Bí mật tạo nên phong cách thuyết trình riêng

Hầu hết nghệ sĩ khi bước lên sân khấu đều mong muốn được khán giả đón nhận và nhớ đến. Những diễn giả cũng vậy, luôn mong muốn gây ấn tượng cho người nghe và được nhận ra ngay cả khi chưa bắt đầu trình bày.

Phong cách cá nhân tức đặc điểm nổi bật của riêng một người, được ví von như cách người ta thể hiện cái tôi của mình với người xung quanh. Phong cách cá nhân là yếu tố vô cùng quan trọng không chỉ trong việc thuyết trình mà còn trong cuộc sống của mỗi người. Định hình được phong cách cá nhân là bước đầu quan trọng trong việc định hướng con đường phát triển sau này. Nhưng đó là điều không thể có liền trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình dài xây dựng và duy trì để người khác nhớ đến.

Trong thuyết trình, việc xây dựng hình tượng cá nhân sẽ giúp cho diễn giả hiểu được mình là ai, mình có thế mạnh gì và đưa ra các phương án phát triển những ưu điểm đó. Phong cách cá nhân khi thuyết trình không chỉ tạo nên sự khác biệt và cá tính riêng cho người nói mà còn là lời khẳng định với khán giả về giá trị mình có thể mang lại.

Hiện nay, nhiều người có thể bước lên sân khấu và chia sẻ về chủ đề nào đó. Nhưng không phải ai cũng có khả năng thu hút và làm cho người nghe bên dưới tò mò về họ trong những lần xuất hiện sau. Để làm được điều đó, người thuyết trình không chỉ đầu tư về mặt nội dung, chất xám mà còn phải để lại “chữ ký” (signature) của mình sau mỗi bài nói để khẳng định cái tôi của bản thân. Chữ ký đó của mỗi người sẽ không giống nhau và tùy vào khả năng của người diễn thuyết mà thời gian lưu lại dấu ấn với khán giả sẽ dài ngắn khác nhau.

Thành công của một diễn giả là khiến người nghe ngay lập tức có thể nhận ra và chờ đợi sự xuất hiện của mình thông qua một vài từ khóa, một vài hình ảnh hay âm thanh có liên quan. Ví như khi nhắc đến Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những bài giảng rất đời thường được truyền tải một cách đầy hài hước và cuốn hút của vị diễn giả “chửi bậy” nổi tiếng nhất Việt Nam.

Phong cách cá nhân khi thuyết trình không phải là điều quá khó để tạo ra. Nó bắt nguồn từ những yếu tố vô cùng đơn giản nhưng phải có sự đồng nhất để người nghe ghi nhớ hình ảnh của diễn giả. Đó có thể là giọng nói của người thuyết trình, một tông giọng đặc trưng không lẫn với ai sẽ dễ dàng khiến người nghe ấn tượng và ghi nhớ. Hơn thế, người diễn thuyết cũng có thể sử dụng những bài nhạc, hiệu ứng riêng cho mỗi lần xuất hiện trên sân khấu của mình để tạo ra sự độc đáo đồng thời thu hút sự chú ý của khán giả. Phong cách cá nhân cũng đến từ trang phục của chính người nói, một bộ quần áo thể hiện được cá tính riêng của người trình diễn.

Nhà tâm lý học Dr. Jennifer Baumgartner, tác giả cuốn sách nổi tiếng “The Psychology of Dress”, nhận định: “Bạn có thể thay đổi cách nhìn thế giới đối với mình thông qua những trang phục mang dấu ấn cá nhân”. Giống như Steve Jobs luôn diện một chiếc áo cổ lọ đen vì nó không chỉ tiện lợi mà còn hình thành một phong cách riêng, điều mà ông đã từng làm cho Apple và giờ đây muốn làm cho chính mình. Hay như Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, người nổi tiếng với hình ảnh quần tây và áo sơ mi đóng thùng, thậm chí thầy còn thẳng thắn thừa nhận việc mặc những chiếc quần y hệt nhau khi đi dạy để xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình.

Steve Jobs luôn diện một chiếc áo cổ lọ đen để hình thành phong cách riêng.

Phong thái khi thuyết trình cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Tùy vào nội dung bài nói, đối tượng nghe, không khí của buổi diễn thuyết và hơn hết là tính cách bản thân mà mỗi diễn giả sẽ có một phong thái riêng khi trình bày. Đó có thể là sự nhẹ nhàng, từ tốn giống như nhà giáo dục Giản Tư Trung, dùng ngôn từ ôn hòa và khả năng ăn nói của mình để từng chút một đi vào lòng khán giả. Hay như Les Brown, một diễn giả người Mỹ nổi tiếng về lĩnh vực truyền cảm hứng về động lực cuộc sống, các bài nói của ông đều bình dị, gần gũi nhưng vô cùng sâu sắc và để lại nhiều suy ngẫm trong lòng người nghe. Còn với Nguyễn Hữu Trí người sáng lập chương trình Awake your Power, ông là một diễn giả được giới trẻ yêu thích bởi những câu nói châm biếm đầy thẳng thắn nhưng cũng không kém phần hài hước và duyên dáng.

Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện kỹ năng VTALK nhận định: “Kiến thức hiện tại trong xã hội ngày nay đã bị san phẳng, ai cũng dễ dàng tìm ra những triết lý giống hệt nhau. Vì vậy việc của một nhà diễn giả tài năng là chuyển biến kiến thức đó thành ngôn ngữ của riêng mình, theo cách dễ hiểu và ấn tượng nhất, thôi thúc hành động và sự suy tư cho khán giả”. Thông qua bài nói, người thuyết trình không chỉ truyền tải nội dung mà còn trình bày kiến thức, giá trị của mình đồng thời khẳng định cái tôi cá nhân, bày tỏ quan điểm với các thính giả ngồi bên dưới.

Không có một quy chuẩn nào cho việc định hình phong cách thuyết trình của mỗi cá nhân. Nhẹ nhàng, ôn tồn hay dí dỏm, hài hước, tất cả là tùy vào cách diễn giả muốn xây dựng và theo đuổi. Việc xây dựng phong cách cá nhân không phải là chuyện của một hay hai ngày mà đó là cả quá trình dài nỗ lực. Vì thế, sau mỗi bài nói, signature của người diễn giả nên được thể hiện để khán giả ghi nhớ như một đặc trưng không thể quên của người thuyết trình.

Phong cách cá nhân khi thuyết trình là dấu ấn tạo nên sự khác biệt của một diễn giả. Thông qua những chi tiết quen thuộc được đồng nhất và lặp lại trong những lần xuất hiện, mỗi người thuyết trình sẽ có thể xây dựng phong cách cá nhân để gây thương nhớ cho người nghe.

Link nguồn tại đây