TikTok Challenge: Hình thức quảng cáo hiệu quả phù hợp thị hiếu GenZ

Là mạng xã hội chỉ mới nổi lên trong vài năm gần đây, trong khi Facebook và Instagram đã có chỗ đứng vững vàng trong tâm trí người dùng, nhưng TikTok đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và khẳng định vị thế tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Theo thống kê, với lượng người dùng hàng tháng lên đến 37 triệu người, trong đó GenZ chiếm tới 58% người dùng trong độ tuổi 13 - 24 tại thị trường Việt Nam, TikTok đang là “mảnh đất màu mỡ” dành cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận tốt hơn tới các nhóm khách hàng mục tiêu.

Chọn quảng cáo như thế nào trên TikTok?

TikTok là nền tảng dành cho định dạng video ngắn, kết hợp các hiệu ứng tự động và âm nhạc sôi động, cho phép người dùng tự do sáng tạo các clip ngắn với ý tưởng thú vị, thể hiện cá tính và đam mê của bản thân. Rất nhiều “trend” trong giới trẻ hiện nay đều bắt nguồn từ TikTok, tuy không kéo dài lâu nhưng độ lan truyền và phủ sóng nhanh chóng thì không thể phủ nhận.

Nắm bắt xu hướng này, ngày càng nhiều nhãn hàng lựa chọn triển khai các nội dung quảng cáo trên nền tảng TikTok, với mong muốn tiếp cận nhiều hơn tới lượng lớn người dùng, đặc biệt là tập khách hàng GenZ.

Tuy nhiên, một chiến dịch quảng cáo không phải chỉ cần dựa vào nguồn ngân sách lớn là sẽ có độ phủ sóng rộng, mà quan trọng hơn là doanh nghiệp phải biết xây dựng đúng tuyến nội dung đánh trúng vào tập khách hàng mục tiêu và áp dụng hình thức quảng cáo phù hợp. Trong các hình thức quảng cáo trên TikTok, TikTok Challenge là hình thức hiệu quả phù hợp với thị hiếu GenZ và đã tạo nên những chiến dịch quảng cáo thành công.

TikTok Challenge là gì?

TikTok Challenge là chiến dịch truyền thông sử dụng nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content – UGC) bằng cách khuyến khích họ tham gia vào một thử thách hấp dẫn của nhãn hàng với quy mô cực kỳ lớn.

Các nhãn hàng nên lựa chọn TikTok Challenge cho chiến dịch truyền thông của mình, do chiến dịch sẽ giúp nhãn hàng trở nên nổi bật, tạo hiệu ứng viral và độ phủ lớn:

  • Mở rộng độ phủ chiến dịch và gia tăng tương tác

  • Tăng cường nhận diện thương hiệu với Brand effect

  • Tăng lượng truy cập ngoại tuyến bằng cách chia sẻ mã QR của Hashtag Challenge ở mọi nơi

  • Thêm tên thương hiệu vào hashtag để tăng nhận diện thương hiệu.

Theo thống kê, TikTok Challenge đem lại tỉ lệ tương tác cao gấp 17,5% so với các nền tảng khác, độ nhận thương hiệu cao gấp 4 lần so với các quảng cáo khác và lợi nhuận thu về từ quảng cáo tăng gấp 2 lần.

TikTok Challenge có gì?

Các nhãn hàng có thể tham khảo 6 hình thức triển khai TikTok Challenge sau đây:

  • Dance Cover: Hình thức sử dụng âm nhạc & 1 điệu nhảy làm key, từ đó khuyến khích mọi người tham gia thử thách, quay lại đoạn video và đăng tải lên kênh TikTok của mình.

  • Challenge biến hình: Tạo bất ngờ bởi sự khác biệt lớn giữa trước và sau khi tham gia thử thách, sử dụng thêm Brand-Effect của nhãn và nhạc nền sôi động, khớp với chuyển cảnh biến hình.

  • Gamification: Tạo ra thử thách hoặc các nhiệm vụ để người chơi tương tác, hoàn thành nhiệm vụ. Brand-Effect được sử dụng để tạo ra các thử thách, cùng nhạc nền sôi động thu hút người chơi.

  • Nhép lời: Hát nhép miệng theo lời bài hát. User được tạo không gian tự do sáng tạo trên nền nhạc và thể hiện bản thân.

  • Đa tương tác: Để tham gia thử thách, người chơi phải tương tác với nhiều hành động ứng với các phân cảnh khác nhau. Để kích hoạt lựa chọn, người dùng sẽ thực hiện theo các ký hiệu tay hiển thị trên màn hình.

  • Biểu diễn/ Duet: Diễn xuất, hát, MC... thể hiện tài năng cùng thần tượng. Brand-Effect được sử dụng để tạo ra những hiệu ứng biểu cảm và âm nhạc được sáng tác riêng từ nhãn hàng, giúp đẩy màn biểu diễn của user lên cao trào.

Điều các nhãn hàng cần làm là lựa chọn được hình thức triển khai cũng như có chiến lược phát triển nội dung riêng để phù hợp nhất với tập khách hàng hướng đến. Bản thân nhãn hàng cần có sự nghiên cứu và thấu hiểu nền tảng cũng như người dùng, từ đó đưa ra nội dung và thông điệp cho chiến dịch vừa có sự sáng tạo thu hút người dùng vừa mang màu sắc của nhãn hàng.