Marketer Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn

Head of Product Design @ GEEK Up

“Ăn kiêng” sự chú ý khi đi làm

Trong công việc, sự chú ý có thể là những bậc thang lên cao, nhưng cũng có thể là những hòn đá ghì nặng.

Nếu một chiếc đồng hồ kim không có những con số để đối chiếu, chúng ta thường khó mà biết được chiếc kim đang chỉ mấy giờ. Tương tự như vậy, ta thường chỉ thấy được sự hiện diện của mình thông qua sự phản chiếu từ môi trường, hay nói cách khác là qua ánh nhìn hay lời phản hồi từ người khác.

Việc mưu cầu sự phản chiếu này đôi khi xuất phát từ mong đợi được công nhận của chúng ta, đôi khi lại chỉ đơn thuần là mong muốn được chú ý.

Sự chú ý giống đồ ăn ở chỗ: ăn vừa đủ thì tốt, ăn nhiều quá thì nhận “hậu quả” ngay. Cũng giống như việc ăn kiêng là kiểm soát việc tiêu thụ thức ăn, đồ uống không tốt cho sức khoẻ để duy trì cân nặng mong muốn, ăn kiêng sự chú ý tiêu cực là việc ta nên làm để phát triển lành mạnh trong môi trường công việc.

Vì sao ta tìm kiếm sự chú ý trong công ty?

Với mình, việc tìm kiếm sự chú ý không xấu, vì nó là bản chất tự nhiên của con người. Ngay cả người có tính cách hướng nội ít nhiều cũng cần sự chú ý từ bạn bè, người thân quen. Nhưng khi sự tìm kiếm này được đẩy mạnh hơn, có thể là do một vài lý do sau:

  • Ta có xu hướng yêu bản thân quá nhiều, mong đợi được trở thành một người đặc biệt trong mắt người khác. Trường hợp này thường thấy nhất ở những người luôn thể hiện cá tính mạnh, khác biệt. Đó đôi lúc là những người huyên náo nhất, nhưng cũng có thể là những người có vẻ lạnh lùng, xa cách nhất.
  • Ta tự ti vào bản thân, luôn nghi ngờ vào sự tồn tại của mình. Nên nếu không thấy công việc có tiến triển, hay giá trị mình đóng góp được công nhận, ta sẽ không thoải mái với bản thân.
  • Ta lớn lên trong sự đùm bọc, quan tâm chu đáo của gia đình. Ra khỏi nhà, ta muốn tìm kiếm cảm giác này cả ở những nơi khác.

Giờ hãy cùng nhìn sâu hơn vào những biểu hiện trong thực tế.

Các biểu hiện của sự tìm kiếm chú ý tích cực

1. Ta đang tìm kiếm quá nhiều sự giúp đỡ

Có những việc ta biết là mình làm được, nhưng lại không tin vào điều đó, nên ta tìm kiếm sự quan tâm giúp đỡ từ người khác, trong khi điều chúng ta cần có thể chỉ là một lời xác nhận. Đôi khi chỉ cần nghe câu “Anh tin em làm được mà!” là đã đủ để ta tràn đầy tự tin hoàn thành công việc rồi.

Thực ra điều này không sai, vì mỗi người mỗi khác. Người thì ít cần, nhưng người lại có nhiều nhu cầu được chăm sóc, và được trấn an. Nếu có người trấn an rằng bạn có thể làm được, có thể bạn sẽ hoàn thành công việc mỹ mãn hơn dự kiến.

2. Luôn muốn được sự công nhận cho những việc đã làm

Đây là một mong muốn hợp lý, rõ ràng là chẳng ai cảm thấy vui vẻ gì nếu những đóng góp của mình cứ như bị hút vào những cái hố đen không một dấu vết.

Một người dẫn đầu tốt sẽ là người quan sát được sự tiến bộ của đồng đội và tự biết cách để công nhận điều đó. Đó có thể là những lời khen chân thành, một lời cảm ơn vì đã nỗ lực đơn giản, hay một lời quan tâm sức khỏe và nhắc nhở chăm sóc bản thân.

Sự công nhận cung cấp những dấu hiệu cho thấy sự phát triển của bản thân, cũng giúp tiếp thêm năng lượng cho ngọn lửa đam mê tiếp tục cháy.

Các biểu hiện của sự tìm kiếm không lành mạnh

1. Ta làm quá mọi thứ như thế nó là thảm họa

Khách hàng vẫn tiếp tục feedback khi đã qua mốc thời gian? Máy tính tự nhiên dở chứng khi đang có hứng làm việc? Đồng nghiệp hứa sẽ hoàn thành task đó hôm nay, nhưng sáng ra lại thấy xin nghỉ? Giấy trong toilet đã hết không ai thay? Bình tĩnh lại sẽ thấy, chẳng có việc gì ở trên sẽ khiến ta lập tức gặp chuyện gì nghiêm trọng, nhưng ta lại la làng lên như thể thảm họa sắp xảy ra.

Ta giống như Chí Phèo muốn cả làng Vũ Đại biết được vấn đề của mình.

2. Ta khoe khoang “hơi quá” về những gì đã làm được

Ta muốn được công nhận, nhưng lại thấy thành thích minh chưa đủ ngầu. Nên tự cho phép mình phóng đại mọi thứ lên một tí. Ta làm 8 thì nói 10, làm được 10 thì cho rằng lẽ ra có thể làm được tới 12 nếu không gặp này, gặp kia.

3. Ta lấy chuyện người khác “làm quà”

Cảm giác được trở thành nhà thông thái, được mọi người tìm tới khi muốn biết thông tin gì đấy cũng thật gây nghiện. Nhưng để có kiến thức như vậy thì thật là khó. Do vậy, ta chọn trở thành nhà “biết tuốt” chuyện thâm cung bí sử. Gặp ai cũng “bán chuyện” người khác để làm quà.

Ta trở thành “bác hàng xóm tọc mạch” trong công ty.

4. Ta hay than phiền, thường đề xuất nghỉ việc

Với mình, việc than phiền, đòi rút khỏi dự án hay thậm chí xin nghỉ việc ngay sau khi xảy ra một điều gì không hài lòng vì đồng nghiệp, khách hàng... phần nào cũng tương tự như một đứa trẻ ăn vạ ở cửa hàng đồ chơi để đòi bố mẹ mua cho. Ta cứ dỗi trước cái đã, để xem mọi người phản ứng thế nào rồi tính tiếp.

Làm thế nào để ta bắt đầu “ăn kiêng” sự chú ý?

Trước đây, trong khoảng thời gian lo sợ bị thay thế trong công việc, mình đã từng vô lối tìm kiếm sự chú ý. Một trong những biểu hiện của mình là chỉ trích sai lầm của người khác, và tự cho rằng họ mắc sai lầm vì mình không có ở đó để chỉ bảo.

Phải thừa nhận là mong muốn có được chú ý không sai. Nhưng thái độ và hành vi để đạt được nó có thể mang tới những hệ quả tiêu cực như lãng phí năng lượng, gây ảnh hưởng lên hình ảnh của bản thân, và cả người khác. Sự chú ý dễ gây “nghiện”, thậm chí ta còn có thể thèm nó tới mù quáng. Lúc này lòng ích kỷ bao trùm, và ta luôn trong trạng thái giành giật sự chú ý.

Do vậy, hãy tự quan sát xem điều gì đang xảy ra.

Nếu ta đang vô thức tìm kiếm sự chú ý, hãy xem lại lý do cốt lõi của điều này là gì và giảm bớt những biểu hiện tiêu cực đã được nhắc ở trên. Bạn cần hiểu rằng đi tìm kiếm sự chú ý là một dạng tìm kiếm động lực từ bên ngoài, mà động lực bền vững thì nên tới từ bên trong.

Nếu xung quanh ta đang có những người có biểu hiện như vậy, chỉ cần nhận ra và có phản ứng phù hợp. Có thể cho họ một phần sự chú ý họ muốn, cũng vừa thể hiện lằn ranh mà bạn không muốn họ bước qua.

Suy nghĩ cuối

Thay vì tìm kiếm sự chú ý (Attention Seeking), ta có thể chuyển dần sang tìm kiếm sự kết nối (Connection Seeking). Vì sự chú ý chỉ là 1 chiều, còn kết nối có tính 2 chiều. Điều này nghĩa là đòi hỏi chúng ta đầu tư nhiều hơn để tạo ra sự chú ý từ những mối quan hệ bền vững, nhờ vậy ta có được sự phản chiếu lành mạnh cho bản thân mình. Nói ngắn gọn hơn là để có được sự chú ý thì ta cũng phải biết cho đi sự chú ý: chú ý đến công việc và chú ý đến người khác.

Để xem thêm những bài viết tương tự, mời bạn theo dõi:

* Nguồn: hoang.moe