Marketer Ngo Thai Hoang Tuan
Ngo Thai Hoang Tuan

Mobile Marketing Expert @ VIETGUYS

Vì sao ngành du lịch có tiềm năng phục hồi, bứt phá hàng đầu 2023

Năm 2021, ngành du lịch và dịch vụ lữ hành được đánh giá là hoàn toàn đóng băng trong thời đại Covid-19. Không chỉ riêng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Covid-19 là nỗi khiếp sợ lan rộng khắp địa cầu. “Chịu nhiều vết thương nhất mới đủ sức làm con sói đầu đàn”. Thật vậy, như lời rap của Đen Vâu, bước sang 2023, khi thời đại bình thường mới được thiết lập, ngành du lịch bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực và cho thấy khả năng phục hồi, phát triển bứt phá so với các ngành công nghiệp, dịch vụ khác.

Năm 2022 kết thúc với gần 100 triệu lượt du khách. Trong đó, 91.8 triệu lượt du khách nội địa và hơn 2.1 triệu lượt khách đến từ quốc tế. Mặc dù đây là con số khá khiêm tốn so với nước bạn - Thái Lan, tuy nhiên nó đã vượt qua kỳ vọng 65 triệu lượt khách - mục tiêu đã được đề ra của ngành du lịch Việt Nam 2022.

Đầu 2023, xu hướng du lịch tự túc theo nhóm nhỏ, riêng tư và không tập trung đến những địa điểm đông đúc trở nên thịnh hành, đặc biệt đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, các tour (tua) du lịch tâm linh, thăm viếng địa điểm tôn giáo nổi tiếng, về cội,.. trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình Việt. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, hơn 38% trong số 60.8 triệu lượt du khách được ghi nhận có điểm đến thăm viếng là các khu vực có kiến trúc đền, chùa, điện đài, tâm linh,.. Vì vậy, nữa đầu 2023 được dự báo với con số còn tăng cao 50% đến 70% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa có vai trò rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam. Thực tế, thị trường du lịch nội địa đang trở thành nhân tố chủ lực trong sự phục hồi. Vì thế, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường du lịch nội địa là hướng đi phù hợp, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở để thị trường du lịch trong nước tiếp tục phục hồi và hướng đến sự phát triển mạnh hơn so với thời điểm trước thời đại Covid.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu khiêm tốn với 110 triệu lượt du khách. Trong đó, 102 triệu lượt khách nội địa và 8 triệu lượt khách từ quốc tế. Thật vậy, việc đẩy mạnh du lịch nội địa là định hướng phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, khác với 2022, theo dự báo thị trường du lịch sẽ có nhiều thử thách hơn khi bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, ảnh hưởng đến tâm lý, kế hoạch chi tiêu của đa phần du khách quốc tế, đặc biệt là nhóm du khách đến từ khu vực Châu Âu, Nga.

Trái lại, việc mở cửa quốc tế của Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành du lịch. Thật vậy, kể từ khi đất nước tỷ dân này rơi vào khủng hoảng y tế, họ đóng chặt mọi cánh cửa giao thông, du lịch quốc tế khiến không chỉ Việt Nam mà các quốc gia có ngành kinh tế chủ đạo là dịch vụ du lịch gặp khó khăn.


Ở mặt trận Châu Âu, Ana Nicholls, Giám đốc Phân tích ngành du lịch của EIU nhận định, "Ngành công nghiệp du lịch đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, đặc biệt là khi Trung Quốc dỡ bỏ các chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt".

Kỳ vọng lớn nhất của ngành du lịch thế giới sẽ đặt vào Trung Quốc – nền kinh tế tỷ dân. Thông báo của chính phủ nước này về việc dỡ bỏ biện pháp cách ly người nhập cảnh từ ngày 8/1/2023, đồng nghĩa với việc các doanh nhân và khách du lịch có thể quay trở lại Trung Quốc – quốc gia gần như đã đóng cửa với thế giới bên ngoài kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi 2020.

Với động thái này, những du khách đến từ Trung Quốc – từng đóng góp tới 255 tỷ USD mỗi năm cho ngành du lịch toàn cầu. Dữ liệu từ nền tảng du lịch Ctrip cho thấy, chỉ trong vòng nửa giờ sau khi thông báo nới lỏng chính sách nhập cảnh được đưa ra, số lượt tìm kiếm các địa điểm du lịch nước ngoài phổ biến đã tăng gấp 10 lần. Nền tảng Qunar cũng thông báo đã ghi nhận số lượt tìm kiếm chuyến bay quốc tế tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 15 phút.

Theo Reuters, các điểm nóng du lịch tại châu Á như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc hay Nhật Bản được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phục hồi bùng nổ, nhờ sự quay lại của du khách Trung Quốc – nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất. Trước đại dịch, du khách Trung Quốc đã chiếm khoảng 1/3 tổng số khách nước ngoài tới Nhật Bản, Hàn Quốc và khoảng 1/4 lượng du khách tới Thái Lan.

Skyscanner – công ty nghiên cứu về thị trường du lịch có trụ sở tại Vương quốc Anh cũng dự báo, ngành du lịch toàn cầu đang hướng tới một triển vọng tích cực trong năm 2023. Cuộc khảo sát được hãng thực hiện với 11 nghìn khách du lịch tại 10 quốc gia cho thấy, 45% số người được hỏi cho biết có dự định đi du lịch nhiều hơn.

Skyscanner cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho biết, có tới 41% số du khách tham gia khảo sát của hãng, có dự định chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi trong năm tới. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường độc lập Euromonitor International, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, số tiền mà khách du lịch dự kiến sẽ chi ra trên toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 1.400 tỷ USD trong năm 2023. Theo bà Nadejda Popova, Giám đốc dự án cấp cao của Euromonitor International, hoạt động du lịch quốc tế dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 40%. Lạm phát tăng cao và những bất ổn kinh tế kéo dài có thể phần nào ảnh hưởng đến đà phục hồi của ngành và sở thích của khách du lịch, nhưng sẽ không tạo ra những tác động quá nghiêm trọng.

Thật vậy, những con số và hành động chung tay đẩy lùi dịch bệnh toàn cầu là chìa khóa vàng cho ngành du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Khởi động 2023, ngành du lịch Việt Nam có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, đồng thời nhu cầu du lịch tết, du xuân cũng phản ánh rõ cơ hội, tiềm năng phục hồi, thậm chí bứt tốc so với cùng kỳ năm trước.

***

Hy vọng nội dung mang lại thông tin hữu ích đến mọi người,

Xin chân thành cảm ơn.

ngo thai hoang tuan.