“Nhà bà Nữ” và bài học về 3 hiệu ứng tâm lý khách hàng trong marketing

Khởi chiếu từ mùng 1 Tết, phim “Nhà bà Nữ” tiếp là một sản phẩm mang lại thành công về mặt doanh số cho đạo diễn Trấn Thành. Vậy dưới góc nhìn của những người làm marketing, điều gì đã làm nên thành công của bộ phim? Sau đây, hãy cùng Ngốc đi tìm câu trả lời!

Tóm tắt nội dung phim “Nhà bà Nữ”

“Nhà Bà Nữ” là bộ phim chiếu rạp thứ 2 được Trấn Thành làm đạo diễn và trực tiếp sản xuất, sau thành công của bộ phim chiếu rạp đầu tay mang tên “Bố già”. Cũng như bộ phim trước, Trấn Thành tiếp tục sử dụng thế mạnh về đề tài gia đình với những chất liệu đời thường từ cuộc sống của mình để chấp bút cho tác phẩm này.

Bộ phim xoay quanh gia đình ba thế hệ của bà Ngọc Nữ (do Lê Giang thủ vai), một gia đình làm nghề bán bánh canh cua trong một khu chung cư cũ do ông Liêm (do NSND Việt Anh thủ vai) quản lý. Bà Ngọc Nữ có hai đứa con gái là Ngọc Như (do Khả Như thủ vai) và Ngọc Nhi (do Uyển Ân thủ vai). Ngọc Ngà (do NSND Ngọc Giàu thủ vai), mẹ của bà Ngọc Nữ cũng sống chung với gia đình.

Do mâu thuẫn, chồng bà quyết định ly hôn và rời bỏ gia đình. Bà Ngọc Nữ một mình nuôi lớn hai đứa con và mang theo mối thù đối với những người đàn ông. Khi con gái lớn lấy chồng là Nhuận (do Trấn Thành thủ vai), bà Ngọc Nữ hoàn toàn không hài lòng. Chính vì vậy, bà luôn cố gắng bảo vệ cho đứa con gái út của mình là Ngọc Nhi tránh xa “cánh mày râu” và hy vọng con không bị tổn thương giống như mình.

Dưới góc nhìn của những người làm marketing, điều gì đã làm nên thành công của bộ phim?
Nguồn: Báo Lao Động

3 hiệu ứng tâm lý khách hàng trong marketing dành cho doanh nghiệp

Vậy điều gì đã làm nên thành công của bộ phim “Nhà bà Nữ” trên phương diện marketing? Đó là do e-kip làm phim đã áp dụng 3 hiệu ứng tâm lý khách hàng sau đây:

  • Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (Mere-exposure Effect)
  • Hiệu ứng hào quang (Halo Effect)
  • Hiệu ứng FOMO (Fear of missing out)

Nguồn: Vecteezy

1. Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (Mere-exposure Effect)

Hiệu ứng này đơn giản chỉ ra rằng: “Cảm giác quen thuộc trong tiềm thức là một trong những yếu tố tác động đến quyết định của chúng ta khi lựa chọn một thứ gì đó”.

Giả sử bạn là bạn đang lựa chọn một bộ phim Việt để xem trong dịp Tết này và đang đắn đo suy nghĩ giữa 3 bộ phim: “Chị chị em em 2”, “Siêu lừa gặp siêu lầy” và “Nhà bà Nữ”.

Vì thế, bạn quyết định xem trailer của cả 3 để dễ dàng lựa chọn, và bạn nhận thấy:

  • Phim “Chị chị em em 2” nói về cuộc đời có thật của cô Ba Trà và Tư Nhị, hai mỹ nhân khét tiếng của Sài Gòn xưa. Nghe có vẻ hay và hấp dẫn, nhưng nó mang đến một câu chuyện quá xa vời với thời đại hiện nay, chưa kể đến việc phim nói về cuộc sống của giới thượng lưu vốn không tạo được sự thân thuộc với đa số khán giả Việt.
  • Phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” thì gây ấn tượng cho bạn với sự góp mặt của “cây hài” Mạc Văn Khoa và một diễn viên cũng có cá tính dí dỏm là Anh Tú. Bộ đôi hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho bạn. Tuy nhiên, điểm không thu hút sẽ đến từ kịch bản, khi phim chủ yếu đánh vào phần tạo tiếng cười chứ không có cốt truyện đáng xem.
  • Cuối cùng bạn quyết định xem phim “Nhà bà Nữ” vì sau khi xem trailer, bạn nhận ra rằng ngoài những tình tiết gây hài (không nhiều như Siêu lừa gặp siêu lầy” nhưng vừa đủ để tạo tính giải trí), bộ phim còn khiến cho bạn cảm nhận sự thân thuộc như đang nói về cuộc sống xung quanh mình, thậm chí một số người còn cảm thấy như đây là cuộc sống của chính họ.

Bằng cách sử dụng những chất liệu rất đời, đạo diễn Trấn Thành đã đánh trực tiếp vào những cảm giác quen thuộc trong tiềm thức của khán giả, từ đó ảnh hưởng đến hành động ủng hộ phim.

Nguồn: Tanca

2. Hiệu ứng hào quang (Halo Effect)

Hiệu ứng hào quang xảy ra khi bạn đưa ra những nhận định tổng quan về một người, vật chỉ dựa trên một mặt của vấn đề.

Vẫn là bạn khi lựa chọn phim Tết, sau khi bạn đã xem xong 2 trailer của “Chị chị em em 2” và “Siêu lừa gặp siêu lầy”, bạn vẫn chưa ra quyết định. Lúc này, chưa cần xem trailer của “Nhà bà Nữ”, bẫy tâm lý hiệu ứng hào quang đã đánh gục bạn khi bạn bắt đầu lục lại trong ký ức của mình về những bộ phim tâm lý gia đình mà Trấn Thành từng thực hiện và nhớ đến cái tênBố già”.

Hãy cùng Ngốc điểm qua một số thành công của Bố già”, cả bản web drama lẫn bản điện ảnh:

  • Đầu năm 2020, web drama “Bố già” do Trấn Thành sản xuất đã “gây sốt” cộng đồng mạng khi 5 tập phim liên tục lọt vào top trending YouTube, đạt tổng cộng 165 triệu lượt xem trên kênh Trấn Thành Town.
  • Chỉ sau một tuần chào sân, “Bố già” đạt doanh thu 150 tỷ đồng (theo công bố của nhà phát hành). Con số này nhanh chóng tăng lên thành 400 tỷ đồng sau một tháng công chiếu, trở thành phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại, vượt mặt “Avengers: Endgame” ở phòng vé Việt Nam.

Có thể nói thành công của Bố già là một bước đệm lớn cho sự thành công của bộ phim lần này. Vì vậy, trước khi đến rạp, sự mong chờ của người xem là rất lớn, rằng “Nhà bà Nữ” sẽ có chất lượng bằng hoặc ít nhất là tương đương với phim trước.

Tuy nhiên, hiệu ứng hào quang là con dao hai lưỡi khi sự kỳ vọng vào “Nhà bà Nữ” tăng lên quá lớn. Nếu nội dung của bộ phim dở tệ, không đáng xem, mức độ thất vọng của khán giá sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Nguồn: Freepik

3. Hiệu ứng FOMO (Fear of missing out)

Như Ngốc đã đề cập trong bài viết trước, hiệu ứng FOMO hay có thể nói nôm na là hiệu ứng khiến con người tin rằng người khác luôn vui vẻ, hạnh phúc hơn mình và mình đang bỏ lỡ một thứ gì đó mà họ đã trải qua để được giống như vậy. Nó được sinh ra do trí tưởng tượng của con người, nó khiến bạn đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính chứ không phải nhu cầu thực tế hay mong muốn bản thân.

Trong một buổi Trấn Thành đến rạp để giao lưu cùng các khán giả đầu tiên xem “Nhà bà Nữ”, anh đã có những chia sẻ như sau: “Tôi rất ghét những người làm phim không có cái tâm vào nghề dẫn đến việc họ làm ra những bộ phim hời hợt, không trau chuốt”.

Khi bộ phim vừa công chiếu 1 ngày, e-kip đã đăng tải video hậu trường cùng những chia sẻ của dàn diễn viên về áp lực trong quá trình quay. Cái nhìn thực tế từ clip hậu trường, cộng thêm mức doanh thu trung bình là 30 tỷ đồng mỗi ngày, khán giả có nhiều lý do để tin rằng đây là một bộ phim đáng để theo dõi.

Hơn hết, những người chưa xem phim sẽ có cảm giác đã bỏ lỡ một bộ phim hay và cảm thấy ghen tị với những người ra rạp đầu tiên. Cảm giác này đốc thúc hành động mua vé và ủng hộ phim của họ nhiều hơn.

Cùng với đó, “Nhà bà Nữ” tiếp tục là một tác phẩm đời thường, dung dị, gần gũi và dễ xem. Từ đó, khán giả sẽ truyền tai nhau về bộ phim. Chính điều này sẽ tạo hiệu ứng FOMO mạnh mẽ hơn ở những người chưa xem, khiến họ ra quyết định nhanh chóng hơn.

Theo dõi các bài viết tương tự trên:

Ngốc
* Nguồn: Kiến Thức Dạo