Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Băng cassette “hồi sinh” giữa thời đại quá tải kỹ thuật số

Sau nhiều thập kỷ gần như biến mất khỏi thị trường, băng cassette đột nhiên trở lại mạnh mẽ với nhiều tín hiệu khả quan về doanh số.

Hoài niệm về băng cassette

Băng cassette được hãng Philips tại Hà Lan giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1963. Đối với nhiều thế hệ lớn lên ở thập niên 80-90, chiếc hộp nhựa có khả năng ghi lại bài hát từ radio hoặc các phương tiện khác đã mở ra những cách khám phá và chia sẻ âm nhạc thú vị.

Theo Forbes, vào năm 1989, doanh số cassette trên toàn cầu đạt mức cao nhất với 83 triệu băng được bán ra. Máy nghe nhạc Sony Walkman cũng vì thế mà được xem là sản phẩm thời thượng, mang tính biểu tượng cho văn hoá đại chúng lúc bấy giờ.

Ưu điểm của băng cassette so với các loại hình lưu trữ cùng thời là kích thước nhỏ gọn và giá cả phải chăng. Chính kích thước của băng cassette đã tạo tiền đề cho sự ra đời của máy nghe nhạc di động – một phương tiện giải trí rất phổ biến vào những năm sau đó. Các dòng ô tô giai đoạn này cũng được trang bị máy nghe băng cassette, giúp người đi xe có thêm nhiều lựa chọn ngoài radio.

Năm 1989, doanh số cassette trên toàn cầu đạt mức cao nhất với 83 triệu băng được bán ra.
Nguồn: Sky News

Theo nhận định của How-To Geek, một phần quan trọng khác giúp băng cassette phổ biến rộng rãi trên thị trường là loại băng cassette “trống” và sự ra đời của hình thức tự thu băng (mixtape). Máy ghi băng cassette cho phép người dùng tạo album của riêng mình. Điều này đã đưa khái niệm vi phạm bản quyền vào ngành công nghiệp âm nhạc, và cho đến hiện tại ý tưởng mixtape vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cách công chúng thưởng thức âm nhạc.

Trong nhiều thập kỷ, băng cassette đã cạnh tranh với 8-Track – định dạng băng từ có thể lưu trữ nhiều hơn nhưng vẫn giữ kích thước nhỏ gọn. Tuy nhiên, băng cassette vẫn phổ biến trong một thời gian dài. Mãi cho đến khi đĩa CD phát triển mạnh mẽ và chiếm lĩnh thị trường, ngôi vị của băng cassette mới chính thức bị lật đổ.

Băng cassette “hồi sinh”

Sự phát triển nhanh chóng của nhạc số đã thay đổi cách công chúng tiếp cận với những sản phẩm âm nhạc. Người nghe có thể dễ dàng tìm và lưu trữ những bản nhạc yêu thích qua các ứng dụng trên điện thoại như Apple Music, Spotify, iTunes... Chính sự phát triển chóng mặt của thị trường kỹ thuật số đã khiến công chúng lãng quên những chiếc CD, DVD, đĩa than… và cả băng cassette cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, sau thời gian dài có mức doanh số “chạm đáy”, băng cassette đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt là ở thị trường Anh và Mỹ. Theo Nielsen Music, doanh số bán băng cassette ở Mỹ tăng 35% trong năm 2017 và tăng 23% năm 2018. Điều tượng tự cũng xảy ra ở Vương quốc Anh, khi năm 2019 ghi nhận doanh số bán cassette cao nhất trong thập kỷ, với 75.000 băng được tiêu thụ tính đến cuối năm (theo báo cáo của Wired), tăng so với 50.000 băng được bán vào năm 2018.

Với xu hướng hoài cổ, nhiều nghệ sĩ quốc tế đã bắt đầu phát hành album trên băng cassette.
Nguồn: ​​​​​​Coversofalbums

Với xu hướng hoài cổ, nhiều nghệ sĩ quốc tế đã bắt đầu phát hành album trên băng cassette. Chẳng hạn như album đầu tay của Billie Eilish – “When we all fall asleep, where do we go?” – đã bán được 4.000 bản dạng băng cassette vào năm 2019. Cùng năm đó, ca khúc “Thank U, Next” của Ariana Grande đứng Top đầu về lượng băng cassette bán ra với 540 băng tiêu thụ trong 1 tuần. Hay tại Việt Nam, Hãng Đĩa Thời Đại những năm gần đây cũng liên tục phát hành album dạng cassette cho Hoàng Thùy Linh, Nguyên Hà, Cá Hồi Hoang

Theo số liệu mới nhất của báo cáo “U.S. 2022 Luminate Year-End Music”, vào năm 2022, doanh số bán album băng cassette ở Hoa Kỳ đã tăng 28% đạt 440.000 bản (tăng từ 343.000 bản vào năm 2021).

Nguồn: U.S. 2022 Luminate Year-End Music

Con số 440.000 chỉ chiếm một phần nhỏ (0,44%) trong tổng thị trường album được bán ra năm 2022, và dường như không đáng kể nếu so với 89 triệu băng cassette được tiêu thụ vào năm 1989. Song, đây vẫn được đánh giá là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy băng cassette có thể tiếp cận nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi giữa thời đại quá tải kỹ thuật số. Nhìn về mặt tích cực, mức tăng doanh số của băng cassette là mức tăng trưởng cao nhất trong số các định dạng album.

Giá trị vượt thời gian

Rốt cuộc điều gì đã thúc đẩy sự “hồi sinh” của loại hình lưu trữ cổ điển này?

Bên cạnh xu hướng hoài cổ, một trong những lý do khiến việc ra mắt album dạng cassette trở nên phổ biến trong giới nghệ sĩ, theo How-To Geek, là vì băng cassette có thể chứa toàn bộ bài hát theo thứ tự từ đầu đến cuối. Người nghe không thể dễ dàng bỏ qua một bài hát và băng cassette hiển nhiên không có tính năng “trộn bài”. Đó là cách mà nhiều nghệ sĩ mong muốn người dùng trải nghiệm âm nhạc của họ.

Băng cassette có thể phù hợp với sở thích trải nghiệm âm nhạc của nhiều người.
Nguồn: Saostar

Theo báo Phụ Nữ Online, nhà nghiên cứu Benjamin Duster của Đại học Griffith (Úc) đã viết trong luận án tiến sĩ rằng văn hóa băng cassette từ lâu vẫn tồn tại ở các sân khấu âm nhạc không chính thống (underground) tại Úc, Nhật Bản và Mỹ, ngay cả khi nó được xem là một định dạng lỗi thời.

Ngoài ra, băng cassette cũng mang nhiều lợi điểm về chi phí và thời gian sản xuất. Trong khi thời gian để phát hành đĩa nhựa có thể kéo dài hàng tháng trời, thì cassette hoàn toàn có khả năng sản xuất trong hai tuần với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Băng cassette được sản xuất tại nhà máy của Mulann (Pháp).
Nguồn: AFP

Sự “tái sinh” của băng cassette khiến nhiều người liên tưởng đến sự trở lại của đĩa than (đĩa vinyl) thời gian gần đây. Tuy nhiên, thị trường cassette được dự đoán có thể sẽ không thành công như đĩa than vì cassette không mang các đặc tính để trưng bày như tác phẩm nghệ thuật hay chất lượng âm thanh giảm dần sau mỗi lần phát, chưa kể đến việc băng bị “nhai” và phải quấn lại bằng bút chì.

Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, người tiêu dùng đôi khi lại yêu thích những điều không hoàn hảo này của băng cassette. Đặc biệt là sau giai đoạn giãn cách vì đại dịch COVID-19, với sự gia tăng cảm giác xa rời xã hội và quá tải trước nội dung kỹ thuật số, con người mong muốn tìm về những thứ khiến họ cảm thấy an toàn, gắn bó với những thứ vật chất mang tính hoài niệm quá khứ, trong đó có băng cassette.

Ông Jean-Luc Renou, CEO của Mulann – doanh nghiệp Pháp vừa mở lại dây chuyền sản xuất băng từ và mở rộng hoạt động kinh doanh với băng cassette, bày tỏ: “Âm nhạc kỹ thuật số tất nhiên có thể mang lại hiệu suất và chất lượng vượt trội. Tuy nhiên, âm nhạc analog (như cassette, đĩa CD, đĩa than) lại tạo nên những xúc cảm khác biệt. Và, con người cần cả hai khía cạnh này trong cuộc sống”.

Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp