Marketer Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn

Head of Product Design @ GEEK Up

Tôi muốn phát triển bản thân như tôi muốn

Em làm được nhiều loại công việc khác nhau, và đã nghĩ như vậy thật là tốt cho tới khi thấy đồng nghiệp của mình nhận được đãi ngộ cao hơn vì xuất sắc trong một kỹ năng riêng biệt. Lúc đó em tự hỏi: “Có phải mình đã chọn sai con đường?”.

Đây là tâm sự mình nhận được từ rất lâu trước đây, về việc nên chọn lựa như thế nào trên con đường phát triển bản thân xoay quanh câu hỏi: “Làm thế nào để biết khi nào mình cần tập trung cho một loại kỹ năng, khi nào thì mình cần phát triển thêm các kỹ năng khác?”.

Nhìn chung, phát triển bản thân là quá trình học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực của bản thân, từ đó tạo ra được nhiều giá trị hơn cho mình và xã hội. Vấn đề là quá trình này lại diễn ra dài đằng đẵng với nguồn tài nguyên thời gian, năng lượng hạn chế, cộng thêm nhiều sự xao nhãng khiến chúng ta dễ bị lệch hướng giữa chừng.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn khái niệm dễ nhớ về năng lực, kỹ năng và chiến lược phát triển bản thân mà mình đã áp dụng hơn 10 năm qua để bạn tham khảo.

1. Năng lực là gì?

“Năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và bảo đảm những hoạt động đó có thể đạt được những kết quả cao. Năng lực được tạo ra thông qua 3 thứ: Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ”.

Đây là mô hình ASK được phát triển bởi Benjamin Bloom (1956) khá phổ biến, dùng để đánh giá năng lực của một người, trong đó bao gồm:

  • Attitudes (Thái độ/ Phẩm chất): Là cách suy nghĩ hoặc cảm nhận về điều gì đó, bao gồm cả cách chúng ta giải quyết hoặc đưa ra quyết định theo cảm xúc. Nó ảnh hưởng bởi cảm giác, thang giá trị, cách đánh giá và động lực của chúng ta.
  • Skills (Kỹ năng): Là năng lực thực hiện các công việc, các nhiệm vụ cần sự bắt tay vô làm và thường tạo ra các kết quả có thể đánh giá, đo lường cụ thể trong quá trình làm việc.
  • Knowledge (Kiến thức): Là sự hiểu biết mà mỗi cá nhân có được sau quá trình học tập. Đó là quá trình xử lý thông tin theo nhận thức, bao gồm việc nhớ lại, công nhận, hiểu, áp dụng và đánh giá các khái niệm, thông tin.

Ví dụ mô hình này trong công việc thiết kế:

  • Attitudes: Ham mê học hỏi, thích thú giải quyết vấn đề, chăm chút tỉ mỉ trong công việc...
  • Skills: Kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng vẽ tay, kỹ năng phỏng vấn...
  • Knowledge: Nguyên lý thị giác, Nguyên tắc thiết kế, Tâm lý học hành vi...

2. Điều gì sẽ là cốt lõi?

Nếu không có kiến thức, tìm kiếm và học hỏi.

Nếu không có kỹ năng, thực hành và rèn luyện.

Nhưng nếu không có một thái độ đúng đắn, mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.

Trong cuộc sống, bạn không cần có thái độ tích cực với mọi thứ, nhưng trong công việc và để phát triển sự nghiệp thì bạn buộc phải có một thái độ đúng đắn, bởi vì:

  • Thái độ xác định cách ta tiếp cận mọi vấn đề: Với cái nhìn tích cực, ta có thể đưa ra những chọn lựa lành mạnh khi đối diện với khó khăn.
  • Thái độ xác định cách ta tương tác với người khác: Với lòng trắc ẩn, ta sẽ thể hiện sự tôn trọng, tìm kiếm lời khuyên và biết cách lắng nghe người khác.
  • Thái độ xác định cách ta đi tiếp hay dừng lại: Với tinh thần học hỏi, ta xem thất bại chỉ là cơ hội để có thêm nhiều bài học cho hành trình phía trước.
  • Thái độ xác định cách ta xây dựng niềm tin: Với khao khát hoàn thiện bản thân, ta tin mình làm được hay ít nhất sẽ học được điều gì đó sắp tới.
  • Thái độ xác định cách ta đối diện với khủng hoảng: Với sự kiên cường, ta học cách đẩy giới hạn của bản thân lên thêm một chút nữa, để thấy mình có thể làm được nhiều hơn thế.

Do đó, hãy bắt đầu với thái độ là yếu tố cốt lõi để xây dựng mọi thứ xung quanh nó.

3. Kiến thức hay kỹ năng?

Kiến thức là WHAT

Lúc còn đi học, ta phải học thuộc các quy tắc, công thức trước khi áp dụng chúng vào bài tập. Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại không phù hợp với những công việc phức tạp, nhịp độ nhanh và đặc biệt là ở thời đại mà tính chất công việc mới liên tục xuất hiện cùng với sự thay đổi của công nghệ.

Chính sự thay đổi chóng mặt này cũng sẽ biến các kiến thức dễ trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với ngữ cảnh mới.

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Tôi phải học cái gì và học bao nhiêu là đủ?”.

Kỹ năng là HOW

Có 2 cách để trở nên thành thục một kỹ năng nào đó:

  • Làm nhiều quen tay: Khi có đủ điều kiện và cơ hội được giao phó cho các công việc mới, sau một thời gian bạn tự nhiên có thể hoàn thành nó trơn tru và hiệu quả.
  • Nắm vững kiến thức và áp dụng vào thực tế: Mỗi khi thực hiện xong công việc, dù tốt hay không, bạn cũng sẽ hiểu được rằng với ngữ cảnh cụ thể nào kiến thức đó sẽ hiệu quả, còn khi nào thì không.

Với cách đầu, bạn cần phải may mắn gặp được người đi trước tin vào khả năng tiềm ẩn của bạn để giao việc. Bạn sẽ phải lần mò trong mông lung, thử nhiều cách để thực hiện, và sau này khi đã quen tay, bạn lại khó có thể truyền tải hay hướng dẫn kinh nghiệm của mình cho người khác.

Với cách thứ hai, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thu thập đủ kiến thức ban đầu cần thiết, rồi lại không có nhiều cơ hội để thử nghiệm hết toàn bộ lượng kiến thức này. Nhưng một khi bạn đã thành thục, bạn sẽ có thể nhanh chóng bắt kịp được những thay đổi của thị trường, và hỗ trợ đồng đội tốt hơn khi hợp tác.

Nhưng kỹ năng thì nhiều, kiến thức thì khó nhớ, thời gian thì có hạn mà cuộc sống thì bao nỗi lo toan cần ta sớm kiếm được tiền để xử lý.

4. Xác định chiến lược phù hợp

Sẽ không có chiến lược nào tốt nhất, hay phù hợp nhất với tất cả mọi người. Vì thế, chiến lược sắp chia sẻ là cách mình đã chọn để phát triển bản thân trong 10 năm qua, hy vọng sẽ cung cấp những thông tin để tự bạn tham khảo rồi điều chỉnh cho bản thân mình.

Chiến lược bao gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chọn công việc để tạo đam mê. Xác định đâu là loại công việc cân bằng giữa điều mình thích và điều mình có thể làm tốt.

Giai đoạn 2: Một kỹ năng giá trị, để tập trung chuyên sâu. Ở giai đoạn này hãy trải nghiệm nhiều loại kỹ năng nhất có thể, để xác định đâu là loại kỹ năng mình thích và tạo ra được giá trị trực tiếp trong công việc.

Giá trị trực tiếp nghĩa là khi thực hiện kỹ năng đó, bạn ngay lập tức thu được những giá trị cho mình và tổ chức. Ví dụ: Product Design, kỹ năng UI Design có thể tạo ra được giá trị trực tiếp sau khi hoàn thành công việc, còn kỹ năng giao tiếp có thể chưa cần vì được người khác hỗ trợ.

Lúc này, hãy tập trung vào tìm tòi, thu thập các kiến thức chuyên sâu của loại kỹ năng này, có cách lưu giữ lại và từng bước áp dụng chúng vào công việc hàng ngày.

Kết quả của giai đoạn này là ta phải cực kỳ vững chắc với nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm thực hành kỹ năng đó, để giúp mở rộng thêm các cơ hội nghề nghiệp, cũng như có nhiều lợi ích kinh tế hon.

Giai đoạn 3: Nhiều hơn 2 kỹ năng giá trị, hoặc nhiều kỹ năng tổng quát.

Đây thường sẽ là giai đoạn ta cần đưa ra quyết định: Hoặc là trở thành chuyên gia, hoặc trở thành người có nhiều kỹ năng tổng quát.

  • Lợi của chuyên gia: Sớm có mức lương cao, ít cạnh tranh, có nội dung kiến thức chuyên ngành cụ thể.
  • Nhược của chuyên gia: Công việc có thể lỗi thời, thiếu sự linh hoạt trong nghề nghiệp.
  • Lợi của nhiều kỹ năng tổng quát: Dễ kết nối với nhiều team khác nhau, linh hoạt trong nghề nghiệp, khả năng thích nghi tốt.
  • Nhược của nhiều kỹ năng tổng quát: Kiệt sức, mệt mỏi vì làm nhiều loại công việc khác nhau, ít đãi ngộ trong những công ty đòi hỏi kỹ thuật cao, thiếu sự bảo đảm về công việc.

Ở giai đoạn này bạn có thể xác định lại một lần nữa xem mình đang làm việc vì điều gì để đưa ra lựa chọn cho đúng.

Giai đoạn 4: Phát triển hệ sinh thái kỹ năng.

Sau khi đã đưa ra lựa chọn, ta cần bắt đầu xác định các bộ kỹ năng cần thiết hỗ trợ cho kỹ năng chính, với mức độ đầu tư nguồn lực khác nhau.

Ví dụ: Để trở thành chuyên gia Product Design, ta cần có bộ kỹ năng:

  • Kỹ năng giá trị: UX Design, UI Design
  • Kỹ năng hỗ trợ: Critical thinking, Communication, Task management...
  • Kỹ năng liên kết: UX Research, Front End, Technical…

Với kỹ năng giá trị, ta đào sâu nắm vững kiến thức và liên tục thực hành để củng cố.

Với kỹ năng hỗ trợ, ta không cần biết quá nhiều kiến thức, thực hành tới đâu, bổ sung tới đó.

Với kỹ năng liên kết, ta chỉ cần biết kiến thức cơ bản là được, không cần phải thực hành.

Bạn có thể hỏi: Tôi có thể có nhiều kỹ năng giá trị hơn hay không?”.

Trả lời: Bạn có thể chọn nhiều kỹ năng để làm kỹ năng giá trị cho mình với điều kiện bạn thật sự muốn đi chuyên sâu và dành được nhiều thời gian, năng lượng để thực hiện điều đó. Vì nếu bạn không thể chuyên sâu hết những kỹ năng bạn đã chọn, có thể bạn sẽ trở thành người có nhiều kỹ năng tổng quát thay vì là một chuyên gia.

Bạn có thể hỏi: Nếu chọn là người có nhiều kỹ năng tổng quát, bộ kỹ năng kia có gì khác hay không?”.

Trả lời: Vì không cần phải đi quá sâu các kỹ năng giá trị, bạn có thể nhập nó với kỹ năng hỗ trợ để tạo thành bộ kỹ năng giá trị tổng quát. Nghĩa là khi kết hợp với nhau, chúng cũng có thể tạo nhiều giá trị tương tự khi đi chuyên sâu vào một loại kỹ năng nào đó. Ví dụ, việc kết hợp kỹ năng UI Design tương đối đi kèm với Communication và Presentation tốt cũng sẽ giúp bạn “bán” được những ý tưởng của mình một cách dễ dàng khi thiết kế không cần quá đẹp mắt.

Lúc bấy giờ thời gian, nguồn lực dành cho kiến thức và thực hành của hai kỹ năng Communication, Presentation bắt buộc phải nhiều hơn.

5. Những suy nghĩ cuối cùng

Sự phát triển của mỗi người bị tác động bởi hoàn cảnh, môi trường và điều kiện khác nhau. Chính vì thế, không tồn tại một công thức đúng cho tất cả mọi người. Nhưng nếu có thể khái quát hóa và hiểu đâu là những yếu tố có thể điều chỉnh thì một lúc nào đó bạn sẽ tự mình tìm được con đường phù hợp.

Đây là những ý quan trọng mà bạn nên ghi nhớ sau khi đọc bài viết này:

  • Năng lực được tổng hợp bởi 3 yếu tố: Thái độ, Kiến thức, Kỹ Năng.
  • Thái độ là yếu tố cốt lõi để xây dựng năng lực.
  • Chiến lược để phát triển gồm 4 giai đoạn:
    • Chọn công việc, tạo đam mê
    • Một kỹ năng giá trị, để chuyên sâu
    • Nhiều hơn 2 kỹ năng giá trị, hoặc nhiều kỹ năng tổng quát
  • Phát triển hệ sinh thái kỹ năng.
  • Là chuyên gia hay là người có nhiều kỹ năng tổng quát đều được, chỉ cần đó là những quyết định tự bản thân chọn lựa. Và đừng quên, chẳng bao giờ trễ nếu ta muốn chọn lại một con đường khác.

Mọi vấn đề trong cuộc sống đều là những chiếc đinh, và bạn sẽ tình cờ tìm ra cái búa ở đâu đó. Hy vọng, bài viết này có thể cho bạn một cái búa hữu dụng.

Để xem thêm những bài viết tương tự, mời bạn theo dõi:

* Nguồn: hoang.moe