Marketer Thu Nguyệt
Thu Nguyệt

Head of Communications @ Unique Out Of Home Advertising

Chiến dịch biến cờ lục sắc thành mã màu Pantone để “lách luật” cấm LGBT+ tại World Cup ở Qatar

Biến đổi màu sắc trên lá cờ cầu vồng thành mã màu Pantone, chiến dịch “Colors of Love” của Stop Homophobia và Pantone giúp LGBT+ có thể giương cao lá cờ của Tự do và Tình yêu tại FIFA World Cup 2022, “lách luật” phân biệt đối xử đối của Qatar đối với cộng đồng LGBT+.

Là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông, chắc chắn đây là một sự kiện lịch sử của thế giới. Tuy nhiên, giải đấu năm nay cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi những tranh cãi từ cái chết của những người lao động nhập cư cùng những điều kiện lao động tồi tệ mà nhiều người phải chịu đựng khi quốc gia vùng Vịnh chuẩn bị cho giải đấu. Và giờ đây là đến LGBT+ và quyền của phụ nữ.

Bóng đá và các môn thể thao đồng đội nói chung được coi là nơi dành cho sự khoan dung, tinh thần đồng đội và xích lại gần nhau, thế nhưng Qatar – quốc gia đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022 – lại đi ngược lại điều đó. Một vài tháng trước, Qatar đã ra lệnh cấm cờ lục sắc (biểu tượng của cộng đồng LGBT+) trên lãnh thổ của mình.

Dù là nước chủ nhà nhà đăng cai FIFA World Cup 2022 nhưng Qatar đã vướng rất nhiều tranh cãi và bài xích.

Điều này xuất phát từ việc quốc gia này công khai bài xích những người đồng tính. Họ cho rằng đồng tính luyến ái ở Qatar là bất hợp pháp, là tội lỗi lớn và phải chịu những hình phạt như đòn roi, kết án tù hoặc nặng nề hơn nữa là xử tử.

Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được xuất bản vào tháng trước đã ghi lại các trường hợp gần đây nhất, vào tháng 9, về việc lực lượng an ninh Qatar bắt giữ tùy tiện những người LGBT+ và khiến họ bị “đối xử tệ bạc khi bị giam giữ”.

Lệnh cấm trên đã vướng nhiều tranh cãi và gây nên sự bất bình đối với cộng đồng, cũng như ngăn cản hàng triệu người thuộc LGBT+ tự do mặc màu sắc thể hiện tình yêu và tự do.

Lệnh cấm lá cờ lục sắc tại Qatar đã dấy lên tranh cãi lớn và khiến nhiều người xuống đường biểu tình.

Trước tình hình đó, Stop Homophobia (một tổ chức đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử với người đồng tính) đã kết hợp cùng Pantone (nhà cung cấp ngôn ngữ màu sắc chuyên nghiệp và các giải pháp kỹ thuật số) và agency TBWAParis triển khai chiến dịch “Colors of Love” để cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT+.

Stop Homophobia và Pantone đã nỗ lực để giúp LGBT+ có thể giương cao lá cờ của Tự do và Tình yêu tại FIFA World Cup 2022.

Cụ thể, sáu màu sắc trên “Lá cờ cầu vồng” (hay còn được tên là “Cờ lục sắc”) bao gồm đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh dương và màu tím đã được thay thế bằng mã màu Pantone và sắp xếp theo thứ tự tương ứng thực tế. Điều này cho phép những người LGBT+ có thể vẫy cờ một cách tự hào mà cơ quan chức năng không thể phát hiện ra.

Màu sắc trên lá cờ cầu vồng được biến đổi thành mã màu Pantone.

Những lá cờ lục sắc phiên bản mã màu Pantone đã tung bay trên khắp Châu Âu, cùng những tình nguyện viên mặc chiếc áo phông in và cầm theo băng rôn mã màu Pantone đã xuống phố để thể hiện niềm tự hào về cộng đồng LGBT+ cũng như bày tỏ sự phản đối đối với luật đàn áp của Qatar.

Những chiếc áo phông đặc biệt dành cho cộng đồng LGBT+.

Lá cờ cầu vồng phiên bản mã Pantone đã xuất hiện trên phố để phản đối Qatar và cất lên tiếng nói ủng hộ LGBT+.

Với sự lách luật thông minh, cộng đồng LGBT+ yêu bóng đá có thể tự do thể hiện sự tự hào về giới tính của mình.

Lá cờ cầu vồng cùng họ ăn mừng chiến thắng một cách trọn vẹn nhất.

Lá cờ Tự hào và Tinh yêu được giương cao trên bầu trời.

Không những thế, các cầu thủ khi ra sân tại Qatar đã đeo băng tay có mã màu Pantone thay cho lời cổ vũ LGBT+ và công khai phản đối lại Qatar.

Các cầu thủ đeo băng tay mã màu Pantone thay cho băng tay lục sắc.

Bằng cách này, các nhà chức trách sẽ không thể xử phạt bất kỳ ai ủng hộ LGTB+. Những người ủng hộ sáng kiến ​​khẳng định rằng lá cờ sẽ mang lại sự an toàn cho những người mặc nó và sẽ cho phép họ tự hào mang bản sắc giới tính của mình khi cổ vũ đội tuyển của họ tại World Cup 2022.

Sau một loạt sự cố như tịch thu quần áo, đuổi người hâm mộ ra khỏi sân... và đối mặt với sự phản đối cũng như đe dọa về hành động pháp lý của Châu Âu, FIFA cuối cùng đã cho phép “cờ cầu vồng” và các biểu tượng khác của cộng đồng LGBT+ được có mặt trong sân vận động diễn ra trận đấu bóng đá World Cup (theo tờ The Independent).

Thu Nguyệt
* Nguồn: Unique OOH