Bất chấp lạm phát, Hermès vẫn có danh sách chờ cho những chiếc túi trị giá hơn 10.000 USD

Hermès có kế hoạch tăng giá trên toàn thế giới từ 5% lên 10% vào đầu năm 2023. Bất chấp tình hình kinh tế căng thẳng, giới siêu giàu vẫn vung tiền vào các mặt hàng xa xỉ này.

Theo thông tin cập nhật giao dịch gần đây từ nhà sản xuất túi Hermès Birkin, những người chi tiêu giàu có đang tiếp tục chi tiền cho những mặt hàng xa xỉ bao gồm chiếc túi xách trị giá 10.000 USD. Hermès hiện tại vẫn có danh sách khách hàng chờ mua những chiếc túi đắt đỏ này.

Zingnews đưa tin, nhà mốt Pháp đang có kế hoạch tăng giá bán túi Birkin trên toàn thế giới từ 5% đến 10% kể từ tháng 1 năm sau. Con số này so với mức tăng trung bình trong năm nay là khoảng 4%. Việc kinh doanh cũng được thúc đẩy bởi những người Mỹ quay trở lại Châu Âu và Châu Á để tận dụng lợi thế của đồng USD.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Eric du Halgouet – Phó Chủ tịch Điều hành của Hermès, cho biết chi phí và biến động tiền tệ, cũng như doanh số bán hàng tăng đột biến trong quý 3 là những lý do chính cho sự nhảy vọt về giá này.

Công ty hàng xa xỉ của Pháp dự kiến ​​sẽ tăng giá 5-10% trong tháng 1/2023.
Nguồn: SCMP

Theo báo Phụ nữ Việt Nam, những tín đồ của Hermès nói riêng và giới mộ điệu thời trang cao cấp nói chung có thể không ngạc nhiên trước tin này, bởi lẽ, thương hiệu gần đây có thói quen tăng giá ít nhất 2%/năm. Năm 2022, giá niêm yết của một chiếc túi Hermès Birkin Togo 25 tăng từ khoảng 244 triệu đồng (mức giá năm 2020) lên tới hơn 251 triệu đồng.

Ngoài ra, loại túi second-hand cũng tăng giá tương tự như các sản phẩm được bán tại cửa hàng chính hãng, thậm chí có thể chạm ngưỡng giá kỷ lục. Theo thông tin từ nhà bán đấu giá Christie's, vào năm 2020, một chiếc Birkin làm từ da cá sấu đã được bán lại với giá gần 9,6 tỷ đồng. Không lâu sau đó, một chiếc Hermès Kelly xác lập kỷ lục khi được bán ra với giá hơn 11,1 tỷ đồng.

Với các dòng sản phẩm đắt đỏ, Hermès báo cáo rằng doanh thu quý 3 kết thúc vào tháng 9/2022 đạt xấp xỉ 75.000 tỷ đồng. Lợi nhuận này khiến doanh số bán hàng của Hermès tăng 24,3% (theo thống kê của công ty tài chính UBS).

Doanh thu cũng được báo cáo là đã tăng 34% ở Châu Á. Đặc biệt, doanh số bán túi xách ở Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ dù tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới kinh tế trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng các dấu hiệu của sự bùng nổ chi tiêu sau đại dịch từ những người mua sắm là nhằm mục đích tự thưởng cho mình.

Các tín đồ thời trang sẽ phải chi số tiền lớn hơn để mua được túi từ Hermès.
Nguồn: Elle

“Không chỉ là phụ kiện hàng ngày, túi xách Hermès có thể là một khoản đầu tư và biểu tượng cho sự giàu có. Điều này sẽ mang lại cho hãng sự linh hoạt hơn khi định giá”, Deborah Aitken, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, chia sẻ.

Zingnews nhận định, Hermès đang duy trì hình ảnh, nguồn lực của mình khi giới siêu giàu vẫn vung tiền cho các mặt hàng đắt đỏ, ngay cả khi ngân sách của nhiều hộ gia đình bị siết chặt bởi chi phí năng lượng cao và lạm phát.

Flavio Cereda, nhà phân tích tại Jefferies, dự đoán rằng bên cạnh Hermès, các nhãn hiệu mạnh như Chanel, Louis Vuitton và Dior, cũng như một số nhãn hiệu nhỏ hơn như Moncler, sẽ đẩy nhanh mức tăng thị phần vào cuối năm nay. Jefferies dự báo ngành này sẽ tăng trưởng 13% trong năm nay và 7% vào năm tới.

Cụ thể là vào đầu năm nay, Louis Vuitton đã tiến hành một đợt điều chỉnh giá trên toàn thế giới, trong đó giá túi xách Capucines tăng 20%. Riêng Chanel đã đứng đầu bảng trong danh sách những thương hiệu tăng giá túi xách nhiều nhất, khi “đội giá” tới 6 lần từ năm 2019 tới nay. Những chiếc túi Flap cổ điển của Chanel có giá hơn 200 triệu đồng – gần bằng một mẫu túi Hermès Birkin xa xỉ.

Sophie Lund-Yates, nhà phân tích cổ phiếu tại Hargreaves Lansdown cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thị trường hàng cao cấp này hấp dẫn hơn nhiều so với các mặt hàng tiêu dùng khác. Người tiêu dùng có giá trị tài sản ròng cao cũng ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế khó khăn.

Hermès vẫn có danh sách chờ đợi cho những chiếc túi xách trị giá hơn 10.000 USD.
Nguồn: Marie Claire

Theo Ngoisao.vn, việc tăng giá đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành hàng xa xỉ, và “chỉ tăng chứ không giảm” là một phương tiện quan trọng để các thương hiệu xa xỉ duy trì vị thế cao cấp trên thị trường. Đối với người tiêu dùng, hàng hóa xa xỉ càng đắt tiền càng làm nổi bật sức mạnh kinh tế và địa vị xã hội của họ.

Jiemian Fashion đã báo cáo rằng những người giàu có tần suất mua lại nhiều hơn và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn. Do đó, các thương hiệu xa xỉ với giá đầu vào cao hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào những người giàu có có thể duy trì tăng trưởng doanh thu ổn định trong điều kiện dịch bệnh lặp đi lặp lại. Nhóm trung lưu bị ảnh hưởng nặng nề nhất và vì lợi ích của việc giảm thiểu rủi ro, tiêu dùng hàng xa xỉ đã dần bị giảm bớt.

Theo SCMP, với việc giá cả được thiết lập để tăng hơn nữa, các nhà phân tích đang đặt câu hỏi sự bùng nổ có thể kéo dài bao lâu trước khi những người giàu có quyết định thắt lưng buộc bụng.

* Nguồn: Tổng hợp