Brand Updates W50+51/2022: Đại học Văn Lang tái định vị thương hiệu, Grab “mở cửa” cho đối thủ vào hệ sinh thái

Cùng điểm qua các tin tức nổi bật trong tuần qua: Trường Đại học Văn Lang công bố định vị thương hiệu mới “Đại học Văn Lang - Đại học Việt Nam chuẩn Quốc tế”; Grab bất ngờ “mở cửa” cho ZaloPay cung cấp dịch vụ thanh toán trên hệ sinh thái của mình… và nhiều sự kiện thú vị khác.

Trường Đại học Văn Lang công bố nhận diện thương hiệu mới

Ngày 22/12, Trường Đại học Văn Lang chính thức công bố công bố định vị thương hiệu mới “Đại học Văn Lang - Đại học Việt Nam chuẩn Quốc tế” với thông điệp “Hồi trống vang, Văn Lang chuyển mình”. Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: “Thực tế cho thấy, sinh viên Việt Nam vẫn đang có tâm lý thiếu tự tin nhất định khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế, so với người lao động tới từ các quốc gia phát triển khác. Theo đó, Đại học Văn Lang chuyển mình để góp phần kiến tạo những thế hệ sinh viên mới - làm như thợ giỏi, nghĩ như triết gia, xóa tan khoảng cách giữa nhân lực Việt Nam và thế giới, mở ra cơ hội phát triển rộng hơn cho các em”.

Những mong muốn trên còn thể hiện rõ nét qua logo mới của trường. Fanpage của trường đăng tải ý nghĩa của logo mới như sau. Tổng thể biểu tượng vẫn là chiếc khiên, hàm ý trường đại học là người gác cánh cổng tri thức, tạo ra môi trường lành mạnh, khuyến khích tri thức cho mỗi sinh viên và cộng đồng nảy nở mạnh mẽ. Nhưng chiếc khiên không còn nhọn cứng mà tròn, trở thành chữ U của University, chữ U của Universe of Knowledge (vũ trụ tri thức), và chữ U của You (Bạn – Sinh viên).

Bên cạnh đó, hình ảnh cuốn sách được làm rõ hơn nhờ tách hẳn ra và đặt lên trên cùng của hình khiên, hàm ý mở rộng chào đón những ai muốn tiếp cận tri thức. Hình ảnh chim lạc vẫn được giữ nguyên ở vị trí chính giữa khiên, nhưng được tinh chỉnh để tạo cảm giác vút bay, thanh thoát hơn.

Nguồn: Van Lang University Fanpage

Đi Grab có thể thanh toán ZaloPay?

Trên ứng dụng Grab, bên cạnh các phương thức thanh toán thẻ ATM, Visa, Mastercard, đã có thêm lựa chọn thanh toán bằng ZaloPay. Động thái này của Grab gây bất ngờ bởi những doanh nghiệp theo đuổi xu hướng siêu ứng dụng (super app) thường phát triển kênh thanh toán nội bộ trong hệ sinh thái.

Quyết định này của Grab diễn ra trong bối cảnh Moca (ví điện tử thuộc hệ sinh thái Grab) đang mất dần thị phần trong thị trường ví điện tử Việt Nam trong khi ZaloPay ghi nhận mức tăng trưởng người dùng đều đặn. Theo Cafebiz, ZaloPay đang tăng trưởng nhanh nhất ở mức 4% hàng tháng, còn Moca đang mất 1,3% người dùng hàng tháng. Trong khi đó, bản thân thị trường ví điện tử nói chung đang tăng trưởng đều đặn 3,1%/tháng.

Nguồn: Cafebiz

Samsung đặt trung tâm R&D lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam

Ngày 23/12, Samsung khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) với mức đầu tư 220 triệu USD tại Hà Nội. Đây cũng là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Roh Tae-moon – Tổng Giám đốc Samsung, cho biết trung tâm sẽ có 2 tầm nhìn gồm: (1) tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi của điện thoại di động như lĩnh vực đa phương tiện và bảo mật; và (2) xây dựng nền tảng cho việc đào tạo nhân tài công nghệ thông tin và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam sẽ có khoảng 3.000 nhân sự, trong đó khoảng 2.000 người Việt Nam. Trung tâm tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, Big Data, các sản phẩm di động như smartphone và tablet. Samsung Research coi mạng 6G, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ camera, phần mềm, chăm sóc sức khỏe và công nghệ truyền hình là các xu hướng công nghệ năm 2022, vì vậy có thể hoạt động của các trung tâm R&D cũng sẽ đi theo các hướng này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong
Nguồn: ZingNews

Chủ sở hữu thương hiệu ChocoPie: Lãi hàng năm vượt xa các đối thủ tại Việt Nam

Orion Food Vina (OFV) – công ty con của Orion Corp tại Việt Nam, đã công bố doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập vào năm 2005. Luỹ kế đến hết 30/10, công ty lãi 924 tỷ đồng, tăng hơn 37,5% so với cùng kỳ năm 2021. Được biết, mức lãi hàng năm của OFV tại thị trường Việt Nam hơn ngàn tỷ. So với mặt bằng hiện nay, mức lãi này được cho là vượt xa mọi đối thủ.

Orion gây dấu ấn tại Việt Nam với thương hiệu ChocoPie và đây cũng là thương hiệu đóng góp phần lớn doanh thu công ty. Cafebiz trích dẫn chia sẻ của đại diện hãng bánh ChocoPie rằng vào năm 2021, người tiêu dùng tại Việt Nam tiêu thụ 575 triệu chiếc bánh ChocoPie. Con số này tương đương doanh thu 2.000 tỷ đồng, chiếm đến 27% tổng doanh thu OFV.

Tập đoàn Orion Corp xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm và đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất bánh kẹo số 1 tại đây. Công ty cho biết đang có kế hoạch mở cơ sở sản xuất mới tại hai nhà máy ở Hà Nội và TP.HCM, đồng thời đang xem xét kế hoạch xây dựng thêm nhà máy.

Nguồn: Orion World

VinFast dừng chương trình ‘thu cũ đổi mới’ ô tô

VinFast công bố dừng chương trình "đổi cũ lấy mới – Smart Solution" từ ngày 12/12. Theo thông tin từ VinFast, việc dừng chương trình này nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường, khi các xe VinFast cũ hiện đã được giao dịch mua bán thuận tiện, dễ dàng với gái cả ổn định trên thị trường bên ngoài nên nhu cầu mua bán xe cũ thông qua chương trình “Đổi cũ lấy mới – Smart Slution” không còn nhiều.

Được biết, chương trình “Đổi cũ lấy mới” của VinFast được ra mắt từ tháng 5/2020, được xem là một “quả bom” dội vào thị trường ô tô khi đó. Bởi vì, hình thức này trước đó gần như hoàn toàn xa lạ với người dùng Việt Nam. Một số hãng xe cũng tiến hành mua lại xe cũ của người dùng để đổi lấy xe mới, nhưng chỉ áp dụng với xe từ chính thương hiệu của mình. Còn với ”Smart Solution”, người dùng khi muốn mua một chiếc ô tô VinFast mới có thể đem xe cũ của mình đến một đơn vị của Vingroup để định giá và bán lại xe, sau đó tiến hành nhận xe VinFast.

Nguồn: VinFast

Amazon ra mắt chức năng mua sắm trong ứng dụng của mình

Amazon mới đây đã công bố ra mắt Inspire, chức năng cho phép người dùng đăng bán các sản phẩm trực tiếp trên Amazon.com, dưới dạng một clip hoặc ảnh theo chiều dọc màn hình di động.

Cách làm này của Amazon được cho là lấy cảm hứng từ trải nghiệm mua sắm trên những ứng dụng như TikTok, Instagram... Từ đó giúp Amazon thu hút sự chú ý của người dùng, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ tuổi – đối tượng chính hiện nay giúp định dạng video ngắn trở nên phổ biến. Amazon kỳ vọng tính năng mới sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trên Amazon.com giữa bối cảnh nhu cầu mua sắm sụt giảm do nền kinh tế suy yếu và lạm phát tăng cao.

Theo Zing News, Inspire ban đầu sẽ được triển khai cho một số khách hàng chọn lọc ở Mỹ từ đầu tháng 12, và dự tính mở rộng trong thời gian tiếp theo.

Nguồn: ZingNews

Thị trường sữa Việt đón thêm tên tuổi mới

Thương hiệu sữa từ Úc có tên “Bubs Australia” gia nhập thị trường Việt Nam, hướng đến cung cấp dòng sản phẩm dinh dưỡng tinh khiết. Theo đó, sản phẩm Bubs được cho là thuần hữu cơ, không biến đổi gen, an toàn và tinh khiết từ các trang trại tại Úc và New Zealand.

Theo bà Kristy Carr – Giám đốc Điều hành kiêm sáng lập Bubs Australia, Việt Nam là một thị trường năng động với nhiều bà mẹ trẻ, hiện đại, luôn tìm kiếm và lựa chọn những sản phẩm tốt nhất cho con. Do đó, sản phẩm sữa lúc này không chỉ đáp ứng được về độ ngon, mà phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Năm đầu tiên tại Việt Nam, Bubs tập trung lắng nghe, thấu hiểu người tiêu dùng Việt để hỗ trợ nguồn dinh dưỡng cần thiết.

Vào Việt Nam, Bubs chọn Con Cưng là đối tác chiến lược phân phối chính hãng. Bà Kristy Carr nói về lý do chọn đối tác là Con Cưng: “Con Cưng là một trong những chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé lớn tại Việt Nam, và Bubs muốn giới thiệu sản phẩm đến các bà mẹ thông qua kênh phân phối lớn này. Không chỉ bán sản phẩm, chúng tôi còn mong muốn khách hàng của mình hiểu rõ về câu chuyện của sữa Bubs Australia, và các nhân viên của Con Cưng sẽ là cầu nối”.

Bà Kristy Carr, Giám đốc Điều hành kiêm sáng lập Bubs Australia chia sẻ tại sự kiện ký kết với Con Cưng
Nguồn: CafeF

Grab Việt Nam có CEO mới

Grab vừa chính thức công bố bổ nhiệm ông Alejandro Osorio giữ vị trí Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam. Ông Osorio sẽ phụ trách tổng thể về tầm nhìn, chiến lược phát triển và vận hành mọi hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam, từ di chuyển, giao nhận đến dịch vụ tài chính.

Grab đánh giá với kinh nghiệm xây dựng chiến lược kinh doanh ở quy mô khu vực và năng lực phát triển các đội ngũ nhân sự bản địa có năng suất làm việc cao, ông Alejandro sẽ là lãnh đạo phù hợp cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Grab tại Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo mới, Grab Việt Nam đặt mục tiêu củng cố vị trí dẫn đầu thị trường trong nước. Công ty cũng đặt kế hoạch tăng cường năng lực công nghệ, dịch vụ để nâng cao hoạt động cho đối tác, người dùng cũng như các quan hệ hợp tác.

Ông Alejandro Osorio
Nguồn: ZingNews

Xiaomi đổi Chủ tịch

Ông Wang Xiang sẽ từ chức Chủ tịch tại Xiaomi vào ngày 30/12. Ông Wang từng là cựu giám đốc của Qualcomm trước khi nhậm chức tại Xiaomi vào năm 2015.

Người kế nhiệm ông Wang Xiang là ông Lu Weibing. Ông Weibing từng giữ chức Phó Chủ tịch Xiaomi kiêm Tổng Giám đốc Redmi (thương hiệu con của tập đoàn). Trong những năm qua, Lu Weibing đã gây dựng quyền lực, sức ảnh hưởng của mình tại Xiaomi, trở thành Chủ tịch khu vực Trung Quốc và Giám đốc mảng hợp tác quốc tế.

Theo Bloomberg, thông báo đổi Chủ tịch là diễn biến mới nhất trong cuộc cải tổ nhân sự tại công ty. Trong một tuyên bố vào ngày 20/12, đại diện của Xiaomi cho biết công ty đã thực hiện hoạt động “tối ưu hóa nhân sự thường niên và quy hoạch hóa tổ chức”. Kế hoạch này sẽ ảnh hưởng tới 10% tổng lực lượng lao động của Xiaomi.

Ông Wang Xiang (trái) và ông Lu Weibing
Nguồn: Vietnam Post English

Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Tổng hợp