Marketer event vgo
event vgo

Công Ty TNHH Du Lịch Sự Kiện VGO

Làm ơn ! Đừng tự biến mình trở thành con rối

Bài viết này sẽ không có định dạng tiêu đề, căn lề hay theo bất cứ một quy tắc nào khi viết content, thậm chí tôi cũng sẽ không lên outline trước khi viết bài, tất cả đều đến từ những suy nghĩ của tôi !

Trong những ngày cuối năm tôi thường sẽ dành thời gian để "nhìn lại" những việc mình đã trải qua trong năm vừa rồi, cái nhìn lại đấy đã vô tình đưa tôi đến những khoảnh khắc của thời còn nhỏ. Được vui chơi không lo nghĩ, có những giấc ngủ không phải giật mình trong đêm, không phải nghe tiếng báo thức mỗi sáng sớm và không phải gồng mình ở ngoài xã hội... Tôi tự hỏi "phải chăng lớn lên ai cũng có những ràng buộc từ xã hội?".

Hãy quan tâm hơn đến trẻ em

Những ràng buộc đó không khác gì những sợi dây, buộc vào chân, buộc vào tay, buộc vào lời nói và thậm chí là cả những suy nghĩ của bản thân... nếu thay đổi góc nhìn thì hình như mình không khác gì một con rối đang được những "quy tắc" của xã hội ràng buộc và điều khiển.

Từ khi nào bản thân mỗi người trong xã hội đã hình thành những sợi dây như thế? Tôi tình cờ tìm được đáp án cho câu trả lời này trong một lần đi lễ tại nhà thờ vào cuối tuần. Trong khi mọi người đang tập trung trong buổi lễ, thì những đứa trẻ khoảng chừng 2,3 tuổi vẫn vui đùa một cách tự nhiên, chúng không cảm thấy "ngại ngùng" bất cứ điều gì, chúng chạy từ đầu này đến đầu kia một cách "hồn nhiên", mọi hành động dường như không phải tuân theo bất cứ một quy tắc nào của người lớn. Tuy nhiên, sự vui vẻ của tụi nhỏ không kéo dài được bao lâu, ba mẹ của tụi nhỏ kéo tay chúng lại ghế ngồi cùng những câu nói mang đầy những quy tắc "con phải ngồi ngoan ngoãn trên ghế, con phải tập trung nghe...".

Những đứa bé đã làm theo những cái PHẢI của cha mẹ, ngoan ngoãn làm theo và chúng ta thường gọi đó là những đứa trẻ ngoan ngoãn và biết vâng lời cha mẹ. Nhưng từ ánh mắt của những đứa bé, tôi vẫn nhìn ra được sự nuối tiếc, có một thứ gì đó như đang bị kìm nén lại. Phải chăng chính bạn và tôi, cũng đang giống như những đứa trẻ, cũng "vâng lời" những quy tắc ở ngoài xã hội, để được trở thành những nhân viên "xuất sắc" ?

Làm thế nào để tạo sự khác biệt trong kinh doanh

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ nảy ra trong đầu với ý nghĩ: nếu không vâng lời hay không làm theo quy tắc thì xã hội này trở lên loạn lạc à ? Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này, các quy tắc sẽ giúp chúng ta đi theo khuôn khổ, trở thành những cây tre được uốn nắn từ khi còn nhỏ, nhưng nó cũng đang "nhân bản" ra những con người giống hệt nhau, những con người bị ràng buộc bởi hàng ngàn sợi dây để được định hình theo một từ ngữ mỹ miều là "tiêu chuẩn".

Chúng ta làm theo những quy tắc, nhưng xã hội lại đòi hỏi ta phải có tính sáng tạo, phải tạo ra sự khác biệt cho bản thân. Nếu tôi tóm gọn lại giống như những lần làm các bài toán hình học hồi cấp 2, thì giả thuyết là "Chúng ta phải làm GIỐNG như a,b,c..", từ đó ta phải chứng minh và đưa ra kết luận là " tạo ra sự KHÁC biệt". Đây chẳng khác nào là đi giải một bài toán bị sai đề !

Và ngày nay, thời đại của 4 chấm không, nếu bạn thực sự dành ra 1 tiếng đồng hồ chỉ để suy nghĩ về vấn đề này bạn sẽ tìm ra hàng trăm thậm chí hàng ngàn bài toán bị sai đề khác.

Những vấn đề này đang tồn tại trong xã hội vậy tại sao có rất ít người nhận ra ? Đơn giản vì chúng ta chẳng bao chịu dành ra một "khoảnh khắc" nào chỉ để suy nghĩ về 1 vấn đề hay chỉ làm một việc, chúng ta giống như một chiếc điện thoại làm việc đa nhiệm, đa chức năng cùng một lúc.

Chúng ta luôn có những lo âu về những chuyện đã xảy ra, hay có những dự tính về những kế hoạch trong tương lai. Những suy nghĩ đó cũng đủ khiến chúng ta không có được sự "tập trung" khi làm công việc hiện tại. Bạn đã từng ngồi ăn cơm và bấm điện thoại ? khi ăn xong bạn chẳng nhớ hay có bất cứ ấn tượng nào về hương vị của món ăn đó, cảm giác món ăn mọi chỗ chẳng có gì khác nhau? tại sao lại vậy ư? đơn giản vì bạn đang làm việc theo phong cách "đa nhiệm".

Hơi thở, con số và bước chân

Tôi có một trò chơi nhỏ với bạn, để chứng minh những điều tôi nói là đúng, bạn hãy thử "đi ăn một mình" (điều này làm trái ngược lại với cuốn sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình - Keith Ferrazzi), bạn chỉ mang theo tiền và không cầm theo bất cứ một thứ gì khác, kể cả cầm theo những suy nghĩ nghĩ về công việc. Bạn gọi ra một món ăn mà bạn cảm thấy nhàm chán nhất tại quán ăn này và ngồi ăn, chỉ ngồi ăn và không suy nghĩ về điều gì khác (Một típ nhỏ để giúp bạn giữ được sự tập trung trong suy nghĩ mỗi khi trong đầu bạn có quá nhiều ứng dụng được bật lên, là hãy chuyển sự tập trung sang "hơi thở của mình"), hãy thử làm điều này và bạn sẽ nhận ra được sự một sự khác biệt.

Hãy quay lại comment vào bài viết này để chia sẻ sự khác biệt mà bạn nhận ra nhé ! Ngược lại nếu bạn không nhận ra được bất cứ sự khác biệt nào khi làm theo trò chơi của tôi, hãy quay lại comment tôi sẽ xóa bài viết này.

Bây giờ là gần trưa, những dòng suy nghĩ của tôi cũng đã cạn dần, hẹn gặp lại bạn vào những bài viết tiếp theo !

Nguồn: Nhân viên công ty VGO EVENT