Bí quyết của những Bài Thuyết Trình hay nhất: Sự hoàn hảo đến từ điều Đơn giản

Carmine Gallo - Diễn giả, nhà báo nổi tiếng thế giới từng khẳng định, những nhà lãnh đạo vĩ đại khi truyền tải thông điệp đều dùng lối diễn đạt đơn giản đến mức học sinh lớp 3 cũng có thể đọc và hiểu được.

Có một điểm tương đồng trong tất cả những bài diễn thuyết nổi tiếng nhất thế giới, đó là luôn truyền tải một thông điệp rất đơn giản. Nhắc đến thuyết trình, chúng ta hình dung về những ngôn từ đao to búa lớn, về bộ vest đĩnh đạc và những khuôn mặt nghiêm nghị. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của thuyết trình chính là tác động và làm thay đổi nhận thức của con người. Vì thế, thông điệp càng đơn giản, phần trình bày càng thành công.

Bí mật của bài thuyết trình hay nhất: sự hoàn hảo đến từ điều đơn giản

Albert Einstein - người hùng của nền khoa học hiện đại từng nhận định, "Nếu bạn không thể giải thích vấn đề một cách đơn giản, bạn không hiểu nó đủ rõ". Tức, cách trình bày càng đơn giản càng chứng minh được sự thấu hiểu và khả năng thâu tóm vấn đề rất chắc chắn của người nói.

Đây là lý do mà Steve Jobs luôn lấy sự tinh giản làm tiêu chí ưu tiên hàng đầu cho các bài diễn thuyết của mình. Chẳng hạn, ông luôn tối thiểu hóa nội dung trong bản trình chiếu xuống mức thấp nhất (không quá 40 chữ/slide), thay vào đó là những hình ảnh trực quan, sinh động hơn. Khi chọn dẫn chứng cho nội dung chia sẻ, Jobs sẽ kể những câu chuyện mà người dùng thường gặp về sản phẩm của Apple với các tình huống vô cùng thân thuộc. Thậm chí, sự đơn giản còn được áp dụng triệt để trong những con số thống kê: thay vì nói rằng 25 tỷ bài hát đã được tải xuống từ iTunes trong ba năm, Jobs ấy nói rằng 15.000 bài hát được tải xuống từ iTunes mỗi phút. Con số đó mang lại cảm giác lớn hơn và dễ hình dung hơn.

Và để có được cách chia sẻ gần gũi và dễ hiểu như thế, Steve Jobs đã sống bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết cũng như là dồn mọi tâm sức vào Apple.

Steve Jobs với lối thuyết trình gần gũi, thân thuộc

Không chỉ vậy, sự đơn giản còn mang lại lợi thế tiếp cận tốt hơn cho bài thuyết trình. Con người được sinh ra với những tiềm năng và thế mạnh riêng, do đó, khả năng tiếp nhận của mọi người vốn không giống nhau. Đó là chưa kể, môi trường giáo dục và làm việc của mỗi cá nhân cũng có sự khác biệt. Chính vì thế, cách nói đơn giản, dễ hiểu sẽ là phương thức tốt nhất nhằm tiếp cận và lan tỏa thông điệp đến nhiều đối tượng người nghe hơn.

Tiêu biểu như bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Xét về tính chất, đây là một văn bản chính trị, mang dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng của cả một dân tộc. Tuy nhiên, vị lãnh tụ vĩ đại của ta lại ưu tiên sử dụng những câu từ và lối diễn đạt đơn giản nhất để người nghe, từ những vị lãnh đạo cấp cao đến các bác nông dân hay những bạn học sinh, sinh viên cũng đều có thể hiểu được. Ngay từ lời chào đầu tiên, chúng ta đã cảm nhận rất rõ được điều ấy. Người chào “Hỡi đồng bào cả nước”. Là “đồng bào” chứ không phải “nhân dân” hay “dân tộc”. Vì “Đồng bào” là cách gọi vừa thể hiện được tình cảm thân thuộc, vừa là tên gọi chung cho mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt với bất cứ ai. Nhờ thế mà hàng triệu trái tim người Việt đã vỡ òa xúc động khi lắng nghe từng lời, từng chữ của Người trong buổi chiều thiêng liêng ấy.

Hay như chương trình truyền hình trực tiếp ăn khách nhất nước Mỹ “Super Bowl”, những người dẫn chương trình phải học cách đơn giản hóa mọi lời nói để có thể truyền tải nội dung đến được với số lượng khán giả đông đảo nhất. Không phải ai cũng sẵn sàng để ghi nhớ mọi lời từ người khác, khả năng tiếp nhận thông tin trong cùng một thời điểm của con người cũng bị hạn chế, vì thế, câu chuyện càng đơn giản thì khả năng thu hút và được lan truyền càng cao.

Thậm chí, nhờ cách thuyết trình đơn giản mà diễn giả còn có thể giảm thiểu được rủi ro gặp các vấn đề khách quan trong khâu truyền tải như giọng địa phương, khác biệt ngôn ngữ… Chẳng hạn như cùng là Anh ngữ nhưng tiếng Anh-Mỹ lại có nhiều mặt nghĩa, nhiều cách phát âm khác hoàn toàn so với tiếng Anh-Anh. Nếu diễn giả không cố gắng dùng cách diễn đạt đơn giản nhất, khả năng cao sẽ có những tình huống khán giả hiểu sai hoặc không hiểu được thông điệp cần truyền tải.

Bài thuyết trình đơn giản xóa tan rào cản ngôn ngữ

Vậy làm sao để biến nội dung bài thuyết trình trở nên đơn giản và gần gũi nhất?

Điều này đòi hỏi mỗi diễn giả phải liên tục trau dồi và phát huy giá trị nội tại của mình. Cụ thể, họ phải liên tục học hỏi để có sự hiểu biết sâu rộng và nắm vững chuyên môn của mình trước khi trở thành một diễn giả tài năng. Vì chúng ta chỉ có thể nói hay, nói tốt về những gì mình am hiểu. Thứ hai, trau dồi sự say mê với những gì mình trình bày. Cảm xúc vốn là một phần của quá trình tiếp nhận, cũng là động lực tạo cho người nói khả năng kết nối với khán giả, vì thế, người nói càng say mê thì khán giả càng dễ đồng cảm hơn. Cuối cùng, diễn giả luôn phải có lòng thấu cảm, nghĩa là phải có sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khi diễn giả đủ thấu cảm cũng là lúc họ có thể biến bài nói thành món quà riêng cho từng khán giả, vừa thân thuộc, vừa sâu sắc.

Đâu phải hiển nhiên mà những diễn giả nổi tiếng như Obama, Steve Jobs, Lê Thẩm Dương hay Elon Musk luôn cố gắng biến bài diễn thuyết của mình trở thành thứ ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất. Lịch sử thế giới cũng đã chứng minh, những thông điệp bất hủ luôn là những câu nói gần gũi và thường nhật. Giống như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng khẳng định: "Từ ngắn gọn là những từ tốt nhất, và những từ thông dụng mà ngắn gọn lại càng tốt hơn".

Link nguồn bài viết tại đây