4 “ông lớn” thương mại điện tử Việt Nam: Cố gắng tìm lợi nhuận vì lỗ vượt vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính về 4 sàn thương mại điện tử nắm thị phần lớn ở Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo do DealStreetAsia thực hiện, các doanh nghiệp này trong nhiều năm gần đây vẫn đang trong tình trạng thua lỗ, thậm chí một số công ty đã có mức lỗ đã vượt quá vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo của DealStreetAsia, mô hình sàn vài năm trở lại đây đã bắt đầu chuyển dịch xu hướng từ đốt tiền sang đẩy mạnh doanh thu.

Tại thị trường Việt Nam, việc kiếm lợi nhuận tại lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là không đơn giản vì chi phí hoạt động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng hậu cần TMĐT tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc. Việc áp dụng các công nghệ đổi mới cũng đòi hỏi lượng lớn tài nguyên và nguồn lực.

Sau khi chương trình khuyến mãi cũ kết thúc và lắng xuống, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những chương trình khuyến mãi lớn tiếp theo. Mấu chốt là biến khách hàng mới, dễ kiếm thành khách hàng trung thành. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư đáng kể vào quá trình nhận diện thương hiệu, trải nghiệm người dùng, chất lượng sản phẩm và quy trình hậu cần”, Vlad Savin, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Acclime Việt Nam, nhận định.

Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử báo lỗ mặc dù thị trường này luôn sôi động.
Nguồn: Zingnews

4 “ông lớn” lỗ nặng

Theo Zingnews, trong năm tài chính 2019, Shopee là sàn TMĐT thiệt hại nặng nề nhất với khoản lỗ lên tới 2.400 tỷ đồng, đến năm 2020 là 1.600 tỷ đồng và năm 2021 là gần 800 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng (khoảng 320 triệu USD, chỉ sau Lazada). Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 2.200 tỷ đồng.

Mặt khác, Lazada dưới pháp nhân là Công ty TNHH Recess ghi nhận khoản lỗ 76,8 triệu USD trong 2 năm liên tiếp là 2019 và 2020. Đến hết năm tài chính 2021, Lazada lỗ luỹ kế đạt 373,4 triệu USD, lỗ lớn nhất trong các sàn TMĐT tại Việt Nam. Theo PwC, đơn vị kiểm toán các con số từ Recess, khoản lỗ lũy kế của Lazada tính đến ngày 21/3 đã vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu (ở mức 7.600 tỷ đồng). Điều này thậm chí đã làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Hai sàn TMĐT nội địa là Tiki và Sendo cũng chứng kiến sự cải thiện trong giai đoạn 3 năm 2019-2021 nhưng vẫn rơi vào cảnh thua lỗ. Riêng năm tài chính 2021, Tiki và Sendo lỗ lần lượt 54,2 triệu USD và 28,3 triệu USD. Cả 2 sàn này có cùng mức lỗ lũy kế gần 200 triệu USD. Khoản lỗ lũy kế của 2 sàn TMĐT của Việt Nam đều vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính.

Nguồn: Zingnews

Những kết quả trên gần như trái ngược với các đánh giá cho rằng TMĐT Việt Nam đang trên đà phát triển và trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), Việt Nam nằm trong nhóm 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới và là thị trường lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Với quy mô gần 100 triệu dân, trong tương lai, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, so với 13 tỷ USD vào năm 2021. Shopee, Lazada, Tiki, Sendo cũng hiện diện ở mọi ngóc ngách của lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao 4 “ông lớn” ngành TMĐT lại liên tục kêu lỗ?

Nguồn: Zingnews

Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận vẫn âm

Nhà sáng lập King Broker – Trịnh Nguyên Tuấn Anh cho biết, mục đích của các sàn TMĐT này là mở rộng mạng lưới bán hàng. Ví dụ như Alibaba sử dụng Lazada để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam.

Có những nguồn lợi nhuận khác để phân bổ nhằm bù lỗ cho hoạt động của Lazada và họ chấp nhận lỗ nhưng quan trọng là chiến lược tổng thể thành công. Cùng với đó tài sản giá trị nhất của các trang này là hệ thống, đặc biệt là mạng lưới bán hàng và tập khách hàng, đây chính là tài nguyên giá trị của họ.

Mặc dù, việc báo lỗ khủng vẫn thường xuyên được công bố trong các báo cáo quý và năm của họ, nhưng không thể phủ nhận, TMĐT sẽ tiếp tục có những thay đổi lớn trong thời gian tới với sự tham gia của nhiều công ty lớn có quy mô toàn cầu.

Shopee vẫn là sàn TMĐT phát sinh doanh thu cao nhất, lên tới 243,2 triệu USD vào năm 2021, kế sau là Lazada với 145 triệu USD.

Dù nắm thị phần chỉ sau Shopee và Lazada, các sàn TMĐT “cây nhà lá vườn” của Việt Nam có quy mô doanh thu tương đối hạn hẹp. Trong khi Tiki vẫn tăng trưởng doanh thu hàng năm, cải thiện từ 3,3 triệu USD vào năm 2019 lên lần lượt 27,7 triệu USD và 35 triệu USD 2 năm sau đó thì Sendo lại quay đầu sụt giảm, từ 22,4 triệu USD vào năm 2019 xuống lần lượt 16,8 triệu USD và 7,7 triệu USD 2 năm sau.

Nguồn: Zingnews

Thực tế, các doanh nghiệp TMĐT vẫn được định giá cổ phần ở mức “khủng”, lên đến hàng trăm nghìn đồng/cổ phần. Mỗi cổ phần của Công ty CP Tiki (DN đang sở hữu sàn TMĐT Tiki) được một đơn vị tư vấn đầu tư và định giá xác định có mức 665.245 đồng. Từ đó, giá trị DN của Tiki được định giá ở mức 13.857,8 tỷ đồng, tương đương khoảng 600 triệu USD. Đây là mức giá gây ra không ít bất ngờ vì các DN sở hữu sàn TMĐT nói chung tại Việt Nam, cụ thể là 4 “ông lớn” Shopee, Lazada, Sendo và Tiki hiện vẫn đang trong quá trình “lỗ trong kế hoạch”.

“Sống” nhờ vốn đầu tư

Hiện tại, các công ty TMĐT tại Việt Nam đều được hậu thuẫn bởi các tập đoàn TMĐT nước ngoài hay là các công ty giàu tiềm lực. Chẳng hạn như: Lazada, được hậu thuẫn bởi Alibaba với mức vốn rót vào tới 4 tỷ USD, để mở rộng hoạt động sang thị trường Đông Nam Á; Tiki được góp góp bởi VNG và JD.com, đến năm 2021 sàn này chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore; hay Shopee là công ty con của SEA, tập đoàn Singapore được Tencent hậu thuẫn.

Dù lỗ khủng, các sàn TMĐT này vẫn tiếp tục huy động thêm được vốn. Theo Kinh tế & Đô thị, tập đoàn Alibaba đã cam kết hỗ trợ tài chính cho Lazada để thanh toán các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Kể từ đầu năm, Alibaba đã đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD cho Alibaba Đông Nam Á.

Ernst & Young (EY), đơn vị kiểm toán của Shopee Việt Nam, đã xác nhận điều tương tự trong báo cáo tài chính năm 2021 của công ty. EY cho biết, Sea Limited cam kết hỗ trợ Shopee Việt Nam thanh toán các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Hoạt động TMĐT thường được trợ vốn từ công ty mẹ hoặc huy động ngân sách thông qua các vòng gọi vốn.

Nếu không được hỗ trợ bởi công ty mẹ, các doanh nghiệp TMĐT thường huy động ngân sách đầu tư thông qua các vòng gọi vốn. Tháng 11 năm ngoái, Tiki hoàn tất vòng gọi vốn series E trị giá 258 triệu USD trước khi được Shinhan Financial rót thêm vốn và mua lại 10% cổ phần đầu năm nay. Trong khi đó, Sendo huy động thành công 57 triệu USD thông qua các khoản vay chuyển đổi kể từ năm 2020.

Theo nhận định của các chuyên gia, với sàn TMĐT lớn, khi một gian hàng đi vào kinh doanh thì các sàn này sẽ thu 3 khoản phí chính: Chiết khấu, thanh toán và chuyển hoàn. Với hệ thống lên đến hàng chục nghìn gian hàng và người bán, doanh thu từ các loại phí của các sàn TMĐT có thể lên đến vài triệu USD một năm. Như vậy, với mô hình càng lớn và càng nhiều gian hàng trên sàn, các công ty sẽ càng kiếm được nhiều lợi nhuận từ các loại phí của người bán hơn.

Chưa kể các sàn TMĐT còn bán các gói quảng cáo cho gian hàng trên trang web và đẩy gian hàng lên top tìm kiếm với giá vài chục triệu cho một gói marketing. Ngoài ra, các sàn còn kết hợp với các ví điện tử vào nền tảng. Những cú bắt tay lớn với các đại gia mang đến cho họ nguồn hoa hồng và chiết khấu khác nhau.

Theo Kinh tế & Đô thị, hầu hết các DN lớn như Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo mỗi năm đổ hàng nghìn tỷ đồng vào quảng cáo, khuyến mại, giảm giá... nhờ việc được “chống lưng” bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn TMĐT nước ngoài.

* Nguồn: Tổng hợp