Mạng di động ảo tại Việt Nam: Thị trường bão hòa nhưng vẫn còn dư địa để phát triển

Tại Việt Nam, với số lượng nhà mạng ít ỏi, các mạng di động ảo có nhiều cơ hội phát triển, nhưng để thành công lại là một câu chuyện không mấy dễ dàng.

Theo như VnEconomy định nghĩa, doanh nghiệp viễn thông/ mạng di động ảo (MVNO – Mobile Virtual Network Operator) là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải đi thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/ nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (mạng MNO) như Viettel, VNPT, MobiFone… để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường.

Hiểu một cách đơn giản, nhà mạng ảo sẽ mua buôn lưu lượng từ đơn vị có hạ tầng và bán lẻ cho người dùng. Trong bối cảnh giấy phép triển khai hạ tầng viễn thông vẫn còn hạn chế, việc này giúp các doanh nghiệp dễ tham gia thị trường và tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng. Theo quy định hiện tại, cơ quan quản lý chỉ cấp phép có giới hạn cho các nhà mạng có hạ tầng, còn không giới hạn với các mạng di động ảo. Thị trường đang có 5 doanh nghiệp viễn thông sở hữu hạ tầng và tần số gồm Vinaphone, Viettel, Mobifone, Vietnammobile, Gtel.

Theo Kinh tế & Đô thị, MVNO đã phát triển mạnh tại nhiều quốc gia như: Trung Quốc có trên 60 mạng với khoảng 75 triệu thuê bao; Đức có trên 130 mạng với 54 triệu thuê bao; Mỹ có trên 30 mạng với hơn 50 triệu thuê bao; hay ở Anh, 20% thị phần của thị trường di động thuộc về các nhà mạng ảo.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ có tổng cộng 8 nhà mạng viễn thông, thua xa so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy dư địa cho những mạng ảo còn khá lớn nhưng để chiếm được thị phần là việc không hề dễ dàng. Hiện, tổng số thuê bao của các mạng di động ảo chỉ chiếm khoảng 2% tổng số thuê bao di động trên thị trường.

iTel là đơn vị đầu tiên triển khai mạng di động ảo trong nước.
Nguồn: Tuổi Trẻ

Tại Việt Nam, hiện chỉ có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ này là: Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (iTel) với đầu số 087, Công ty cổ phần Mobicast (Reddi) với đầu số 055 và Công ty cổ phần Viễn thông Asim (Local) với đầu số 089. VnExpress đưa tin, tổng thuê bao đang hoạt động của ba nhà mạng này là hơn 1 triệu, chiếm trên 1% thị phần.

Là đơn vị đầu tiên triển khai mạng di động ảo trong nước, sau hơn 3 năm, iTel chỉ sở hữu khoảng 1 triệu thuê bao di động phát sinh cước hàng tháng tính đến hết tháng 9/2022 (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Với chiến lược tập trung vào thị trường ngách và người dùng có thu nhập thấp, trong năm đầu tiên kinh doanh, nhà mạng này chỉ đạt doanh thu 1,8 tỷ đồng và lỗ gần 5,5 tỷ. Tuy nhiên, iTel đã nhanh chóng có lãi hơn 20 tỷ đồng ngay năm sau đó khi doanh thu tăng lên gần 57 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm nay, iTel ghi nhận doanh thu tăng mạnh lên đến 442 tỷ đồng, gấp hơn 4,5 lần cả năm ngoái và lãi 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Vinaphone – nhà mạng mà iTel đang dùng chung hạ tầng. Năm 2021, Vinaphone đạt doanh thu 41.500 tỷ đồng và lãi gần 1.400 tỷ. Sự chênh lệch này phần nào phản ánh đúng mô hình kinh doanh của nhà mạng ảo là mua dung lượng dư thừa từ các ông lớn với giá bán buôn để đi bán lẻ.

Nguồn: VnExpress

Ra đời sau iTel một năm – tháng 6/2020, nhưng mạng di động ảo Reddi của Công ty cổ phần Mobicast lại khó khăn hơn nhiều. Đến hết tháng 9, nhà mạng này mới có gần 50.000 thuê bao. Những năm đầu hiện diện trên thị trường viễn thông, chưa năm nào doanh thu của Reddi vượt quá 4 tỷ đồng. Thậm chí, khoản lỗ của Reddi năm sau lại tăng gấp đôi năm trước. Cụ thể, doanh nghiệp này lần lượt ghi nhận lợi nhuận âm 27,8 tỷ và 55,9 tỷ đồng năm 2020, 2021.

Sau hơn 1 năm vật lộn, tháng 9/2021, Mobicast đã bán lại 70% cổ phần, trị giá 295,5 tỷ đồng cho Tập đoàn Masan. Trong kế hoạch mới nhất vừa công bố, năm 2022, Masan sẽ tăng cường truyền thông tiếp thị, cải thiện nội dung và trải nghiệm người dùng trên ứng dụng Reddi, đồng thời duy trì chi phí thu hút khách hàng mới ở mức thấp. Hiện tại, sim điện thoại Reddi đã được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị Winmart của Masan.

Nhờ có sự tham gia của Masan, sau 3 quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của Reddi cũng khởi sắc hơn khi doanh thu tăng mạnh lên 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà mạng này vẫn chưa thể có lãi do đang trong quá trình xây dựng hệ thống.

Nguồn: VnExpress

Tân binh mới nhất trên thị trường MVNO là Local của Công ty cổ phần Viễn thông Asim ra mắt vào đầu tháng 5/2021, sử dụng hạ tầng của Mobifone và được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng có thời hạn đến hết tháng 3/2037. Chính thức cung cấp dịch vụ từ giữa năm nay, Local cũng đặt trọng tâm là các gói cước data rẻ, phù hợp với phân khúc khách hàng trẻ tuổi.

Ngoài ra, thị trường MVNO Việt Nam cũng có thể đón thêm một số cái tên mới. Hồi tháng 4, Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam (thuộc VNPAY) đã được cấp phép cung cấp mạng viễn thông di động ảo trong thời gian 10 năm. Bên cạnh đó, FPT Retail cũng đang tính phát triển mạng di động ảo dựa trên lợi thế sẵn có với tệp khách hàng lớn, cùng hệ thống phân phối hàng đầu thị trường (chuỗi FPT Shop và nhà thuốc Long Châu). FPT Retail dự kiến hợp tác, sử dụng hạ tầng viễn thông của nhà mạng Mobifone.

Local là tân binh mới nhất trên thị trường MVNO.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Theo ước tính, hiện, Việt Nam đang có khoảng hơn 123 triệu thuê bao di động, con số này đang gần với mức bão hòa với tỷ lệ tăng trưởng thuê bao mới trong vòng 6 tháng chưa đạt đến mức 0,1%. Không chỉ vậy, giá truy cập Internet của các nhà mạng Việt Nam hiện thuộc diện thấp nhất thế giới với chỉ khoảng 0,57 USD cho 1GB dữ liệu. Điều này khiến cho doanh thu trung bình của ngành viễn thông chỉ đạt khoảng 6 USD/tháng, chứng tỏ không gian phát triển theo kiểu truyền thống là rất ít đối với các mạng di động ảo.

Tuy nhiên, các nhà mạng ảo vẫn được đánh giá là còn dư địa để phát triển khách hàng mới. Nhận định về cơ hội của mạng di động ảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Đoàn cho rằng, cơ hội là có nhưng không tập trung ở dịch vụ viễn thông cơ bản.

Các mạng ảo nên tập trung xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, từ đó lôi kéo thêm người dùng. Nguồn doanh thu chính sẽ phải từ hệ sinh thái nói trên chứ không phải từ dịch vụ viễn thông. Đây cũng chính là mô hình của nhiều mạng di động ảo thành công trên thế giới đang áp dụng.

Các doanh nghiệp phát triển sau này có thể tập trung vào nhóm khách hàng ưu tiên giá rẻ, dung lượng data lớn như công nhân, học sinh, sinh viên hay khách du lịch nước ngoài sắp tới tăng trở lại Việt Nam. Ngoài ra, các nhà mạng ảo cũng có thể thu hút người dùng khi vẫn sở hữu lượng sim số đẹp lớn.

* Nguồn: Tổng hợp