Chuyện người làm Marketing

Thời đại công nghệ số làm nảy sinh ra nhiều ngành nghề mới, đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với sự phát triển của các ngành hàng khác nhau. Một trong số những ngành nghề chỉ mới xuất hiện khoảng chục năm trở lại đây nhưng đã tạo ra cơn sốt ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, cửa hàng… Đó là Marketing.

Marketing ra đời gắn liền với sự xuất hiện của hàng hoá, có nghĩa là hoạt động này đã xuất hiện từ rất lâu nhưng phải đến khoảng thời gian chục năm trở lại đây, thị trường lao động mới biết mặt đặt tên cho nó.

Marketers là tên gọi chung của tất cả những người làm việc trong lĩnh vực Marketing. Đây là một ngành nghề có tỷ lệ đào thải rất cao vì những yêu cầu về chuyên môn, năng lực xử lý tình huống và sự áp lực đến từ thị trường đặt ra cho những cá nhân đang hoạt động ở lĩnh vực này. Doanh nghiệp có thể thành công và lớn mạnh hay không một phần quan trọng là dựa vào khả năng marketing của họ. Các hoạt động tài chính như sản xuất, phân phối đều không thể phát huy hiệu quả nếu như thị trường không có đủ nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp.

1. Người làm Marketing thực sự là làm gì?

Marketing theo như Philip Kotler - “cha đẻ” của marketing hiện đại định nghĩa:

“Marketing giống như nghệ thuật và khoa học để con người ta thỏa sức sáng tạo nhằm thỏa mãn nhu cầu của đối tượng sử dụng dịch vụ sản phẩm hay rộng hơn là toàn thị trường. Và mục tiêu cuối cùng của Marketing giúp chủ thể thực hiện sau đó nâng cao lợi nhuận.”

Người làm Marketing, về bản chất là người chịu trách nhiệm nghiên cứu, phân tích thị trường và lên kế hoạch chiến lược nhằm cung cấp sản phẩm/ dịch vụ có giá trị đến khách hàng tiềm năng. Điều đầu tiên đối với một Marketer phải biết đến chính là bản kế hoạch Marketing (Brand Marketing Plan) được xây dựng hàng năm, vạch rõ mục tiêu và hoạt động chiến lược của Brand trong năm đó. Từ đó, các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sẽ được triển khai dựa trên bản kế hoạch chi tiết đó.

Marketer sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm lên chiến lược định vị, cốt lõi thương hiệu, xây dựng tầm nhìn cho thương hiệu trong dài hạn và kế hoạch marketing hằng năm. Không chỉ lên kế hoạch, những người hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải chịu trách nhiệm trong việc thực thi các hoạt động truyền thông và kích hoạt nhãn hiệu ngoài thị trường để giúp thương hiệu của mình nổi bật hơn và phát triển hơn.

2. Người làm Marketing - tư duy liệu có khác biệt?

Tư duy Marketing được hiểu là cách suy nghĩ, nhìn nhận của một Marketer khi giải quyết các vấn đề kinh doanh (vì marketing gắn liền với kinh doanh) theo đường lối Marketing. Trong ngành nghề mang tính cạnh tranh như vậy, tư duy chính là nhân tố quyết định trình độ của người làm Marketing và đồng thời thể hiện trí tuệ của chính Marketer đó. Bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào khi gặp phải một thách thức mới trong công việc là vấn đề ở mặt tư duy. Người làm hoạch định chiến lược mà không có tư duy Marketing khoa học, nhạy bén thì khi gặp phải một vấn đề sẽ rất loay hoay, mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu, làm mãi mà không đúng và không được việc.

Ngày nay, ảnh hưởng của kỹ thuật số và công nghệ đang dần thay đổi cách mà những người làm Marketing tư duy trong công việc.

Tư Duy marketing không có tuyệt đối chính hay tuyệt đối trái do cách thức hình thành tư duy của mỗi người là khác nhau. Việc “học” bài bản theo sách vở và việc “học” theo tích lũy chỉ là 2 cách học khác nhau, hoàn toàn không phải cứ người học giỏi trên trường lớp thì hơn tư duy của người đi làm lâu năm. Với mình nấc thang đo lường tư duy chỉ có duy nhất 1 thứ, là kết quả của việc dùng tư duy trong thực tiễn, hay kết quả chương trình marketing mà chúng ta thực hiện. Điều này cũng như quan niệm ý tưởng tốt chỉ được đánh giá bằng kết quả tốt vậy.

Khi marketing hiện đại ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu, các kỹ năng cứng từ phía kỹ thuật của ngành trở nên ít quan trọng hơn. Thay vào đó, một chuỗi các kỹ năng mới bắt đầu thống trị “Mindset” của các nhà Marketer hiện đại, hiệu quả nhất bao gồm:

  • Sáng tạo: Không còn những tư duy truyền thống khi làm việc với công nghệ, các Marketer hiện đại giờ đây cần phải có một tư duy sáng tạo hơn, cho phép họ đóng góp ý tưởng mới và diễn giải hiệu quả các tình huống để vượt qua nhiều thách thức của marketing hiện đại. Điều này cũng có nghĩa là một tinh thần sáng tạo có thể biến một cụm từ với sự hiểu biết sâu sắc trở thành sức mạnh.

  • Tháo vát: Tâm trí phân tích phát triển mạnh khi họ sáng tạo hơn. Sự tháo vát bổ sung vào tư duy sáng tạo cho phép mọi người suy nghĩ tiến bộ hơn trong cách tiếp cận và sử dụng các nguồn dữ liệu chính xác để phân tích chuyên sâu.

  • Khả năng thích ứng: Trong lĩnh vực marketing hiện đại, khả năng biết trước được sự thay đổi của thị trường là rất thấp. Do đó khả năng thực hiện thay đổi nhanh chóng và thích ứng với nhu cầu mới là điều bắt buộc, để phù hợp hơn với chiến lược marketing.

  • Hợp tác: Tư duy mới của maketer nên hiểu tầm quan trọng của sự hợp tác. Nhiều bộ phận hiện đang làm việc cùng nhau để đạt được doanh thu và thị phần.

  • Lãnh đạo: Để lãnh đạo hiệu quả, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp với những hiểu biết mới, kinh nghiệm và khao khát đổi mới là điều rất quan trọng trong marketing hiện đại.

3. Người làm Marketing - áp lực từ trong chính cuộc chơi của mình.

Trong bất cứ ngành nghề nào, bên cạnh đỉnh vinh quang hay vực sâu nước mắt thì áp lực là một điều sẽ khiến bạn thành công hay thất bại. Marketing cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí lĩnh vực này còn khắc nghiệt hơn đến nỗi nó sẽ khiến chúng ta phải thật sự kỹ lưỡng, đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định dấn thân và gắn bó với môi trường này.

Marketing là một trong những nghề áp lực và căng thẳng nhất hiện nay khi đòi hỏi công việc luôn phải không ngừng sáng tạo và đổi mới bắt kịp xu hướng. Dù biết rằng sự thành công luôn luôn bao gồm nhiều yếu tố, nhưng gần như yếu tố của sự sáng tạo, đổi mới đã trở thành đặc tính được nhắc đến nhiều nhất trong nghề Marketing.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã từng phát biểu một câu trong một chương trình truyền hình thực tế rằng:“Trong một môi trường có nhiều ý tưởng thì cái không ý tưởng trở nên đặc biệt”.

Chính các Marketers luôn đặt mình trong trạng thái áp lực, căng thẳng tột độ vì thiếu ý tưởng mới. Họ ra sức sáng tạo, thỏa sức “bay” với trí tưởng tượng của bản thân để rồi sau đó nhiều khi chính mình lại “kết liễu” những ý tưởng đó để thay thế bằng ý tưởng khác: mới hơn, lạ hơn, độc đáo hơn và có khả năng áp dụng vào thực tiễn hơn. Đó là vậy, chính óc sáng tạo lại chính là yếu tố vô cùng khắt khe trong ngành này dường như đã cản bước rất nhiều bạn trẻ trước khi thật sự dấn thân vào con đường này.

Bên cạnh đó, một phần áp lực mà một người làm Marketing phải gánh chịu đó chính là những phàn nàn và đòi hỏi từ khách hàng. Đặc biệt là các yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của các client đối với agency sẽ khiến bạn liên tục gặp phải mệt mỏi, chán nản, thậm chí dẫn đến những sự bực tức, khó chịu.

Cuối cùng, đôi khi nền kinh tế rơi vào tụt dốc, khách hàng kiểm soát túi tiền của mình chặt chẽ hơn, trong khi đó các doanh nghiệp lại càng cố gắng hạn chế các chi phí thừa thãi nhằm nỗ lực đảm bảo sự gia tăng lợi nhuận thì Marketing thông thường lại được xem như một khoản chi tiêu cần bị cắt giảm trong những thời điểm như thế này. Thị trường lao động thường gọi ngành nghề này là nạn nhân của thời kỳ khủng hoảng.

Vì thế, những kế hoạch quảng bá được đề ra luôn bị bó hẹp trong vòng tròn tài chính. Tất cả mọi việc của phòng Marketing luôn bị chi phối bởi phòng tài chính, và xét đến cùng thì người làm Marketing luôn phải gánh chịu những áp lực đó khi không thể “bung tỏa” thỏa sức trong một môi trường mà khi một đằng đang phải suy nghĩ ý tưởng cho một chiến dịch thì đằng khác lại phải nghĩ xem nó có hợp lý với kinh phí đã dự trù hay không.

Tóm lại, dù có bất kỳ trở ngại nào thì khi làm Marketing hay bất cứ ngành nghề nào khác thì việc kiên trì trong công việc sẽ quyết định ai là người thành công. Mặc dù có gặp áp lực từ khách hàng, doanh nghiệp hay chính nội tại bản thân mình thì bạn phải luôn biết linh hoạt và biết cách điều chỉnh các quyết định của mình để có thể giải tỏa được các khó khăn gặp phải.