Du học Marketing #7: Toàn Mai @ Miami Ad School – Những cơ hội cọ xát liên lục địa

Sau 1 năm học về chuyên ngành Copywriting tại Miami Ad School Europe, Toàn Mai đã có khoảng thời gian rèn giũa và cọ xát trong những “bể” sáng tạo đa sắc đa màu ở các châu lục khác nhau.

Những lần đi theo sếp ra đến trạm tàu để chia sẻ ý tưởng, những buổi họp nghe headphone phiên dịch giữa các đồng nghiệp Nhật hay chuyến bay đến Dubai ngay trong ngày cuối cùng visa Đức hết hạn, đó đều là một trong những trải nghiệm khó quên của Toàn Mai – một mảnh ghép trong bộ đôi tạo nên dự án Love The Work More chấn động ngành quảng cáo.

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho quyết định du học của Toàn?

Có một sự thật hài hước là khi học tại Việt Nam, Toàn cúp học khá nhiều. Mình tự nhận thấy bản thân thích làm hơn là học và sẽ học được một cách hiệu quả, tối ưu qua những trải nghiệm thực tế. Vậy nên những ngày đi học Toàn dành khá nhiều thời gian để tham gia các dự án của tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc tổ chức phi lợi nhuận và chỉ đi học đủ số buổi để không bị cấm thi (cười).

Anh Toàn Mai – Creative đứng sau ý tưởng Love The Work More.

Từ quá trình hoạt động tại các tổ chức trên, mình có cơ duyên tìm hiểu về marketing và sau này là tìm hiểu về quảng cáo – vốn là một khía cạnh với năng lượng khác hẳn so với marketing. Thời gian đó Toàn đảm nhận song song 2 vị trí là Phó Chủ tịch Marketing của AIESEC HCMC và Head of Marketing & Communication tại tổ chức TeamX HCMC cho tuần lễ TEDxNguyenHueStr.

Với khối lượng công việc khá nhiều nên mình quyết định bảo lưu kết quả tại trường và “gap year” 1 năm để dành toàn bộ sức lực cho những hoạt động mà bản thân tin là sẽ giúp mình học được nhiều thứ hay ho.

Sau đó, Toàn quay lại trường học. Toàn không biết nên gọi sự kiện đó là một điềm may hay một vận xui khi khoa Toàn học trước đó không còn nữa (cười). Mình buộc phải chọn khoa Tài chính – Kế toán để tiếp tục việc học. Rõ ràng, với một đứa “chán” học, ghét những con số khô khan (dù Toàn rất nhạy với số liệu) thì chỉ sau vài tháng lăn lộn với nhóm môn đại cương là đủ để xác định đây không phải con đường phù hợp.

Trong thời gian đó, sự yêu thích dành cho quảng cáo vẫn luôn âm ỉ nên Toàn dành thời gian tham gia các buổi workshop của các anh chị có nhiều kinh nghiệm trong ngành, những buổi workshop của anh Huỳnh Vĩnh Sơn là một ví dụ điển hình. Càng nghe anh chị chia sẻ, Toàn càng xác định rõ sự đam mê, quyết tâm của bản thân dành cho marketing và quảng cáo. Đó là thời điểm Toàn quyết định mình cần “quay xe”, tìm về với điều mình thật sự dành nhiều tâm huyết – “đẻ” ý tưởng.

* Những yếu tố nào được đặt lên bàn cân để Toàn lựa chọn theo học ngành Copywriting tại Miami Ad School?

Cơ duyên đưa Toàn đến với Miami Ad School cũng khá là vui. Thời điểm đó Toàn tìm hiểu một vài trường đào tạo chuyên ngành Truyền thông & Quảng cáo và khá ấn tượng với chương trình đào tạo của RMIT. Nhưng khi tìm hiểu thì có hai điều khiến mình cân nhắc là học phí và thời gian đào tạo. Chuyên ngành Truyền thông & Quảng cáo tại RMIT sẽ cần học từ 3-4 năm với học phí cũng thuộc hàng “top”. Thú thật là khi biết mình có thể “phải” đi học 3-4 năm Toàn thấy mệt ngang (cười). Mình không thích học trong trường lắm, thích lăn lộn với những buổi brainstorm, học từ kinh nghiệm thực chiến hơn.

Sau đó, Toàn có mở rộng phạm vi tìm kiếm sang các trường chuyên về Quảng cáo & Truyền thông ở Thái Lan nhưng đa phần cũng là những chương trình có thời gian đào tạo kéo dài 3 năm trở lên. Không chấp nhận được sự thật là bản thân phải “dùi mài kinh sử” thêm 3+ năm, Toàn hỏi các anh chị trong ngành về những trường quảng cáo thuộc dạng portfolio school. Portfolio school có thể tạm hiểu là một mô hình tương tự với trường đào tạo nghề tại Việt Nam. Lúc đó, anh Sơn có gợi ý cho Toàn về trường Miami Ad School.

Tìm hiểu sâu về chương trình học trên website của trường, Toàn khá ấn tượng và thích cách đào tạo với tỉ lệ lý thuyết và thực hành là 50:50. Tức học viên sẽ học các kĩ năng cần thiết cho hành trình làm quảng cáo sáng tạo trong năm đầu và đi intern tại các agency khác nhau trên toàn thế giới trong 1 năm tiếp theo.

Miami Ad School là portfolio school tập trung đào tạo các ngành nghề như Art Direction, Copywriting, Graphic Design, Photography...
Nguồn: Shulman + Associates

* Những mục tiêu, mong đợi cho quyết định này là gì?

Mục tiêu của Toàn cho lần đi học này cũng khá trực quan: Tìm được một công việc quảng cáo tại Châu Âu sau khi học xong. Hoặc bản thân sẽ làm được những dự án quảng cáo tương tự như những dự án mình ấn tượng, hâm mộ trước đây. Khi nhận được thư mời nhập học từ trường, mục tiêu đã được cụ thể hoá hơn: Mỗi một học kì sẽ tham gia những giải thưởng dành cho học sinh sinh viên như D&AD hoặc Young Lions. Việc có những thành tích nhất định ở những giải thưởng sẽ giúp CV và portfolio của mình ấn tượng, thuyết phục hơn.

Lý do vì sao mình đặt mục tiêu có việc làm tại Châu Âu? Đơn giản là vì tìm việc làm ở tại quốc gia, khu vực bản thân đang theo học sẽ thuận tiện về mặt thủ tục và chi phí hơn. Bởi sau khi hoàn thành chương trình học, đa phần các nước sở tại đều cho phép sinh viên gia hạn visa thêm 1 năm để có thời gian tìm việc tại nước sở tại.

* Toàn có thể chia sẻ tổng quan về chương trình học tại Miami Ad School?

Lộ trình tổng quan của chương trình tại Miami Ad School gói gọn trong 2 năm.

Lộ trình tổng quan của chương trình học sẽ gói gọn trong 2 năm. Ở năm đầu tiên, học viên sẽ được học những kĩ năng liên quan trực tiếp đến ngành học đã đăng ký trong 4 học kì và không có kì nghỉ dài nào xen giữa. Bạn sẽ chỉ có 3 tuần nghỉ xả hơi trước khi bắt đầu học kì mới.

Năm thứ 2 sẽ là khoảng thời gian đi thực tập ở những công ty quảng cáo vòng quanh thế giới. Đây là điểm Toàn đặc biệt thích ở lộ trình học của trường. Thời gian học không quá dài và học viên có nhiều cơ hội để cọ xát. Những cơ hội thực tập tại nhiều quốc gia sẽ mang lại những trải nghiệm, kinh nghiệm, kiến thức đa dạng. Từ đó, Toàn sẽ có nhiều góc nhìn khác, phục vụ cho công việc làm quảng cáo trong tương lai.

* 1 năm là khoảng thời gian không quá dài. Chương trình học lý thuyết 1 năm của Toàn có những “thu hoạch” đáng kể nào?

Thời gian 1 năm đầu tiên đủ để Toàn học được những kĩ năng cơ bản của một người làm copywriting. Dù là lý thuyết nhưng những kĩ năng đó vẫn có tính thực tế như cách tư duy, suy nghĩ, phân tích bản brief để xây đắp lên một ý tưởng, cách viết một câu headline, cách triển khai một chiến dịch 360.

Kĩ năng là một phần và điều Toàn nhận được nhiều nhất trong năm đầu tiên đó là một môi trường cạnh tranh và đầy cảm hứng sáng tạo. Bởi mỗi ngày mở mắt dậy là thấy những người bạn xung quanh mình đều có 1 ý tưởng gì đấy hay ho. Xung quanh Toàn đầy ắp những ý tưởng và những dự án. Chính sự nhiệt huyết và sáng tạo không ngừng của các bạn đã “thúc” mình cũng phải có những ý tưởng mới lạ để chia sẻ, thảo luận cùng mọi người.

* Có thể thấy, điểm sáng của Miami Ad School là chuỗi cơ hội thực tập đa dạng quốc gia. Toàn có thể điểm qua những trải nghiệm, bài học đáng nhớ trong thời gian thực tập từ Âu sang Á của mình?

Thật ra, ở mỗi agency sẽ là một trải nghiệm khác nhau. Toàn phiên bản intern vẫn còn non nớt với nhiều bỡ ngỡ. Với 3 agency đầu tiên, đa phần công việc chỉ dừng lại ở việc quan sát. Việc quan sát cũng giúp Toàn học được cách các anh chị creative suy nghĩ, cách mọi người tạo hình ý tưởng. 9 tháng đầu với vai trò intern, dù cũng “đầu tắt mặt tối” nhưng Toàn không “bán” được ý tưởng nào.

Những trải nghiệm trưởng thành khác nhau sẽ mang đến những câu chuyện rất khác cho từng sản phẩm quảng cáo – truyền thông.

Khi đi thực tập tại agency ở Tây Ban Nha, Toàn đã lo lắng không biết làm cách nào “sống sót” qua rào cản ngôn ngữ khi mọi người sử dụng tiếng Tây Ban Nha là chủ yếu. Nhưng tại đây mình học được bài học quý giá đầu tiên: Sự quan trọng của mentor trong hành trình sáng tạo.

Giám đốc Sáng tạo tại thời điểm đó là một người mentor có tâm khi dành thời gian lắng nghe những ý tưởng “trên trời dưới biển” của Toàn. Một người mentor tốt sẽ cho mình nhiều cơ hội thử và sai. Từ đó, mình sẽ học và phát triển nhanh hơn rất nhiều. Cảm giác của Toàn lúc đó như được đứng trên vai những người khổng lồ, được thoải mái sai để lớn lên.

Từ những lần được sửa ý tưởng, Toàn đã thắng được một giải ở sự kiện Young Ones One Show – Hội quảng cáo dành cho học sinh, sinh viên. Hiện tại, anh Giám đốc Sáng tạo và Toàn là bạn thân của nhau và anh cũng là người giới thiệu Toàn với những cơ hội công việc sau này.

Quay lại với agency đầu tiên Toàn thực tập là Ogilvy Japan, điều Toàn nhớ nhất trong thời gian học việc ở đây là bản thân phải thật lì, thật kiên nhẫn. Người Nhật có một phong cách quảng cáo khá “khùng” nên trong quá trình làm việc Toàn phải cố gắng để họ thấy là mình có thể làm được quảng cáo theo cách của họ. Bản thân mình là một người mê chia sẻ những ý tưởng nhưng sếp thì bận nên mình thường hay ngồi lại, đợi khi sếp về thì cùng về. Trên đường đến trạm tàu, Toàn tranh thủ trò chuyện với sếp về những ý tưởng của bản thân.

Toàn Mai khi là intern tại Ogilvy Japan, Tokyo, Nhật Bản.

* Đã từng có thời gian quan sát và thực hành nghĩ ý tưởng ở 2 agency thuộc một nước Châu Á và một nước phương Tây. Văn hoá khác nhau giữa 2 khu vực có ảnh hưởng đến cách làm quảng cáo?

Một câu hỏi khá là hay. Một điều mà Toàn và nhiều bạn trẻ thường nghĩ là để làm quảng cáo phải hiểu được phong cách, văn hoá của quốc gia hoặc khu vực đó. Nhưng khi đi làm, Toàn nhận thấy suy nghĩ đó chỉ đúng khoảng 50%. Bởi một người thầy của Toàn nói rằng về bản chất, con người cũng không quá khác nhau. Việc nắm được những insight về thị trường, về người dân bản địa đều có thể được đúc kết trong quá trình làm việc với đội ngũ planner. Và thông thường, Toàn quan sát thấy những người từ nơi khác đến sẽ có sự tò mò vô tận mà người bản địa (local) có thể không bì kịp. Điều này Toàn cũng tự đúc kết được từ bản thân khi mình là dân Sài Gòn nhưng không rành những ngóc ngách ở vùng đất mình lớn lên bằng những người bạn từ các tỉnh, thành phố khác.

Chính sự tò mò và những góc nhìn khác lạ của những người thuộc nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau đã tạo nên tính đa dạng, sáng tạo cho ngành quảng cáo. Người đồng sáng lập agency Toàn đang làm việc – ông Jeff Goodby – cũng chia sẻ rằng những trải nghiệm trưởng thành khác nhau đều sẽ mang đến những câu chuyện rất khác cho từng sản phẩm quảng cáo – truyền thông.

* 3 điều Toàn thích và không thích ở Miami Ad School?

Toàn có thể trả lời ngay 3 điểm mình thích ở trường là sự cạnh tranh, cơ hội học tập và hệ thống network (mối quan hệ) với các cựu học viên. Như có chia sẻ trước đó, điều Toàn thích nhất ở trường là môi trường cạnh tranh với những ý tưởng không ai giống ai. Việc tìm được một môi trường để trau dồi kiến thức, kĩ năng và được truyền cảm hứng như vậy là điều không dễ. Điểm tiếp theo là những mối quan hệ, hệ thống agency có kết nối với trường khá rộng nên sẽ hỗ trợ cho học viên khá tốt ở năm học thứ 2 – giai đoạn thực tập thực tế.

Toàn Mai khi làm việc tại DAVID Madrid.

Nói về 3 điểm không thích, Toàn nghĩ là không có. Có lẽ vì bản thân là một người thích nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực nên Toàn cảm thấy những sự khó chịu khách quan trong quá trình học như bạn bè không hợp cạ là điều có thể bỏ qua được.

* Sau thời gian thực tập và chính thức tốt nghiệp sẽ đến giai đoạn tìm việc và lao vào đời. Toàn có thể điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong hành trình làm việc của mình tại các agency ở đa dạng quốc gia (Singapore, Tây Ban Nha, Dubai và Mỹ)?

Nhìn lại thì quá trình tìm việc và làm việc của Toàn có thể chuyển thể thành một bộ phim hành động dạng như Fast & Furious (cười). Có những giai đoạn Toàn buộc phải bật chế độ “sinh tồn” để có thể tiếp tục đam mê, mục tiêu làm sáng tạo ở nước ngoài.

Trong quá trình xin việc, Toàn có kết nối lại với người mentor cũ của mình ở Tây Ban Nha và được nhận vào làm ở agency DAVID Madrid. Sau 3 tháng, mình may mắn được nhận một dự án của Burger King nhưng không được giữ lại vì những trở ngại trong thủ tục chuyển đổi visa. Đó là một quyết định gây nhiều tiếc nuối cho cả Toàn và công ty khi những vị sếp đều thấy được tiềm năng và khả năng của Toàn sau 3 tháng đồng hành cùng nhau.

Sau đó, Toàn quyết định về Việt Nam nghỉ ngơi. Khá may mắn khi thời điểm Toàn trở về Việt Nam COVID-19 vẫn chưa bùng phát mạnh. Nghỉ ngơi 6 tháng, lúc này visa Đức của Toàn còn thời hạn 3 tháng và mình quyết định đánh cược đến Đức với mục tiêu tìm được việc trong 3 tháng còn lại. Mình cũng xác định trước tâm lý cho chuyện có thể kẹt ở nước ngoài nếu sau 3 tháng không tìm được việc. Chuyện không suôn sẻ khi đến những tuần cuối cùng mà Toàn vẫn chưa được công ty nào nhận và mình cũng bỏ lỡ chuyến bay cứu trợ trở về Việt Nam giữa thời điểm bùng dịch.

Nếu không nghĩ được cách rời khỏi Đức trước thời điểm visa hết hạn, Toàn sẽ vào “sổ đen”. Lúc này là thời điểm bản thân buộc phải khởi động chế độ sinh tồn để nghĩ cách xoay xở. Cuối cùng, mình tìm được “lối thoát” là bay đến Dubai. Bởi tại thời điểm đó dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh ở quốc gia này và visa du lịch cũng không tốn quá nhiều thời gian, chi phí để thực hiện. Ngày mình bay sang Dubai là ngày cuối cùng visa Đức còn hiệu lực, rất sát nút!

Toàn Mai trong những ngày thực tập tại Ogilvy Dubai.

Một điểm may mắn là Toàn không “dính” COVID-19 trong thời gian “chạy” liên tục giữa các quốc gia. Khi đến Dubai, Toàn tiếp tục giữ chế độ sinh tồn và làm đủ mọi công việc để có thể trang trải cuộc sống hằng ngày.

Nhờ những mối quan hệ với các đồng nghiệp nước ngoài trong khoảng thời gian trước nên Toàn nhận được một đề nghị làm intern tại một agency ở Dubai, xen kẽ với những lần làm freelancer ngắn hạn ở hai agency khác. Toàn hay đùa vui là thời COVID-19 mọi người biến nhà thành văn phòng thì Toàn biến văn phòng thành nhà. Để tiết kiệm chi phí thì mình ngủ nghỉ tại công ty và mang đồ ra ngoài giặt.

Sau khi làm việc được 7-8 tháng, mình và Quỳnh thực hiện dự án Love The Work More và may mắn nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng quảng cáo, sáng tạo. Nhờ đó mà Toàn nhận được cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Ogilvy tại Singapore.

Trong thời gian làm việc tại Ogilvy, Toàn và Quỳnh nhận được thư mời làm việc từ agency Goodby, Silverstein & Partners – agency mà cả hai đều vô cùng thần tượng. Dù hơi áy náy khi chỉ mới bắt đầu công việc tại Ogilvy ít lâu nhưng mình và Quỳnh vẫn quyết định nắm lấy cơ hội hiếm có này và bắt đầu hành trình sáng tạo tại San Francisco.

* Toàn có lời nào muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ đang trên hành trình theo đuổi ước mơ làm quảng cáo, sáng tạo ở nước ngoài?

Điều đầu tiên Toàn nghĩ là các bạn không nên để việc bản thân là người nước ngoài trở thành rào cản tâm lý trong quá trình theo đuổi mục tiêu. Từ trải nghiệm của bản thân và những người xung quanh, Toàn thấy một sức bật, sức bền hay dân dã hơn là sự “trâu, bò” rất lớn ở những người con xa xứ. Khi bạn “bị” dồn đến đường cùng cũng sẽ là lúc những giải pháp mới nảy ra.

Toàn Mai và Quỳnh Trần nhận được thư mời làm việc tại Goodby, Silverstein & Partner.

Điểm thứ hai là về khả năng tiếng Anh. Toàn nghĩ để làm quảng cáo tại nước ngoài bạn không nhất thiết phải có IELTS 8.0 hoặc 9.0. Thang điểm 7.0 là vừa đủ (cười). Bởi ngôn ngữ dùng trong quảng cáo đa phần là ngắn gọn, trực diện nên Toàn nghĩ rèn luyện khả năng tiếng Anh ở mức độ đủ để giao tiếp, truyền đạt trọn vẹn những ý tưởng, bảo vệ những đứa con tinh thần của mình là đủ. Sau cùng, điểm quan trọng trong quá trình làm quảng cáo vẫn nằm ở tư duy, cách phân tích và xây đắp ý tưởng.

* Cảm ơn Toàn vì những chia sẻ thú vị trên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam