Hiệu ứng Vượt ngưỡng: Sai lầm giết chết diễn giả khi thuyết trình

Theo một nghiên cứu cho thấy, chỉ có 2% số người trong khán phòng thực sự hứng thú lắng nghe bài thuyết trình. Đó là do người diễn giả mắc phải một sai lầm cơ bản giết chết phần trình bày.

Vượt ngưỡng - Sai lầm giết chết người thuyết trình

Hiệu ứng vượt ngưỡng là tình trạng xảy ra khi người nghe chịu một kích thích nào đó quá dài dẫn đến tâm lý phản kháng. Hiệu ứng này rất dễ xảy ra ở một bài thuyết trình nếu người nói không biết kiểm soát thời lượng dẫn đến việc vượt ngưỡng chịu đựng của người nghe. Một bài trình bày dù cho có hay đến đâu, có truyền cảm hứng đến đâu nhưng nếu quá dài cũng sẽ khiến cho khán giả cảm thấy ức chế. Nguyên nhân là do người thuyết trình thường mang tâm lý tham kiến thức và cố kéo dài lê thê bài nói dẫn đến tình trạng quá tải cho người nghe để rồi biến mình thành kẻ “nói dài, nói dai, nói dở”. Từ đó người nghe sẽ từ chối tiếp nhận tất cả thông tin trong bài thuyết trình, dẫu ban đầu có thể họ rất hứng thú với câu chuyện.

Nói quá nhiều dẫn đến bài thuyết trình dài dòng và gây mệt mỏi cho người nghe.

Nói bao lâu để không vượt ngưỡng?

TED Talks, một tổ chức mang tính truyền thông cộng đồng, chuyên xây dựng những bài diễn thuyết truyền cảm hứng, đã nghiên cứu và đưa ra khoảng thời gian vàng cho một bài thuyết trình là 18 phút. Đây là khoảng thời gian đẹp để truyền tải thông điệp và để người nghe đủ hứng thú với bài chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều diễn giả lại loay hoay với việc làm sao để thu gọn tất cả câu chuyện trong một hộp gói quà kéo dài 18 phút. Bởi họ thường quên mất một điều: ngưỡng nghe và tiếp nhận của khán giả là có giới hạn. Người nghe sẽ không đủ kiên nhẫn để cho lượng kiến thức lớn liên tục chạy vào não trong một thời gian dài.

Theo như ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc điều hành của Học viện kỹ năng VTALK: “Hát hay thì không bằng hay hát, nhưng nói hay thì tốt hơn nhiều hay nói”. Người nói hay là người biết nói vừa đủ, nói làm sao để khán giả ngồi lại với mình trong tâm thế thoải mái và sẵn sàng tiếp nhận những gì người thuyết trình truyền tải. Nói hay không đồng nghĩa với nói quá nhiều vì bài thuyết trình không phải là nơi để diễn giả phô trương lượng kiến thức uyên bác mình có, mà mục đích cốt lõi của nó là truyền cảm hứng cho người nghe, là những gì còn lắng đọng lại trong khán giả sau bài diễn thuyết để từ đó thúc đẩy họ hành động. “Quan trọng không phải là bạn muốn nói gì với khán giả - mà là bạn muốn để lại điều gì sau cùng cho họ" - Kelly Stoetzel, Giám đốc nội dung của bộ phận truyền thông tại TED Talks chia sẻ.

Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam - Founder & CEO Học viện Kỹ năng VTALK

Nói dài là cả một Nghệ thuật

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều bài thuyết trình kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ vẫn có thể thành công và tạo ra sức ảnh hưởng to lớn, chẳng hạn như bài giới thiệu Iphone trong suốt 80 phút vào năm 2007 của Steve Jobs hay Craig Federighi, Phó Chủ tịch cấp cao về Kỹ thuật phần mềm của Apple, người có thể giữ chân hơn 6000 người tham dự bài diễn thuyết trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ.

Bí quyết của họ là chỉ tập trung vào phần nội dung quan trọng nhất, cô đọng thành một bài nói hoàn chỉnh nhưng vẫn không làm mất đi ý nghĩa vốn có. Và để truyền tải lượng thông tin lớn với khán giả cần phải có nhiều kỹ thuật. Phong thái trình diễn, âm lượng nói, tông giọng cùng cách tương tác với người nghe là những yếu tố cần phải luyện tập để đưa phần nội dung đến với khán giả.

Trong suốt 80 phút, rất nhiều thông tin về chiếc Iphone đầu tiên được Steve Jobs đưa ra nhưng người nghe không hề cảm thấy bị ngợp bởi những thông số mang tính công nghệ thuần túy. Đơn giản vì Steve không cố kéo dài bài nói bằng cách giải thích cặn kẽ từng chỉ số để thể hiện sự hiểu biết. Ông đã biến chúng thành những câu chuyện và truyền tải nó theo cách dễ hiểu, gần gũi để khán giả không cảm thấy mệt mỏi khi phải nghe một nhà phát minh đang thao thao bất tuyệt trên sân khấu.

Khoảng nghỉ - Bí quyết cho một bài thuyết trình dài hơi

Theo nghiên cứu, con người chỉ có thể tập trung trong khoảng thời gian không quá 90 phút và sau đó cần khoảng 15 phút nghỉ ngơi để não có thể phục hồi và quay lại làm việc hiệu quả. Trong một bài thuyết trình cũng cần phải có những khoảng nghỉ vài phút xen kẽ để cả người nói và người nghe lấy lại năng lượng. Các khoảng nghỉ trong bài nói cũng giống như giờ ra chơi khi đi học. Nó cho phép khán giả có đủ thời gian để thả lỏng bộ não và tiếp tục theo dõi những gì sắp diễn ra.

Những khoảng nghỉ này thường được tạo bằng các hình ảnh gây tò mò hay các video với hiệu ứng, âm thanh hấp dẫn xen lẫn giữa bài nói. Khoảng nghỉ vài phút lúc này sẽ là thời gian vàng để lôi kéo các khán giả đang chán chường hay buồn ngủ tập trung hơn vào màn trình diễn, đồng thời nó cũng thể hiện sự khéo léo của người thuyết trình. Ví dụ như trong suốt hơn một giờ đứng trên sân khấu diễn thuyết trước 6000 người, Craig Federighi liên tục đưa ra các hình ảnh, video để thu hút sự chú ý của khán giả lắng nghe những thông tin ông truyền tải. Đó là bí quyết hàng đầu để ông có thể duy trì sự tập trung của người nghe trong một thời gian dài mà không gây ra sự nhàm chán.

Nội dung được đúc kết thành những điều tinh túy nhất cùng cách thuyết trình thú vị, tạo ra sự tương tác giữa người nói và người nghe kết hợp với những khoảng nghỉ hợp lý đan xen trong suốt bài diễn thuyết là cách để người thuyết trình có thể dẫn dắt và níu tai người nghe.

Nói dài chưa chắc sẽ biến người diễn thuyết trở nên tài giỏi trước mặt khán giả mà thậm chí còn dễ gây ra phản ứng ngược, giết chết phần trình bày đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Phải đủ tỉnh táo và khéo léo để bài thuyết trình không bị vượt ngưỡng tiếp nhận của người nghe, từ đó trở thành nhà truyền tải nội dung chuẩn xác và thú vị.