Cô Nguyễn Minh Thảo chia sẻ về lợi ích của giáo dục kỹ năng trong thời đại mới

Giáo dục lý tưởng nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

Chúng ta kỳ vọng giáo dục sẽ biến những đứa trẻ thành các kỹ sư lỗi lạc, nhà khoa học cừ khôi, nhà điều hành đa năng hay những người thợ có năng lực... nhưng lại quên đi các yêu cầu của thời đại mới, nơi mà xã hội mong muốn ở con người sự toàn diện và bứt phá vượt trội hơn.

Áp lực từ quá trình hội nhập và phát triển khiến các bạn trẻ dễ bị mất cân bằng, phải đối diện với nhiều thử thách trong hành trình tìm kiếm bản thể và theo đuổi đam mê của chính mình. Do đó, theo cô Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ, “Hệ thống giáo dục tiến bộ phải hướng con người đến một môi trường học tập lý tưởng hơn, nơi mà mọi nguồn ý kiến đều được đóng góp, tranh luận, đúc kết và trở thành quan điểm được chấp nhận. Tức là giáo dục hiện đại coi trọng việc phát triển các kỹ năng sống cho học sinh nhằm thúc đẩy việc kết nối và tăng cường khả năng lãnh đạo, làm chủ chính mình”.

Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng Học viện VTALK Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng Học viện VTALK

Giáo dục kỹ năng và thái độ của người Việt

Chúng ta đã nghe, đã nói quá nhiều về câu chuyện giáo dục kỹ năng với quan điểm “gối đầu giường” là sự thành công của một người được quyết định phần lớn bởi kỹ năng mềm mà họ có. Vậy chúng ta đã và đang làm gì để biến quan điểm ấy thành hành động trong cuộc sống?

Cô Minh Thảo cho biết, “Hiện nay hoạt động phát triển kỹ năng đang rất được chú trọng trong nhà trường, bằng chứng là sự đổi mới về chương trình học đang dần thay đổi vị thế của học sinh trong lớp, biến các bạn thành người chủ động kiểm soát trong quá trình học hỏi tri thức”.

Tuy nhiên khâu tiếp nhận từ phía người lớn, cụ thể là chính phụ huynh học sinh lại khiến cô Minh Thảo rất trăn trở. Cô Thảo cho hay, “Để hoàn thiện kỹ năng cho học sinh, chúng ta phải làm một cuộc “cách mạng” thực sự nhằm áp dụng triệt để vào mọi phương diện trong cuộc sống của các bạn nhỏ. Điều ấy cần sự ủng hộ và chung tay từ nhiều phía. Thế nhưng phần đa các phụ huynh ở ta còn giữ thái độ rất thờ ơ. Hoặc cho rằng giáo dục kỹ năng là trách nhiệm của riêng nhà trường. Hoặc xem kỹ năng không phải là ưu tiên dành cho con cái. Luồng suy nghĩ ấy đã trực tiếp “cắt bỏ” đi cơ hội và động lực để các học sinh chuyên tâm rèn luyện kỹ năng”.

“Đó cũng là lý do mà trong lớp học, nhiều bạn học sinh thậm chí không thể trả lời rành mạch một câu hỏi dù biết rõ đáp án là gì, các em rất ngại phải bày tỏ quan điểm trước lớp và cũng không dám lên thuyết trình mỗi khi giáo viên yêu cầu. Chúng ta sẽ không thể thay đổi thực trạng ấy nếu chính phụ huynh và bản thân học sinh không cảm nhận hết được giá trị của giáo dục kỹ năng”, cô Thảo bộc bạch.

Kỹ năng nâng cao chất lượng học tập

Khi thực hiện những cuộc trao đổi trực tiếp với chính bố mẹ và học sinh, cô Thảo nhận ra, “Điều khiến phụ huynh còn ngập ngừng trong việc đầu tư các kỹ năng cho con là vì lo sợ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập trên lớp như sợ tốn quá nhiều thời gian của các môn học chính khóa, học sinh lơ là mất tập trung hoặc không đạt được điểm cao như kỳ vọng. Tâm lý này hầu như xuất hiện ở suy nghĩ của mọi phụ huynh. Nhưng sự thật là kỹ năng có kết nối mạnh mẽ với kiến thức, là công cụ và phương pháp giúp nâng cao chất lượng học tập ở trên lớp”.

Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng Học viện VTALK Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng Học viện VTALK

“Kiến thức và kỹ năng tồn tại như hai mặt của một tờ giấy, không thể tách rời. Nếu có kỹ năng mà không có kiến thức thì kỹ năng đó không thể mang lại tác dụng thực tiễn. Nếu có kiến thức mà không có kỹ năng thì kiến thức ấy khó có thể tạo ra giá trị tối đa cho người dùng”, cô Thảo khẳng định.

“Xét về bản chất, các kỹ năng luôn tác động trực tiếp lên quá trình học tập trên lớp của các bạn học sinh. Chẳng hạn như đối với kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình, học sinh có thể vừa học một cách chủ động hơn vừa nâng cao được khả năng tổng hợp, ghi nhớ và chia sẻ kiến thức. Vì thuyết trình tạo ra động lực thôi thúc các bạn trau dồi lối tư duy có hệ thống, có được phương pháp khái quát vấn đề cũng như biết cách chia sẻ, thuyết phục người khác tốt hơn. Đó là chưa kể, thông qua việc trình bày trước đám đông, học sinh sẽ vượt qua được tâm lý nhút nhát, dám bộc lộ cá tính và có thêm động lực học tập vì các bạn hiểu rằng, ý kiến của các bạn đang được đón nhận nồng nhiệt”, cô Minh Thảo chia sẻ thêm.

Ngoài mục đích về học tập và chia sẻ kiến thức, các kỹ năng, nhất là kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình đang mang lại giá trị vô cùng thực tế trong việc gắn kết các mối quan hệ trong gia đình. Cô Thảo nhận định, “Khoảng cách thế hệ khiến việc trao đổi giữa bố mẹ và con cái gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là để lại những xung đột. Vì thế, khi học sinh đã được học về kỹ năng thuyết trình, các bạn sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, bộ lộ thái độ đúng mực và có lối trình bày, trao đổi thiện chí hơn với bố mẹ”. Đó là một trong những lợi ích “trông thấy” mà giáo dục kỹ năng đã và đang hướng tới cho sự tiến bộ và phát triển của các bạn học sinh.

Rèn luyện Kỹ năng với nền tảng là Giao tiếp - Thuyết trình

Đã qua rồi cái thời mà xã hội “đong đo” năng lực của con người thông qua những chuẩn mực vạch sẵn như điểm số và bằng cấp. Cuộc đua bây giờ là cuộc đua của sự kết nối tính hoàn hảo trong quá trình phát triển bản thân, nơi mà chỉ kiến thức là không đủ để tạo được dấu ấn cho cá nhân mình.

Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng Học viện VTALK Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng Học viện VTALK

Do đó, cô Thảo cho rằng, mỗi người phải là một nhân tố đóng góp cho quá trình đổi thay quan trọng này: “Chúng ta cần sự nỗ lực và hợp tác từ cả hai phía. Một mặt, các bậc phụ huynh phải cởi bỏ lối tư duy đóng khung rằng chỉ có tri thức mới quyết định tương lai con cái và sẵn sàng cho những giải pháp đầu tư hiệu quả hơn về giáo dục. Mặt khác, các bạn học sinh phải tự ý thức và nỗ lực rèn luyện để thuần thục những kỹ năng quan trọng của thời đại mới, đặc biệt là kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình”.

Với kinh nghiệm giảng dạy thực tế của mình, cô Nguyễn Minh Thảo rất quan tâm đến việc phát huy khả năng thuyết trình, thuyết phục của học sinh. Cô cho rằng, “Thuyết trình là nền tảng cần thiết để thuần thục mọi kỹ năng mềm khác. Vì kỹ năng thuyết trình tác động trực tiếp đến phương pháp giáo dục cũng như cách thức thể hiện mình của mỗi học sinh”.

Vì vậy, để rèn luyện và không lãng phí cơ hội thuần thục kỹ năng trong quá trình học tập, mỗi học sinh cần học cách chủ động tham gia vào quá trình diễn đạt này. Cô Minh Thảo có bật mí thêm, “Thuyết trình có thể được luyện tập như thông qua việc kiểm tra bài cũ, làm việc nhóm hay đơn giản hơn là kỹ năng phát biểu xây dựng bài”.

Quan trọng là chúng ta có sự nỗ lực từ nhiều phía: nhà trường, gia đình và cả xã hội. Một thế hệ giỏi giang, năng động bao giờ cũng phải bắt nguồn từ sự nỗ lực và kiên trì bền bỉ của nhiều thế hệ. Với tâm huyết dựng xây của hệ thống giáo dục hiện tại, chúng ta có thể mong chờ vào một môi trường học tập lý tưởng trong tương lai dành cho các em học sinh.