Giáo viên VTALK Trần Thị Hương: sự cần thiết của giáo dục Kỹ năng

Giáo dục có thể đào tạo cả thế hệ giỏi giang nhưng lại chưa sẵn sàng cho những đổi thay của thời đại mới.

Trần Thị Hương - Giáo viên Kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK

Giáo dục là hành trình tác động trực tiếp đến việc nuôi dưỡng và phát triển nhân cách, tri thức của thế hệ trẻ. Giáo dục sẽ tạo ra những con người biết sống vì ý nghĩa thực sự cho xã hội. Tuy nhiên, làm giáo dục trong thời đại mới, chúng ta cần có những tư duy và góc nhìn nhất định phải “mới”. Giáo dục hiện đại không thể cứ mãi gây dựng nền tảng tri thức mà quên đi kỹ năng - sợi dây kết nối giữa lý thuyết và thực tế đời sống.

Thực trạng hệ thống giáo dục Việt Nam

Tiếp thu tri thức một cách thụ động không còn là vấn đề xa lạ với nền giáo dục Việt Nam. Nhiều thế hệ học sinh đã và đang đón nhận hệ quả từ phương pháp giáo dục thiên về nội dung, thuần cung cấp tri thức một chiều với tính ứng dụng thực tiễn chưa cao.

Theo cô Trần Thị Hương, Giáo viên Kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK: “Với lối tư duy truyền thống, vấn đề then chốt cần hướng đến là lượng kiến thức khổng lồ còn khá khô khan, lí thuyết hàn lâm xa rời thực tế. Dù vậy, không thể phủ nhận vai trò to lớn của việc học kiến thức bởi đó là quá trình xây dựng nền móng vững chắc. Cần khẳng định rằng kiến thức là nền tảng song hành cùng kỹ năng, là động lực thúc đẩy tối đa hiệu quả của việc học. Kỹ năng dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc sẽ góp phần gắn kết lý thuyết với thực tiễn, khiến kiến thức có tính ứng dụng cao hơn, linh hoạt hơn, thuần thục hơn, đa dạng và mang tính kết nối hơn. Kỹ năng giúp người học đi sâu vào cốt lõi chứ không tách rời bản chất của vấn đề, làm cho việc học không trở nên máy móc, gượng ép”.

Trần Thị Hương - Giáo viên Kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK

“Phần lớn học sinh còn rất e dè với những yêu cầu phải nói ra ý kiến, quan điểm cá nhân trước lớp học hoặc đám đông. Các bạn thường tỏ ra hời hợt, thậm chí nhất quyết từ chối bởi vì “sợ” và không biết nên nói gì. Cứ như thế, các bạn dần thu mình lại như con sâu mãi nằm trong kén, chẳng thể hóa thân”, cô Hương bộc bạch khi được hỏi về thực trạng giáo dục trong nhà trường hiện nay.

Khi nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, cô Trần Thị Hương chia sẻ rằng, kỹ năng là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên năng lực cá nhân. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, mọi hoạt động đều được vận hành với tốc độ chóng mặt đã đặt ra những thách thức to lớn cho thế hệ trẻ về khả năng thích nghi và phản ứng linh hoạt với những yêu cầu mới. Lúc này, các kỹ năng cơ bản sẽ phát huy giá trị của nó, là hành trang vững vàng đồng hành cùng các bạn trẻ tiến xa hơn trên con đường phát triển.

Kỹ năng Thuyết trình - Kỹ năng quan trọng nhất của thời đại mới

Chỉ kiến thức là không đủ để giúp các bạn trẻ đạt được thành công như mong muốn, đặc biệt là khi thiếu đi công cụ quan trọng nhất: Kỹ năng Giao tiếp – Thuyết trình.

Theo cô Trần Thị Hương: “Nhắc đến thuyết trình, phần lớn chúng ta coi đây là yếu tố đặc thù của một số ngành nghề như truyền thông, báo chí, tuyên truyền, dẫn chương trình… Tuy nhiên, thuyết trình vốn không phải là kỹ năng riêng biệt của bất cứ ngành nghề nào, nó là một trong những kỹ năng cơ bản của đời sống thường nhật. Hiểu một cách đơn giản, thuyết trình là bày tỏ, truyền tải những suy nghĩ, thông điệp một cách hiệu quả và hấp dẫn nhằm thuyết phục đối tượng giao tiếp bằng phương tiện quan trọng nhất - Lời nói. Chính vì thế, thuyết trình là quá trình cụ thể hóa việc bày tỏ và bảo vệ ý kiến, quan điểm trong cuộc sống đời thường, là kỹ năng không thể thiếu trong thời đại hiện nay”.

Trần Thị Hương - Giáo viên Kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK

Năng khiếu là thế mạnh, nhưng Thuyết trình giỏi cần nhiều hơn thế

Cô Hương chia sẻ: “Kỹ năng thuyết trình phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản. Đầu tiên là năng khiếu, thể hiện thông qua việc chúng ta có thể sử dụng vốn từ vựng phong phú, nói chuyện mạch lạc, lôi cuốn hay mô tả lại sự việc một cách sinh động, duyên dáng. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành bại của bài thuyết trình, mà quá trình học tập và rèn luyện mới là nhân tố quan trọng góp phần thể hiện sự khác biệt của phần trình bày, chia sẻ”.

Cũng theo cô Hương: “Khiếu ăn nói bẩm sinh chắc chắn là lợi thế mà bất kì ai trong chúng ta cũng đều khao khát. Sự hoạt ngôn, hài hước góp phần thúc đẩy hiệu quả giao tiếp trong học tập và làm việc. Với lợi thế sẵn có ấy, người thiên phú vẫn cần rèn luyện thêm chất lượng nội dung cùng các kỹ năng cần thiết để có thể thích ứng linh hoạt, phù hợp với các đối tượng giao tiếp khác nhau.”

Khả năng thiên bẩm giống như viên ngọc thô, chỉ có thể tỏa sáng rực rỡ khi được mài giũa một cách thường xuyên, tỉ mẩn. Chính vì vậy, rèn luyện và trau dồi kiến thức cùng kỹ năng là yếu tố quan trọng góp phần định hình năng lực và giá trị của người sở hữu khiếu ăn nói bẩm sinh.

Đến cả Steve Jobs - một diễn giả nổi tiếng thế giới, trước mỗi buổi thuyết trình còn phải dành đến hai tuần chỉ để chuẩn bị và luyện tập cùng đội ngũ thì những người bình thường như chúng ta càng cần phải nỗ lực luyện tập hơn nữa.

Một bài thuyết trình hoàn hảo luôn bắt nguồn từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một cá nhân.