chính sự thất bại trong việc trở thành hình mẫu lý tưởng cuối cùng lại định hình nên tôi, khiến tôi trở nên độc đáo”.

Trước đó, David Letterman từng muốn trở thành một Johnny Carson thứ hai. Nhưng trước đó nữa, Johnny Carson lại cố gắng để được giống như Jack Benny. Họ bắt đầu bằng cách bắt chước những người đi trước, sau đó tìm ra “điểm yếu” khiến bản thân trở nên khác biệt và xoay chuyển sự nghiệp của họ dựa trên những điểm khác biệt đó. Những khía cạnh mà họ không thể bắt chước các “idol” của mình cuối cùng đã giúp định hình sự nghiệp và con người của họ như hiện tại.

Đừng từ bỏ sở thích và dự án cá nhân

Khi bạn bắt đầu dấn thân vào con đường sáng tạo, sẽ có những khoảng thời gian bạn hoàn toàn bỏ quên mất những sở thích hoặc dự án cá nhân trước đây để dồn toàn lực cho những dự án.

Cuốn sách dành cho những ai đang đi tìm nguồn cảm hứng mới mẻ cho công việc và cả những người đang ấp ủ giấc mơ bước chân vào thế giới sáng tạo.
Nguồn: Alpha Books

Hết mình với từng dự án là điều tốt, nhưng “cô lập” bản thân khỏi những điều khác có thể khiến mức độ vui vẻ và năng suất của bạn dần thụt lùi. Lý do là vì sở thích và các dự án cá nhân sẽ cho bạn một lối thoát khi bí bách với những dự án hiện tại. Nếu bạn chỉ tập trung vào một dự án, bạn sẽ làm gì khi dự án đó bị đình trệ? Lúc này, bạn chỉ còn cách “cố đấm ăn xôi” giải quyết những vấn đề một cách gượng ép. Nhưng càng ép thì sẽ khó có thể ra được những giải pháp hay và những nỗ lực của bạn rất có thể sẽ vô ích. Điều này có khả năng trở thành sự đả kích với tâm hồn sáng tạo của bạn.

Hãy bắt đầu bằng cách bắt chước những người đi trước, sau đó tìm ra “điểm yếu” khiến bản thân trở nên khác biệt và xoay chuyển sự nghiệp dựa trên điểm khác biệt đó.

Sự sáng tạo và cảm hứng thường đến khi bạn để tâm trí “lang thang”. Vì vậy, thật tốt khi có một vài việc để bạn tạm thời quên đi dự án chính. Những việc ngoài lề này có thể tạo ra những khoảng nghỉ cần thiết cho sự đổi mới. Đôi khi dành thời gian làm việc nhà, cho phép bản thân thỉnh thoảng được trì hoãn, bạn cũng sẽ nhận được hiệu ứng tương tự.

Duy trì sở thích cũng rất quan trọng vì nếu từ bỏ chúng, bạn có thể dễ cảm thấy trống rỗng. Làm sao bạn có thể thực sự sáng tạo nếu đôi khi bạn không cho phép bản thân nghỉ ngơi và tận hưởng? Cho dù tận tụy với công việc đến mức nào, dự án sáng tạo đó có thú vị thế nào thì bạn vẫn dễ cảm thấy kiệt sức hoặc trống rỗng khi không có những hoạt động giải trí bên lề để thả lỏng tâm trí.

Nhận định này được tác giả Austin Kleon đúc kết khi ông ngừng chơi guitar để tập trung cho sự nghiệp viết lách. Ông cũng cảm thấy trống rỗng cho đến khi quay lại với sở thích này trong những khoảng nghỉ của bản thân. Kleon nhận thấy bản thân được sống hạnh phúc và trọn vẹn hơn, và chất lượng tác phẩm của ông cũng được cải thiện.

Tạo nên một “cõi” sáng tạo riêng nhưng đừng tự cô lập bản thân

Sáng tạo sẽ cần cảm hứng. Vào thế kỷ XVIII, khi một người có nhu cầu được truyền cảm hứng nghệ thuật, họ phải đi đến những vùng đất xa xôi như Địa Trung Hải để ngắm nhìn những bức điêu khắc, hay các bức bích họa thời Phục Hưng.

Một không gian dành cho các thiết bị điện tử và một không gian để bạn tự do vẽ vời, viết xuống những ý tưởng chợt loé lên trong đầu.
Nguồn: Pexels

Còn giờ đây, người làm sáng tạo chỉ cần chiếc điện thoại hoặc máy tính để làm được điều tương tự. Điều này có nghĩa là các nghệ sĩ có thể dễ dàng làm nên một tác phẩm tại chính căn nhà của họ. Vậy nên, nếu muốn phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình, bạn có thể tự tạo môi trường làm việc khiến bản thân thoải mái bằng cách đặt những tác phẩm, vật dụng truyền cảm hứng cho bạn, chẳng hạn như tác phẩm của các nghệ sĩ yêu thích. Không chỉ nên dừng lại ở những đồ vật truyền cảm hứng, không gian làm việc nên được trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ hỗ trợ tối đa mọi bước trong quy trình sáng tạo.

Nhiều designer có xu hướng sắm những chiếc máy tính hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác để quá trình thiết kế được tối ưu và tiện hơn. Tuy nhiên, máy tính không phải là công cụ duy nhất để bạn có thể thoả sức sáng tạo. Đôi khi, vận động tay chân một chút cũng giúp quá trình sáng tạo trở nên thú vị và truyền cảm hứng hơn. Bên cạnh những bản word, file psd, bạn có thể vẽ phác hoạ, làm mô hình và viết tay những ý tưởng sơ khởi ra giấy. Việc thay đổi cách triển khai những ý tưởng cũng là một biện pháp giúp thổi làn gió mới vào quá trình sáng tạo.

Từ đó, tác giả gợi ý người đọc có thể chia không gian làm việc thành nhiều khu vực: Một không gian dành cho các thiết bị điện tử và một khoảng không gian để bạn có thể tự do vẽ vời, viết xuống những ý tưởng chợt loé lên trong đầu.

Dù công nghệ đã hỗ trợ cho việc làm tại nhà trở nên thuận lợi hơn nhưng người làm sáng tạo cũng nên thỉnh thoảng dịch chuyển ra khỏi cái “kén” sáng tạo của mình. Việc đi đến một thành phố mới, gặp những con người mới sẽ giúp bạn có thêm cảm hứng và những góc nhìn mới mẻ. Chính tác giả Kleon cũng chia sẻ rằng việc rời quê hương Texas để đến Ý và Anh đã mang đến nhiều thay đổi tích cực trong cuộc đời của ông.

Nguồn: Dani Saveker

Trân trọng lời khen và tỉnh táo trước những chỉ trích

Dù Internet là một công cụ tuyệt vời để khơi gợi cảm hứng sáng tạo nhưng vẫn tồn tại những mặt trái. Nếu bạn đưa tác phẩm của mình lên mạng, khả năng cao bạn sẽ phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích. Khi đó, đừng dành quá nhiều thời gian để buồn bã hoặc đáp trả những lời nhận xét tiêu cực, độc hại.

Hoặc nếu không thể nào kìm được sự tức giận, buồn bã, chí ít hãy tìm cách sử dụng cơn giận của bạn một cách tích cực. Sự tức giận thực sự có thể trở thành một nguồn động lực thúc đẩy quá trình sáng tạo. Tác giả Austin Kleon chia sẻ rằng việc đọc những email chê trách chính là động lực giúp ông tiếp tục làm việc và hoàn thiện vào những ngày ông cảm thấy lười biếng.

Làm sao bạn có thể thực sự sáng tạo nếu đôi khi bạn không cho phép bản thân nghỉ ngơi và tận hưởng?

Internet đầy rẫy những kẻ thích buông lời tiêu cực và ác ý, nhưng ở đó, bạn cũng tìm được không ít lời khen mang đến động lực. Hãy trân trọng những lời khen ngợi, và cũng đừng ngại cho đi lời khen. Bạn có thể viết một bài blog về tác phẩm của ai đó mà bạn hâm mộ và dẫn trực tiếp đến trang web của họ. Dành cho nhau những lời nhận xét tích cực, có tính xây dựng cũng là một cách tuyệt vời để thúc đẩy sự sáng tạo.

Hãy tạo một “thư mục khen ngợi” để lưu lại các email, tweet và nhận xét tích cực nhất mà bạn nhận được. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi và cần một “cú hích”, hãy mở thư mục này lên và nhắc nhở bản thân rằng vẫn có nhiều người đánh giá cao những gì bạn đang làm.

Kết

Bên cạnh 4 chia sẻ trên, “Nghệ thuật ‘đánh cắp’ ý tưởng” còn chứa đựng nhiều lời khuyên bổ ích khác của Austin Kleon về quá trình sáng tạo. Những bài học này không chỉ giúp bạn “khai phá” năng lực sáng tạo, mà còn có thể được áp dụng cho nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống như cách cải thiện việc học tập và làm việc hiệu quả, hay các mối quan hệ nói chung…

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam