SMART GOAL trong digital marketing

Bạn có muốn nghe chuyện tình yêu không? Để mình kể bạn nghe một câu chuyện tình yêu giữa một marketer và cô nàng tên SMART nhé! Câu chuyện mang tên “Kể chuyện ngày tôi gặp SMART” xin được phép bắt đầu…

Định nghĩa về “SMART” và lý do tôi cần em

Là một marketer full-time “núp bóng” content writer, những tưởng tôi đã có một cuộc đời trong nghề êm ả, ngày ngày cặm cụi bên từng con chữ, từng tờ brief cấp trên giao cho, tránh né mọi thứ liên quan đến con số, nguyên tắc phức tạp,...cho đến khi tôi gặp em - người con gái đã “vô tình” khiến tôi phải tuân theo những nguyên tắc.

Em là ai? Em là SMART

Em không có họ lẫn tên, nhưng em có vẻ ngoài đặc biệt. Vẻ đẹp của em khiến tôi, hay có lẽ là bất cứ marketer nào, phải choáng ngợp - một vẻ đẹp tri thức nhưng đầy mê hoặc.Trước vẻ đẹp ấy, tôi chỉ có thể gọi em là SMART để miêu tả ngắn gọn về em:

  • S - Specific (simple, sensible, significant): Em thực tế, cụ thể chi tiết trong từng lời ăn tiếng nói, tinh tế trong từng cử chỉ. Ở bên em, mọi hiểu biết trong tôi đều là thừa thãi và thiếu sót.

  • M - Measurable (meaningful, motivating): Em có khả năng đo lường tài tình, và dường như đó cũng chính là “nguyên tắc” của riêng em. Em khiến tôi phải quan tâm, chú ý đến những con số, chỉ số để tự đánh giá chính mình. “Những con số không biết nói dối!” - em thường xuyên bảo tôi như thế.

  • A - Attainable (agreed, achievable): Chính vì xem những con số là nguyên tắc, nên em lúc nào cũng xem xét tính khả thi của vấn đề đến tận cùng. Em sẽ dỗi tôi ngay nếu nội dung quá mức “bay bổng”, không truyền tải tính khả thi cho độc giả.

  • R - Realistic (reasonable, realistic and resourced, results-based): Em thực tế, nên mọi hành động của em đều có tính thiết thực. Em “Trên thông thiên văn/ Dưới tường địa lý”, đặc biệt cực kì am hiểu thế giới ảo, mạng xã hội. Em chưa bao giờ làm điều gì đó một cách “tùy hứng”, vì mọi hành động nơi em đều có lý do cụ thể.

  • T - Time bound (time-based, time limited, time/cost limited, timely, time-sensitive): Em luôn thiết lập thời gian cho các vấn đề em gặp phải, kể cả đó là những nỗi buồn. Tôi thường bảo em quá hà khắc, em chỉ dịu dàng bảo rằng đó là cách em bảo vệ cảm xúc của chính mình. Kể ra cũng thật kỳ lạ, vì lần đầu tiên tôi gặp một người “set deadline” cho cả nỗi buồn.

Lý do bất kỳ marketer nào cũng cần có em bên cạnh

Đó là sự thật không thể bàn cãi - bất cứ marketer nào cũng đều muốn có em, và cần có em. Nhiều người sẽ bảo tôi phản ứng thái quá, rằng ai cũng có “gu” người tình trong mộng của riêng. Tôi đồng ý, nhưng không thể đồng tình, vì tôi cho rằng không ai có thể “đặc biệt” bằng em. Bất cứ marketer hay digital marketer nào có em bên cạnh cũng đều như “hổ mọc thêm cánh”, lý do là vì:

  • Em giúp họ cụ thể hóa mục tiêu: bằng khả năng đo lường cùng tư duy thực tế, em là “kim chỉ nam” cho các writer, marketer. Có em bên cạnh, “tham vọng” về doanh số, mục tiêu,... sẽ được kiểm soát đúng với chừng mực của nó.

  • Em giúp họ phân loại chính xác những mục tiêu phù hợp: Tôi cho rằng khó có marketer nào có thể “chống đối” hay phản bác được em, vì sẽ không là nói ngoa nếu nhận xét em là “thực tế”. Khi đáp ứng được những tiêu chí của em - SMART - các marketer, hay cả những nhà quản lý sẽ loại bỏ được những mục tiêu không phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Tất cả mọi người sẽ có một định hướng chính xác hơn việc xác định được mức độ chính xác, phù hợp và mức độ ưu tiên đối với các mục tiêu. Đấy là chưa kể với khả năng thiết lập thời gian, em còn phân bổ cụ thể về thứ tự ưu tiên trong công việc.

  • Em giúp cải thiện tính đo lường của những mục tiêu: Ngay từ khi thiết lập mục tiêu, em - SMART - đã nhấn mạnh đến yếu tố đo lường: “Đội ngũ nhân viên cần đạt kết quả gì?”, “Họ cần hoàn thành ở ngưỡng nào?”, “Kết quả nào mới được xem là đạt chuẩn?”,... Và em luôn yêu cầu tất cả các câu hỏi này đều phải được giải quyết ngay trước khi tiến hành bất cứ công việc nào. Có em bên cạnh, không marketer nào dám trễ deadline.

  • Cuối cùng, em giúp gia tăng hiệu suất làm việc: Có thể nói, em chính là “chiếc đồng hồ báo thức” đầy nghiêm khắc. Có em trong đời là một may mắn, nhưng cũng kèm theo áp lực. Em không ưa những kẻ dễ dãi, càng không thích những kẻ trễ deadline, đâm ra bất kể ai bên cạnh em cũng đều phải tự giác nỗ lực, chú tâm vào phần việc của mình.

Em tuyệt vời như thế, ai mà không mê em được chứ?

Tôi cùng em học cách lập kế hoạch “thông minh”

Trong quá trình làm việc cùng nhau, em chỉ dạy, hướng dẫn tôi nhiều thứ, có những điều tôi chưa từng biết đến dù đã có “thâm niên” trong nghề. Dần dà, em trở thành “tôn chỉ” của riêng tôi mỗi khi “sản xuất” content. Tôi cùng em viết nên “bản hướng dẫn lập kế hoạch SMART”, cụ thể:

Bước 1: Xác định các mục tiêu cụ thể

Em bắt tôi xác định cụ thể mục tiêu tiếp thị (marketing) sắp tới là gì:

  • Hướng tới phát triển khách hàng mục tiêu để thu được doanh thu cao hơn?

  • Hướng tới phát triển thương hiệu công ty để đạt được các giá trị lâu dài hơn?

  • Hướng tới cả doanh thu và thương hiệu cùng lúc?

  • ……….

Kế đến, em bắt tôi xác định mục tiêu quảng cáo (advertising):

  • TA (Target Audiences) là những ai? Thói quen, thị hiếu của họ về sản phẩm là gì?

  • Cần những nền tảng nào để “chạm” đến họ (email marketing, facebook post,...) ?

  • Đánh giá độ hiệu quả bằng gì? Thế nào gọi là các chỉ số “ổn định”?

  • ……….

Hay nói đơn giản, em bắt tôi tự đặt cho bản thân những câu hỏi “ngành”. Câu hỏi càng cụ thể, mục tiêu sẽ càng rõ ràng và chi tiết.
Nhưng điều rõ ràng nhất mà tôi thấy từ lúc làm việc với em, đó là em chẳng bao giờ thực sự “thỏa mãn” bởi các câu trả lời của tôi…

Sao “yêu cầu” của em lúc nào cũng cao thế hử, SMART ơi?

Bước 2: Đảm bảo mục tiêu có thể đo lường

Em bảo tôi gắn các con số vào những mục tiêu để cụ thể hóa chúng. Hay nói đơn giản, giống như việc em “set deadline” cho nỗi buồn, em bắt tôi “set deadline và KPI” cho những mục tiêu ấy:

  • Số lượng bài viết seeding cho sự kiện, seeding giới thiệu sản phẩm mới,...là bao nhiêu trong một ngày? Khi nào đăng? Thời hạn chỉnh sửa và thời hạn “nộp” bản hoàn chỉnh là khi nào?...

  • Số lượng blog cập nhật ở website hàng tuần là bao nhiêu? Mỗi tuần sẽ cập nhật thêm bao nhiêu bài? Thời hạn nộp cho mỗi bài?...

Những lúc cùng em set deadline là những lúc tôi thấy em thật đáng sợ. Không chỉ riêng tôi, tôi nghĩ, bất kì marketer nào, đặc biệt là những tay bên digital marketing, đều sẽ phải sợ em khiếp vía vào những lúc như thế. Về riêng tôi, nhìn sấp nhỏ trong team bị em “hành” đến phát khóc, tôi chỉ biết lắc đầu cười nhẹ, vì mấy ẻm đâu biết rằng em còn có thể đáng sợ hơn nhiều, vì em không chỉ set deadline mà còn set cả...KPI.

“Sáng tạo cũng cần phải có KPI và deadline chứ!” - trích nguyên văn lời SMART mỗi khi”rượt” tôi bằng deadline và KPI.

Bước 3: Phân tích khả năng đạt được mục tiêu

“Một mục tiêu phù hợp trước hết phải là mục tiêu có thể đạt được!” - SMART vẫn thường nói với team tôi như thế mỗi khi những kẻ “múa bút” đang đắm chìm trong mơ mộng về những viễn cảnh màu hồng: KPI vượt chỉ tiêu, content “bạc tỷ”, những chiến dịch viral,... Để những mục tiêu “có thể đạt được”, em bày cho chúng tôi kiểm tra, phân tích những yếu tố:

  • Năng lực, kinh nghiệm của team

  • Kinh phí thực hiện: các chi phí chạy Ads, logistics,...

Những khi phân tích các ý tưởng, kế hoạch, SMART luôn mang “quyền lực tối cao” và “quyền hạn tuyệt đối”. Em sẵn sàng “sát phạt” bất cứ ý tưởng nào “không thuộc về nhân thế”, kể cả là của tôi. Chính vì thế, đám marketer chúng tôi hầu như chẳng dám hó hé điều gì mà không có suy xét, phân tích trước đó.

Vậy ra đặt mục tiêu còn khó hơn đạt được mục tiêu nhiều đấy nhỉ?

Bước 4: Đảm bảo tính thực tế của mục tiêu

Sau khi phân tích về yếu tố “có thể đạt được hay không” của mục tiêu, SMART dẫn dắt chúng tôi đến bước khó hơn - nghiên cứu, phân tích tính khả thi. Khác với yếu tố “có thể đạt được” chỉ tập trung phân tích khả năng của team, các chi phí phải chi trả,..., hay gọi là những yếu tố mang tính “chủ quan”; “tính khả thi” tập trung phân tích những yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài:

  • Thời điểm thực hiện chiến dịch, kế hoạch có phù hợp không?...

  • Nhu cầu khách hàng là gì? Sản phẩm có điểm “chạm” thế nào?...

  • Các đối thủ cạnh tranh đã hoặc đang thực hiện, triển khai chiến dịch như thế nào? Công ty mình có gì khác biệt, nổi trội hơn?...

Em từng đặt mục tiêu cho team tôi thế này:
“Website của công ty đều đặn thu hút được 5,000 lượt khách hàng truy cập mỗi tuần. Vậy thì đường cơ sở ở đây là 5,000.
Bạn có thể đề ra mục tiêu có tính kỳ vọng hơn như gia tăng 5% lượt khách hàng ghé thăm website mỗi tháng chẳng hạn. Như vậy con số team tiếp thị cần hướng tới sẽ vào khoảng 21,000 lượt khách hàng ghé thăm website. Đây là một mục tiêu khó, nhưng vẫn khả thi nếu triển khai các bài seeding trên các nền tảng social khác,...”

Tôi nghe có vẻ “khả thi” đấy, nhưng làm được hay không thì…

Bước 5: Chỉ định thời hạn hoàn thành mục tiêu

Bước cuối cùng, và cũng là bước yêu thích của SMART. Lần nào cũng thế, mỗi khi đến bước này, em cũng đều hỏi các marketer: “Mất bao lâu để bạn đạt được mục tiêu đề ra?”

Tôi nghĩ, đây có lẽ là bước quan trọng nhất, và nguy hiểm nhất trong năm bước, vì:

  • Nếu đặt thời hạn quá gấp thì áp lực sẽ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm cũng như toàn bộ tiến độ của chiến dịch.

  • Ngược lại, nếu đặt thời hạn quá dài, sẽ dẫn đến tình trạng “lười”, trì trệ tiến độ và tiêu hao những chi phí không đáng có.

Em đã “dạy” tôi rằng, lãng phí tiền bạc tài nguyên của công ty chính là “tội ác”. Nhưng với tôi, “tội ác” lớn nhất đó là khiến em bực mình vì deadline của tôi. Tôi không muốn trở thành “kẻ tội đồ”, cảm giác sẽ rất tồi tệ.

Chẳng thà chạy deadline hết khả năng, còn hơn khiến em giận…

Sau một quãng thời gian dài ở bên em, bị em “nắn”, khả năng lập kế hoạch, tầm nhìn của team marketing chúng tôi đã cải thiện rất nhiều. Không còn những content vô tội vạ, những quảng cáo lung tung,..., tất cả đều theo “lề lối” cụ thể, rõ ràng và đạt hiệu quả cao. Có em bên cạnh, mọi kế hoạch đều chi tiết, thiết thực,... (trong đó có cả kế hoạch “rước em về dinh’, nhưng đó là kế hoạch của riêng tôi!)

Các tips “hợp tác” cùng SMART trong digital marketing

Những ngày tháng làm việc cùng em, tôi đã “thử sức” ở nhiều vị trí, công việc khác nhau: ngoài content, đôi khi tôi còn làm bên SEO, quản lý mấy kênh Social của công ty, có khi có cả chạy Ads,... Tuy nhiên, dù tính chất các công việc, vị trí khác nhau, nhưng em - SMART của tôi - về cơ bản không thay đổi, và luôn “có mặt” tại bất cứ “mặt trận” nào cần đến em.

Để tôi chia sẻ với anh em marketer một số mẹo “áp dụng” em trong digital nhé!

Chọn lọc số liệu:

Chọn một số liệu có thể được đo lường và theo dõi bằng các công cụ bạn có sẵn và các kỹ năng trong nhóm của bạn để vận hành. Nếu mục tiêu của bạn là phát triển doanh nghiệp của mình, thì việc tăng số lượng khách hàng tiềm năng đủ điều kiện nhận được từ quảng cáo trên mạng xã hội sẽ là thước đo phù hợp nhất với mục tiêu đó. Tương tự, hãy chọn số liệu phù hợp với mục tiêu nhận thức về thương hiệu của bạn – một phép đo mà nhiều thương hiệu khó xác định.

Đặt mục tiêu xung quanh Digital Planning

Chẳng hạn, bạn có mục tiêu tăng doanh số x% dựa trên nguồn khách hàng tiềm năng click vào website, thì bạn cần phải tính toán lưu lượng truy cập vào trang web, chi phí tối đa để chạy quảng cáo ở website,...và cuối cùng là sử dụng những số liệu trên để set chi phí, lên kế hoạch về thời gian,...

Điều chỉnh mục tiêu theo SMART

Dựa vào những nguyên tắc SMART đã đề ra, tất cả những gì bạn cần làm là “thỏa mãn” em ấy. Những câu trả lời càng chi tiết, rõ ràng bao nhiêu, những mục tiêu sẽ càng thực tế; và bạn sẽ càng nắm bắt tốt bấy nhiêu.

Xem xét tính khả thi của các mục tiêu đối với digital marketing

Ví dụ: “Đạt mục tiêu hiển thị là 250.000 người dùng bằng cách lên lịch hai bài đăng về cảm hứng mua sắm chất lượng cao mỗi ngày trong 15 ngày cho đến Ngày của Mẹ và đầu tư 5.000 đô la vào các chương trình khuyến mãi.”

  • S - cụ thể: Đạt mục tiêu hiển thị

  • M - Có thể đo lường được: 250.000 người dùng

  • A - khả thi: lên lịch cho hai bài đăng cảm hứng mua sắm chất lượng cao

  • R - thực tế: đầu tư 5.000 đô la vào các chương trình khuyến mãi

  • T - Giới hạn thời gian: mỗi ngày trong 15 ngày”

Dựa vào các số liệu chọn lọc từ các nền tảng digital, cùng với SMART, bạn hoàn toàn có thể đánh giá tính khả thi của kế hoạch, mục tiêu được đề ra.

Nắm bắt, thấu hiểu đối tượng tiếp cận

Hiểu được sở thích và không thích của khán giả – nội dung được tương tác cao nhất, bài đăng được chia sẻ nhiều nhất, quảng cáo có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất,... Càng thấu hiểu tệp khách hàng bạn đang hướng tới, cả sản phẩm lẫn kế hoạch tiếp thị sẽ càng có giá trị cao và càng thu hút nhiều khách hàng.

Bạn thấy đấy, SMART không chỉ là một cô nàng, một sản phẩm trí tuệ. SMART là cả một hệ “tư tưởng”. Riêng với tôi, chắc chắn em chính là “goal” cho tình yêu của tôi - tình yêu của một full-time marketer!

Tạm kết

Sau khi tìm hiểu về SMART, bạn nghĩ thế nào về em ấy? Nếu đã là một marketer, dù là newbie hay senior/manager, tôi nghĩ ai rồi cũng sẽ bị em ấy “mê hoặc” giống như tôi. Cả bạn và tôi, hay bất cứ (digital) marketer nào…SMART cũng sẽ khiến con tim chúng ta loạn nhịp, nhưng lý trí lại trở nên sáng suốt tỏ tường.

Nếu bạn đang mong muốn tìm kiếm một nàng SMART cho riêng mình, đừng quên đăng ký khóa học Digital Platform Management tại AIM Academy nhé!