Xu hướng du lịch chữa lành nở rộ tại Việt Nam

Áp lực từ sự thay đổi lối sống sau đại dịch Covid-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, truyền thông tiêu cực và các loại dịch bệnh gia tăng đã khiến nhiều khách du lịch Việt Nam tìm kiếm đến những kỳ nghỉ, trải nghiệm chữa lành trong năm 2022.

Du lịch chữa lành được hiểu đơn giản bao gồm hoạt động kết hợp các liệu pháp lành mạnh chăm sóc cơ thể (spa, yoga, thể thao, ăn uống thuần chay,…) và tinh thần (thiền định, âm thanh, hội hoạ,…) trong chuyến nghỉ dưỡng hay du lịch, nhằm hỗ trợ toàn diện cho sức khỏe thân - tâm - trí. Hiện tại, các sản phẩm và dịch vụ về sức khỏe (Wellness) và chữa lành (Healing) trong du lịch dần được mở rộng và đa dạng hơn từ cuối năm 2021, khi sức khỏe tâm lý, tinh thần, cảm xúc người Việt dễ dàng bị tổn thương. Nhiều người sinh sống ở những đô thị lớn, mức sống trung lưu trở lên hay cuối thế hệ Y - đầu thế hệ Z sẵn sàng bỏ tiền (thậm chí nhiều tiền) để có được một chuyến du lịch chữa lành đúng nghĩa.

Du lịch chữa lành tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

Trong báo cáo “Kinh tế Sức khỏe toàn cầu” được công bố vào cuối năm 2021, bởi Viện Sức khỏe toàn cầu (GWI) đã dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe tăng trung bình mỗi năm 21%, từ năm 2020 đến 2025. Thậm chí, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe, liên quan đến yếu tố chữa lành tăng nhanh chóng, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.

Nguồn: Om Tara

Đặc biệt, theo khảo sát từ Wellness Tourism Association, có đến 76% người được hỏi cho biết họ muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe và 55% nói rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý kết hợp du lịch hướng về thiên nhiên, khám phá văn hoá bản địa.

Trang Thông tấn xã Việt Nam, dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do nhiều người mắc các triệu chứng hậu COVID-19.

Khi tiếp thị và nhà cung ứng du lịch Việt Nam hướng tới “chữa lành”

Nắm bắt thị hiếu du khách Việt, nhiều kênh truyền thông, hãng lữ hành và cơ sở nghỉ dưỡng ở Việt Nam bắt tay vào các chiến dịch truyền thông, triển khai sản phẩm, trải nghiệm chữa lành cả trong nước và đi ra nước ngoài.

Hồi tháng 3/2022, Trung Nguyên Legend đã tổ chức “Hành trình trải nghiệm Lối Sống Tỉnh Thức” tại Thành Phố Cà Phê, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Gói trải nghiệm cung cấp các liệu pháp chữa lành Thân – Tâm – Trí qua các hoạt động bắn cung, cưỡi ngựa, tập yoga và ẩm thực. Thực đơn các bữa ăn được xây dựng theo chủ đề “Ăn Tỉnh Thức”, chọn lọc từ tinh hoa ẩm thực của 3 nền văn minh cà phê thế giới: Ottoman – Roman – Thiền và tạo tác theo nguyên lý ẩm thực Thực dưỡng – Chữa lành với việc sử dụng các sản vật của vùng đất Đắk Lắk.

Nguồn: Trung Nguyên Legend

Tạp chí du lịch Travellive có thâm niên 19 năm xuất bản, đã dành số đặc biệt trong tháng 7/2022 nói về xu hướng du lịch chữa lành (Wellness Retreat) và chuyến đi chữa lành (Wellness Tourism) trong các chuyên mục Feature, Lifestyle, Portrait, Hotel & Resort,… với thông điệp “Chữa lành là hành trình, không chỉ là điểm đến”.

Từ tháng 8 năm nay, hãng lữ hành Vietravel nổi tiếng đã tung ra gói sản phẩm chuyến đi chữa lành “Healing in Bhutan”, kết hợp trekking và hành thiền Bhutan - nơi có chỉ số phát thải khí CO₂ dưới 0 và được mệnh danh Đất nước hạnh phúc nhất Thế giới. Hành trình có giá khởi điểm từ 66 triệu đồng kéo dài trong 5 ngày.

Thậm chí, khu resort đẳng cấp Amanoi toạ lạc ở vùng biển của vịnh Vĩnh Hy, Bình Thuận cung cấp đến du khách gói khám phá thiên nhiên hùng vĩ với hàng loạt các cung đường trekking trong và ngoài khuôn viên khu nghỉ dưỡng. Hay “Hành trình đến an yên” diễn ra trong tháng 9 năm nay, diễn ra trong 6 đêm, đưa du khách cùng thiền sư Phật giáo và bậc thầy tâm linh Bon giáo Tây Tạng - Geshe La sẽ đưa khách khám phá chặng đường đầu tiên của hành trình: Hiểu thấu vô thường. Xây dựng dựa trên khái niệm Bardo - trạng thái giữa sinh diệt và tái sinh, Geshe La giúp người tham gia đạt đến trạng thái an yên, chánh niệm và viên mãn bằng cách thấu hiểu và chấp nhận sự thay đổi của vạn vật và cuộc sống.

Dự đoán thế hệ Z sẽ dẫn dắt xu hướng du lịch chữa lành!?

Nhiều chuyên gia nhận định, loại hình du lịch chữa lành mặc dù còn mới mẻ tại thị trường du lịch Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm, dịch vụ riêng biệt, đơn thuần. Tuy nhiên, tương lai gần đây sẽ là xu hướng chinh phục được đông đảo du khách Việt Nam và được dẫn dắt bởi thế hệ Z (sinh năm 1996 - 2012) - một thế hệ gắn liền với “sự lo âu” “áp lực đồng trang lứa”.

Nguồn: Ashley Batz on Unsplash

Bởi lẽ, chỉ có khoảng 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%) (số liệu từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 2021). Con số trên đã cho thấy Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất, các thành viên của nhóm này có nhiều khả năng tìm đến các liệu pháp tư vấn sức khỏe, du lịch, chữa lành thân – tâm - trí so với các thành viên của nhóm khác.

Tại Thái Lan, cũng là điểm đến thực hiện các tour trị liệu tâm lý, chữa lành có chất lượng ở khu vực châu Á. Ngành trị liệu tâm lý tại nước này còn có các dịch vụ chữa trị, du lịch cho người nghiện, bao gồm nghiện game, nghiện công việc, nghiện rượu... cho những người trẻ tuổi. Và mức giá một tour điều trị tại các resort hạng sang ở Thái Lan lên đến 16.000 đô la Mỹ / tháng.

Tài liệu tham khảo

  • Siying Ma, Xueyi Zhao, ,Yuyan Gong & Yana Wengel. (2021). Proposing “healing tourism” as a post-COVID-19 tourism product. Anatolia, 32(1), 136-139.
  • The Global Wellness Institute (GWI). (2021). The Global Wellness Economy: Looking Beyond COVID. Truy cập từ: https://globalwellnessinstitute.org/
  • Wellness Tourism Association (WTA). (2022). Living Well Together. Truy cập từ: https://wellnesstourismassociation.org/
  • American Psychological Association (APA). (2021). Generation Z and Mental Health. Truy cập từ: https://www.apa.org/
  • VOV. (2022). Du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe - một xu hướng sau dịch COVID-19. Truy cập từ: https://vov4.vov.gov.vn